Thứ Ba, 27 tháng 12, 2011

Chủ tịch Vinamit bị coi là điên khi muốn làm giàu từ mít

"Gạo không đủ ăn làm sao người ta nghĩ tới các món ăn chơi xa xỉ, bỏ vốn ra chỉ có lỗ..." là phản ứng của bạn bè, người thân khi nghe kế hoạch chế biến trái sấy cây khô của ông Nguyễn Lâm Viên cách đây hơn 20 năm

"Tôi tuổi trâu, mạng thổ, tên Lâm Viên, học nông nghiệp, làm việc ở nông trường, khát khao nghiên cứu lĩnh vực bảo quản và chế biến sau thu hoạch, nên coi như sớm có duyên với ngành nông nghiệp", Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Vinamit nhớ lại chặng đường khởi nghiệp.

Nhìn thấy hàng loạt quả mít nghệ no tròn, đều đặn, múi vàng ươm, hương thơm lừng rơi rớt dưới gốc cây, vương vãi khắp nơi mà không ai đoái hoài đến, ông thấy quá lãng phí. Loại cây "dân quê" này hầu như nhà nào cũng có, thậm chí có cây sai quả, gia đình ăn không hết phải san sẻ cho hàng xóm. Thế nên, mít tươi bán ngoài chợ rẻ như bèo, chẳng ai muốn mua. Lúc đó, chàng trai trẻ chợt nghĩ "sao không sấy khô để ăn dần".

Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinamit Nguyễn Lâm Viên. Ảnh: V.M.

Cũng vào thời điểm đất nước sau đổi mới, nhiều doanh nhân nước ngoài đến Việt Nam tìm cơ hội. Một số vị biết ông quan tâm tới nông sản đã mách nhỏ: "Cậu đang ở trên đống tiền mà không chịu khai thác, khi xung quanh có nhiều sản vật chân quê nhưng lại rất đặc biệt, không quốc gia nào sánh bằng". Mang trăn trở này đến hỏi ý kiến người thầy, cậu sinh viên vừa tốt nghiệp cũng nhận được sự động viên từ vị nhà giáo lão thành. Ý tưởng đã có, ông quyết định khăn gói ra nước ngoài học tập. Bởi thời điểm những năm 80, chưa ai có khái niệm gì trái cây sấy khô, công đoạn sản xuất ra sao.

Tuy nhiên, nhiều bạn bè, người thân khi nghe ông trình bày ý định đã cho rằng "vớ vẩn, điên rồ". Bởi những năm 80, nhiều gia đình không đủ gạo ăn. Người ta chỉ quan tâm ăn no mặc ấm, chứ chẳng dư dả để chi tiêu cho các món ăn chơi có cũng được mà không có cũng chẳng sao. Thêm vào đó, gia cảnh khó khăn, bản thân ông chẳng tích cóp được dù đi làm thêm phụ giúp cha mẹ từ thời còn học cấp 2, cũng không vay mượn được bao nhiêu từ bạn bè do thời buổi đó còn khó khăn.

Thách thức chồng chất nhưng chàng trai trẻ vẫn kiên định với đường lối đã chọn, vượt qua mọi khó khăn để khăn gói lên đường sang nước ngoài học tập công nghệ trái cây sấy. Sau những năm vừa học vừa làm, tiếp thu kinh nghiệm từ bên ngoài, ông trở về bắt tay biến ước mơ thành hiện thực.

Mít là thử nghiệm đầu tiên của ông, bởi đây là loại quả hầu như có khắp nơi, dễ trồng, sai quả. Sản phẩm thử nghiệm được bạn bè ăn thử, nhưng bị chê cứng, không đậm đà. Lại phải tìm cách khắc phục. Sau nhiều chỉnh sửa, khoảng năm 1990 sản phẩm Vinamit chính thức ra đời. Tuy nhiên, điểm đến là thị trường xuất khẩu, chứ không phải trong nước bởi mọi người quá xa lạ với sản phẩm sấy khô, thậm chí bị cho là vô bổ.

"Trời không phụ lòng người, sản phẩm bán ra nhanh chóng tạo chú ý với người tiêu dùng, coi như không bõ công tôi tiếp thị tới từng người tiêu dùng, bươn chải khắp nơi, lúc ngồi bán ở vỉa hè, trên tàu, hay ở các chợ tại Đài Loan...", ông chủ Vinamit hồi tưởng.

Ông Nguyễn Lâm Viên: "Tôi có duyên với ngành nông nghiệp". Ảnh: V.M.

Nhờ vậy, từ 2 bàn tay trắng, cái gì cũng đi vay mượn, mua chịu: máy móc thiết bị, mọi vật dụng cần thiết để sản xuất vận hành, chờ bán được hàng mới trả, cửa hàng đã nhanh chóng tự chủ trong thu chi. Có thời điểm một tấn gạo xuất khẩu chỉ 200 USD nhưng một tấn mít sấy tới 6.000 USD, bỏ một đồng vốn thu về 5 đồng lời, là những quả ngọt giải tỏa bao nỗi nhọc nhằn trong giai đoạn khởi nghiệp nhiều khó khăn mà đến giờ ông vẫn nhớ như in. Thành công này mở ra giai đoạn phát triển mới cho Vinamit, nhưng cũng là lúc phải đối mặt với các thách thức lớn hơn nữa.

Tới năm 1997, ông quyết định trở lại thị trường nội địa sau gần chục năm bỏ quên, bởi nhu cầu thị trường đã có, chứ không còn hờ hững như trước. Những sản phẩm dạt ra, không đủ tiêu chuẩn xuất khẩu phải bán rẻ bỗng được tiêu thụ mạnh dần lên. Lúc đó, nhiều người khen trái cây sấy thơm ngon, vị bùi, ngọt. Mặc khác, những trợ thủ đắc lực của ông bị lôi kéo ra ngoài lập nghiệp riêng và đánh mạnh vào thị trường nội địa, buộc ông phải hành động trước. Thị phần trong nước trước đây bằng 0, nay được dành ra 30-40%. Bởi tới thời điểm này, người ta không chỉ "ăn no mặc ấm nữa" mà chuyển sang "ăn ngon mặc đẹp", "ăn kiêng xài hàng hiệu" và những món ăn chơi được ưa chuộng nhiều hơn.

Tuy nhiên, cái tên Vinamit thì không ai biết tới. "Người tiêu dùng cứ gọi là mít tím (vì bao bì sản phẩm màu tím), chứ không nói được tên doanh nghiệp. Thậm chí người ta cứ nghĩ tôi là người Đài Loan, Trung Quốc", ông Nguyễn Lâm Viên cười nói. Lại phải một giai đoạn cất công đầu tư xây dựng thương hiệu. Tới nay, cái tên Vinamit (mít Việt Nam) không chỉ có duy nhất một sản phẩm là mít sấy mà nhiều loại quả đã được sấy khô, nhưng chủ lực vẫn là: mít, chuối, khoai môn, khoai lang, thơm, đu đủ, đậu phộng.

Khi nhu cầu tiêu thụ tăng lên, sản lượng thu hoạch cũng phải tăng tương ứng để kịp đưa vào chế biến. Thế nhưng, khác với các loại nông sản khác, không ai đi trồng hàng trăm ha mít, hay chuối, khoai môn... nên có lúc nguồn cung không đủ để cung ứng, dẫn tới thiếu nguyên liệu chế biến.

"Bức bách quá, chúng tôi phải mua mít từ Ấn Độ, giá đắt gấp đôi trong nước mà mùi vị chẳng sánh bằng mít nghệ của ta", ông chia sẻ. Tự chủ vùng nguyên liệu sẽ đảm bảo tiến độ sản xuất nên ông bắt tay tạo dựng vùng nguyên liệu cho công ty, thông qua việc ký kết hợp đồng với nông dân. Ưu điểm lớn nhất của trái cây trong nước là mùi vị "trời cho", còn thuần giống, không lai tạp, nên hương thơm, vị ngọt rất đặc trưng.

Hiện nay, khi đảm đương cương vị Chủ tịch Hội đồng quản trị, phần việc thẩm định chất lượng trái cây, nông sản trước khi vào sản xuất giao cho bộ phận khác đảm trách. Ông tập trung hoạch định chiến lược phát triển công ty. Song, những lúc rỗi rảnh, điểm đến yêu thích nhất của vị lãnh đạo vẫn là nông trại, vườn cây. "Nơi đó, tôi tìm thấy sự tĩnh tại cho bản thân, tránh xa mọi ồn ã, xô bồ của cuộc sống...", ông trải lòng.

Luôn cho rằng ngành nông nghiệp đứng vững trong mọi hoàn cảnh, bởi dù kinh tế có khủng hoảng, người ta vẫn phải chi tiêu cho ăn uống. Song, những thách thức mà doanh nghiệp ông đối mặt trong năm nay vượt cả dự đoán. Lợi nhuận chỉ tăng khoảng 3-4%, do chi phí lãi vay lớn, tiêu thụ giảm sút. Chính vì thế, kế hoạch kinh doanh dè dặt, thận trọng là ưu tiên số 1 trong năm tới.

"Tập trung vào các sản phẩm truyền thống, tạm gác lại kế hoạch tung ra sản phẩm mới", ông chia sẻ phương án "đánh chắc, thắng chắc" trong năm 2012 - một năm dự báo sẽ còn khó khăn hơn cả 2011.

Bạch Hường

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Ceovn.com