Thứ Bảy, 31 tháng 12, 2011

Đỗ Tất Bình - Người đóng thế ở phi trường


Được Bộ trưởng Đinh La Thăng điều ra thay thế người cũ, Đỗ Tất Bình, vị tổng chỉ huy mới của Sân bay Đà Nẵng đã đưa công trình hoàn thành đúng tiến độ trong muôn vàn áp lực.

Sau gần 3 tháng, từ chuyến thị sát thực tế và quyết định thay tổng chỉ huy dự án của Bộ Trưởng Giao thông Đinh La Thăng, Sân bay quốc tế Đà Nẵng đã chính thức được đưa vào khai thác ngày 15.12 vừa qua. Phát biểu với báo giới trong ngày khai trương này, ông Đinh La Thăng cho biết, ông rất vui vì nhà ga hoàn thành đúng tiến độ và đưa vào khai thác sớm như vậy. Có một nhân vật đã góp phần không nhỏ trong nỗ lực hoàn tất dự án trước tiến độ. Đó là ông Đỗ Tất Bình, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cảng hàng không miền Nam.

Khi quyết định thay tổng chỉ huy dự án, qua điện thoại, ông Thăng đã điều ông Đỗ Tất Bình từ TP.HCM ra Đà Nẵng làm tổng chỉ huy, toàn quyền điều hành công việc từ ngày 5.10. Ra Đà Nẵng, sau xem xét thực tế, ông Bình đã hứa với Bộ trưởng quyết tâm hoàn thành dự án trước ngày 31.12. Từ đó cho đến ngày sân bay chính thức được đưa vào khai thác, ông Bình luôn từ chối mọi trao đổi với giới truyền thông về tiến độ dự án và áp lực công việc mà ông hiểu là phải hoàn thành bằng mọi giá. Ngày 15.12, dự án đã hoàn tất trước kế hoạch nửa tháng. NCĐT đã trao đổi với ông Đỗ Tất Bình, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cảng hàng không miền Nam, tổng chỉ huy dự án Sân bay quốc tế Đà Nẵng.

Ông hài lòng với những gì mình đã làm trong gần 3 tháng qua tại Đà Nẵng?

Tôi vui vì dự án đã hoàn thành sớm hơn tiến độ, nhưng vẫn chưa hết lo lắng bởi khó khăn phía trước vẫn còn. Công trình xây dựng hàng không rất khác các công trình xây dựng dân dụng khác. Hệ thống sân bay được đầu tư nhiều trang thiết bị kỹ thuật hiện đại, nên đội ngũ trực kỹ thuật để vận hành, xử lý những phát sinh từ các thiết bị này phải hết sức chuyên nghiệp. Khó khăn ở đây là năng lực quản lý còn hạn chế nên trong quá trình khai thác, chỉ gặp một chút trục trặc, xử lý không kịp sẽ ảnh hưởng đến tâm lý khách hàng ngay.

Những lỗi nào dễ gặp nhất tại một ga sân bay quốc tế khi bắt đầu vận hành?

Điều tôi lo là quy mô sân bay mới lớn gần 37.000 m2, trong khi sân bay Đà Nẵng cũ chỉ trên 2.000 m2. Như vậy, đội ngũ nhân sự cho dù đã được huấn luyện đào tạo vẫn cần thời gian để làm quen. Có nhiều trang thiết bị khi đưa vào vận hành có thể gặp một số lỗi từ lắp ráp hoặc lỗi phần mềm quản lý các chức năng vận hành mà nếu không xử lý chuyên nghiệp sẽ ảnh hưởng đến dây chuyền khác. Quan trọng hơn là ảnh hưởng đến niềm tin của khách hàng. Xong việc rồi vẫn chưa hết áp lực, đúng không?

Tuy nhiên, đó là những khó khăn liên quan đến kỹ thuật?

Tại sân bay Tân Sơn Nhất, đội ngũ kỹ thuật đã được đào tạo và có kinh nghiệm với sân bay hiện đại. Nhân sự vận hành một dây chuyền hiện đại là quan trọng mà điều này Đà Nẵng chưa bằng Tân Sơn Nhất được, trong khi quy mô bằng 1/2 so với Tân Sơn Nhất. Không ít dây chuyền máy móc kỹ thuật được đầu tư tại sân bay Đà Nẵng hiện đại hơn cả Tân Sơn Nhất, chẳng hạn cầu ống dẫn khách hay máy soi.

Trước đây, một phần dự án chậm tiến độ do quá trình nghiệm thu thanh toán chậm nên nhà thầu gặp khó khăn có phải không?

Điều này khi tham gia dự án tôi cũng có ý kiến. Bởi dự án này hơi phức tạp vì áp dụng tiêu chuẩn nghiệm thu của nước ngoài. Các trang thiết bị đưa về nếu chưa có phiếu kiểm định chất lượng thì nguyên tắc là chưa thanh toán. Nhưng có thể áp dụng biện pháp linh hoạt hơn. Nhà thầu đã thực hiện khối lượng công việc hoặc thiết bị đã đưa về thì ứng 80-90% kinh phí, nếu sau đó không đạt yêu cầu thì trừ tiền lại. Có vậy mới giải ngân được và hỗ trợ kịp thời cho nhà thầu trong giai đoạn khó khăn hiện nay để có tiền thuê nhân công, mua vật tư…

Kinh nghiệm quản lý các dự án sân bay có giúp ông nhiều khi triển khai dự án này?

Với dự án sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, từ năm 2003-2007, tôi là Phó Trưởng ban quản lý dự án. Hai dự án sân bay của tỉnh Lâm Đồng và thành phố Cần Thơ thì tôi làm trưởng ban quản lý và cũng thành công đúng kế hoạch. Từ năm 1990, tôi đã tham gia làm việc trong lĩnh vực hàng không, làm trong lĩnh vực xây dựng đúng chuyên ngành được đào tạo ở nước ngoài. Tất nhiên hơn 20 năm làm việc và quản lý trong ngành này, tôi đã có ít nhiều kinh nghiệm. Song việc hoàn thành dự án Sân bay Đà Nẵng kịp tiến độ phải nói là nỗ lực của cả tập thể. Trước tiên là chỉ đạo sát sao của Bộ trưởng. Bên cạnh đó là các Cục Hàng không Việt Nam, nhóm những kỹ sư giỏi từ Tổng Công ty Cảng hàng không Miền Nam cùng tôi ra Đà Nẵng để tiếp nhận dự án, chủ đầu tư, các nhà thầu, công nhân viên làm việc trên công trường....

Vậy Bộ trưởng đã thưởng cho ông chưa?

Phần thưởng lớn nhất đối với tôi là việc đưa dự án vào hoạt động đúng tiến độ, bởi có không ít áp lực.

Áp lực lớn nhất là gì?

Áp lực quá lớn chứ không có áp lực lớn nhất. Tôi không tham gia từ đầu và tiếp nhận khi dự án đang triển khai giữa chừng. Hơn nữa, đây là dự án ít nhiều được truyền thông nói đến nhiều sau chuyến thị sát của Bộ trưởng. Chỉ đạo của lãnh đạo bằng mọi giá phải xong trong thời gian ngắn và kỳ vọng của người dân cũng đã là áp lực. Một trải nghiệm thật khó quên.

Bao lâu nữa để dự án vào guồng và cá nhân ông có thể vào TP.HCM tiếp tục công tác điều hành của mình tại Tổng Công ty Cảng hàng không miền Nam?

(cười) Tôi cũng muốn hoàn dự án sớm để có thể trở về nhà sau gần 3 tháng “trực chiến” ở đây. Độ khoảng 1 tháng nữa là mọi thứ sẽ vào guồng, ổn định để kịp đón khách dịp Tết Nguyên đán.

Sân bay quốc tế Đà Nẵng

Sân bay quốc tế Đà Nẵng mới được đưa vào hoạt động sau 4 năm khởi công xây dựng. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 1.300 tỉ đồng. Nhà ga gồm 3 tầng và 1 tầng hầm với tổng diện tích sử dụng 36.600 m2, bố trí thuận tiện cho việc làm thủ tục chung cho cả quốc tế và quốc nội với 36 quầy thủ tục, khu vực check-in cùng các dịch vụ phụ trợ khác.

Dự kiến trong giai đoạn đầu, nhà ga có công suất phục vụ khoảng 4,5-5 triệu khách/năm, tiếp nhận 0,4 -1 triệu tấn hàng hóa/năm. Từ năm 2015 trở đi sẽ đạt công suất 6-8 triệu hành khách/năm.

Ông Đỗ Tất Bình

• Quê Hải Phòng

• 1980-1987: Du học ở Nga, ngành xây dựng hàng không

• 1987-1989: Làm việc tại Quân chủng Phòng không Không quân Việt Nam

• 1990-1992: Làm trong lĩnh vực xây dựng và thương mại

• 1992: Vào làm trong ngành hàng không ở Hà Nội

• 1993-2007: công tác tại Cụm Cảng hàng không miền Nam

• 2007 đến nay: Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cảng hàng không miền Nam.

2 nhận xét:

Ceovn.com