Thứ Bảy, 31 tháng 12, 2011

Đỗ Tất Bình - Người đóng thế ở phi trường


Được Bộ trưởng Đinh La Thăng điều ra thay thế người cũ, Đỗ Tất Bình, vị tổng chỉ huy mới của Sân bay Đà Nẵng đã đưa công trình hoàn thành đúng tiến độ trong muôn vàn áp lực.

Sau gần 3 tháng, từ chuyến thị sát thực tế và quyết định thay tổng chỉ huy dự án của Bộ Trưởng Giao thông Đinh La Thăng, Sân bay quốc tế Đà Nẵng đã chính thức được đưa vào khai thác ngày 15.12 vừa qua. Phát biểu với báo giới trong ngày khai trương này, ông Đinh La Thăng cho biết, ông rất vui vì nhà ga hoàn thành đúng tiến độ và đưa vào khai thác sớm như vậy. Có một nhân vật đã góp phần không nhỏ trong nỗ lực hoàn tất dự án trước tiến độ. Đó là ông Đỗ Tất Bình, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cảng hàng không miền Nam.

Khi quyết định thay tổng chỉ huy dự án, qua điện thoại, ông Thăng đã điều ông Đỗ Tất Bình từ TP.HCM ra Đà Nẵng làm tổng chỉ huy, toàn quyền điều hành công việc từ ngày 5.10. Ra Đà Nẵng, sau xem xét thực tế, ông Bình đã hứa với Bộ trưởng quyết tâm hoàn thành dự án trước ngày 31.12. Từ đó cho đến ngày sân bay chính thức được đưa vào khai thác, ông Bình luôn từ chối mọi trao đổi với giới truyền thông về tiến độ dự án và áp lực công việc mà ông hiểu là phải hoàn thành bằng mọi giá. Ngày 15.12, dự án đã hoàn tất trước kế hoạch nửa tháng. NCĐT đã trao đổi với ông Đỗ Tất Bình, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cảng hàng không miền Nam, tổng chỉ huy dự án Sân bay quốc tế Đà Nẵng.

Ông hài lòng với những gì mình đã làm trong gần 3 tháng qua tại Đà Nẵng?

Tôi vui vì dự án đã hoàn thành sớm hơn tiến độ, nhưng vẫn chưa hết lo lắng bởi khó khăn phía trước vẫn còn. Công trình xây dựng hàng không rất khác các công trình xây dựng dân dụng khác. Hệ thống sân bay được đầu tư nhiều trang thiết bị kỹ thuật hiện đại, nên đội ngũ trực kỹ thuật để vận hành, xử lý những phát sinh từ các thiết bị này phải hết sức chuyên nghiệp. Khó khăn ở đây là năng lực quản lý còn hạn chế nên trong quá trình khai thác, chỉ gặp một chút trục trặc, xử lý không kịp sẽ ảnh hưởng đến tâm lý khách hàng ngay.

Những lỗi nào dễ gặp nhất tại một ga sân bay quốc tế khi bắt đầu vận hành?

Điều tôi lo là quy mô sân bay mới lớn gần 37.000 m2, trong khi sân bay Đà Nẵng cũ chỉ trên 2.000 m2. Như vậy, đội ngũ nhân sự cho dù đã được huấn luyện đào tạo vẫn cần thời gian để làm quen. Có nhiều trang thiết bị khi đưa vào vận hành có thể gặp một số lỗi từ lắp ráp hoặc lỗi phần mềm quản lý các chức năng vận hành mà nếu không xử lý chuyên nghiệp sẽ ảnh hưởng đến dây chuyền khác. Quan trọng hơn là ảnh hưởng đến niềm tin của khách hàng. Xong việc rồi vẫn chưa hết áp lực, đúng không?

Tuy nhiên, đó là những khó khăn liên quan đến kỹ thuật?

Tại sân bay Tân Sơn Nhất, đội ngũ kỹ thuật đã được đào tạo và có kinh nghiệm với sân bay hiện đại. Nhân sự vận hành một dây chuyền hiện đại là quan trọng mà điều này Đà Nẵng chưa bằng Tân Sơn Nhất được, trong khi quy mô bằng 1/2 so với Tân Sơn Nhất. Không ít dây chuyền máy móc kỹ thuật được đầu tư tại sân bay Đà Nẵng hiện đại hơn cả Tân Sơn Nhất, chẳng hạn cầu ống dẫn khách hay máy soi.

Trước đây, một phần dự án chậm tiến độ do quá trình nghiệm thu thanh toán chậm nên nhà thầu gặp khó khăn có phải không?

Điều này khi tham gia dự án tôi cũng có ý kiến. Bởi dự án này hơi phức tạp vì áp dụng tiêu chuẩn nghiệm thu của nước ngoài. Các trang thiết bị đưa về nếu chưa có phiếu kiểm định chất lượng thì nguyên tắc là chưa thanh toán. Nhưng có thể áp dụng biện pháp linh hoạt hơn. Nhà thầu đã thực hiện khối lượng công việc hoặc thiết bị đã đưa về thì ứng 80-90% kinh phí, nếu sau đó không đạt yêu cầu thì trừ tiền lại. Có vậy mới giải ngân được và hỗ trợ kịp thời cho nhà thầu trong giai đoạn khó khăn hiện nay để có tiền thuê nhân công, mua vật tư…

Kinh nghiệm quản lý các dự án sân bay có giúp ông nhiều khi triển khai dự án này?

Với dự án sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, từ năm 2003-2007, tôi là Phó Trưởng ban quản lý dự án. Hai dự án sân bay của tỉnh Lâm Đồng và thành phố Cần Thơ thì tôi làm trưởng ban quản lý và cũng thành công đúng kế hoạch. Từ năm 1990, tôi đã tham gia làm việc trong lĩnh vực hàng không, làm trong lĩnh vực xây dựng đúng chuyên ngành được đào tạo ở nước ngoài. Tất nhiên hơn 20 năm làm việc và quản lý trong ngành này, tôi đã có ít nhiều kinh nghiệm. Song việc hoàn thành dự án Sân bay Đà Nẵng kịp tiến độ phải nói là nỗ lực của cả tập thể. Trước tiên là chỉ đạo sát sao của Bộ trưởng. Bên cạnh đó là các Cục Hàng không Việt Nam, nhóm những kỹ sư giỏi từ Tổng Công ty Cảng hàng không Miền Nam cùng tôi ra Đà Nẵng để tiếp nhận dự án, chủ đầu tư, các nhà thầu, công nhân viên làm việc trên công trường....

Vậy Bộ trưởng đã thưởng cho ông chưa?

Phần thưởng lớn nhất đối với tôi là việc đưa dự án vào hoạt động đúng tiến độ, bởi có không ít áp lực.

Áp lực lớn nhất là gì?

Áp lực quá lớn chứ không có áp lực lớn nhất. Tôi không tham gia từ đầu và tiếp nhận khi dự án đang triển khai giữa chừng. Hơn nữa, đây là dự án ít nhiều được truyền thông nói đến nhiều sau chuyến thị sát của Bộ trưởng. Chỉ đạo của lãnh đạo bằng mọi giá phải xong trong thời gian ngắn và kỳ vọng của người dân cũng đã là áp lực. Một trải nghiệm thật khó quên.

Bao lâu nữa để dự án vào guồng và cá nhân ông có thể vào TP.HCM tiếp tục công tác điều hành của mình tại Tổng Công ty Cảng hàng không miền Nam?

(cười) Tôi cũng muốn hoàn dự án sớm để có thể trở về nhà sau gần 3 tháng “trực chiến” ở đây. Độ khoảng 1 tháng nữa là mọi thứ sẽ vào guồng, ổn định để kịp đón khách dịp Tết Nguyên đán.

Sân bay quốc tế Đà Nẵng

Sân bay quốc tế Đà Nẵng mới được đưa vào hoạt động sau 4 năm khởi công xây dựng. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 1.300 tỉ đồng. Nhà ga gồm 3 tầng và 1 tầng hầm với tổng diện tích sử dụng 36.600 m2, bố trí thuận tiện cho việc làm thủ tục chung cho cả quốc tế và quốc nội với 36 quầy thủ tục, khu vực check-in cùng các dịch vụ phụ trợ khác.

Dự kiến trong giai đoạn đầu, nhà ga có công suất phục vụ khoảng 4,5-5 triệu khách/năm, tiếp nhận 0,4 -1 triệu tấn hàng hóa/năm. Từ năm 2015 trở đi sẽ đạt công suất 6-8 triệu hành khách/năm.

Ông Đỗ Tất Bình

• Quê Hải Phòng

• 1980-1987: Du học ở Nga, ngành xây dựng hàng không

• 1987-1989: Làm việc tại Quân chủng Phòng không Không quân Việt Nam

• 1990-1992: Làm trong lĩnh vực xây dựng và thương mại

• 1992: Vào làm trong ngành hàng không ở Hà Nội

• 1993-2007: công tác tại Cụm Cảng hàng không miền Nam

• 2007 đến nay: Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cảng hàng không miền Nam.

Thứ Năm, 29 tháng 12, 2011

CEO Nhaccuatui khởi nghiệp với 10 USD

Từ một website "làm cho vui", Nhan Thế Luân đã biến nó thành trang nhạc trực tuyến với hàng triệu người dùng mỗi ngày.

Ý tưởng tạo ra một trang nghe nhạc trực tuyến đến với Nhan Thế Luân (sinh năm 1982) một cách rất tự nhiên. Kể cả khi anh bỏ ra 10 USD đầu tiên để mua một tên miền nghe rất dân dã, thuần miền Nam "Nhaccuatui.com", trang web vẫn chỉ như một sở thích được chia sẻ âm nhạc với mọi người.

Thế rồi, đến một ngày bạn bè nói với Luân: "Sao không làm gì với nó đi" khi lượng người truy cập trang đạt con số vài nghìn. Và Luân quyết định sẽ “"làm gì đó" – bỏ công việc ổn định với mức lương vài trăm đô mỗi tháng tại một công ty phần mềm để chuyên tâm xây dựng website này.

Nhân Thế Luân
Nhân Thế Luân, CEO của Công ty NCT Corporation. Ảnh: NVCC

Từ 60 triệu đồng vay từ mẹ để mua máy chủ đầu tiên, Nhan Thế Luân đã thành lập NCT Corporation vào 2007. Doanh thu từ quảng cáo năm đó đạt 300 triệu đồng. Đến 2010, con số này đã là 10 tỷ và dự kiến năm 2011 lên tới 20 tỷ đồng, trong đó 80% đến từ quảng cáo và thu phí người dùng, dịch vụ tổ chức event chiếm 20% còn lại. Sau 4 năm, lượng khách truy cập vào trang nhạc đã lên tới con số hàng triệu người mỗi ngày.

Tận dụng lợi thế thông thạo Internet và công nghệ, suốt 4 năm qua Nhan Thế Luân chưa tốn một đồng nào cho chi phí quảng cáo quảng bá hình ảnh. Gần đây nhiều người mới chú ý đến thuật ngữ SEO nhưng từ năm 2007, Nhan Thế Luân đã dùng SEO – Tối ưu hóa công cụ tìm kiếm để Nhaccuatui.com ngày càng được biết đến nhiều hơn.

Bên cạnh mảng hoạt động chính là âm nhạc, Nhaccuatui đang phát triển thêm các sản phẩm vệ tinh như Nava.vn – chợ thương mại điện tử và sắp tới có thể một trang web về hẹn hò. Nava.vn cũng đang có những bước phát triển mạnh, như cách đây 5 năm mỗi ngày chỉ có 10 đến 15 đơn hàng thì nay lên khoảng 200 đơn hàng.

Tham vọng của chàng trai trẻ là đến năm 2015, Nhaccuatui sẽ đứng vào hàng ngũ những công ty Internet hàng đầu Việt Nam về lĩnh vực giải trí và thương mại điện tử, với lượng người truy cập lên con số 10 triệu. "Đó là những mục tiêu chính, còn mục tiêu phụ là bản thân mình sẽ giàu", Nhan Thế Luân cười nói.

Một góc văn phòng của NCT. Ảnh: NVCC

Trong kinh doanh, nhất là lĩnh vực nhạc trực tuyến, Nhân Thế Luân cho rằng yếu tố con người là quan trọng nhất, quyết định khả năng thắng hay thua của doanh nghiệp. Nếu như cách đây 4 năm, Việt Nam có hàng trăm website nghe nhạc trực tuyến thì nay số lượng trang được biết đến chỉ còn trên đầu ngón tay. "Trong ngành này, ai có nội dung tốt thì sẽ thắng, mà con người chính là cha đẻ của nội dung", CEO trẻ này cho biết.

Luân tâm sự, với đặc thù trang web như Nhaccuatui cũng khó mà kiện được nếu nhạc không có bản quyền vì người dùng tự đẩy bài hát lên và tự chia sẻ. Tuy nhiên, anh đã quyết định mua bản quyền nhạc Việt từ rất sớm. Vào năm 2007 dù chỉ lập trang web để "chơi chơi", anh đã đi gặp Hội Nhạc sĩ Việt Nam và Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam để mua bản quyền nhạc Việt. Gần đây nhất, Nhaccuatui cũng đàm phán xong với 2 hãng ghi âm nổi tiếng thế giới là Universal và Sony để mua bản quyền nhạc quốc tế sau 2 năm thương thảo.

Tiền bản quyền không hề rẻ nhưng bản thân Nhân Thế Luân cho biết vẫn vui khi tự nguyện làm việc đó. Dù doanh thu hàng năm ở mức cao, hiện nay Nhaccuatui vẫn chưa có lợi nhuận, thậm chí lỗ một phần vì phải để dành tiền trả phí bản quyền. "Quan niệm của tôi là khi mình kiếm được 10 đồng, những người đã tạo ra nội dung cho mình kinh doanh cũng phải được chia một phần trong đó", Nhan Thế Luân nói.

Chưa có lợi nhuận nhưng Nhan Thế Luân vẫn rất lạc quan: "Với tình hình phát triển như hiện nay với doanh thu quảng cáo năm này gấp đôi năm trước, chỉ 3 đến 4 năm nữa là Nhacuatui sẽ có lời".

Là người sáng lập của CEO của một website âm nhạc, nhưng âm nhạc không phải là niềm đam mê của Nhan Thế Luân. Niềm vui lớn nhất của anh là chơi với đứa con 2 tuổi sau mỗi ngày từ công ty về nhà.

(Theo VNE)

Thứ Ba, 27 tháng 12, 2011

Chủ tịch Vinamit bị coi là điên khi muốn làm giàu từ mít

"Gạo không đủ ăn làm sao người ta nghĩ tới các món ăn chơi xa xỉ, bỏ vốn ra chỉ có lỗ..." là phản ứng của bạn bè, người thân khi nghe kế hoạch chế biến trái sấy cây khô của ông Nguyễn Lâm Viên cách đây hơn 20 năm

"Tôi tuổi trâu, mạng thổ, tên Lâm Viên, học nông nghiệp, làm việc ở nông trường, khát khao nghiên cứu lĩnh vực bảo quản và chế biến sau thu hoạch, nên coi như sớm có duyên với ngành nông nghiệp", Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Vinamit nhớ lại chặng đường khởi nghiệp.

Nhìn thấy hàng loạt quả mít nghệ no tròn, đều đặn, múi vàng ươm, hương thơm lừng rơi rớt dưới gốc cây, vương vãi khắp nơi mà không ai đoái hoài đến, ông thấy quá lãng phí. Loại cây "dân quê" này hầu như nhà nào cũng có, thậm chí có cây sai quả, gia đình ăn không hết phải san sẻ cho hàng xóm. Thế nên, mít tươi bán ngoài chợ rẻ như bèo, chẳng ai muốn mua. Lúc đó, chàng trai trẻ chợt nghĩ "sao không sấy khô để ăn dần".

Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinamit Nguyễn Lâm Viên. Ảnh: V.M.

Cũng vào thời điểm đất nước sau đổi mới, nhiều doanh nhân nước ngoài đến Việt Nam tìm cơ hội. Một số vị biết ông quan tâm tới nông sản đã mách nhỏ: "Cậu đang ở trên đống tiền mà không chịu khai thác, khi xung quanh có nhiều sản vật chân quê nhưng lại rất đặc biệt, không quốc gia nào sánh bằng". Mang trăn trở này đến hỏi ý kiến người thầy, cậu sinh viên vừa tốt nghiệp cũng nhận được sự động viên từ vị nhà giáo lão thành. Ý tưởng đã có, ông quyết định khăn gói ra nước ngoài học tập. Bởi thời điểm những năm 80, chưa ai có khái niệm gì trái cây sấy khô, công đoạn sản xuất ra sao.

Tuy nhiên, nhiều bạn bè, người thân khi nghe ông trình bày ý định đã cho rằng "vớ vẩn, điên rồ". Bởi những năm 80, nhiều gia đình không đủ gạo ăn. Người ta chỉ quan tâm ăn no mặc ấm, chứ chẳng dư dả để chi tiêu cho các món ăn chơi có cũng được mà không có cũng chẳng sao. Thêm vào đó, gia cảnh khó khăn, bản thân ông chẳng tích cóp được dù đi làm thêm phụ giúp cha mẹ từ thời còn học cấp 2, cũng không vay mượn được bao nhiêu từ bạn bè do thời buổi đó còn khó khăn.

Thách thức chồng chất nhưng chàng trai trẻ vẫn kiên định với đường lối đã chọn, vượt qua mọi khó khăn để khăn gói lên đường sang nước ngoài học tập công nghệ trái cây sấy. Sau những năm vừa học vừa làm, tiếp thu kinh nghiệm từ bên ngoài, ông trở về bắt tay biến ước mơ thành hiện thực.

Mít là thử nghiệm đầu tiên của ông, bởi đây là loại quả hầu như có khắp nơi, dễ trồng, sai quả. Sản phẩm thử nghiệm được bạn bè ăn thử, nhưng bị chê cứng, không đậm đà. Lại phải tìm cách khắc phục. Sau nhiều chỉnh sửa, khoảng năm 1990 sản phẩm Vinamit chính thức ra đời. Tuy nhiên, điểm đến là thị trường xuất khẩu, chứ không phải trong nước bởi mọi người quá xa lạ với sản phẩm sấy khô, thậm chí bị cho là vô bổ.

"Trời không phụ lòng người, sản phẩm bán ra nhanh chóng tạo chú ý với người tiêu dùng, coi như không bõ công tôi tiếp thị tới từng người tiêu dùng, bươn chải khắp nơi, lúc ngồi bán ở vỉa hè, trên tàu, hay ở các chợ tại Đài Loan...", ông chủ Vinamit hồi tưởng.

Ông Nguyễn Lâm Viên: "Tôi có duyên với ngành nông nghiệp". Ảnh: V.M.

Nhờ vậy, từ 2 bàn tay trắng, cái gì cũng đi vay mượn, mua chịu: máy móc thiết bị, mọi vật dụng cần thiết để sản xuất vận hành, chờ bán được hàng mới trả, cửa hàng đã nhanh chóng tự chủ trong thu chi. Có thời điểm một tấn gạo xuất khẩu chỉ 200 USD nhưng một tấn mít sấy tới 6.000 USD, bỏ một đồng vốn thu về 5 đồng lời, là những quả ngọt giải tỏa bao nỗi nhọc nhằn trong giai đoạn khởi nghiệp nhiều khó khăn mà đến giờ ông vẫn nhớ như in. Thành công này mở ra giai đoạn phát triển mới cho Vinamit, nhưng cũng là lúc phải đối mặt với các thách thức lớn hơn nữa.

Tới năm 1997, ông quyết định trở lại thị trường nội địa sau gần chục năm bỏ quên, bởi nhu cầu thị trường đã có, chứ không còn hờ hững như trước. Những sản phẩm dạt ra, không đủ tiêu chuẩn xuất khẩu phải bán rẻ bỗng được tiêu thụ mạnh dần lên. Lúc đó, nhiều người khen trái cây sấy thơm ngon, vị bùi, ngọt. Mặc khác, những trợ thủ đắc lực của ông bị lôi kéo ra ngoài lập nghiệp riêng và đánh mạnh vào thị trường nội địa, buộc ông phải hành động trước. Thị phần trong nước trước đây bằng 0, nay được dành ra 30-40%. Bởi tới thời điểm này, người ta không chỉ "ăn no mặc ấm nữa" mà chuyển sang "ăn ngon mặc đẹp", "ăn kiêng xài hàng hiệu" và những món ăn chơi được ưa chuộng nhiều hơn.

Tuy nhiên, cái tên Vinamit thì không ai biết tới. "Người tiêu dùng cứ gọi là mít tím (vì bao bì sản phẩm màu tím), chứ không nói được tên doanh nghiệp. Thậm chí người ta cứ nghĩ tôi là người Đài Loan, Trung Quốc", ông Nguyễn Lâm Viên cười nói. Lại phải một giai đoạn cất công đầu tư xây dựng thương hiệu. Tới nay, cái tên Vinamit (mít Việt Nam) không chỉ có duy nhất một sản phẩm là mít sấy mà nhiều loại quả đã được sấy khô, nhưng chủ lực vẫn là: mít, chuối, khoai môn, khoai lang, thơm, đu đủ, đậu phộng.

Khi nhu cầu tiêu thụ tăng lên, sản lượng thu hoạch cũng phải tăng tương ứng để kịp đưa vào chế biến. Thế nhưng, khác với các loại nông sản khác, không ai đi trồng hàng trăm ha mít, hay chuối, khoai môn... nên có lúc nguồn cung không đủ để cung ứng, dẫn tới thiếu nguyên liệu chế biến.

"Bức bách quá, chúng tôi phải mua mít từ Ấn Độ, giá đắt gấp đôi trong nước mà mùi vị chẳng sánh bằng mít nghệ của ta", ông chia sẻ. Tự chủ vùng nguyên liệu sẽ đảm bảo tiến độ sản xuất nên ông bắt tay tạo dựng vùng nguyên liệu cho công ty, thông qua việc ký kết hợp đồng với nông dân. Ưu điểm lớn nhất của trái cây trong nước là mùi vị "trời cho", còn thuần giống, không lai tạp, nên hương thơm, vị ngọt rất đặc trưng.

Hiện nay, khi đảm đương cương vị Chủ tịch Hội đồng quản trị, phần việc thẩm định chất lượng trái cây, nông sản trước khi vào sản xuất giao cho bộ phận khác đảm trách. Ông tập trung hoạch định chiến lược phát triển công ty. Song, những lúc rỗi rảnh, điểm đến yêu thích nhất của vị lãnh đạo vẫn là nông trại, vườn cây. "Nơi đó, tôi tìm thấy sự tĩnh tại cho bản thân, tránh xa mọi ồn ã, xô bồ của cuộc sống...", ông trải lòng.

Luôn cho rằng ngành nông nghiệp đứng vững trong mọi hoàn cảnh, bởi dù kinh tế có khủng hoảng, người ta vẫn phải chi tiêu cho ăn uống. Song, những thách thức mà doanh nghiệp ông đối mặt trong năm nay vượt cả dự đoán. Lợi nhuận chỉ tăng khoảng 3-4%, do chi phí lãi vay lớn, tiêu thụ giảm sút. Chính vì thế, kế hoạch kinh doanh dè dặt, thận trọng là ưu tiên số 1 trong năm tới.

"Tập trung vào các sản phẩm truyền thống, tạm gác lại kế hoạch tung ra sản phẩm mới", ông chia sẻ phương án "đánh chắc, thắng chắc" trong năm 2012 - một năm dự báo sẽ còn khó khăn hơn cả 2011.

Bạch Hường

Thứ Sáu, 23 tháng 12, 2011

CEO Facebook đến Việt Nam

Mark Zuckerberg đang ở Hà Nội sau khi đáp chuyến bay từ Bangkok tới Nội Bài vào lúc 14h30 chiều qua.

Nguồn tin của VnExpress xác nhận, Mark đang ở một khách sạn 5 sao của Hà Nội. Anh Trung, làm việc tại gian hàng điện thoại Vertu, cho hay Zuckerberg cùng bạn gái đã vào thăm cửa hàng. Tuy nhiên, vệ sĩ của tỷ phú trẻ nước Mỹ từ chối cho người hâm mộ chụp ảnh.

Zuckerberg được cấp visa vào ngày 16/12 với thời hạn 2 tuần. Ông Huỳnh Kim Tước, đại diện Facebook Việt Nam, cho hay thông tin về chuyến đi của CEO này không được thông báo trước.

Mark Zuckerberg và bạn gái.
Mark Zuckerberg và bạn gái. Ảnh: BI.

Mark Zuckerberg là một trong hai tỷ phú trẻ nhất nước Mỹ và được tạp chí danh tiếng Time (Mỹ) bình chọn là Nhân vật của năm 2010. Năm 2011, Facebook có 800 triệu thành viên và thu về 4,3 tỷ USD, gấp hơn hai lần doanh thu năm ngoái.

Zuckerberg sinh năm 1984 ở Ferry, New York (Mỹ), có bố là nha sĩ, mẹ là nhà tâm lý học và có 3 chị gái. Anh gặp bạn gái Priscilla Chan tại một bữa tiệc ở Đại học Harvard cách đây 8 năm từ trước khi ý tưởng về Facebook hình thành. Hiện họ sống cùng nhau ở Palo Alto.

Châu An

Ceovn.com