Thứ Ba, 17 tháng 11, 2009

CEOVN Nguyễn Hồ Nam - SBS


Quyết định từ bỏ vị trí quản lý ở một công ty đa quốc gia với mức lương hấp dẫn và chấp nhận bắt đầu lại từ đầu với Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín, Nguyễn Hồ Nam đã được đền bù xứng đáng cho sự mạo hiểm của mình.

Bí quyết thành công là niềm đam mê.
  • "Nếu nói đến thành công thì có lẽ là còn quá sớm vì tôi chỉ mới 32 tuổi nhưng tôi vẫn cố gắng nuôi dưỡng hoài bão và niềm đam mê để đi hết chặng đường dài còn lại."

Tốt nghiệp Đại học kinh tế TP.HCM và Đại học Monash, Úc về Thạc sỹ Tài chính - Ngân hàng bằng học bổng hỗ trợ phát triển của chính phủ Úc (AusAID), Nguyễn Hồ Nam trở về quê hương năm 2005. Anh bắt đầu làm việc cho Ngân hàng Sài Gòn - Thương Tín (Sacombank) vào tháng 2/2006 và chỉ sau hơn ba năm làm việc, anh đã trở thành Tổng Giám đốc Công ty chứng khoán ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (SBS). Tính đến thời điểm hiện tại, SBS đã vượt qua ‘đại gia’ là Công ty Cổ phần chứng khoán Sài Gòn để chính thức trở thành công ty chứng khoán hàng đầu Việt Nam với 8 chi nhánh, 100 đại lý giao dịch trên toàn quốc và tổng số 260 nhân viên.

Trước khi đi học ở Úc, anh từng có bẩy năm kinh nghiệm làm việc cho tập đoàn đa quốc gia Unilever và đã giữ vị trí quản lý cao cấp. Tại thời điểm đó, con đường sự nghiệp đã mở rộng với Nguyễn Hồ Nam vì anh nằm trong diện ‘cán bộ qui hoạch’. Khi đi du học, anh vẫn tiếp tục làm việc cho Unilever chi nhánh Úc trong ba năm với vị trị điều phối viên dự án tài chính. Trong con mắt nhiều người, đây là một công việc chuyên môn lý tưởng vì phần lớn các du học sinh Việt Nam thường kiếm tiền bằng các công việc làm thêm chân tay.

Khi mới trở về nước, Nguyễn Hồ Nam đồng ý làm việc cho Sacombank với mức lương khởi điểm chỉ bằng ¼ so với trước đây và chấp nhận đền bù cho Unilever những chi phí đào tạo mà công ty này đã bỏ ra để gửi anh đi học tập ở nước ngoài . “Ban đầu, tôi tham gia vào dự án thành lập công ty chứng khoán vì Sacombank chưa có ngân hàng đầu tư và theo đánh giá chung thì đây là tổ chức tài chính rất tiềm năng ở Việt Nam. Tôi không quan tâm nhiều và cũng không hề thương lượng về mức lương mà chỉ quan tâm đến mức độ hỗ trợ của hội đồng quản trị tới dự án của mình cũng như thảo luận về những đóng góp của mình cho công ty. Chỉ sau một năm làm việc, ban giám đốc nhìn rõ những đóng góp của tôi và thưởng công xứng đáng với giá trị mà 10 năm làm việc của tôi ở Unilever trước đây cũng không thể có được.”

Với kinh nghiệm của bản thân, Nguyễn Hồ Nam cho biết, phần lớn du học sinh có lợi thế hơn các sinh viên trong nước về tiếng Anh, kiến thức chuyên môn tương đối hiện đại, tự tin khi tiếp cận và giải quyết vấn đề. Tuy nhiên, bất lợi lớn nhất của du học sinh là họ thường muốn ‘nhận’ nhiều trước khi ‘cho’. “Các bạn thường có quan điểm là tôi đi học nước ngoài về nên tôi phải có vị trí và mức lương cao. Đây là một bất lợi rất lớn để các nhà tuyển dụng trong nước chấp nhận họ cũng như đồng nghiệp trong công ty hợp tác với họ.”

Anh nhấn mạnh: “Cần xác định ‘bổng lộc’ là cái đến sau. Bạn đừng đòi hỏi trước mà hãy chứng tỏ năng lực bản thân, góp phần tạo ra giá trị doanh nghiệp và lợi ích tài chính sẽ đến với bạn. Đôi khi, những lợi ích đó còn lớn hơn rất nhiều những gì bạn mong muốn ban đầu vì xét về mặt quản lý, các nhà tuyển dụng đều muốn giữ người tài. Cũng như tôi không thể trả lương rất cao ngay cho nhân viên mới tuyển, kể cả du học sinh vì chưa biết rõ khả năng làm việc của họ ngoài cái ‘mác’ đi học nước ngoài về. Xét về dài hạn, có thể những người đi học nước ngoài sẽ phát triển nhanh hơn nhưng tại thời điểm ban đầu, khi mới vào làm việc thì chưa chắc họ đã hơn những người trong nước. Vì vậy, không có lý do gì để các nhà tuyển dụng đặc biệt chú ý tới họ trừ phi họ phải thể hiện được mình.”

Theo Nguyễn Hồ Nam, du học không phải là yếu tố quyết định thành công trong sự nghiệp. Anh cho biết: “Công ty tôi có 60 nhân viên đi học nước ngoài về, trong đó 40 người học ở Úc nhưng không phải ai cũng thành công.”

Chuyến du học giúp anh hệ thống hóa lại kiến thức và tạo cơ hội cho anh được làm việc với người bản xứ trong một môi trường hoàn toàn khác biệt để học hỏi thêm kiến thức mới. Trong thời gian ở Úc, Nguyễn Hồ Nam có dịp định hướng lại nghề nghiệp và anh nhận thấy mình vẫn đam mê nghề tài chính. Do đó, khi trở về nước, anh đã tham gia thành lập SBS vì được áp dụng kiến thức mới vào việc xây dựng doanh nghiệp ngay từ đầu, được học hỏi cũng như vượt qua khó khăn, thử thách với các đồng nghiệp và được nhìn thấy những thành công có phần đóng góp to lớn của mình. Ngoài ra, thời gian ở nước ngoài còn giúp anh hiểu hơn về văn hóa Úc, tiếp xúc với bạn bè đến từ các quốc gia khác cũng như trải nghiệm cuộc sống.

Khi trở về Việt Nam, anh thực sự không gặp phải nhiều khó khăn trong công việc và dễ dàng tái hóa nhập vào cuộc sống ở quê hương. “Việt Nam là một nền kinh tế đang phát triển nên có rất nhiều cơ hội nghề nghiệp cho du học sinh. Khi làm việc ở nước ngoài, bạn sẽ là một mắt xích trong guồng máy làm việc, còn ở Việt Nam thì bạn có cơ hội là người tạo ra guồng máy đó. Vì vậy, đó là một trong những lý do khiến tôi trở về quê hương”, anh cho biết.

Nguyễn Hồ Nam chia sẻ bí quyết thành công trong sự nghiệp của mình: “Để thành công có hai yếu tố quyết định là sự hoài bão và niềm đam mê. Khi bạn có định hướng rõ ràng cho tương lai thì bạn biết sẽ cần phải làm gì và cố gắng thế nào trong công việc. Lúc đó, công việc sẽ không còn là gánh nặng mà nó trở thành điều không thể tách rời trong cuộc sống. Nếu nói đến thành công thì có lẽ là còn quá sớm vì tôi chỉ mới 32 tuổi nhưng tôi vẫn cố gắng nuôi dưỡng hoài bão và niềm đam mê để đi hết chặng đường dài còn lại.”

Theo quan điểm của anh, trong mọi việc đều có may mắn nhưng đó không phải là yếu tố quyết định thành công. “Để thành công, cần may mắn để có sự bứt phá đột biến nhưng may mắn phải đến từ những nỗ lực của bản thân. Hơn nữa, nỗ lực chỉ có được nếu bạn có định hướng nghề nghiệp rõ ràng cũng như lòng đam mê và hoài bão.”

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Ceovn.com