Thứ Ba, 17 tháng 11, 2009

CEOVN - Hoàng Khải - Khaisilk


Cái tên "Khải Silk" đã vững vàng trên thương trường hơn 20 năm nay. Mỗi loại hình kinh doanh của Khải Silk đều đứng độc lập với nhau nhưng nghệ thuật là sợi dây kết nối dẫn đến thành công.

Thành công mang lại vinh quang cho người biết tạo ra nó

- Dù nghệ thuật hỗ trợ kinh doanh, nhưng 17 năm học Nhạc viện là con số không nhỏ. Có thể lí giải cuộc đầu tư này là một sự... nông nổi của anh, nhất là khi đem nó ra so sánh với những cuộc đầu tư thương mại có mục đích rất rõ ràng của tập đoàn Khải Silk sau này?

- Không, đó là một quyết định chứ không phải một sự nông nổi. Ba tôi là nhạc sĩ và ông muốn tôi đi theo con đường âm nhạc. Theo định hướng của ba tôi học, nhưng khi lớn lên tôi lại thấy kinh doanh lại hấp dẫn hơn âm nhạc, nhất là khi mẹ tôi là một doanh nhân rất nhạy bén với thương trường. Điều quan trọng nữa là, qua ba và mẹ tôi hiểu: thành công trong âm nhạc hay kinh doanh đều mang lại vinh quang cho người biết tạo ra nó.


- Thử hình dung: nếu đi theo con đường âm nhạc thì liệu anh có thành công như đang thành công với kinh doanh?

- Bộ môn tôi học là contrebasse, nằm trong dàn nhạc và không độc tấu được. Chính vì nó mang tính chất "chúng ta" hơn là "tôi", nên tôi không biết được cá tính của mình đến đâu. Tuy nhiên, tôi quan niệm bất kể ngành nghề, bộ môn nào trong cuộc sống đều có thể thành công, nếu mình thực sự đam mê và dành sự tập trung cao độ cho nó.

- Anh kinh doanh rất nhiều mặt hàng cao cấp, âm nhạc cũng là một sản phẩm cao cấp, sao anh không đầu tư vào nó?

- Không kinh doanh trực tiếp, nhưng nghệ thuật là giá trị vô hình mang lại những thành công quyết định trong các hoạt động kinh doanh của tôi. Nhờ 17 năm học nhạc, tôi trở thành người có sự nhạy cảm đặc biệt với nghệ thuật, và đã khai thác tối đa điều đó trong kinh doanh. Làm về thời trang hay nhà hàng tôi đều chú ý học hỏi, khai thác làm sao để đẩy được những tinh túy, tinh hoa của văn hóa lên cao nhất.

Trong làng thời trang, tôi tôn vinh nền văn hóa Việt. Loạt nhà hàng của tôi thì có đặc trưng từng nền văn hóa khác nhau. Ví dụ, cách đây 5 năm, khi mở nhà hàng Pháp, tôi đã đi Pháp rất nhiều để tìm hiểu văn hóa nơi đây, nên nhà hàng Pháp đã đẩy được tinh túy của nền văn hóa Pháp. Khi mở nhà hàng Hoa, tôi đã phải học hỏi hai năm, nghiên cứu rất nhiều và cuối cùng quyết định xây dựng không gian trên âm nhạc.

Chất liệu làm nhà hàng cũng như vật dụng trang trí, kể cả những bức tượng chiến binh thời xưa đều được mang từ Trung Hoa về, nên khi bước chân vào đây, người ta không có cảm giác là đang ở Việt Nam nữa. Khu resort thì tôi lại tập trung khai thác nền văn hóa Việt. Ở resort có những đồng lúa rất đẹp, đến kỳ là trổ bông.

Trong khu nghỉ mát có nhà hàng Đò nằm cạnh con sông, ngồi ăn có thể thấy thuyền bè đi lại đánh cá, nghe cả những tiếng gõ ở mạn thuyền để cá rơi vào lưới. Ở đó, khách có thể tận hưởng về một bức tranh làng mạc Việt Nam đúng nghĩa. Nếu không học nhạc, chắc chắn rằng tôi không thể nắm bắt được những tinh thần đó.

Người bỏ mình là động lực cho mình

- Lụa có ở Việt Nam từ rất lâu, những mãi đến khi thương hiệu Khải Silk xuất hiện, lụa Việt Nam mới thực sự được "trải" ra thị trường nước ngoài. Có phải lúc đó anh đã nhìn thấy lụa là một "kẽ hở" của thị trường?

- Tôi bắt đầu kinh doanh từ năm 18 tuổi. Lúc đó tôi chỉ là người làm việc theo tuổi trẻ, vừa học vừa làm, rất bình thường. Tôi không xác định được đâu là kẽ hở của thị trường, mà chỉ là vô tình bạn bè nước ngoài nói ở đất nước của họ, lụa rất quý, và tôi khuyên bạn đem lụa ra nước ngoài bán.

Tôi làm theo lời khuyên của bạn bè, không ngờ những sản phẩm đó tiêu thụ rất nhanh. Đầu tiên là một bộ phận nhỏ chấp nhận, sao đó người ra truyền nhau mua sản phẩm của mình. Từ đó tôi mới quyết định chuyên sâu vào ngành kinh doanh này.

- Một trong những nguyên tắc bắt buộc của kinh doanh thời trang là phải liên tục thay đổi. Nếu lấy sự may mắn ban đầu làm điểm tựa thì chắc chắn Khải Silk không thể trở thành một thương hiệu lớn mạnh như bây giờ?

- Đúng là thời trang cần nhiều sáng tạo, chứ không thể sản xuất đại trà và sản xuất quá nhiều một mặt hàng. Dù sự xuất hiện của mình là hiện tượng, nhưng khi sản xuất đến mặt hàng thứ 1000 sẽ bị chững lại. Nhiều người nói cần phải thay đổi nhưng cách đây 20 năm tôi không biết phải thay đổi như thế nào. Đến khi xem các chương trình thời trang trên thế giới tôi thấy cần phải có sáng tạo và bắt đầu đi học về thiết kế thời trang ở Pháp. Học 3 năm trở về, lúc này cái vòng kinh doanh của tôi mới thực sự quay.

Nhưng vòng quay lúc đó khá đơn giản, chứ không đòi hỏi phải có bộ phận nghiên cứu thị trường, thiết kế, bán hàng chuyên nghiệp như bây giờ. Tôi tập trung đầu tư làm sao để tạo ra thật nhiều sản phẩm mới. Cái hay là lụa có rất nhiều chất liệu, và mình có thể sáng tạo trên những chất liệu đó.


Đầu tiên tôi bán trong nước. Thành công ở sân nhà, nước ngoài mới chú ý và trao cho tôi những hóa đơn đặt hàng. Tôi đưa ra rất nhiều mẫu thiết kế để khách lựa chọn. Khách tinh tường sẽ giải thích làm sao để phù hợp với họ, và tôi đồng ý làm theo cách đó chứ không phải rập khuôn theo ý mình.

- Hơn 20 năm, Khải Silk vẫn là thương hiệu số 1 về lụa. Quá trình giữ vị trí đầu bảng của anh có gian nan không, nhất là khi lụa trở thành... đôla thì cũng có rất nhiều thương hiệu mới ra đời?

- Có rất nhiều người làm trong công ty của tôi một thời gian rồi bỏ ra làm riêng. Họ là những nhân tố giỏi thực sự, nên chuyện này rất khó cho tôi. Bởi người ta làm cho tôi nghĩa là đã học được kinh nghiệm, công nghệ, điểm yếu, điểm mạnh của tôi. Đã có không dưới 20 người bỏ công ty của tôi ra tạo những thương hiệu riêng.

Thật sự lúc đầu tôi buồn, vì người ta làm với mình rồi bỏ ra làm riêng, mà không tiếp tục cùng mình nghĩ ra những cái mới. Nhưng nhìn lại tôi thấy vui. Chính những con người đó mới là động lực để tôi đổi mới mình nhiều hơn và phát triển nhanh hơn. Trong môi trường kinh doanh cần phải có sự cạnh tranh khốc kiệt như vậy để tạo ra những sản phẩm mới. Nhìn lại chặng đường đã đi, ,tuy gian nan, nhưng tôi rất hãnh diện, khi đến giờ Khải Silk vẫn là thương hiệu đầu bảng.

Tôi cũng rất vui khi những người trước đây bỏ mình ra mở công ty riêng, nhìn thấy thương hiệu Khải Silk, ít nhiều họ cũng hiểu được muốn phát triển thương hiệu thời trang cần phải học hỏi nhiều hơn nữa, chứ không phải cứ học được một chút là có thể đứng ra lập riêng công ty riêng.

- Đến nay, công việc kinh doanh của anh không còn dừng lại ở lụa, vậy nó còn dành được sự quan tâm sâu sắc của anh?

- Lụa bao giờ cũng cuốn hút tôi. Tên của tôi cũng đã gắn liền với nó, nên những loại hình kinh doanh mới, như bất động sản, nhà hàng, khách sạn, khu nghỉ mát... cũng chỉ là cách tự làm mới mình. Nhưng làm mới mình không có nghĩa là không chú trọng. Bởi đầu tư mà không chú trọng đồng nghĩa với cách quản lý của mình không chuyên nghiệp, mà mỗi sản phẩm tôi tạo ra trước tiên phải thể hiện được tính chuyên nghiệp.

Lúc nào tôi cũng nghĩ người Việt Nam làm là được

- Với thương hiệu Khải Silk, anh bắt đầu mở Brothers Cafe, sau đó thì một loạt nhà hàng sang trọng nối tiếp nhau ra đời. Lúc này hẳn anh đã có một chiến lược rõ ràng, chứ không thể kinh doanh theo kiểu "nghe bạn bè nói"?

- Thời trang lụa là mặt hàng xa xỉ. Từ đó chuyển sang dịch vụ nhà hàng rất gần nhau. Điểm chung của hai loại hình này là đều liên quan đến nghệ thuật. Gần gũi và chia sẻ được nhiều nên cứ thế tôi làm. Tôi cũng là người rất chú trọng phát triển nền văn hóa ẩm thực.

Vào Brothers Cafe nghĩa là bước vào một ngôi nhà cổ, nơi tái tạo truyền thống xưa, đó là những gánh hàng rong với bánh cuốn, chả, phở... Đó cũng là những truyền thống văn hóa đặc thù của Việt Nam. Chuỗi nhà hàng sau đó đều có phong cách riêng, nhưng có một điểm chung là đặc trưng văn hóa luôn được thể hiện một cách cao nhất.

- Nhà hàng của anh rất cao cấp, nhưng giá thành cũng... cao cấp không kém, nên phần lớn khách Việt Nam chỉ có thể bàn tán chứ khó có thể đặt chân vào đó?

- Khi mở cửa hàng Ming Dynasty ở Phú Mỹ Hưng, tôi đã nhắm đến thị trường Việt Nam. Vì Phú Mỹ Hưng không phải trung tâm du lịch. Hiện tôi rất vui và hạnh phúc vì nhà hàng này mới mở cửa gần 2 tháng nhưng đã đón hơn 5000 lượt khách, trong đó có đến 98% là khách Việt Nam, nên chuyện giá thành không thành vấn đề nữa.

- Anh đã vượt ra khỏi khuôn khổ làm ăn nhỏ lẻ từ hơn 10 năm nay. Tầm nhìn chiến lược này bắt đầu từ đâu?

- Cũng chỉ dựa trên sự phát triển và hội nhập của kinh tế Việt Nam, tôi lại là người đi du lịch nhiều. Thấy bạn bè, đối tác làm ăn và tôi nghĩ mình cũng có thể làm được. mà lúc nào tôi cũng nghĩ người Việt Nam mình là làm được. Khi bắt tay vào làm, không ngờ còn đạt được thành công hơn cả những điều mình nghĩ.

Ví dụ làm nhà hàng Trung Hoa, chính khách Trung Quốc, Hồng Kông, Singapore, Đài Loan còn khen ở đất nước họ cũng không có được nhà hàng như thế. Và đó chính là động lực cho những sáng tạo tiếp theo của tôi. Tháng 4 năm sau tôi sẽ mở nhà hàng Cham-Charm.

Nó sẽ tạo ra phong cách ẩm thực mới và ấn tượng với tất cả mọi người. Khi thiết kế nhà hàng này, tôi đã ngắm lúc 5-6 giờ chiều xem hoàng hôn dừng ở điểm nào, và tôi khai thác kiến trúc để làm sao thâu được ánh hoàng hôn đó. Thời gian đó là thời gian tôi kinh doanh nhiều nhất. Tôi sẽ nói cho mọi người biết nên đến thời điểm đó để ngắm hoàng hôn.

Chuyên nghiệp luôn là con đường dẫn đến thành công

- 10 ngày sau khi Hội An được công nhận là Di sản văn hóa thế giới, anh đã cho ra đời một công trình xa xỉ- khu resort 4 sao. Hơn 10 năm trước mà đã đi đầu như thế thì tiềm lực tài chính của anh phải rất mạnh?

- Mỗi người có một đường hướng kinh doanh khác nhau. Dịch vụ của tôi là dịch vụ chi tiết cao cấp, và bất cứ một dịch vụ nào ra đời đều dựa trên nhu cầu có sẵn. Khi đi nghỉ ở nước ngoài, được chiêm ngưỡng những resort rất đẹp, tôi mơ ước mình cũng sẽ làm được như vậy. Khi bắt tay vào làm, tôi cố gắng lồng nền văn hóa vào resort một cách cao nhất, nên resort của tôi mang đậm văn hoá và tinh thần của người Việt.

- Có thể coi resort là một mặt hàng kinh doanh thành công của anh?

- Resort của tôi là resort đầu tiên của Hội An và gần như là resort đầu tiên ở Việt Nam. Dù đã xây dựng hơn 10 năm, nhưng đến giờ nó vẫn được một tạp chí rất uy tín của Mỹ bình bầu là một trong những resort tốt nhất thế giới. Bỏ qua danh hiệu thì dịch vụ đó cũng hỗ trợ tôi rất nhiều.

- Nếu resort thành công, sao anh không nhân rộng nó ra như nhân rộng hệ thống nhà hàng?

- Tôi có nhiều đam mê khác nhau. Từ lụa đến khu nghỉ mát, nhà hàng đều trên một trục quay. Thay vì mình nhân resort thì tôi nhân nhà hàng. Vì lĩnh vực này có những cái dễ làm mới hơn. Từ Việt Nam có thể sang Trung Hoa, từ Trung Hoa có thể sang Cham-Charm. Thay đổi liên tục dễ cuốn hút tôi hơn. Tất nhiên, mọi họat động của tôi đều giới hạn trên một trục quay.


- Hiện anh còn bắt tay với tập đoàn Thủy Lộc xây dựng Paragon- nơi được quảng cáo là một trong những trung tâm thương mại đẹp nhất Việt Nam. Anh có thể tiếp thị hình ảnh về Paragon? Và liệu nó có thể cạnh tranh với hai trung tâm thương mại nằm ngay giữa trung tâm mua sắm Sài Gòn là Diamond và Parkson?

- Paragon cao 12 tầng, có 4 tầng dành cho thương mại. Đến nay, các gian hàng bên trong đều đã kín chỗ. Công ty Meha Star cũng đã đặt 8 rạp chiếu phim ở tầng 5. Trung tâm này được đầu tư 20 triệu USD, sẽ khai trương vào tháng 7/2007.

Paragon đặt ở Phú Mỹ Hưng. Bởi Sài Gòn đâu có quá rộng, mà giao thông từ Sài Gòn sang Phú Mỹ Hưng rất thuận tiện. Diamond, Parkson là những nơi dễ mua sắm, nhưng Paragon mang một thương hiệu khác, phong cách rất đặc biệt, khác nhiều so với Diamond và Parkson.

Kiến trúc của Paragon được xây để dành cho trung tâm thương mại, nên rất chuyên nghiệp. Cũng như nhà hàng Ming Dynasty, tôi không chắp vá từ ngôi nhà cổ hay villa, mà xây mới hoàn toàn theo đúng ý tưởng đặt ra ban đầu, nên tính chuyên nghiệp rất cao, mà chuyên nghiệp luôn là con đường dẫn đến thành công.

- Xuất phát từ những cuộc đầu tư "tiền tỷ" của anh nên từ lâu người ta đã gọi Khải Silk là "triệu phú" tiền đô". Có phải con số đó bắt nguồn từ kinh doanh bất động sản rất nhiều người đang nghĩ về anh?

- Chắc là đồn đại thôi, chứ khi tôi kinh doanh thì mỗi loại hình đều thành công. Lụa thành công ngay từ đầu, còn resort đã thành công từ mười năm trước, chuỗi nhà hàng cũng liên tục gặt hái được thành công. Tất nhiên là bên cạnh thành công cũng có thất bại, nhưng khi thất bại thường không ai biết, mà bản thân tôi cũng không muốn nói lên thất bại đó, nhưng khẳng định là nhiều lắm lắm, kể cả những thất bại đau đớn.

Rất hạnh phúc khi sống một mình

- Kinh doanh các mặt hàng, dịch vụ xa xỉ, điều này có đồng nghĩa với việc anh là người cũng...từng trải với xa xỉ?

- Tôi xũng xa xỉ lắm.

- Biểu hiện của sự xa xỉ là gì?

- Tôi không nghĩ ra được ngay, nhưng đảm bảo là xa xỉ. Mà tôi tiêu hoang lắm.

- Những ngôi biệt thự Phú Mỹ Hưng, những chiếc xe hơi hạng sang là một trong những sự xa xỉ của anh?

- Biệt thự chỉ là sự đầu tư thôi, chứ xa xỉ phải khác. Nhưng tôi nghĩ là tôi tiêu hoang lắm. Xe cũng có thể là một sự xa xỉ.

- Cuộc sống của anh có thành công như công việc của anh?

- Mỗi người có những mảng riêng. Mẹ và 3 người em của tôi giúp đỡ tôi rất nhiều trong kinh doanh, tôi cho đó là một niềm hạnh phúc. Khi kinh doanh, nhiều người nhìn thấy sản phẩm của tôi và cổ vũ cho tôi. Tôi cũng lấy đó là niềm hạnh phúc và rất tự hào.

- Thế còn hạnh phúc riêng của anh?

- Bây giờ tôi rất hạnh phúc khi sống một mình!

- 43 tuổi, được rất nhiều phụ nữ, kể cả phụ nữ phương Tây ngưỡng mộ, nhưng vẫn sống một mình, và anh cho đó là hạnh phúc?

- Mọi người đến tuổi đều phải có gia đình riêng và những người không có là lại đặt ra câu hỏi tại sao? Tôi cũng không hiểu nữa! Những người không có gia đình riêng chắc phải chịu nhiều áp lực lắm nhỉ? Nhưng tôi cũng nhìn thấy rất nhiều người thành công, thậm chí thành công hơn cả tôi rất nhiều cũng chưa có gia đình.

- Anh không có ý định lập gia đình?

- Tôi không nghĩ lập gia đình hay không. Xung quanh tôi có rất nhiều người chưa có gia đình, kể cả những tỉ phú lừng danh trên thế giới, nhưng người ra vẫn hạnh phúc phơi phới, có sao đâu!

Dương Thúy

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Ceovn.com