Thứ Sáu, 27 tháng 8, 2010

Thách thức với các CEO ngày càng phức tạp


Theo một cuộc khảo sát của IBM thực hiện gần đây với 1.500 tổng giám đốc điều hành từ 60 quốc gia thuộc 33 lĩnh vực ngành nghề trên toàn thế giới, các CEO đều cho rằng môi trường kinh doanh hiện nay có mức độ bất ổn cao và ngày càng trở nên phức tạp.


Và để có thể thành công trong bối cảnh hiện nay, DN cần phải có “tính sáng tạo” - điều này còn quan trọng hơn các nguyên tắc quản lý nghiêm khắc, tính toàn vẹn hay thậm chí là tầm nhìn lãnh đạo.

Các CEO cho biết họ đang phải đối mặt với những biến đổi rất lớn: các quy định mới của chính phủ, sự dịch chuyển của các cường quốc kinh tế toàn cầu, mức độ chuyển đổi của ngành ngày càng cao, khối lượng dữ liệu ngày càng lớn, các sở thích của khách hàng ngày càng thay đổi nhanh hơn. Trong đó, 60% CEO tin rằng các hoạt động chuyển đổi ngành là nhân tố hàng đầu góp phần làm gia tăng sự bất ổn và chỉ có 49% tin rằng các tổ chức của họ đã được chuẩn bị sẵn sàng để đối phó một cách thành công

Cũng theo các CEO, sự phức tạp gia tăng do nhiều nhân tố. Chẳng hạn, các CEO kỳ vọng doanh thu từ những nguồn mới sẽ tăng gấp đôi trong vòng 5 năm tới. 76% CEO tiên lượng trước về sự dịch chuyển của các cường quốc kinh tế sang các thị trường đang phát triển. Bên cạnh đó qua bốn lần nghiên cứu, tầm quan trọng của công nghệ đối với các tổ chức đã tăng từ vị trí thứ 6 lên vị trí thứ 2. Điều này chứng tỏ các CEO đã nhận thức được công nghệ và sự kết nối của các cơ sở hạ tầng đang góp phần gia tăng mức độ phức tạp mà họ đang phải đối mặt, và để có thể thành công, họ cần có thêm nhiều giải pháp dựa trên công nghệ hơn nữa.

Tuy nhiên, những bất ổn trên có thể dễ dàng vượt qua được nếu DN tăng cường “tính sáng tạo”. Bà Kathleen Ng, Giám đốc phụ trách phát triển Dịch vụ kinh doanh toàn cầu của IBM Việt Nam chia sẻ: "Chính việc thoát ra khỏi cuộc suy thoái kinh tế tồi tệ nhất trong lịch sử cũng như phải đối mặt với những thay đổi khác biệt mà các CEO đã xác định tính sáng tạo là năng lực lãnh đạo hàng đầu giúp doanh nghiệp thành công trong tương lai”.

"Khi ngẫm lại, chúng ta đều có thể nhận thấy, thách thức lớn nhất mà các doanh nghiệp phải đối mặt từ nay sẽ là mức độ phức tạp và tốc độ hoạt động của một thế giới được kết nối ngày càng cao. Điều này hoàn toàn trùng khớp với những phát hiện trong nghiên cứu của chúng tôi”, bà Kathleen Ng nhấn mạnh.

Các CEO toàn cầu hiện nay đều đang cố gắng phát triển mối quan hệ khách hàng của mình và coi đó là một mục tiêu chiến lược trong môi trường kinh doanh mới. Bằng sự thấu hiểu và khôn khéo, họ chú tâm hơn vào việc tìm hiểu những nhu cầu của khách hàng. 95% các tổ chức thành công có doanh thu và lợi nhuận cao thời gian qua đã xác định việc tạo mối quan hệ thân thiết với khách hàng, có thể là thông qua sử dụng trang web, các kênh tương tác và mạng xã hội là yêu cầu chiến lược quan trọng nhất của họ trong vòng 5 năm tới. Họ coi sự bùng nổ thông tin cũng như các luồng thông tin trên toàn cầu là cơ hội, chứ không phải nguy cơ. Ngay cả các CEO ASEAN cũng đã quan tâm hơn tới kỳ vọng của khách hàng trong việc ra mắt các sản phẩm, dịch vụ và các kênh phân phối mới. Đồng thời, họ nhận thấy sự cần thiết trong việc phát huy sự sáng tạo trong tổ chức của họ, đặc biệt là việc sử dụng sự sáng tạo trong các công việc giao dịch với khách hàng, đối tác và nhân viên.

Riêng tại ASEAN, trong khi các CEO tại khu vực châu Âu và Bắc Mỹ đều cho rằng hai yếu tố hàng đầu ảnh hưởng đến tổ chức của họ trong vòng 5 năm tới là sự chuyển dịch của ngành công nghiệp và sự bùng nổ thông tin, thì họ lại có quan điểm khác ở yếu tố năng lực. Thiếu năng lực được các CEO tại ASEAN, Ấn Độ và Brazil quan tâm hơn bởi tốc độ phát triển nhanh tại các thị trường này dẫn đến một sự cạnh tranh và thiếu hụt về nguồn nhân lực có kỹ năng. So với các CEO toàn cầu, các CEO ASEAN cũng chú trọng hơn tới sự phát triển bền vững và coi đó là phẩm chất lãnh đạo quan trọng thứ hai. Điều đó giải thích lý do tại sao các CEO ASEAN có quan ngại về vấn đề môi trường và xã hội. Các CEO ASEAN rất mong muốn được sử dụng nguồn nhân lực một cách tối ưu nhất, và qua đó có thể phát triển một môi trường ổn định hơn./.

Thứ Năm, 26 tháng 8, 2010

CEO phải là “người truyền lửa”


CEO là theo nghĩa đen là Chief Executive Official (Giám đốc điều hành), nhưng trên hết, họ phải là Chief Energy Official (Người truyền năng lượng)

Tony Schwartz là Chủ tịch The Energy Project. Ông là tác giả của bài viết trên HBR tháng 6/2010 "The Productivity Paradox: How Sony Pictures Gets More Out of People by Demanding Less", và là đồng tác giả với Catherine McCarthy, trong bài viết 2007 trên HBR "Manage Your Energy, Not Your Time." Tony cũng là tác giả của cuốn sách mới "The Way We're Working Isn't Working: The Four Forgotten Needs that Energize Great Performance".

Các công việc cơ bản nhất của một lãnh đạo đó là tuyển dụng, huy động, truyền cảm hứng, tập trung, trực tiếp, và thường xuyên tiếp năng lượng cho nhân viên của mình.

Suy cho cùng, năng lượng là sự lan tỏa từ người này sang người khác - đặc biệt khi bạn là lãnh đạo, bởi sự khác biệt của bạn về vị trí và quyền lực so với những người khác. Cách thể hiện cảm xúc của bạn tại một thời điểm nào đó sẽ ảnh hưởng tới cách thể hiện cảm xúc của những người làm việc cho bạn. Họ cảm thấy thế nào, lần lượt, ảnh hưởng sâu sắc đến công việc. Trách nhiệm của một lãnh đạo không phải là làm hộ công việc của nhân viên, mà là bằng cách nào đó tiếp năng lượng cho họ để họ có thể làm đúng năng lực của mình.

Hãy nghĩ tới những ông chủ tốt nhất mà bạn từng làm việc. Từ nào đến với bạn khi miêu tả ông ta? Tôi và các đồng nghiệp đã đặt câu hỏi này cho hàng nghìn người trong thập kỷ trước, và dưới đây là mười câu trả lời thường gặp nhất:

  • Sự khuyến khích
  • Truyền cảm hứng
  • Tốt bụng
  • Quả quyết
  • Bình tĩnh
  • Hỗ trợ
  • Công bằng
  • Kiên quyết
  • Sáng suốt
  • Nhìn xa trông rộng

Chỉ ba trong số những điều trên là liên quan tới trí tuệ. Trong khi hai phần ba liên quan đến vấn đề tình cảm - và tất cả đều là tích cực. Không ai trong số những người được hỏi nói rằng: "Điều tôi thích từ ông chủ của mình là sự giận dữ của ông ta. Nó cho tôi thấy sự quan tâm của ông ta". Những cảm xúc tiêu cực có thể có tác dụng tức thời, nhưng chúng không đem lại cảm hứng trong một thời gian dài. Ngay cả chỉ với một lượng nhỏ, năng lượng tiêu cực cũng có thể gây ảnh hưởng lớn tới con người.

Trong một cuộc nghiên cứu, những công nhân cảm thấy bị ông chủ chỉ trích một cách không công bằng hay cảm thấy ông chủ không lắng nghe họ có tỉ lệ bệnh mạch vành cao hơn 30% so với những người cảm thấy được ông chủ đối xử công bằng và quan tâm tới phúc lợi của họ.


Bù lại sự xuất hiện thường xuyên của năng lượng tích cực có thể biến đổi nơi làm việc trong một thời gian ngắn. Trong một bản đánh giá toàn diện của hai nhà nghiên cứu Bruce và Fred Avolio Luthans về hơn 200 nghiên cứu về lãnh đạo, chỉ có một đặc tính mà các nhà lãnh đạo thường xuyên có tác động tích cực đến nhân viên của mình. Đó là khả năng nhận ra tiềm năng mà người lao động khi họ vẫn chưa hoàn toàn nhìn thấy trong bản thân mình.

Nói theo cách khác, các nhà lãnh đạo tốt sử dụng năng lượng tích cực của mình để thúc đẩy niềm tin của các nhân viên, đồng thời truyền sự lạc quan và kiên trì mỗi khi phải đối mặt với căng thẳng và thất bại. Niềm tin vào lãnh đạo cũng giống như say vậy.

Tôi nhớ cảm giác lúc còn là một phóng viên trẻ của tờ New York Times. Khi đó Arthur Gelb, tổng biên tập, đến bên cạnh và giao một nhiệm vụ mà tôi không dám chắc có thể làm được. Nhưng ông luôn đem đến cho tôi cảm giác rằng tôi là người duy nhất trên thế giới có thể hoàn thành nó.

Tôi thấy điều đó ở Steve Ross, khi đó là chủ tịch của Warner Communications (và sau này là Time - Warner), người khi tiếp xúc sẽ khiến bạn cảm thấy mình là người thông minh nhất và hấp dẫn nhất trên thế giới.

Tôi thấy điều đó ở Amy Pascal, đồng chủ tịch của Sony Pictures, luôn ấm áp và nhiệt tình khi làm việc cùng ai đó, nhân viên đã đưa ra cụm từ "con người trong ánh sáng" để mô tả đầy đủ sự quan tâm của bà.

Tôi thấy nó điều đó ở Alan Mulally, CEO của Ford, người luôn bước vào phòng với tâm trạng phấn khởi, tự tin và tinh thần cao, và gần như là không thể không bị lôi kéo.

Lãnh đạo không chỉ là những hành động được đưa ra, mà còn là cảm giác tạo ra cho chúng ta. Sẽ không sai khi nói rằng hầu hết các lãnh đạo đều đang tìm kiếm điều này nhưng có một cách khá đơn giản đó là công nhận và đánh giá cao nỗ lực từ những đóng góp của người khác.

Thứ Hai, 23 tháng 8, 2010

Nguyễn Hồ Nam lạc quan về thị trường vốn


“Quy mô tăng trưởng của thị trường vốn tại Việt Nam sẽ là tất yếu và rất mạnh mẽ, bắt đầu từ năm nay”, đó là nhận định của ông Nguyễn Hồ Nam - SBS - về thị trường vốn trong nước.


Đi học sớm nên mới 20 tuổi, năm 1998, Nguyễn Hồ Nam đã tốt nghiệp ngành Tài chính Ngân hàng, Đại học Kinh tế TP.HCM và bắt đầu khởi nghiệp với hoài bão sẽ trở thành một quản lý giỏi chứ không phải là một nhân viên giỏi. Thời điểm đó, Công ty Unilever tổ chức thi tuyển đào tạo những nhà quản lý trẻ từ các tân cử nhân tốt nghiệp hạng giỏi. Nguyễn Hồ Nam đã tham gia và trải qua 6 kỳ sát hạch của Unilever Việt Nam để lọt vào nhóm 13 người được giữ lại đào tạo tiếp tại Công ty. Sau 2 năm, anh đã lên chức Phó Trưởng phòng Kế toán, Trưởng phòng Tài chính rồi Trưởng phòng Kế toán quản trị của Unilever Việt Nam.


Đặc biệt, sau khi nhận được học bổng của Chính phủ Úc tiếp tục học lên cao học tại Đại học Monash, ông lại được Unilever đề cử làm Trưởng Bộ phận dự án tài chính của Tập đoàn tại xứ sở kangaroo. Tuy nhiên, sau gần 10 năm gắn bó với thương hiệu Unilever, năm 2006, khi đã lấy bằng thạc sĩ Tài chính Ngân hàng, ông trở về nước đầu quân cho Sacombank. Hiện nay, Nguyễn Hồ Nam là Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Chứng khoán Sacombank (SBS). Ông đã chia sẻ với NCĐT về kinh nghiệm quản lý, thành công của một nhà quản trị kinh doanh.


Từ một Tổng Giám đốc lên làm Chủ tịch Công ty, ông có chia sẻ gì sau hơn nửa năm đảm nhận vị trí này?


Khác nhau nhiều lắm, chủ yếu là tầm vóc của Công ty. Trước đây, quy mô của SBS tương đối nhỏ, nên vai trò của Tổng Giám đốc là vừa điều hành vừa quản trị. Khởi đầu với 30 nhân viên và tổng tài sản chỉ 500 tỉ đồng, đến nay, sau gần 4 năm, chúng tôi đã có 350 nhân viên và tổng tài sản trên 8.000 tỉ đồng. Chúng tôi cũng đã mở rộng hoạt động ra các tỉnh thành và các quốc gia lân cận.
Điều này đã buộc chúng tôi phải tái cấu trúc bộ máy quản trị để hoạt động chuyên nghiệp hơn. Chẳng hạn, hiện nay, bộ máy quản trị của SBS được chia thành 3 bộ phận lớn: quản trị, điều hành và kiểm soát. Hội đồng Quản trị chịu trách nhiệm về định hướng phát triển, chiến lược kinh doanh và đưa ra các quyết sách lớn của Công ty. Ban này gồm có tôi, 2 phó chủ tịch và 2 ủy viên. Tôi chịu trách nhiệm đối với các ủy ban chiến lược phát triển nhân sự cấp cao, vốn, công nghệ, tái cấu trúc, thi đua cao cấp và đầu tư của Công ty. Ban Kiểm soát hoạt động thường trực, kiểm soát tính rủi ro, đảm bảo tính tuân thủ trong hoạt động của Công ty. Còn Ban điều hành, đứng đầu là Tổng Giám đốc, phải triển khai và vận hành các quyết sách do Ban quản trị đưa ra một cách tối ưu nhất.
Như vậy, so với trước đây, quyền lực tập trung vào Tổng Giám đốc, cần có một người thật sự giỏi để điều hành và ra quyết định thì hiện nay, vai trò này đã nhẹ gánh hơn, nhưng lại phải chịu nhiều áp lực từ hệ thống để triển khai các hoạt động kinh doanh một cách chuyên nghiệp hơn.
Năm 2009, lợi nhuận sau thuế của SBS là 254 tỉ đồng, kế hoạch năm nay là 400 tỉ đồng và 2011 là 550 tỉ đồng. Là một Chủ tịch, cùng với Ban quản trị, tôi phải tham gia đưa ra quyết sách trong ngắn hạn và dài hạn, giải quyết nhiều vấn đề mang tính quyết định sự sống còn của Công ty hơn nên chắc chắn sẽ áp lực và mệt hơn.


Thông tin ông đã rời Unilever Việt Nam và đầu quân vào Sacombank với mức lương chỉ bằng 1/3 so với Unilever, thực hư thế nào?


Có hai lý do để tôi rời Unilever. Thứ nhất là kinh tế gia đình của tôi không khó khăn. Tôi không bị áp lực phải kiếm nhiều tiền bằng mọi cách. Thứ hai, khi tôi về nước, công việc ở Unilever vẫn như cũ. Đặc biệt, họ thay đổi chiến lược, các công ty của Tập đoàn tại các nước có thể hoạt động nhưng theo khung vận hành của toàn cầu, nên tính đột biến sáng tạo bị hạn chế. Và rồi tôi quyết định tìm cơ hội ở một doanh nghiệp khác.


Tôi đã tham gia phỏng vấn và được 3 công ty liên quan đến tài chính chấp nhận. Lúc đầu, tôi dự định chọn một công ty quản lý quỹ lớn. Một cán bộ cấp cao của công ty này, người phỏng vấn tôi, đã đưa ra đề nghị sẽ giao cho tôi một quỹ khoảng 50-100 triệu USD làm dự án về hệ thống bán lẻ và phát triển thành một thương hiệu hàng đầu ở Việt Nam trong vòng 5-10 năm. Mức lương của họ đưa ra khá tốt. Tôi thấy rất hấp dẫn và thú vị.

Tuy nhiên, trước 2 ngày nhận việc ở công ty quản lý quỹ này, tình cờ tôi gặp người bạn cũ làm việc tại phòng kế hoạch Sacombank (hiện nay là một trưởng phòng của SBS), cho tôi thông tin là Sacombank đang có ý tưởng thành lập công ty chứng khoán. Từ đó, định hướng nghề nghiệp của tôi đã rẽ sang trang mới. Tôi chọn Sacombank bởi tôi thấy ở đó có sự thách thức, cơ hội sáng tạo cũng nhiều hơn. Còn tiền bạc sẽ là cái đến sau nếu tôi thành công ở bước đầu. Và thực tế đã chứng minh là tôi đúng.

Như vậy, ông gia nhập vào Sacombank là để thỏa mãn hoài bão của tuổi trẻ?

Tuổi trẻ thường lắm hoài bão và đầy nhiệt huyết, vì thế nơi nào tạo điều kiện cho sự sáng tạo và công nhận sự sáng tạo đột phá của họ thì họ sẽ lựa chọn. Những năm tháng làm việc cho một công ty đa quốc gia như Unilever đã cho tôi nhiều bài học quản trị quý giá. Tôi học được ở đó tinh thần làm việc thép, chuyên nghiệp và chịu trách nhiệm cao.

Tuy nhiên, ở đó tôi chỉ là một mắt xích trong một guồng máy đã ổn định. Còn đối với SBS, tôi có thể tạo ra một hệ thống mới và vận hành nó theo cách tốt nhất. SBS không chỉ là nơi thực hiện hoài bão mà còn là nơi giúp tôi biến những đam mê của tuổi trẻ thành hiện thực.

Chứng khoán không phải chuyên ngành ông được đào tạo. Ông có ý định mở một quỹ đầu tư tài chính cho ngành bán lẻ, đúng với ngành ông từng có kinh nghiệm?

Tôi sẽ trả lời theo quan điểm chọn nhân sự vào các vị trí quản lý. Tôi đã may mắn khi mời được những người xuất sắc từ các ngành nghề khác nhau về hợp tác với SBS. Những nhân sự tài năng trong Công ty phần lớn không đến từ ngành chứng khoán mà là các nhân sự kiệt xuất của ngành ngân hàng, bảo hiểm, dịch vụ...

Chẳng hạn, để chọn người làm môi giới chứng khoán, tôi không ưu tiên tuyển người quản lý môi giới của một công ty chứng khoán mà sẽ là nhà quản lý giỏi nhất trong ngành dịch vụ hoặc ngành hàng tiêu dùng. Cách này tôi ảnh hưởng của Unilever. Những nhân sự này hứa hẹn sẽ tạo ra những đột phá vượt qua các chuẩn mực hiện tại của ngành để giúp doanh nghiệp bạn “nhảy cóc” tốt nhất.


Như vậy, theo nhà báo, có nhất thiết chúng ta phải chọn làm việc trong những ngành dựa theo kinh nghiệm, hay theo đam mê, nhiệt huyết và hoài bão của mình?

Cổ phiếu chứng khoán thường không được đánh giá cao. Ông có dự báo nào cho tương lai cổ phiếu SBS từ nay đến cuối năm?

Theo tôi, một nền kinh tế phát triển bền vững và ổn định phải dựa trên hai thị trường chính là thị trường tiền tệ và thị trường vốn.

Ở Việt Nam, khi thị trường chứng khoán ra đời, chúng ta đã được chứng kiến quá trình tăng trưởng nhanh chóng và đột biến của các doanh nghiệp lớn như REE, Sacombank, ACB, Eximbank… thông qua việc tiếp cận thị trường vốn để tăng nhanh năng lực vốn của mình, nắm bắt các cơ hội mở rộng đầu tư kinh doanh. Do đó, về mặt quản lý vĩ mô lẫn quy luật phát triển, sự phát triển mạnh mẽ của thị trường vốn Việt Nam trong thời gian tới là điều hoàn toàn có thể thấy trước.
Hơn nữa, thị trường vốn của ta hiện nay còn non trẻ, xuất phát điểm còn thấp, quy mô thị trường còn khiêm tốn (vốn hóa thị trường vào khoảng 37% GDP). Số lượng các nhà đầu tư tham gia thị trường này còn rất thấp, mới chỉ khoảng 1%. Sản phẩm của thị trường còn thô sơ. Do đó, dư địa để thị trường chứng khoán Việt Nam tăng trưởng là rất lớn.

Tôi tin rằng, quy mô thị trường chứng khoán Việt Nam có thể tăng gấp 2-3 lần trong 2 năm tới. Do đó, cổ phiếu của các công ty chứng khoán hàng đầu đáng được đưa vào danh mục đầu tư trong giai đoạn hiện nay, vì các khoản đầu tư này hứa hẹn một tỉ suất sinh lời hấp dẫn trong dài hạn.

Đỗ Văn Trắc và chiến lược “Cáp+”


Không chỉ tập trung vào mỗi lĩnh vực cáp viễn thông, Tổng Giám đốc Sacom đang hướng Công ty sang hoạt động đa ngành với tham vọng đưa Sacom trở lại vị trí blue-chip như thời hoàng kim.
Là 1 trong 5 thành viên chủ chốt được Bộ Bưu chính Viễn thông bổ nhiệm về tiếp quản Công ty Cáp và Vật liệu Viễn thông (Sacom) đang trên bờ vực phá sản (năm 1993), Đỗ Văn Trắc đã cùng các cộng sự đưa Sacom vượt qua khó khăn và vươn lên trở thành doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực cáp viễn thông. Thế nhưng, sự bùng nổ của ngành viễn thông, đặc biệt là điện thoại di động, đã khiến Sacom, vốn mạnh trong lĩnh vực sản xuất cáp đồng, mất dần ưu thế. Cổ phiếu của Sacom đã không còn là blue-chip. Không chịu dừng bước, Đỗ Văn Trắc đang thực hiện những thay đổi trong chiến lược để tìm lại vị thế cho cổ phiếu của Sacom.

Ông có thể cho biết nhờ đâu một doanh nghiệp đang bên bờ vực phá sản, nợ gần 865 triệu đồng vào năm 1992 lại có thể trở thành công ty hàng đầu trong lĩnh vực cáp viễn thông?

Thứ nhất là phải có tầm nhìn và biết nắm bắt cơ hội. Năm 1994, Mỹ vừa bình thường hóa quan hệ với Việt Nam. Hơn nữa, chúng tôi cũng dự đoán sẽ có một làn sóng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Nếu họ vào thì một trong những yếu tố đầu tiên họ cần chính là viễn thông. Thứ hai là quyết định nhanh vấn đề đầu tư.
Ngoài ra, xác định bán hàng là vấn đề tiên quyết, chúng tôi đã bán bằng hình thức khoán doanh thu, hưởng theo năng lực chứ không theo bảng lương như các doanh nghiệp nhà nước lúc đó. Năm 1999, mức lương trung bình của nhân viên toàn Công ty đã vào khoảng 5 triệu đồng.

Vì sao Sacom quyết định cổ phần hóa rất sớm (năm 2000)?

Năm 1992, Công ty đứng bên bờ vực phá sản. Bộ Bưu chính Viễn thông quyết định giải tán bộ máy điều hành cũ. Năm 1993, tôi cùng 4 anh em khác chính thức về tiếp quản Sacom. Lúc đó, nhà máy Sacom (Đồng Nai) là một khu vực hoang tàn, cỏ mọc um tùm. Để tiếp tục phát triển, chúng tôi vay 500.000 USD (hơn 9,4 tỉ đồng) của Tổng Cục Bưu điện Viễn thông nhập công nghệ mới từ Úc để sản xuất cáp đồng viễn thông. Sau đó, chúng tôi tiếp tục nhận vốn từ Tổng cục Viễn thông và vay thêm để mua nguyên vật liệu sản xuất. Cuối năm 1993, Công ty đã trả hết nợ và đến năm 1996 thì có lãi.
Tuy nhiên, do ít vốn và hoạt động hầu như dưới quyền kiểm soát của Tổng Công ty Bưu chính Viễn thông (VNPT) nên Công ty không thể vay thêm tiền để mở rộng quy mô. Vì thế, chúng tôi đã nghĩ đến việc cổ phần hóa. Thế nhưng, phải sau 2 năm chúng tôi mới bán được hết cổ phần. Sau khi có vốn, chúng tôi tiếp tục nhập một dây chuyền hiện đại từ Thụy Sĩ để sản xuất cáp. Đến năm 2000, Sacom đã có 70% thị phần cáp đồng tại Việt Nam.

Có nghĩa ông cho rằng quyết định cổ phần hóa sớm là hoàn toàn đúng đắn?

Cổ phần hóa và niêm yết sớm cũng có mặt trái của nó. Trước khi Sacom cổ phần hóa, Việt Nam chỉ có khoảng 5 doanh nghiệp sản xuất cáp đồng. Nhưng sau khi lên sàn vào năm 2000, Công ty phải báo cáo các thông tin minh bạch về tài chính, vô tình các bí mật kinh doanh đều bị tiết lộ. Nhiều doanh nghiệp thấy được tiềm năng của lĩnh vực này nên dù chưa biết gì về cáp cũng nhảy vào. Đến năm 2006, cả nước có khoảng 25 doanh nghiệp sản xuất cáp đồng.
Năm 2007, khi nhu cầu cáp đồng đi xuống, Sacom cũng nhanh chóng chuyển hướng sang lĩnh vực cáp quang. Hiện nay, tại Việt Nam, Công ty đã chiếm trên 50% thị trường cáp quang.

Sự chuyển hướng sang cáp quang của Sacom dường như là trong thế bị động?

Đúng là sự chuyển hướng này nằm ngoài dự kiến của chúng tôi. Chúng tôi từng đi nghiên cứu thị trường ở nhiều quốc gia phát triển và cũng dự đoán cáp đồng sẽ giảm, cáp quang sẽ thay thế. Tuy nhiên, sự phát triển của Việt Nam là quá nhanh. Chính sách của VNPT cũng thế. Năm 2006, VNPT đưa ra chiến lược phát triển các nhà máy cáp đồng ở các địa phương để đáp ứng chính sách mới của Nhà nước là nâng số lượng điện thoại lên 100 máy trên 1.000 dân. Tuy nhiên, năm 2007, sự bùng nổ của điện thoại di động đã làm kế hoạch này bị phá sản hoàn toàn. VNPT đã chỉ đạo ngưng ngay chiến lược phát triển cáp đồng.

Công ty chuyển sang kinh doanh đa ngành phải chăng do lợi nhuận trong lĩnh vực vật liệu viễn thông không còn cao?

Thực ra lợi nhuận trong ngành cáp vẫn cao. Tuy nhiên, do cạnh tranh gay gắt và do xu hướng chung của viễn thông toàn cầu là thiết bị cáp quang và vệ tinh nên điện thoại cố định sẽ giảm dần. Ngày nay, điện thoại cố định sắp đi đến ngưỡng bão hòa, nếu tiếp tục đi theo con đường đó thì chẳng khác nào đi vào ngõ cụt. Vì thế, ngay lúc mình đang ở đỉnh cao thì phải tìm hướng đi mới, phải phát triển đa ngành. Trên thế giới có rất nhiều tập đoàn xuất phát từ hoạt động dây và cáp như LG (Hàn Quốc), Taihan (Hàn Quốc), Nokia (Phần Lan)… đều mở rộng hoạt động sang các lĩnh vực khác và rất thành công.

Bất động sản đang khá trầm lắng, vậy mà Sacom lại chuyển hướng sang lĩnh vực này. Liệu có rủi ro?

Lĩnh vực nào cũng có rủi ro, nhưng kinh doanh mà ngại rủi ro thì sẽ đánh mất cơ hội. Với kinh nghiệm phát triển doanh nghiệp, theo tôi, khi có tiền nhàn rỗi nếu chưa thể đầu tư vào ngành nào tốt hơn ngành truyền thống thì nên đầu tư vào bất động sản. Những dự án bất động sản có thể chưa có lời ngay, nhưng trong dài hạn nó luôn đem lại lợi nhuận. Hiện nay, chúng tôi đang có tiền, nếu không đầu tư thì không còn cơ hội để lựa chọn các khu đất tốt. Ngoài ra, tiền đầu tư vào bất động sản của Sacom chủ yếu được dùng từ nguồn vốn thặng dư nên rủi ro sẽ không cao. Đến nay, Sacom vẫn không nợ ngân hàng trong lĩnh vực bất động sản.

Nhưng việc quản lý bất động sản so với ngành sản xuất cáp rất khác nhau?

Nếu biết cách tổ chức thì sẽ làm được, vì kinh nghiệm của thế giới rất nhiều. Nhiều nhà đầu tư bảo tôi đi tay ngang, nhưng thực tế chúng tôi đã làm rất chuyên nghiệp. Vấn đề là ở tầm nhìn, chiến lược và thu hút được nhân tài. Để hoạt động trong lĩnh vực bất động sản tôi đã thành lập Công ty SamLand. Để quản lý dự án sân golf, chúng tôi thuê một nhà quản lý người Scotland. Với dự án resort, khách sạn của Sacom ở hồ Tuyền Lâm (Đà Lạt), chúng tôi thuê công ty quản lý khách sạn hàng đầu thế giới là Swiss BelHotel (Thụy Sĩ) quản lý.

Không chỉ thế, Sacom còn đầu tư vào tài chính. Phải chăng Công ty đang... dư tiền?

Việc đầu tư tài chính của Sacom cũng xuất phát từ sự thặng dư vốn trong lúc chưa đầu tư hết. Các khoản đầu tư tài chính của Sacom chủ yếu tập trung vào các doanh nghiệp lớn và hoạt động kinh doanh tốt như Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn, Hòa Phát, Công ty Tài chính Chứng khoán Phố Wall... Năm ngoái, lợi nhuận từ đầu tư tài chính đóng góp tới gần 70% lợi nhuận của toàn Sacom.

Là 1 trong 2 doanh nghiệp đầu tiên cổ phần hóa và từng là một trong những cổ phiếu blue-chip, nhưng hiện nay giá cổ phiếu của Sacom xuống khá thấp?

Lúc trước, có ít doanh nghiệp cổ phần hóa thì cổ phiếu mình cao. Còn hiện nay, trên sàn chứng khoán đã có hàng trăm doanh nghiệp và nhiều doanh nghiệp có vốn hóa lớn, hấp dẫn hơn thì cổ phiếu Sacom đã bị đẩy ra. Có một nguyên nhân khác nữa: Lĩnh vực chính của Sacom là cáp vật liệu viễn thông, trước đây lúc lĩnh vực này phát triển tốt thì cổ phiếu Sacom là blue-chip, nhưng nay lợi nhuận ít đi nên sức hút cũng kém.
Hiện nay, chúng tôi tập trung quảng bá thương hiệu, chuyển hướng chiến lược đầu tư. Sacom sẽ là doanh nghiệp đa ngành với lĩnh vực hoạt động là sản xuất cáp, đầu tư bất động sản và tài chính. Tôi tin rằng khi những lĩnh vực này hoạt động ổn định, Sacom sẽ trở lại thành một công ty hàng đầu trên thị trường chứng khoán.

Kết quả kinh doanh của Công ty trong 6 tháng đầu năm có vẻ không khả quan lắm?

Trong năm 2010, Sacom dự kiến đạt doanh thu là 1.300 tỉ đồng, lợi nhuận 282 tỉ đồng, chia cổ tức 20%. Trong 6 tháng đầu năm, Công ty chỉ mới đạt 102 tỉ đồng. Tuy nhiên, theo tôi, 6 tháng cuối năm thường khả quan hơn nên kế hoạch cả năm chắc sẽ đạt được.

Ông nhận định thế nào về thị trường chứng khoán Việt Nam sau 10 năm?

Thị trường chứng khoán từ 10 năm qua rõ ràng là đã phát triển rất tốt, từ 2 doanh nghiệp đầu tiên là Sacom và Công ty Cổ phần Cơ Điện lạnh REE đến nay đã có gần 600 doanh nghiệp. Ban đầu, giao dịch cũng chỉ có vài chục triệu đồng/ngày, đến nay đã lên đến hàng ngàn tỉ đồng/ngày. Tài khoản thì đã có gần 1 triệu. Việc thanh toán giao dịch cũng chưa xảy ra sự cố nào lớn.
Hiện nay, trên sàn chứng khoán Việt Nam vẫn chưa có mặt các doanh nghiệp lớn nên thị trường này chưa được xem là hàn thử biểu của nền kinh tế. Tuy nhiên, theo tôi, không thể so sánh một thị trường chứng khoán phát triển 10 năm với thị trường 100 năm hay 200 năm.

Sự thay đổi vai trò từ Chủ tịch Hội đồng Quản trị sang làm Tổng Giám đốc có ảnh hưởng gì đến những kế hoạch mà ông đã thiết lập trước đây?

Tôi làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị là do được VNPT bổ nhiệm làm đại diện vốn nhà nước. Ở Sacom, vốn nhà nước chiếm khoảng 35%. Tuy nhiên, do tôi tham gia làm chủ tịch ở nhiều doanh nghiệp và sức khỏe không tốt, tôi xin không làm đại diện vốn nhà nước nữa nên cũng ngưng làm chủ tịch luôn. Tuy nhiên, sự thay đổi này không có ảnh hưởng gì lớn đến Sacom cũng như bản thân tôi.

Vậy ai sẽ là người quyết định cuối cùng đối với chiến lược phát triển của Công ty?

Trong đội ngũ điều hành tôi vẫn là người lập chiến lược, khởi xướng ý tưởng và trình Đại hội Cổ đông quyết định bằng phiếu và biểu quyết bằng đối vốn. Ở Hội đồng Quản trị, Chủ tịch chỉ là đối nhân. Chủ tịch cũng chỉ là 1 phiếu, vẫn còn 6 lá phiếu khác nữa. Do vậy, nếu 6 lá phiếu kia đồng ý thì Chủ tịch cũng phải tuân theo.
Ceovn.com