Chủ Nhật, 15 tháng 11, 2009

CEOVN Lương Hoài Nam - Jetstar Pacific Airlines


Giám đốc Pacific Airlines Lương Hoài Nam là người không khó gặp nhưng lại chẳng dễ nói chuyện. Cao, gầy, đeo kính cận, cặp mắt cương nghị lại rất kiệm lời, ông khiến tôi luôn phải thận trọng. Điều đó cũng dễ hiểu bởi ông là một trong những nhân vật luôn bị các phóng viên săn lùng đặc biệt năm 2004.

[Giám đốc Pacific Airlines Lương Hoài Nam: Người cùng doanh nghiệp băng qua vùng sương mù]

Người ta luôn hỏi ông (người đang yên vị Trưởng ban tiếp thị hành khách Vietnam Airlines chuyển về làm giám đốc một hãng hàng không đang bên bờ vực thẳm) rằng: Pacific Airlines sẽ sống như thế nào? Vị tân giám đốc này vừa phải thu dọn đống đổ nát, lo cho cuộc sống của 700 nhân viên, trong khi hàng ngày vẫn phải đau đớn đọc những bài báo phanh phui về những khoản nợ do cả một bộ máy lãnh đạo cũ để lại. Pacific Airlines (PA) bay chông chênh giữa niềm tin của những người tâm huyết và lẫn cả nghi ngờ vì quá khứ.

I- Trước vực thẳm phải thật bình tĩnh

PV: Pacific Airlines cách đây hơn 1 năm như thế nào, thưa ông?

Ông LHN: Phải nói mọi thứ đều rất đổ nát. Niềm tin của nhân viên sa sút, phong cách làm việc uể oải, bộ máy thì xộc xệch. Điều đó không làm tôi ngạc nhiên, chắc chắn sẽ xảy ra như vậy thôi khi mà kinh doanh thua lỗ, những khoản nợ đè nặng lên vai chưa trả được. Chỉ đường bay Đà Nẵng-Hồng Kông từ ngày khai trương tháng 4/2001 đến nay đã lỗ hơn cả vốn của PA. Rồi có giai đoạn máy bay không được sơn tên và lôgô của hãng do thuê ngắn hạn, lịch bay thì sắp xếp bất hợp lý, chậm huỷ chuyến bay vẫn diễn ra khiến khách mất lòng tin.

PV: Trước thực tế như vậy, ông có cảm thấy mất bình tĩnh không?

Ông LHN : Ban đầu thì đúng là có đấy, khi điều tôi về PA lãnh đạo Vietnam Airlines dường như chưa nói hết tất cả khó khăn. Tôi biết là PA nợ đọng nhưng khi nhậm chức tôi mới phát hiện ra rằng con số khủng khiếp hơn tôi biết. Nhưng cảm giác bị shock đó trôi qua rất nhanh, tôi biết cần phải bình tĩnh.

PV : Thời điểm đó điều gì làm ông mệt nhất?

Ông LHN: Các chủ nợ gọi điện và báo chí. Với các chủ nợ có những lúc tôi phải rất mềm mỏng nhưng lại có những cũng phải thật cương quyết. Nhưng với báo chí thì quả thực làmệt mỏi. Tôi cũng đã từng làm báo, rất hiểu thông tin lan toả có sức mạnh như thế nào nhưng đến khi chịu trận mới thấu. Hàng ngày, hàng giờ tôi phải đọc những bài báo viết về sự nợ nần, đổ nát của doanh nghiệp mình để rồi đau đớn nhìn khách hàng cứ quay lưng dần. Mà báo Hànộimới Tin chiều là một trong những tờ báo viết mạnh nhất (cười) và tôi vẫn lưu những bài báo lại để làm kỷ niệm . Tất nhiên là viết đúng, rất đúng nhưng nó ảnh hưởng tới hiệu quả và tinh thần của doanh nghiệp một cách kinh khủng.

PV: Đã có chuyến bay nào trống rỗng không, thưa ông?

Ông LHN: Có chứ, nhiều chuyến TPHCM-HN khi ấy đi thì có khách nhng bay về thì chỉ có tôi và tiếp viên, đau đớn lắm nhưng chúng tôi vẫn cố gắng. Cho dù thất bại, chúng tôi vẫn cứ lên đường để hành khách biết rằng vẫn còn một thương hiệu là Pacific Airlines tồn tại.

PV : Sau khi đứng im để không rơi xuống vực, làm thế nào để từ từ bay lên, thưa ông?

Ông LHN : Phải bắt tay ổn định tổ chức và sắp xếp tất cả vào quy củ ngay. Thứ nhất, điều chỉnh ngay lại mạng đường bay, nơi nào có lãi thì bay thêm, nơi nào lỗ thì kiên quyết tạm dừng. Quyết định đầu tiên của tôi là tạm dừng đường bay Đà Nẵng- Hồng Kông, tăng tần suất bay TPHCM- Hà Nội từ 3 chuyến/ngày lên 5 chuyến/ngày, tuyến bay đi Đài Bắc và Cao Hùng tăng lên 5 chuyến/tuần. Thứ hai, phải cắt giảm chi phí như một số dịch vụ mà từ trước đến nay chúng tôi thuê và phát động chiến dịch thắt lưng buộc bụng. Nhờ đó chỉ trong vài tháng mà chúng tôi tiết kiệm đợc 50 tỷ đồng. Chúng tôi cũng chuyển từ thuê máy bay ướt sang thuê khô nghĩa là chỉ thuê máy bay, ngời lái còn dịch vụ kỹ thuật sẽ nhờ Vietnam Airline hỗ trợ. Riêng khoản này mỗi năm tiết kiệm hàng triệu USD. Thứ ba, xây dựng và công khai chính sách đền bù cho khách hàng nếu bị chậm, huỷ chuyến và nỗ lực hạn chế chậm, huỷ chuyến.

II Dù là doanh nghiệp nhỏ cũng phải rất tự tin

PV: Với những giải pháp cơ bản nêu trên và đặc biệt là từ khi Bộ Tài chính nắm phần lớn cổ phần, PA chuyển biến như thế nào, thưa ông?

Ông LHN: Trong năm nay, chúng tôi sẽ chấm dứt tình trạng thua lỗ và đã có lãi, 2 năm sau sẽ khắc phục được nợ nần. Bộ Tài chính và Pacific Airlines đã lựa chọn mô hình hãng hàng không giá cả hợp lý (value-based airline), không phải là hãng hàng không chi phí thấp (lowcost airline, giảm giá vé 40-50% nhưng cắt hầu hết các dịch vụ). Tại Việt Nam, mô hình theo tôi là phù hợp và đem lại triển vọng tươi sáng bởi người tiêu dùng Việt Nam không coi máy bay đơn giản như là chiếc xe buýt chạy trên trời như ở châu Âu, ở Mỹ... Mô hình hãng hàng không giá cả hợp lý sẽ cho phép nhiều đối tượng người dân sử dụng dịch vụ vận tải hàng không dễ dàng hơn và rẻ hơn rất nhiều.

PV: Việc giảm giá vé của PA gần đây đã được người tiêu dùng hưởng ứng và hoan nghênh, nhưng có ảnh hưởng đến chất lượng tuyến bay hay không?

Ông LHN: Giá vé giảm không không có nghĩa là chất lượng phục vụ giảm. Chúng tôi chỉ tiết kiệm những chi phí không cần thiết, bất hợp lý trong hoạt động khai thác vận tải hàng không. Trên thực tế thì các biện pháp tăng cường an toàn-anh ninh hàng không chỉ có tăng chứ không giảm. Việc không phục vụ ăn trên các chuyến bay giữa Tp. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, không phục vụ rượu bia và các đồ uống có cồn trên tất cả các đường bay nội địa theo quan điểm của chúng tôi cũng không có nghĩa là giảm chất lượng phục vụ. Đối với chuyến bay chỉ có 1 giờ bay ăn không phải là nhu cầu thiết thực thậm chí còn gây phiền hà thêm. Tương tự, việc không phục vụ ruợu bia làm cho không khí (cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng) trong lành hơn với mọi hành khách.

PV: Trước đại gia là Vietnam Airlines, ông có cảm thấy PA bé nhỏ không?

Ông LHN: Không, bất cứ một doanh nghiệp nào cũng có điểm mạnh, điểm yếu của mình dù nhỏ hay lớn. Cái chính là phải rất tự tin. Chúng tôi hoàn toàn tự tin vào bản thân mình và rõ ràng có những ưu điểm vượt trội không thể không công nhận như: hành khách không phải mệt mỏi liên tục về vấn đề huỷ chuyến và chậm chuyến như Vietnam Airlines. Chúng tôi có xe đưa đón khách miễn phí giữa Hà Nội và sân bay Nội Bài; dịch vụ đặt chỗ qua điện thoại và giao vé tận nhà 24/24 giờ, 7/7 ngày trong tuần; thái độ phục vụ rất chu đáo đó là chưa kể nhiều chương trình chăm sóc trọn gói cho khách như mua vé thì được nghỉ kèm theo khách sạn tuỳ hạng

PV: Nhưng có ý kiến bảo PA tự tin như vậy là bởi có Bộ tài chính đứng đằng sau?

Ông LHN: Quyết định của Thủ tướng về việc để Bộ Tài chính là chủ sở hữu vốn nhà nước của PA là hoàn toàn sáng suốt. Nhưng tôi nghĩ đứng đằng trước và cả đằng sau chúng tôi chính là khách hàng. Tất cả mọi nỗ lực của chúng tôi nhằm phục vụ khách hàng một cách tốt nhất. Nếu khách hàng không ủng hộ, dù có ai đỡ thì doanh nghiệp cũng thất bại.

PV : Gần đây, khách hàng đã được hưởng những ưu đãi như giảm giá vé và đa dạng vé chưa từng có trong lịch sử ngành hàng không Việt Nam giữa hai hãng duy nhất của VN. Có phải do PA không khoan nhượng mà cạnh tranh ngang ngửa với Vietnam Airlines?

Ông LHN: Nếu cạnh tranh mà mang lại lợi ích thiết thực cho khách hàng thì theo tôi là rất tốt. Sự cạnh tranh cũng bắt buộc mỗi doanh nghiệp phải tự xiết chặt lại cách quản lý, tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả kinh doanh, nó xoá bỏ sự trì trệ cố hữu. Nhng tôi nghĩ Vietnam Airlines vốn là cổ đông chi phối lâu năm của Cty, tôi cùng một số cán bộ hiện công tác ở đây từng là cán bộ lâu năm của Vietnam Airlines nên bên cạnh công việc và nhiệm vụ còn có cái tình nữa. Một quốc gia nhỏ như Singgapore chỉ có 3 triệu người mà có tới 5 hãng hàng không hoạt động thì một đất nước như VN có tới 80 triệu người, chỉ có 2 hãng hàng không thì chắc chắn không có gì là căng thẳng và sẽ phát triển rất tốt.

PV: Có phải lý do đó mà Cty đầu tư tài chính Temasek Holdings của Singgapore đang muốn mua cổ phần của PA?

Ông LHN: Đúng vậy rõ ràng họ đã nhìn thấy tiềm năng của sự phát triển và hiện nay chúng tôi đang trong thời gian đàm phán dự tính ký kết trong thời gian tới. Chính phủ đã đồng ý cho phép nước ngoài đầu tư tối đa là 30% vào PA với số vốn khoảng 50 triệu USD.

PV: Dư luận đang rất quan tâm đến thông tin này, sự có mặt của Temasek sẽ làm thay đổi diện mạo PA như thế nào thưa ông?

Ông LHN: Nếu mọi việc đúng như dự kiến thì đây là doanh nghiệp vận tải hàng không đầu tiên của VN có vốn nước ngoài và tất nhiên là sẽ có nhiều thay đổi lớn theo hướng rất phát triển. Lúc đó, thị trường hàng không thực sự sẽ có một diện mạo mới. Và từ sự kiện này, tôi càng tin, PA đang vững bước bay vào những vùng sáng.

III- Trong kinh doanh, không đơn thuần 1+1=2

PV: Trước khi tu nghiệp về hàng không dân dụng và nghiên cứu sinh ở Nga, ông là học sinh chuyên toán xịn của trường chuyên nổi tiếng Phan Bội Châu, thành phố Vinh.Toán học giúp gì cho ông trong kinh doanh và có điều khác biệt với kinh doanh?

Ông LHN : Toán học giúp tư duy lô-gích, nhưng trong kinh doanh khác toán ở chỗ không đơn 1+1 = 2, phải tính thế nào để bằng 10, bằng 20 và cao hơn nữa

PV: Sinh năm 1963, tuổi Quý Mão, cầm tinh con Mèo, người ta nói ông là người mềm mỏng và rất khéo léo?

Ông LHN : Ngược lại, tôi rất nóng tính, từ khi về PA phải cố gắng kìm lại. Nhưng có lẽ vì mạnh mẽ nên được cái rất quyết đoán.

PV : Có bao giờ ông quyết sai mà thấy hối hận không?

Ông LHN: Có chứ, làm kinh doanh không tránh đuợc lúc quyết sai nhưng cái chính là phải biết sửa và sửa thật sớm, muốn vậy phải có hệ thống phản hồi tốt. Ví như có thời gian tôi chọn hướng đi để PA là hàng không giá rẻ nhưng thấy không ổn và khó phù hợp với tính cách người Việt Nam nên sửa ngay mô hình này

PV: Trong cuộc đời, có điều mà ông thấy quyết rồi mà không thể sửa được?

Ông LHN: Đó là lấy vợ, nhưng may mắn trong chuyện này thì tôi quyết đúng.

PV: Xin chân thành cảm ơn ông!

1 nhận xét:

  1. bac cho chau hoi voi a...chau thay PA voi gia ca nhu bay gio la tuong doi hop ly. chau cung thay rang voi chuyen bay ngan thi khong can phuc vu tren may bay nhung co dieu chau ban khoan la chat luogn may bay a..chau da tugn di may bay cua PA chau thay bi soc va hok em, tieng keu to... bac nghi sao ve van de nay a??? chau cam on bac

    Trả lờiXóa

Ceovn.com