Vào đầu tháng 12 năm 2005, có hai sự kiện thu hút nhiều sự chú ý của báo giới trong TP.HCM.
Sự kiện thứ nhất là một lễ khai trương hoành tráng, nhưng đậm nét dân tộc với màn múa lân và sự tái hiện lại cảnh làng quê truyền thống Việt Nam bên trong và ngoài phòng tiệc, của một công ty bảo hiểm nhân thọ Mỹ.
Sự kiện thứ hai diễn sau đó ngót một tuần là cuộc hội ngộ của hơn 100 nhà đầu tư lớn từ khắp nơi, trong đó có EU, Mỹ và Nhật.
Nhân vật chính trong hai sự kiện đó là hai Việt Kiều. Một người là Tổng Giám đốc ACE Life Vietnam thuộc Tập đoàn Bảo hiểm ACE INA. Người kia là Tổng Giám đốc của Vinacapital, Công ty Quản lý Quỹ Vietnam Opportunity Fund niêm yết tại Thị trường Chứng khoán Luân Đôn.
Không hiểu là có sự “sắp xếp” của Tạo hoá hay không mà giữa họ có những điểm chung khá đặc biệt.
Hai người cùng họ Lâm. Cha họ đều là người gốc Hoa, đều cùng gia đình rời Sài Gòn ra đi vào cuối những năm 70 đầy “nhạy cảm”.
Sau thời gian vượt qua bao khó khăn để học thành tài bên xứ người, họ đều được nhận vào làm ở những hãng quốc tế lớn, đều trở về Việt Nam với tâm nguyện thúc đẩy sự ra đời và mở rộng hoạt động của những hãng này tại Việt Nam.
Và trụ sở công ty của họ đều nằm ở Toà nhà Sun War Tower , 115 Nguyễn Huệ, Quận Nhất, Thành phố Hồ Chí Minh.
"Mr. Wall Street của Việt Nam"
“Khi qua nước ngoài vận động thêm vốn cho Quỹ Đầu tư VOF, tôi mới ngã ngửa ra rằng đa số các nhà đầu tư nước ngoài chỉ nghĩ Việt Nam là một nước nuôi trồng thuỷ sản, có lẽ là qua các vụ kiện tôm và catfish mà báo chí đưa tin ầm ĩ”.
Lâm Đôn giải thích lý do anh quyết tâm tổ chức một hội nghị các nhà đầu tư để giới thiệu cơ hội ở Việt Nam như vậy.
Để mời được đại diện của hơn 100 định chế tài chính, trong đó có những “đại gia” như Sandberg Steeman SA, BankPension, Bank Julius Baer, hay Petercam SA…, Lâm Đôn đã phải tới gặp và thuyết phục một con số gấp đôi như vậy.
Trong suốt 6 tháng trời chuẩn bị, Lâm Đôn đã phải thực hiện 3 chuyến đi vận động, mỗi chuyến kéo dài chừng 3 tuần. Hơn 20 cuộc hội thảo nhỏ với các nhà đầu tư đã được tổ chức, đó là chưa kể đến hàng loạt các cuộc gặp gỡ riêng lẻ.
Số lượng tham dự hội nghị các nhà đầu tư cao như vậy cũng nhờ vào khả thuyết phục được coi là điểm mạnh của người cựu cử nhân về thương mại và chính trị học của Trường Đại học Toronto này.
Lâm Đôn được coi là speaker tại các cuộc hội thảo về đầu tư, và được Tạp chí Fortune coi là Mr. Wall Street của Việt Nam .
Theo Lâm Đôn, Việt Nam không thua bất cứ nước nào trong việc thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), nhưng lại chưa chú tâm vào thu hút đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII), chỉ chiếm khoảng 3,7% so với vốn FDI, trong khi đó Trung Quốc, Malaysia hay Thái Lan tỷ lệ này chiếm tới 30-40%.
“Chính vốn FII sẽ giúp cho doanh nghiệp Việt Nam nâng cao được qui mô và năng lực cạnh tranh, giúp Việt Nam tạo ra những doanh nghiệp lớn của riêng mình, nhất là dưới sức ép mở cửa thị trường theo cam kết hội nhập”, Lâm Đôn lưu ý.
“Theo ước tính của tôi, các định chế này hiện đang nắm giữ một lượng vốn khoảng 100 tỷ USD. Chỉ cần họ đồng ý bỏ 1% trong số đó vào Việt Nam là chúng ta có 1 tỷ rồi”, Lâm Đôn nhận xét.
Những cơ hội đầu tư mở ra ở Việt Nam trong những năm gần đây mà Lâm Đôn muốn giới thiệu với các nhà đầu tư cũng chính là nguyên nhân chính khiến anh rời bỏ Công ty Kiểm toán PricewaterhouseCoopers(PwC) Vietnam vào cuối năm 2003, sau khi giúp nó phát triển thành một hãng kiểm toán lớn ở Việt Nam.
Lâm Đôn được cử về làm trưởng đại diện của PwC tại Việt Nam năm 1994, và công ty PwC Vietnam được thành lập một năm sau đó.
Trước khi rời khỏi PwC Vietnam, anh giữ cương vị Phó Tổng Giám đốc, bởi lúc đó PwC Vietnam đã trở thành một hãng kiểm toán mạnh với mấy trăm kiểm toán viên và Tổng hãng bên Canada phải cử một Tổng Giám đốc người nước ngoài về phụ trách cả thị trường Đông dương.
Từ khi tham gia thành lập Công ty Vinacapital vào cuối năm 2003 để quản lý phần vốn đầu tư của VOF, Lâm Đôn cùng các cộng sự đã kịp đưa quỹ này trở thành quỹ đầu tư hiệu quả nhất Việt Nam năm 2004 (theo Nghiên cứu của tổ chức LCF Rothschild).
Trong năm 2004 tỷ lệ lãi ròng đạt 25% trên giá trị góp vốn của các nhà đầu tư, và giá trị cổ phiếu của quỹ trên thị trường chứng khoán Luân Đôn đã tăng 38%. Các con sô tương ứng cho đến cuối tháng 11 của năm 2005 là khoảng 29% và 27%.
Đó cũng chính là lý do Vinacapital đã nhanh chóng thu hút được 76 triệu USD trong kỳ phát hành cổ phiếu cuối năm ngoái để nâng tổng số vốn của VOF lên 171 triệu USD, mặc dù con số 47 triệu cổ phiếu phát hành không đáp ứng được nhu cầu mua của các nhà đầu tư.
Khi được hỏi sẽ làm gì trong dịp Tết này, Lâm Đôn bật cười lớn: “Thì nghỉ Tết chứ sao, cả năm vừa rồi mệt hết chịu nổi. Chắc cũng phải đưa bà xã và hai đứa nhỏ đi chơi đây đó quanh Sài Gòn cho thư giãn”.
Trong dịp Hội nghị các nhà đầu tư vừa rồi, Vinacapital cũng tuyên bố gây thêm một quỹ mới gọi là Vianland - trị giá 50 triệu USD. Lâm Đôn hy vọng là sẽ hoàn thành việc gây quĩ này trong vòng 6-9 tháng, để đầu tư vào địa ốc, văn phòng, cửa hàng và trung tâm thương mại. Trong vòng 3 năm tới Vinacapital tập trung đầu tư vào lĩnh vực sản xuất hàng tiêu dùng, tài chính & ngân hàng và bất động sản.
Thực hiện một ước mơ
Lâm Hải Tuấn bắt đầu buổi lễ ra mắt chính thức của Công ty ACE Life Vietnam bằng ba tiếng trống mà nhân viên công ty cũng như những người khách đến dự có cảm giác anh đã dồn hết sức lực của mình vào đó.
“Ba tiếng trống đó là tiếng nói của người con với người cha ở thế giới bên kia:
Ba ơi, con đã thực hiện xong lời ba căn dặn khi cầm tay con lần cuối cùng trong đời là hãy về Việt Nam, hãy làm điều gì đó cho Việt Nam”.
Lâm Hải Tuấn rút khăn mùi soa ra khẽ chấm lên mắt, giọng anh hơi nghẹn lại.
Trước đó vào đầu năm 2003, tại cuộc phỏng vấn tuyển dụng tại trụ sở của Tập đoàn bảo hiểm ACE INA tại New York, sau khi nghe Tuấn phân tích khái quát về thị trường Việt Nam, ông Chủ tịch kiêm CEO của Tập đoàn Evan Greenberg hỏi anh câu cuối cùng:
“Hãy nói cho tôi điều gì làm nên sự khác biệt giữa Tuấn Lâm và những người khác!”
“Chắc là không nhiều lắm, nhưng tôi là người có ước mơ và luôn biết cách tận dụng mọi cơ hội để thực hiện ước mơ của mình”, Tuấn trả lời không chút do dự.
“Vậy anh hãy chuẩn bị về Việt Nam ”, ông Greenberg vừa nói vừa đứng dậy, kết thúc cuộc phỏng vấn chỉ có vỏn vẹn 15 phút, trong khi trước đó người ta bảo với anh rằng có thể kéo dài tới 3 tiếng đồng hồ.
(Sau khi rời Metlife - một hãng bảo hiểm lớn khác của Mỹ - sau 18 năm làm việc và thành danh tại đó, vào tháng 10/2002, vì bất đồng trong quan điểm khi Metlife đã đầu tư sang Trung Quốc còn anh lại cố thuyết phục họ đầu tư vào Việt Nam, Lâm Hải Tuấn đã tự bỏ tiền túi về nước nghiên cứu thị trường và cơ hội đầu tư).
Trong khoảng hai năm trời kể từ khi quay lại Việt Nam với tư cách Phó Chủ tịch của Bảo hiểm nhân thọ, Lâm Hải Tuấn đã vừa phải đôn đáo lo chuyện giấy phép, tiếp tục tìm hiểu thị trường để đưa ra các sản phẩm phù hợp, vừa phải tiến hành chọn được bộ khung quản lý cho công ty tương lai.
“Hàng trăm cuộc phỏng vấn diễn ra khắp mọi nơi, có thể là quán cà phê, quán trà, hay hàng cơm bụi, hay bất cứ một nơi nào khác. Không chỉ phỏng vấn họ, tôi còn tìm hiểu họ thông qua gia đình họ, bởi tính cách con người bộc lộ rõ nhất trong các mối quan hệ gia đình”, Tuấn nói.
Công sức của người được mệnh danh là “Người phỏng vấn khó nhất” từ hồi còn ở Metlife đã không phụ anh. Trong số 20 quản lý được chọn, cho đến nay chỉ có một người phải ra đi vì nhận thấy không phù hợp với cái guồng hoạt động chung của ACE Life Vietnam .
Giải thích tại sao trong chuyến thăm Việt Nam lần này, ông Chủ tịch tập đoàn đã quyết định nộp đơn xin luôn bảo hiểm phi nhân thọ và quỹ đầu tư, bởi các công ty nước ngoài thường mất một vài năm để ổn định một loại hình kinh doanh, Lâm Hải Tuấn nói giọng không giấu được niềm hãnh diện:
“Ông ấy không tìm được một lỗi nhỏ nào trong bộ máy điều hành, cũng như đội ngũ nhân viên và đại diện kinh doanh ở đây, nên mới quyết định nhanh như thế”.
Ông Barry Jacobson, Chủ tịch của ACE Life International nhận xét về anh: “Chúng tôi có thể nói rằng chúng tôi đã có đúng người vào đúng thời điểm ở đây. Tuấn rất hiểu con người và văn hoá Việt Nam bởi anh có thời gian làm việc rất dài và rất thành công với cộng đồng người Việt bên Mỹ.
Anh có một niềm say mê đặc biệt với Việt Nam và muốn làm một điều gì đó thật đặc biệt cho Việt Nam, thông qua những sản phẩm và dịch vụ chất lượng cao phù hợp với người Việt Nam được anh và đội ngũ cộng sự người Việt nghiên cứu rất kỹ. Tập đoàn chúng tôi cũng được hưởng lợi nhờ đó”.
Đội ngũ đại diện kinh doanh của ACE hiện nay đã có hơn 600 người làm việc full-time, sau khi được đào tạo bài bản tại một trung tâm đào tạo của công ty, nơi đồng thời cũng là chỗ giao dịch với khách hàng.
Để thực hiện một khối lượng công việc lớn như vậy, trong suốt cả năm vừa rồi người đàn ông độc thân tuổi Dần này đã phải miệt mài làm việc mười mấy tiếng đồng hồ một ngày, đến mức “nhiều khi cơ thể đã rã rời, mà cái đầu vẫn cứ phải tính toán, lo toan” như lời bộc bạch của anh.
“Những phút thư thái nhất của tôi sau một ngày làm việc căng thẳng, thường kéo dài đến 8, 9 giờ tối, là xách xe máy chạy lòng vòng, tận hưởng cái tĩnh lặng của những phố vắng, hít thở bầu không khí của đêm Sài Gòn, trước khi trở về căn hộ tôi thuê ở Sheraton Hotel”, Lâm Hải Tuấn khẽ nói, như với chính mình.
Chỉ có một điều mà ông Chủ tịch Greenberg lo lắng nhất khi ông rời Việt Nam là sức khoẻ của Tuấn, bởi theo ông cứ cường độ làm việc thế này rồi có lúc anh chắc anh không trụ nổi.
“Ông khuyên tôi nếu đã chọn được người tâm đầu ý hợp thì nên sớm lập gia đình để giữ được cân bằng giữa cuộc sống và công việc”, Tuấn kể lại.
Khi nói về vai trò của Việt Kiều trong đầu tư ông Lương Văn Lý, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư TP.HCM đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò họ trong các công ty đa quốc gia, hay các quỹ đầu tư: |
- Huỳnh Phan (Vietnamnet)
Tôi trăn trở nhiều người Việt vẫn chưa có nhà ở ,phải thuê nhà .. có người mất tiền vì bị lừa mua những mảnh đất giấy tờ không hợp lệ,không phải họ ngu mà vì giá đất quá cao so với thu nhập của người dân .Công ty đang tìm kiếm giải pháp giúp những có nhu cầu thực sự về nhà ở đất ở đạt được mông muốn của mình .
Trả lờiXóa