Thứ Bảy, 31 tháng 12, 2011

Đỗ Tất Bình - Người đóng thế ở phi trường


Được Bộ trưởng Đinh La Thăng điều ra thay thế người cũ, Đỗ Tất Bình, vị tổng chỉ huy mới của Sân bay Đà Nẵng đã đưa công trình hoàn thành đúng tiến độ trong muôn vàn áp lực.

Sau gần 3 tháng, từ chuyến thị sát thực tế và quyết định thay tổng chỉ huy dự án của Bộ Trưởng Giao thông Đinh La Thăng, Sân bay quốc tế Đà Nẵng đã chính thức được đưa vào khai thác ngày 15.12 vừa qua. Phát biểu với báo giới trong ngày khai trương này, ông Đinh La Thăng cho biết, ông rất vui vì nhà ga hoàn thành đúng tiến độ và đưa vào khai thác sớm như vậy. Có một nhân vật đã góp phần không nhỏ trong nỗ lực hoàn tất dự án trước tiến độ. Đó là ông Đỗ Tất Bình, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cảng hàng không miền Nam.

Khi quyết định thay tổng chỉ huy dự án, qua điện thoại, ông Thăng đã điều ông Đỗ Tất Bình từ TP.HCM ra Đà Nẵng làm tổng chỉ huy, toàn quyền điều hành công việc từ ngày 5.10. Ra Đà Nẵng, sau xem xét thực tế, ông Bình đã hứa với Bộ trưởng quyết tâm hoàn thành dự án trước ngày 31.12. Từ đó cho đến ngày sân bay chính thức được đưa vào khai thác, ông Bình luôn từ chối mọi trao đổi với giới truyền thông về tiến độ dự án và áp lực công việc mà ông hiểu là phải hoàn thành bằng mọi giá. Ngày 15.12, dự án đã hoàn tất trước kế hoạch nửa tháng. NCĐT đã trao đổi với ông Đỗ Tất Bình, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cảng hàng không miền Nam, tổng chỉ huy dự án Sân bay quốc tế Đà Nẵng.

Ông hài lòng với những gì mình đã làm trong gần 3 tháng qua tại Đà Nẵng?

Tôi vui vì dự án đã hoàn thành sớm hơn tiến độ, nhưng vẫn chưa hết lo lắng bởi khó khăn phía trước vẫn còn. Công trình xây dựng hàng không rất khác các công trình xây dựng dân dụng khác. Hệ thống sân bay được đầu tư nhiều trang thiết bị kỹ thuật hiện đại, nên đội ngũ trực kỹ thuật để vận hành, xử lý những phát sinh từ các thiết bị này phải hết sức chuyên nghiệp. Khó khăn ở đây là năng lực quản lý còn hạn chế nên trong quá trình khai thác, chỉ gặp một chút trục trặc, xử lý không kịp sẽ ảnh hưởng đến tâm lý khách hàng ngay.

Những lỗi nào dễ gặp nhất tại một ga sân bay quốc tế khi bắt đầu vận hành?

Điều tôi lo là quy mô sân bay mới lớn gần 37.000 m2, trong khi sân bay Đà Nẵng cũ chỉ trên 2.000 m2. Như vậy, đội ngũ nhân sự cho dù đã được huấn luyện đào tạo vẫn cần thời gian để làm quen. Có nhiều trang thiết bị khi đưa vào vận hành có thể gặp một số lỗi từ lắp ráp hoặc lỗi phần mềm quản lý các chức năng vận hành mà nếu không xử lý chuyên nghiệp sẽ ảnh hưởng đến dây chuyền khác. Quan trọng hơn là ảnh hưởng đến niềm tin của khách hàng. Xong việc rồi vẫn chưa hết áp lực, đúng không?

Tuy nhiên, đó là những khó khăn liên quan đến kỹ thuật?

Tại sân bay Tân Sơn Nhất, đội ngũ kỹ thuật đã được đào tạo và có kinh nghiệm với sân bay hiện đại. Nhân sự vận hành một dây chuyền hiện đại là quan trọng mà điều này Đà Nẵng chưa bằng Tân Sơn Nhất được, trong khi quy mô bằng 1/2 so với Tân Sơn Nhất. Không ít dây chuyền máy móc kỹ thuật được đầu tư tại sân bay Đà Nẵng hiện đại hơn cả Tân Sơn Nhất, chẳng hạn cầu ống dẫn khách hay máy soi.

Trước đây, một phần dự án chậm tiến độ do quá trình nghiệm thu thanh toán chậm nên nhà thầu gặp khó khăn có phải không?

Điều này khi tham gia dự án tôi cũng có ý kiến. Bởi dự án này hơi phức tạp vì áp dụng tiêu chuẩn nghiệm thu của nước ngoài. Các trang thiết bị đưa về nếu chưa có phiếu kiểm định chất lượng thì nguyên tắc là chưa thanh toán. Nhưng có thể áp dụng biện pháp linh hoạt hơn. Nhà thầu đã thực hiện khối lượng công việc hoặc thiết bị đã đưa về thì ứng 80-90% kinh phí, nếu sau đó không đạt yêu cầu thì trừ tiền lại. Có vậy mới giải ngân được và hỗ trợ kịp thời cho nhà thầu trong giai đoạn khó khăn hiện nay để có tiền thuê nhân công, mua vật tư…

Kinh nghiệm quản lý các dự án sân bay có giúp ông nhiều khi triển khai dự án này?

Với dự án sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, từ năm 2003-2007, tôi là Phó Trưởng ban quản lý dự án. Hai dự án sân bay của tỉnh Lâm Đồng và thành phố Cần Thơ thì tôi làm trưởng ban quản lý và cũng thành công đúng kế hoạch. Từ năm 1990, tôi đã tham gia làm việc trong lĩnh vực hàng không, làm trong lĩnh vực xây dựng đúng chuyên ngành được đào tạo ở nước ngoài. Tất nhiên hơn 20 năm làm việc và quản lý trong ngành này, tôi đã có ít nhiều kinh nghiệm. Song việc hoàn thành dự án Sân bay Đà Nẵng kịp tiến độ phải nói là nỗ lực của cả tập thể. Trước tiên là chỉ đạo sát sao của Bộ trưởng. Bên cạnh đó là các Cục Hàng không Việt Nam, nhóm những kỹ sư giỏi từ Tổng Công ty Cảng hàng không Miền Nam cùng tôi ra Đà Nẵng để tiếp nhận dự án, chủ đầu tư, các nhà thầu, công nhân viên làm việc trên công trường....

Vậy Bộ trưởng đã thưởng cho ông chưa?

Phần thưởng lớn nhất đối với tôi là việc đưa dự án vào hoạt động đúng tiến độ, bởi có không ít áp lực.

Áp lực lớn nhất là gì?

Áp lực quá lớn chứ không có áp lực lớn nhất. Tôi không tham gia từ đầu và tiếp nhận khi dự án đang triển khai giữa chừng. Hơn nữa, đây là dự án ít nhiều được truyền thông nói đến nhiều sau chuyến thị sát của Bộ trưởng. Chỉ đạo của lãnh đạo bằng mọi giá phải xong trong thời gian ngắn và kỳ vọng của người dân cũng đã là áp lực. Một trải nghiệm thật khó quên.

Bao lâu nữa để dự án vào guồng và cá nhân ông có thể vào TP.HCM tiếp tục công tác điều hành của mình tại Tổng Công ty Cảng hàng không miền Nam?

(cười) Tôi cũng muốn hoàn dự án sớm để có thể trở về nhà sau gần 3 tháng “trực chiến” ở đây. Độ khoảng 1 tháng nữa là mọi thứ sẽ vào guồng, ổn định để kịp đón khách dịp Tết Nguyên đán.

Sân bay quốc tế Đà Nẵng

Sân bay quốc tế Đà Nẵng mới được đưa vào hoạt động sau 4 năm khởi công xây dựng. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 1.300 tỉ đồng. Nhà ga gồm 3 tầng và 1 tầng hầm với tổng diện tích sử dụng 36.600 m2, bố trí thuận tiện cho việc làm thủ tục chung cho cả quốc tế và quốc nội với 36 quầy thủ tục, khu vực check-in cùng các dịch vụ phụ trợ khác.

Dự kiến trong giai đoạn đầu, nhà ga có công suất phục vụ khoảng 4,5-5 triệu khách/năm, tiếp nhận 0,4 -1 triệu tấn hàng hóa/năm. Từ năm 2015 trở đi sẽ đạt công suất 6-8 triệu hành khách/năm.

Ông Đỗ Tất Bình

• Quê Hải Phòng

• 1980-1987: Du học ở Nga, ngành xây dựng hàng không

• 1987-1989: Làm việc tại Quân chủng Phòng không Không quân Việt Nam

• 1990-1992: Làm trong lĩnh vực xây dựng và thương mại

• 1992: Vào làm trong ngành hàng không ở Hà Nội

• 1993-2007: công tác tại Cụm Cảng hàng không miền Nam

• 2007 đến nay: Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cảng hàng không miền Nam.

Thứ Năm, 29 tháng 12, 2011

CEO Nhaccuatui khởi nghiệp với 10 USD

Từ một website "làm cho vui", Nhan Thế Luân đã biến nó thành trang nhạc trực tuyến với hàng triệu người dùng mỗi ngày.

Ý tưởng tạo ra một trang nghe nhạc trực tuyến đến với Nhan Thế Luân (sinh năm 1982) một cách rất tự nhiên. Kể cả khi anh bỏ ra 10 USD đầu tiên để mua một tên miền nghe rất dân dã, thuần miền Nam "Nhaccuatui.com", trang web vẫn chỉ như một sở thích được chia sẻ âm nhạc với mọi người.

Thế rồi, đến một ngày bạn bè nói với Luân: "Sao không làm gì với nó đi" khi lượng người truy cập trang đạt con số vài nghìn. Và Luân quyết định sẽ “"làm gì đó" – bỏ công việc ổn định với mức lương vài trăm đô mỗi tháng tại một công ty phần mềm để chuyên tâm xây dựng website này.

Nhân Thế Luân
Nhân Thế Luân, CEO của Công ty NCT Corporation. Ảnh: NVCC

Từ 60 triệu đồng vay từ mẹ để mua máy chủ đầu tiên, Nhan Thế Luân đã thành lập NCT Corporation vào 2007. Doanh thu từ quảng cáo năm đó đạt 300 triệu đồng. Đến 2010, con số này đã là 10 tỷ và dự kiến năm 2011 lên tới 20 tỷ đồng, trong đó 80% đến từ quảng cáo và thu phí người dùng, dịch vụ tổ chức event chiếm 20% còn lại. Sau 4 năm, lượng khách truy cập vào trang nhạc đã lên tới con số hàng triệu người mỗi ngày.

Tận dụng lợi thế thông thạo Internet và công nghệ, suốt 4 năm qua Nhan Thế Luân chưa tốn một đồng nào cho chi phí quảng cáo quảng bá hình ảnh. Gần đây nhiều người mới chú ý đến thuật ngữ SEO nhưng từ năm 2007, Nhan Thế Luân đã dùng SEO – Tối ưu hóa công cụ tìm kiếm để Nhaccuatui.com ngày càng được biết đến nhiều hơn.

Bên cạnh mảng hoạt động chính là âm nhạc, Nhaccuatui đang phát triển thêm các sản phẩm vệ tinh như Nava.vn – chợ thương mại điện tử và sắp tới có thể một trang web về hẹn hò. Nava.vn cũng đang có những bước phát triển mạnh, như cách đây 5 năm mỗi ngày chỉ có 10 đến 15 đơn hàng thì nay lên khoảng 200 đơn hàng.

Tham vọng của chàng trai trẻ là đến năm 2015, Nhaccuatui sẽ đứng vào hàng ngũ những công ty Internet hàng đầu Việt Nam về lĩnh vực giải trí và thương mại điện tử, với lượng người truy cập lên con số 10 triệu. "Đó là những mục tiêu chính, còn mục tiêu phụ là bản thân mình sẽ giàu", Nhan Thế Luân cười nói.

Một góc văn phòng của NCT. Ảnh: NVCC

Trong kinh doanh, nhất là lĩnh vực nhạc trực tuyến, Nhân Thế Luân cho rằng yếu tố con người là quan trọng nhất, quyết định khả năng thắng hay thua của doanh nghiệp. Nếu như cách đây 4 năm, Việt Nam có hàng trăm website nghe nhạc trực tuyến thì nay số lượng trang được biết đến chỉ còn trên đầu ngón tay. "Trong ngành này, ai có nội dung tốt thì sẽ thắng, mà con người chính là cha đẻ của nội dung", CEO trẻ này cho biết.

Luân tâm sự, với đặc thù trang web như Nhaccuatui cũng khó mà kiện được nếu nhạc không có bản quyền vì người dùng tự đẩy bài hát lên và tự chia sẻ. Tuy nhiên, anh đã quyết định mua bản quyền nhạc Việt từ rất sớm. Vào năm 2007 dù chỉ lập trang web để "chơi chơi", anh đã đi gặp Hội Nhạc sĩ Việt Nam và Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam để mua bản quyền nhạc Việt. Gần đây nhất, Nhaccuatui cũng đàm phán xong với 2 hãng ghi âm nổi tiếng thế giới là Universal và Sony để mua bản quyền nhạc quốc tế sau 2 năm thương thảo.

Tiền bản quyền không hề rẻ nhưng bản thân Nhân Thế Luân cho biết vẫn vui khi tự nguyện làm việc đó. Dù doanh thu hàng năm ở mức cao, hiện nay Nhaccuatui vẫn chưa có lợi nhuận, thậm chí lỗ một phần vì phải để dành tiền trả phí bản quyền. "Quan niệm của tôi là khi mình kiếm được 10 đồng, những người đã tạo ra nội dung cho mình kinh doanh cũng phải được chia một phần trong đó", Nhan Thế Luân nói.

Chưa có lợi nhuận nhưng Nhan Thế Luân vẫn rất lạc quan: "Với tình hình phát triển như hiện nay với doanh thu quảng cáo năm này gấp đôi năm trước, chỉ 3 đến 4 năm nữa là Nhacuatui sẽ có lời".

Là người sáng lập của CEO của một website âm nhạc, nhưng âm nhạc không phải là niềm đam mê của Nhan Thế Luân. Niềm vui lớn nhất của anh là chơi với đứa con 2 tuổi sau mỗi ngày từ công ty về nhà.

(Theo VNE)

Thứ Ba, 27 tháng 12, 2011

Chủ tịch Vinamit bị coi là điên khi muốn làm giàu từ mít

"Gạo không đủ ăn làm sao người ta nghĩ tới các món ăn chơi xa xỉ, bỏ vốn ra chỉ có lỗ..." là phản ứng của bạn bè, người thân khi nghe kế hoạch chế biến trái sấy cây khô của ông Nguyễn Lâm Viên cách đây hơn 20 năm

"Tôi tuổi trâu, mạng thổ, tên Lâm Viên, học nông nghiệp, làm việc ở nông trường, khát khao nghiên cứu lĩnh vực bảo quản và chế biến sau thu hoạch, nên coi như sớm có duyên với ngành nông nghiệp", Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Vinamit nhớ lại chặng đường khởi nghiệp.

Nhìn thấy hàng loạt quả mít nghệ no tròn, đều đặn, múi vàng ươm, hương thơm lừng rơi rớt dưới gốc cây, vương vãi khắp nơi mà không ai đoái hoài đến, ông thấy quá lãng phí. Loại cây "dân quê" này hầu như nhà nào cũng có, thậm chí có cây sai quả, gia đình ăn không hết phải san sẻ cho hàng xóm. Thế nên, mít tươi bán ngoài chợ rẻ như bèo, chẳng ai muốn mua. Lúc đó, chàng trai trẻ chợt nghĩ "sao không sấy khô để ăn dần".

Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinamit Nguyễn Lâm Viên. Ảnh: V.M.

Cũng vào thời điểm đất nước sau đổi mới, nhiều doanh nhân nước ngoài đến Việt Nam tìm cơ hội. Một số vị biết ông quan tâm tới nông sản đã mách nhỏ: "Cậu đang ở trên đống tiền mà không chịu khai thác, khi xung quanh có nhiều sản vật chân quê nhưng lại rất đặc biệt, không quốc gia nào sánh bằng". Mang trăn trở này đến hỏi ý kiến người thầy, cậu sinh viên vừa tốt nghiệp cũng nhận được sự động viên từ vị nhà giáo lão thành. Ý tưởng đã có, ông quyết định khăn gói ra nước ngoài học tập. Bởi thời điểm những năm 80, chưa ai có khái niệm gì trái cây sấy khô, công đoạn sản xuất ra sao.

Tuy nhiên, nhiều bạn bè, người thân khi nghe ông trình bày ý định đã cho rằng "vớ vẩn, điên rồ". Bởi những năm 80, nhiều gia đình không đủ gạo ăn. Người ta chỉ quan tâm ăn no mặc ấm, chứ chẳng dư dả để chi tiêu cho các món ăn chơi có cũng được mà không có cũng chẳng sao. Thêm vào đó, gia cảnh khó khăn, bản thân ông chẳng tích cóp được dù đi làm thêm phụ giúp cha mẹ từ thời còn học cấp 2, cũng không vay mượn được bao nhiêu từ bạn bè do thời buổi đó còn khó khăn.

Thách thức chồng chất nhưng chàng trai trẻ vẫn kiên định với đường lối đã chọn, vượt qua mọi khó khăn để khăn gói lên đường sang nước ngoài học tập công nghệ trái cây sấy. Sau những năm vừa học vừa làm, tiếp thu kinh nghiệm từ bên ngoài, ông trở về bắt tay biến ước mơ thành hiện thực.

Mít là thử nghiệm đầu tiên của ông, bởi đây là loại quả hầu như có khắp nơi, dễ trồng, sai quả. Sản phẩm thử nghiệm được bạn bè ăn thử, nhưng bị chê cứng, không đậm đà. Lại phải tìm cách khắc phục. Sau nhiều chỉnh sửa, khoảng năm 1990 sản phẩm Vinamit chính thức ra đời. Tuy nhiên, điểm đến là thị trường xuất khẩu, chứ không phải trong nước bởi mọi người quá xa lạ với sản phẩm sấy khô, thậm chí bị cho là vô bổ.

"Trời không phụ lòng người, sản phẩm bán ra nhanh chóng tạo chú ý với người tiêu dùng, coi như không bõ công tôi tiếp thị tới từng người tiêu dùng, bươn chải khắp nơi, lúc ngồi bán ở vỉa hè, trên tàu, hay ở các chợ tại Đài Loan...", ông chủ Vinamit hồi tưởng.

Ông Nguyễn Lâm Viên: "Tôi có duyên với ngành nông nghiệp". Ảnh: V.M.

Nhờ vậy, từ 2 bàn tay trắng, cái gì cũng đi vay mượn, mua chịu: máy móc thiết bị, mọi vật dụng cần thiết để sản xuất vận hành, chờ bán được hàng mới trả, cửa hàng đã nhanh chóng tự chủ trong thu chi. Có thời điểm một tấn gạo xuất khẩu chỉ 200 USD nhưng một tấn mít sấy tới 6.000 USD, bỏ một đồng vốn thu về 5 đồng lời, là những quả ngọt giải tỏa bao nỗi nhọc nhằn trong giai đoạn khởi nghiệp nhiều khó khăn mà đến giờ ông vẫn nhớ như in. Thành công này mở ra giai đoạn phát triển mới cho Vinamit, nhưng cũng là lúc phải đối mặt với các thách thức lớn hơn nữa.

Tới năm 1997, ông quyết định trở lại thị trường nội địa sau gần chục năm bỏ quên, bởi nhu cầu thị trường đã có, chứ không còn hờ hững như trước. Những sản phẩm dạt ra, không đủ tiêu chuẩn xuất khẩu phải bán rẻ bỗng được tiêu thụ mạnh dần lên. Lúc đó, nhiều người khen trái cây sấy thơm ngon, vị bùi, ngọt. Mặc khác, những trợ thủ đắc lực của ông bị lôi kéo ra ngoài lập nghiệp riêng và đánh mạnh vào thị trường nội địa, buộc ông phải hành động trước. Thị phần trong nước trước đây bằng 0, nay được dành ra 30-40%. Bởi tới thời điểm này, người ta không chỉ "ăn no mặc ấm nữa" mà chuyển sang "ăn ngon mặc đẹp", "ăn kiêng xài hàng hiệu" và những món ăn chơi được ưa chuộng nhiều hơn.

Tuy nhiên, cái tên Vinamit thì không ai biết tới. "Người tiêu dùng cứ gọi là mít tím (vì bao bì sản phẩm màu tím), chứ không nói được tên doanh nghiệp. Thậm chí người ta cứ nghĩ tôi là người Đài Loan, Trung Quốc", ông Nguyễn Lâm Viên cười nói. Lại phải một giai đoạn cất công đầu tư xây dựng thương hiệu. Tới nay, cái tên Vinamit (mít Việt Nam) không chỉ có duy nhất một sản phẩm là mít sấy mà nhiều loại quả đã được sấy khô, nhưng chủ lực vẫn là: mít, chuối, khoai môn, khoai lang, thơm, đu đủ, đậu phộng.

Khi nhu cầu tiêu thụ tăng lên, sản lượng thu hoạch cũng phải tăng tương ứng để kịp đưa vào chế biến. Thế nhưng, khác với các loại nông sản khác, không ai đi trồng hàng trăm ha mít, hay chuối, khoai môn... nên có lúc nguồn cung không đủ để cung ứng, dẫn tới thiếu nguyên liệu chế biến.

"Bức bách quá, chúng tôi phải mua mít từ Ấn Độ, giá đắt gấp đôi trong nước mà mùi vị chẳng sánh bằng mít nghệ của ta", ông chia sẻ. Tự chủ vùng nguyên liệu sẽ đảm bảo tiến độ sản xuất nên ông bắt tay tạo dựng vùng nguyên liệu cho công ty, thông qua việc ký kết hợp đồng với nông dân. Ưu điểm lớn nhất của trái cây trong nước là mùi vị "trời cho", còn thuần giống, không lai tạp, nên hương thơm, vị ngọt rất đặc trưng.

Hiện nay, khi đảm đương cương vị Chủ tịch Hội đồng quản trị, phần việc thẩm định chất lượng trái cây, nông sản trước khi vào sản xuất giao cho bộ phận khác đảm trách. Ông tập trung hoạch định chiến lược phát triển công ty. Song, những lúc rỗi rảnh, điểm đến yêu thích nhất của vị lãnh đạo vẫn là nông trại, vườn cây. "Nơi đó, tôi tìm thấy sự tĩnh tại cho bản thân, tránh xa mọi ồn ã, xô bồ của cuộc sống...", ông trải lòng.

Luôn cho rằng ngành nông nghiệp đứng vững trong mọi hoàn cảnh, bởi dù kinh tế có khủng hoảng, người ta vẫn phải chi tiêu cho ăn uống. Song, những thách thức mà doanh nghiệp ông đối mặt trong năm nay vượt cả dự đoán. Lợi nhuận chỉ tăng khoảng 3-4%, do chi phí lãi vay lớn, tiêu thụ giảm sút. Chính vì thế, kế hoạch kinh doanh dè dặt, thận trọng là ưu tiên số 1 trong năm tới.

"Tập trung vào các sản phẩm truyền thống, tạm gác lại kế hoạch tung ra sản phẩm mới", ông chia sẻ phương án "đánh chắc, thắng chắc" trong năm 2012 - một năm dự báo sẽ còn khó khăn hơn cả 2011.

Bạch Hường

Thứ Sáu, 23 tháng 12, 2011

CEO Facebook đến Việt Nam

Mark Zuckerberg đang ở Hà Nội sau khi đáp chuyến bay từ Bangkok tới Nội Bài vào lúc 14h30 chiều qua.

Nguồn tin của VnExpress xác nhận, Mark đang ở một khách sạn 5 sao của Hà Nội. Anh Trung, làm việc tại gian hàng điện thoại Vertu, cho hay Zuckerberg cùng bạn gái đã vào thăm cửa hàng. Tuy nhiên, vệ sĩ của tỷ phú trẻ nước Mỹ từ chối cho người hâm mộ chụp ảnh.

Zuckerberg được cấp visa vào ngày 16/12 với thời hạn 2 tuần. Ông Huỳnh Kim Tước, đại diện Facebook Việt Nam, cho hay thông tin về chuyến đi của CEO này không được thông báo trước.

Mark Zuckerberg và bạn gái.
Mark Zuckerberg và bạn gái. Ảnh: BI.

Mark Zuckerberg là một trong hai tỷ phú trẻ nhất nước Mỹ và được tạp chí danh tiếng Time (Mỹ) bình chọn là Nhân vật của năm 2010. Năm 2011, Facebook có 800 triệu thành viên và thu về 4,3 tỷ USD, gấp hơn hai lần doanh thu năm ngoái.

Zuckerberg sinh năm 1984 ở Ferry, New York (Mỹ), có bố là nha sĩ, mẹ là nhà tâm lý học và có 3 chị gái. Anh gặp bạn gái Priscilla Chan tại một bữa tiệc ở Đại học Harvard cách đây 8 năm từ trước khi ý tưởng về Facebook hình thành. Hiện họ sống cùng nhau ở Palo Alto.

Châu An

Thứ Tư, 9 tháng 11, 2011

Trần Bảo Minh: Hiện tượng hay sự cố?


Rời vị trí Giám đốc Marketing toàn cầu của PepsiCo, Trần Bảo Minh về nước đầu quân vào công ty sữa hàng đầu Việt Nam và lần lượt dừng chân ở một vài công ty hàng tiêu dùng nội địa khác chỉ trong một thời gian ngắn. Ở bất kỳ công ty nào, ông đều được xem như một hiện tượng khi lần lượt xoay chuyển cục diện kinh doanh. Nhưng khi ra đi, ông cũng để lại không ít tiếng đồn, khiến cái tên Trần Bảo Minh đôi khi được đánh đồng với “sự cố” của doanh nghiệp mà ông đến. Thực tế, Trần Bảo Minh là hiện tượng hay sự cố đối với doanh nghiệp?

Khởi nghiệp bằng công việc bán hàng cho Công ty Intel một thời gian ngắn, Trần Bảo Minh quyết định rời Intel về làm việc tại Công ty Nước giải khát Quốc tế (IBC), một liên doanh giữa Việt Nam và công ty con của PepsiCo. Tại thời điểm đó, Trần Bảo Minh đã là thạc sĩ chuyên ngành marketing, tuy nhiên, sau 2 năm đầu về IBC, tấm bằng cao học này cũng chưa giúp Minh tỏa sáng. Ông nói: “Giấc mơ của tôi từ ngày ngồi ở giảng đường là phải có năng lực thiết lập được một chiến lược marketing dài hạn có tác dụng xoay chuyển được cục diện của thị trường khi bước chân vào doanh nghiệp”.

Hiện tượng

Giấc mơ đó chỉ trở thành hiện thực khi Trần Bảo Minh được giao nhiệm vụ mới, Giám đốc Marketing của Công ty Pepsi IBC vào năm 1999 (lúc đó IBC đã lần lượt mua lại cổ phần của các đối tác Việt Nam trong liên doanh, tiến dần đến việc trở thành doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài vào năm 2003). Từ đó, hàng loạt ý tưởng marketing thông minh của Pepsi Việt Nam ra đời. Năm 2001, chương trình “Từ World Star Challenger đến ngày hội kỹ thuật bóng đá Pepsi” do Minh cùng đội ngũ marketing của Công ty thực hiện đã giành giải “Chương trình marketing xuất sắc nhất khu vực châu Á” của Tập đoàn. Cũng trong năm đó, ông nhận giải thưởng “Giám đốc Marketing xuất sắc nhất châu Á - Thái Bình Dương” của Tập đoàn.

Năm 2002, Pepsi thành công với hàng loạt sản phẩm mới từ nước tinh khiết Aquafina, sá xị Mirinda, đến các loại nước uống đóng chai hương vị trái cây. Song, thành công lớn nhất của Trần Bảo Minh là đưa sản phẩm nước tăng lực Sting (2002) và nước cam ép Twister (2003) vào thị trường. Sting ra đời từ cuộc nghiên cứu thị trường châu Á cho thấy, người tiêu dùng chuộng nước uống tăng lực có chất nhân sâm. Còn Twister kết hợp nước tinh khiết với đường và bột cam, thay cho nước cam người Việt thích dùng. Năm 2003, doanh thu của Pepsi Việt Nam tăng mạnh, riêng Sting tăng 30% và Aquafina tăng 80%. Đến nay, năm 2011, Sting chiếm 52% thị trường nước uống tăng lực cả nước (theo Neilsen Việt Nam).

Doanh số tăng, danh tiếng của Trần Bảo Minh cũng theo đó lan xa. Một năm sau đó, Trần Bảo Minh được “điều” sang Anh để dự buổi phỏng vấn với một lãnh đạo marketing cao cấp của Tập đoàn Pepsi tại London, Anh quốc. Sau 45 phút đấu trí căng thẳng, Trần Bảo Minh bước ra khỏi phòng phỏng vấn với trọng trách mới: Giám đốc Marketing toàn cầu của Tập đoàn Pepsi.

Năm 2004, Minh là người châu Á đầu tiên giữ vị trí quản lý cao cấp ở Pepsi toàn cầu. Năm đó ông 36 tuổi. Chỉ sau 45 phút, ông đã bước một bước từ một thị trường Việt Nam doanh số 18 triệu két/năm để sang thị trường toàn cầu 3 tỉ két/năm. Ông Phạm Phú Ngọc Trai, lúc đó đương là Tổng Giám đốc Công ty Pepsi Việt Nam, nhận xét: “Minh đã là người Việt Nam đầu tiên đảm nhiệm công việc marketing, vốn là của người nước ngoài tại các công ty toàn cầu ở Việt Nam. Đây là một sự hãnh diện cho giới trẻ Việt Nam”.

Sang Mỹ rồi về Thái Lan làm việc cho Tập đoàn Pepsi, cái tên Trần Bảo Minh ít được biết đến cho đến khi có tin ông về nước đầu quân vào Vinamilk. “Cũng giống như Pepsi, Vinamilk hấp dẫn tôi bởi khả năng bước ra thị trường quốc tế của thương hiệu này”, Minh nói. Tháng 10.2006, Trần Bảo Minh về nước, ngồi vào chiếc ghế Phó Tổng Giám đốc phụ trách kinh doanh, marketing của Vinamilk, lúc đó trụ sở đặt tại số 184-188 Nguyễn Đình Chiểu, Q.3, TP.HCM.

Nhiệm vụ của ông là xây dựng hình ảnh thương hiệu mới cho các sản phẩm của Vinamilk. Tại thời điểm đó, Dutch Lady đang dẫn đầu thị trường sữa nước về sản lượng và thị phần, giá bán cũng cao hơn Vinamilk 10-15%.

Ông thuyết phục Hội đồng Quản trị đặt hàng Viện Dinh dưỡng Quốc gia tiến hành thử nghiệm lâm sàng với 2 nhóm trẻ em, một nhóm uống sữa tươi ngoại các loại và một nhóm uống sữa tươi của Vinamilk. Các chỉ số về chiều cao, cân nặng, IQ của 2 nhóm trẻ được theo dõi hằng tháng và kết quả các chỉ số đo được của 2 nhóm trẻ là tương đương.

Lần đầu tiên, sữa nội được khẳng định một cách có khoa học là chất lượng không thua sữa ngoại. Thông điệp “sữa nội chất lượng” và “sữa tươi 100%” của Vinamilk đã tạo dấu ấn mạnh mẽ lên nhận thức và hành vi tiêu dùng mới. Doanh số bán 2 sản phẩm này của Vinamilk tăng gấp 3 lần trước đó. Theo ông Nguyễn Thanh Long, từng là Giám đốc Thương mại của TH Milk, hiện là Giám đốc chi nhánh phía Bắc của Asia Foods, đó là những ý tưởng làm thay đổi cục diện thị trường sữa Việt Nam chứ không chỉ là doanh số của một công ty.

Nếu mục tiêu của sữa nước là chiến thắng đối thủ thì đối với sữa chua là chiến thắng chính mình, vì tại thời điểm đó, sữa chua Vinamilk đã chiếm gần 90% thị trường. Ông Minh nói: “Bài toán tiếp thị đặt ra ở đây là làm thế nào để tăng và mở rộng đối tượng người dùng, tự tạo nhu cầu thị trường”. Những đoạn phim quảng cáo 30 giây được phát liên tục trên truyền hình mô tả cảm giác tươi vui, ngon khi ăn một hũ sữa chua nhằm thực hiện sứ mệnh “làm đẹp” sản phẩm. Song song đó, các bài viết trên báo tập trung phân tích sự cần thiết của việc ăn một hũ sữa chua mỗi ngày thế nào, những tác dụng đối với sức khỏe của sữa chua, hướng người tiêu dùng đến chất lượng của sản phẩm.

Trong báo cáo phân tích về Vinamilk, Công ty Chứng khoán HSC có nhận xét: “Sau công cuộc cải tổ thương hiệu một cách toàn diện và các chiến dịch quảng cáo mạnh mẽ, đặc biệt là cho các nhãn hàng sữa tươi, năm 2007, cuộc cách mạng marketing của Vinamilk đã đạt được thành công khi tạo ra hình ảnh tươi mới cho các nhãn hàng chính của mình”.

Từ việc thay đổi toàn bộ cục diện này, Hội đồng Quản trị Vinamilk quyết định đặt ra tham vọng tiến đến doanh thu 1 tỉ USD. Theo báo cáo Đại hồi đồng cổ đông thường niên của Vinamilk, từ mức lợi nhuận trước thuế chỉ khoảng 660 tỉ đồng năm 2006, đến năm 2007, 1 năm sau khi Minh về, con số này đã tăng gần 50%, lên 955 tỉ đồng. Đà tăng này vẫn tiếp tục trong những năm sau đó với 1.370 tỉ đồng năm 2008 và hết năm 2009, thời điểm Trần Bảo Minh rời Vinamilk, đã vượt 2.730 tỉ đồng.

Thế rồi, khi Vinamilk đang thời kỳ hưng thịnh, tháng 7.2009, Minh rời Vinamilk để sang ngồi ghế Tổng Giám đốc TH Milk, một thương hiệu sữa mới được gầy dựng ở phía Bắc, được dự báo sẽ là đối thủ của Vinamilk trong tương lai.

Ngay từ cuối năm 2008, khi ông Minh đang làm Phó Tổng Giám đốc Vinamilk, bà Thái Hương, Chủ tịch Tập đoàn TH, đã đặt vấn đề mời ông về. Ông Minh kể lại, chính câu nói trong buổi gặp đầu tiên của bà Thái Hương đã “đánh gục” được ông. Bà Hương nói: “Tôi muốn làm nên sản phẩm sữa tươi tốt nhất cho trẻ em Việt Nam”. Câu nói này đã đánh trúng mục tiêu của Minh, như ông nói, “khi tôi về làm cho một công ty là phải đưa công ty đó lên vị trí số 1, chứ không phải số 2”. Trước cuộc hẹn với bà Hương, Minh hoàn toàn chưa biết bà Hương đang chuẩn bị tung ra sản phẩm sữa tươi, mà chỉ được giới thiệu là Tổng Giám đốc Ngân hàng Thương mại Cổ phần Bắc Á. “Nếu TH Milk mua bột về khuấy, tôi sẽ không về làm dù có trả lương cao gấp 10 lần”, ông Minh nói.

Sau hơn 1 năm, từ một vùng đất cỏ dại mọc phủ đầu người, đến cuối năm 2010 TH Milk đã có trang trại bò nuôi 6.000 con (đến nay là 20.000 con), được coi là “thành phố bò” lớn nhất châu Á. Nhưng Trần Bảo Minh chỉ ngồi ở TH Milk được hơn 1 năm. Cuối năm 2010 người ta lại nghe tin ông ra đi.

Sự cố

Khi nhắc đến Minh, không ít người dành nhiều tình cảm, lòng ngưỡng mộ. Nhưng cái tên Trần Bảo Minh cũng gắn với không ít điều tiếng và hầu hết vẫn được xem là những tin đồn bởi ông chưa bao giờ lên tiếng chính thức về chúng.

Trước khi về TH Milk, tháng 8.2009, cái tên Trần Bảo Minh từng được gắn vào chức danh Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Vinamit. Sau đó, có tin đồn do “cơm không lành canh không ngọt”, Minh chia tay Vinamit và lại kéo theo cả đội ngũ của mình về TH Milk. Với thông tin này, Trần Bảo Minh cho biết, ông chỉ đứng tên trong Hội đồng Quản trị của Vinamit một vài tháng, không trực tiếp điều hành. “Nếu tham gia vào một công ty, tôi sẽ làm sếp chứ không làm phó chủ tịch hội đồng quản trị, một vị trí vốn không có thực quyền”, Minh khẳng định.

Ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch Vinamit, qua điện thoại cũng khẳng định: “Anh Minh chỉ tham gia ở Hội đồng Quản trị trong vài tháng, không trực tiếp điều hành”.

Rời Vinamilk, Minh chỉ giải thích ngắn gọn: “Ba năm là đủ cho một cuộc đổi dời, một cuộc làm mới chính mình”. Tuy nhiên, dư luận khá khắt khe khi đặt vấn đề “đạo đức kinh doanh” khi Minh rời một công ty sữa để về làm cho một công ty sữa khác, tạm coi là đối thủ của công ty hiện tại. Cái tên Trần Bảo Minh cũng gây nhiều dư luận trái chiều khi nhiều thông tin cho rằng, mỗi khi rời công ty nào ông đều kéo theo cả đội ngũ quản lý cao cấp. Minh đã giữ im lặng suốt 2 năm sau đó, không một lời giải thích. Khi chúng tôi đặt lại câu hỏi này, Minh trả lời bằng một câu hỏi khác: “Tại sao không ai đặt câu hỏi ngược lại rằng, công ty đó có tin tưởng, trọng dụng nhân sự mà tôi để lại hay không? Những người này đều đã là cấp quản lý, họ có tài và thừa thông minh để lựa chọn con đường sự nghiệp của mình, làm sao tôi có thể kéo họ đi nếu họ nhìn thấy cơ hội tốt hơn khi ở lại”.

Thực tế, không ít nhà quản lý dưới quyền Trần Bảo Minh, sau khi ông ra đi vẫn ở lại và thăng tiến đến những vị trí cao trong công ty, như Giám đốc Tài chính Hoàng Công Trang, Giám đốc Kinh doanh Tiếp thị Nguyễn Thế Dục Nhật ở TH Milk. Trước đó, khi rời Vinamilk về TH Milk, ông chỉ rút Giám đốc Thương mại Phạm Trọng Bảo Châu về làm cùng. Các vị trí quản lý hoạch định tài chính, marketing và kinh doanh của Vinamilk do Minh tuyển dùng và gửi đi đào tạo ở Singapore về đều ở lại làm việc. Tại Vinamilk, theo thông tin chúng tôi có được, có ít nhất 3 nhân sự cao cấp, từng là cấp dưới của ông Minh, nay giữ vị trí quản lý chủ chốt với thu nhập từ tiền thưởng và cổ phiếu lên đến vài tỉ đồng mỗi năm. Minh cũng cho biết, ở Vinamilk hiện có khoảng 10 cộng sự từng làm việc với ông ở Pepsi, TH Milk có vài chục người và Asia Foods khoảng hơn 10 người. “Lực lượng của tôi trải dài trên 3 công ty này và chuyện rút toàn bộ nhân sự chỉ là cách mọi người muốn nói”.

“Khi quyết định đi, tôi tổ chức họp và thông báo công khai, tôi cũng nói rõ tôi cần vài người theo mình để thực hiện cuộc trường chinh mới. Mặt khác, tôi cũng xem họ sẽ được trọng dụng thế nào. Bởi tôi hiểu, nếu tôi ra đi không minh bạch, những người tin tưởng theo tôi sẽ bị ảnh hưởng không ít”, Minh cho biết.

Có một thực tế là khi nói đến Trần Bảo Minh, ít ai bình luận đến năng lực mà mọi nhận xét về ông hầu như chỉ xoay quanh mấy chữ “đạo đức kinh doanh”. Sau những lời đồn về chuyện lôi kéo nhân sự, Trần Bảo Minh cũng “mang tiếng” về lương thưởng, khi có tin cho rằng ông rời Vinamilk sau khi nhận ít nhất là 4-5 triệu USD tiền và cổ phiếu thưởng của năm 2009. Thực hư thế nào? “Tôi rời Vinamilk từ tháng 7.2009, trong khi ai cũng biết tiền và cổ phiếu thưởng của doanh nghiệp chỉ được trả vào cuối năm”, ông nói.

Trong nghề marketing, nhiều người nhận xét Minh có cách tiêu tiền của nhà giàu. Với các chiến dịch marketing lớn, trao cho Minh một cọc tiền, Minh sẽ làm thành công. Tại Vinamilk, năm 2007, Vinamilk chi 975 tỉ đồng cho tiếp thị và bán hàng. Năm 2008, tuy các khoản chi này có giảm nhưng việc chi 2 triệu USD để tiếp thị cho nhãn hàng cà phê Moment (nay nhà máy đã được bán cho Trung Nguyên) của Vinamilk, do Phó Tổng Giám đốc Trần Bảo Minh công bố vào tháng 5.2008, được coi là một hành động “chơi trội” của đại gia. Trần Bảo Minh hiện là Giám đốc Điều hành Công ty Cổ phần Thực phẩm Á Châu (Asia Foods). Với Asia Foods hiện nay, ông cũng cho biết công ty dành 150 tỉ đồng để làm marketing cho sản phẩm mì ăn liền, trong khi mức chi cho marketing những năm trước đó chỉ khoảng 30 tỉ đồng.

Với nhận xét tiêu tiền kiểu nhà giàu, Trần Bảo Minh phản ứng: “Nhận xét như thế thì không hiểu gì về kinh doanh cả”. Minh giải thích, khi xem xét chi phí marketing, phải coi kết quả cuối cùng là doanh thu, lợi nhuận tăng thế nào. Làm marketing ai cũng xài tiền, nhưng hơn nhau ở chỗ xài phải ra tiền, phải tăng doanh thu, lợi nhuận. Trần Bảo Minh thậm chí không chấp nhận khái niệm lỗ tạm thời. Những chiến dịch marketing của ông đã ghi lại, túi bên này ông vừa bỏ ra khoản tiền lớn đầu tư cho marketing ngay lập tức túi bên kia ông đã thu về lợi nhuận.

Tuy nhiên, không phải mọi quyết định marketing của Trần Bảo Minh đều thành công. Quyết định đầu tư 2 triệu USD để tiếp thị cà phê Moment nói trên là một minh chứng. Ông Nguyễn Thế Dục Nhật Giám đốc Kinh doanh Tiếp thị của TH Milk, kể thêm một thất bại của Trần Bảo Minh là sản phẩm Sữa ngủ ngon (Sweetdream milk) ông đưa ra từ thời còn ở Vinamilk. Sau 5-6 tháng, sản phẩm này đã ngưng sản xuất do không phù hợp với thị hiếu và thói quen của người tiêu dùng Việt Nam. “Quan trọng là anh ấy có nhiều ý tưởng mà không phải ai cũng làm được. Và một vài ý tưởng trong số đó thành công đã tạo được dấu ấn rồi”, ông Dục Nhật nói.

Ngoài ra, một điểm yếu của Minh, theo những người cộng sự lâu năm của ông nhận xét, là tính hiếu thắng. Chính cá tính này cũng là nguyên nhân sâu xa khiến Minh rời các công ty lớn sau một thời gian gắn bó. Song, ông Dục Nhật nói thêm: “Đó có lẽ cũng là một tố chất của nhà lãnh đạo. Một nhà lãnh đạo mà không có tính hiếu thắng, khó thành công”.

Minh đóng góp không nhỏ vào sự tăng trưởng vượt bậc của Vinamilk, nhưng dường như sự xuất hiện đúng thời điểm và sự nổi trội của ông khiến dư luận đánh đồng thành tựu của Vinamilk là thành tựu của Trần Bảo Minh. Và những lời ưu ái đó của dư luận lại gây bất lợi cho ông hơn là lợi. Hơn ai hết, Trần Bảo Minh hiểu rõ vai trò và đóng góp hơn 30 năm của bà Mai Kiều Liên, người nắm quyền cao nhất ở Vinamilk đối với doanh nghiệp này. Ông lý giải ra đi chỉ vì muốn bắt đầu một cuộc trường chinh mới, khi những mục tiêu ông đặt ra ở Vinamilk đã hoàn thành, mặc cho những đồn đại về điều này vẫn còn tiếp diễn. “Hoàn toàn không có xung đột nào cả. Lĩnh vực nào tôi giỏi nhất, tôi là người cầm lái, bởi tôi chịu trách nhiệm về uy tín, danh dự và quyền lợi công ty. Nếu chỉ vì quyền lợi bản thân, chấp nhận giao nửa bánh lái cho người khác, đó là vô trách nhiệm. Nếu tôi tin mình có khả năng cầm lái giỏi nhất trong lĩnh vực đó, mà vẫn giao bánh lái cho người khác, tôi là người hèn nhát”, Trần Bảo Minh nói như thể đang giải thích cho nguyên nhân rời TH Milk của mình vào cuối năm qua.


Tôi tự cao!

Ông nói, cuộc đời là một sự chinh phục. Chinh phục chính mình và chinh phục mọi người để có ích cho nhiều người. Đó chính là khát vọng của Trần Bảo Minh, một nhà quản trị trẻ có tài.

Từ Vinamilk, nay về Asia Foods, có thể coi là sự tụt lùi không?

Có khác nhau không khi cả 2 đều thuộc ngành hàng tiêu dùng. Tại sao lại xem là tụt lùi chỉ vì một công ty đã niêm yết, còn công ty kia chưa. Tôi không nghĩ vậy. Mỗi công ty tôi tham gia đều gắn bó với bản đồ sự nghiệp của mình, nên tôi lựa chọn rất kỹ. Trong bảng xếp hạng 1.000 doanh nghiệp đóng thuế cao nhất năm 2010, Asia Foods đứng thứ 315. Năm nay, chúng tôi đã tăng 90 bậc, đứng thứ 225. Trong tình hình kinh doanh khó khăn như năm nay, doanh nghiệp đóng thuế tăng 90 bậc không phải chuyện dễ.

Vậy sau này, kể cho con cháu về sự nghiệp của mình, công ty nào khiến ông tự hào nhất?

Có lẽ là TH Milk. Tôi tự hào đã tham gia vào công ty có tầm nhìn lớn như vậy.

Tầm nhìn đó thế nào?

Tại sao ngay lần gặp đầu tiên tôi đã gật đầu, trước khi nói chuyện về mức lương, cổ phần? Vì chị Thái Hương nói, chị muốn làm trang trại lớn nhất thế giới để làm sữa tươi ngon nhất cho trẻ em Việt Nam. Năm 2006, các công ty mua sữa của nông dân với giá khoảng 4.000 đồng/lít, nay là khoảng 12.000-13.000 đồng/lít (tăng gấp 3 lần). Giả sử trong 5 năm tới, giá sữa tươi tăng gấp đôi, đạt trung bình 25.000 đồng/lít. Với quy mô 20.000 con bò sữa, TH Milk bán với giá 20.000 đồng/lít thôi, coi như đã phủ được cả thị trường nguyên liệu sữa tươi. Tầm nhìn như vậy có được mấy người?

Người ta nói mức lương của ông cao nhất lên đến 20.000 USD?

Lại tin đồn nữa à? Mức đó là không tính tiền thưởng và cổ phần chứ?

Điểm yếu nhất của Trần Bảo Minh là gì?

Tôi không phải là người thích tiểu tiết. Theo dõi, kiểm soát những vấn đề mang tính chi tiết là điểm yếu của tôi, nên tôi phải luôn có người có thế mạnh về mặt này theo sát hỗ trợ.

Con gái 2 tuổi của ông đang uống sữa gì?

6 tháng đầu cháu chủ yếu bú mẹ. Sau 6 tháng đến 1 tuổi, cháu uống sữa bột Dielac. Qua 1 tuổi, chúng tôi cho cháu uống sữa tươi Vinamilk và hiện tại là uống sữa tươi của TH Milk. Tôi làm ra nhiều tiền hơn nhiều bà mẹ đang cho con uống sữa ngoại, nhưng tôi không chọn sữa ngoại.

Ông có chơi thể thao không? Môn nào ông giỏi nhất?

Tôi chơi thể thao giỏi, đánh bida cá độ với bạn bè có thể kiếm tiền được. Tennis cũng khó tìm đối thủ vì tôi luôn chơi bằng cái đầu (cười). Tôi đá banh cũng tốt, nhưng bơi thì chậm. Hiện tại, tôi chơi tennis là chính.

Cá nhân ông tiêu tiền thế nào?

Tôi tiêu hoang thật, đi du lịch bằng tiền túi, nhưng không bao giờ chấp nhận đi vé phổ thông hoặc ở khách sạn 4 sao. Tôi không thích nhân viên phải trả tiền ăn khi mời mình. Thật không công bằng khi nhân viên thu nhập thấp hơn tôi rất nhiều lại phải trả tiền cơm cho mình.

Ví dụ, hôm nay ông ăn trưa ai trả tiền?

Trưa nay ăn cơm với nhân viên kinh doanh, tôi trả. May quá, ngày hôm qua tôi không trả vì đi với bạn.

Có người nhận xét rằng ông là người tự mãn?

Già rồi, tự mãn làm chi. Tôi tự cao thì có (cười lớn). Người nào mới gặp tôi thường không thích lắm, nhưng gặp thêm lần nữa lại quyết định chơi với tôi luôn.

Ông sẽ rời một doanh nghiệp khi nào?

Bước chân vào một doanh nghiệp, tôi ví như bước vào một chiến dịch, mà ở đó quyết sách mình đưa ra phải thay đổi cục diện của trận đánh chứ không phải chỉ chiếm vài chiến hào. Nếu sau 1 năm vẫn chỉ loay hoay với vài chiến hào chiếm được, tôi sẽ nản mà ra đi. Không đóng góp được cho doanh nghiệp, tôi nghỉ ngay.

Theo ông, kinh doanh có đạo đức nên được hiểu như thế nào?

Đó là bất kỳ sản phẩm nào đưa ra đều phải nói lên được 3 thông điệp: cho người tiêu dùng, nhà đầu tư và cả đối thủ. Với người tiêu dùng, không được nói quá làm ảnh hưởng đến cuộc sống người ta. Ví dụ, sản phẩm đó chỉ nên ăn 1 lần/ngày. Thông điệp bạn đưa ra thế nào để khuyến khích người ta ăn 2 lần/ngày là vi phạm đạo đức kinh doanh. Với đối thủ, không làm điều ảnh hưởng đến uy tín đối phương. Không vì thuyết phục sản phẩm mình tốt mà lấp lửng cho rằng các sản phẩm khác xấu. Với nhà đầu tư, phải đưa được thông tin minh bạch. Bởi nếu họ dựa vào thông tin sai để đầu tư hoặc thông tin bị lợi dụng để trục lợi thì thiệt hại thật khó kiểm soát.

Thứ Hai, 17 tháng 10, 2011

Gặp “lao động xuất khẩu” về nước thành CEO


Sau khi có thông tin người lao động trở thành giám đốc điều hành (CEO) sau khi tham gia chương trình thực tập sinh tại Nhật trở về, nhiều ý kiến cho rằng đây là câu chuyện khó tin.

Bởi, hầu hết những tu nghiệp sinh Việt Nam cũng như các nước khác sang Nhật đều làm công nhân đứng máy, rất ít ai được làm việc trong các bộ phận mang tính chất quản lý như khối kinh doanh, nhân sự. Làm việc như một công nhân trong 3 năm sau đó trở về Việt Nam làm CEO thì họ lấy đâu ra kiến thức để điều hành?

VnEconomy đã gặp một trong những nhân vật CEO đặc biệt đó, anh Đỗ Phương Huy, sinh năm 1986 tại Bến Tre. Hiện, anh Huy là Giám đốc Công ty TNHH Viptop Việt Nam, có trụ sở tại khu công nghiệp Long Định, Long Cang, tỉnh Long An. Đây là một chi nhánh của công ty Kabushiki-kaisha Viptop Nhật Bản, một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp chế tạo nhựa.

Anh đến với chương trình thực tập sinh Nhật Bản như thế nào?

Mùa hè năm 2007, lúc ấy tôi là sinh viên năm thứ hai của Đại học Giao thông Vận tải Tp.HCM, ngành công nghệ thông tin. Lúc đó, hoàn gia đình quá khó khăn, một gia đình nông dân để nuôi được một sinh viên đại học là cực kỳ vất vả.

Về quê nghỉ hè, tôi tình cờ biết được một chương trình đưa lao động Việt Nam sang thực tập sinh ở Nhật Bản không mất phí của Hiệp hội Phát triển nhân lực quốc tế Nhật Bản (IM Japan), kết hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Việt Nam. Tôi đã đăng ký dự tuyển với suy nghĩ, để lập nghiệp không chỉ có một con đường duy nhất là học đại học.

Công việc của anh có vẻ thuận lợi từ khi bắt đầu tuyển dụng cho đến khi hoàn thành khóa vừa học vừa làm tại Nhật Bản và trở về nước?

Hồi mới sang Nhật tôi cũng bỡ ngỡ và gặp không ít khó khăn, khi trước mắt mình là Nhật Bản quá hiện đại, quá phát triển mà ngôn ngữ của mình lại như một đứa trẻ học tiếng mẹ đẻ, bập bẹ, chưa hoàn thiện.

Tuy nhiên, bấy giờ tôi nghĩ, mình đang bắt đầu, đây sẽ là một ngôi trường mới với nhiều thứ rất đáng học hỏi.

Để khắc phục điểm yếu của mình là trình độ tiếng Nhật, ngoài giờ thực tập, làm việc ở công ty, tôi tìm đến những trung tâm từ thiện day tiếng Nhật miễn phí. Điều khiến tôi vô cùng cảm động là sự nhiệt tình và tốt bụng của thầy giáo ở các trung tâm này. Từ đó, tôi bắt đầu hiểu hơn về văn hóa, con người Nhật Bản và tôi thấy mình may mắn.

Và may mắn nhất là sau khi hết hạn hợp đồng về nước, anh được doanh nghiệp Nhật giao cho vị trí giám đốc điều hành chi nhánh của họ tại Long An?

Cũng có thể, bởi thực tế không có nhiều người được như vậy.

Theo tôi được biết thì doanh nghiệp Nhật tại Việt Nam rất “chuộng” lao động là thực tập sinh ở Nhật trở về, nhưng phần lớn họ làm trưởng một bộ phận nào đấy về kỹ thuật.

Có thể do tôi may mắn vì doanh nghiệp mà tôi thực tập và làm việc 3 năm tại Nhật có quyết định đầu tư ở Việt Nam nên họ đã chọn tôi.

Nhiều người cho rằng, những tu nghiệp sinh Việt Nam sang Nhật đều làm công nhân, đứng máy, rất ít ai được làm việc trong các bộ phận mang tính chất quản lý như khối kinh doanh, nhân sự hay hành chính tổ chức. Vậy, vị trí giám đốc điều hành có quá sức với anh không?

Mặc dù không có bằng cấp của một trường đại học, nhưng những gì học hỏi được từ thực tế tại doanh nghiệp Nhật Bản vẫn khiến tôi rất tự tin vào khả năng điều hành doanh nghiệp của mình.

Tại Nhật, ngoài công việc chính hàng ngày là thợ đứng máy dập khuôn, chế tạo các sản phẩm nhựa, tôi được đào tạo rất nhiều các kiến thức về kỹ thuật, cách quản lý doanh nghiệp, về tiêu chuẩn ISO, trong những buổi học ở công ty và các công ty khách hàng…

Ngoài ra, trong thời gian học tập và làm việc tại Nhật Bản, tôi còn tham gia những hoạt động ngoại khóa của IM Japan với các doanh nghiệp, tổ chức khác. Đó là cơ hội để kết nối với mọi người và học hỏi kinh nghiệm tốt nhất.

Đây cũng là thời gian tôi trưởng thành nhiều nhất.

Vậy anh có gặp khó khăn gì trong công việc hiện nay không?

Tôi về nước tháng 2/2011, và tháng 3/2011 là tôi nhận nhiệm vụ tại công ty này.

Ban đầu, vị trí của tôi là giám đốc sản xuất. Sau đó, do phải kiêm nhiệm cả vấn đề quản lý nhân sự, giao dịch khách hàng, Tổng giám đốc của Kabushiki-kaisha Viptop Nhật Bản đã bổ nhiệm tôi vào vị trí giám đốc điều hành.

Hiện tại, doanh nghiệp cũng chỉ mới hoạt động với quy mô nhỏ, và nhân sự của chúng tôi hiện nay mới chỉ hơn 10 người, trong đó có 6 công nhân. Vì thế, tôi cũng chưa thấy có gì là vất vả và quá sức cả.

Sau ba năm ở Nhật, anh đã mang về Việt Nam được những gì?

Cái nhìn thấy đầu tiên, lớn nhất mà tôi có được là một tay nghề vững vàng, trình độ tiếng Nhật tốt, và hơn thế chính là ý thức kỷ luật, tác phong của một lao động chuyên nghiệp.

Ngoài ra, với số tiền tiết kiệm được là 2 triệu Yên, tương đương với khoảng 500 triệu đồng, tôi đã xây dựng được cho mình được một ngôi nhà. Ngoài ra, với công việc ở chi nhánh của Viptop tại Việt Nam, tôi có thể mang những kinh nghiệm đã được học tập tại Nhật về áp dụng ở Việt Nam.

Theo VNECONOMY

Thứ Tư, 5 tháng 10, 2011

Cha đẻ Apple - Steve Jobs qua đời ở tuổi 56


Làng công nghệ thế giới sững sờ đón nhận tin Steve Jobs, cha đẻ của Apple, người đứng sau những thiết bị làm thay đổi toàn bộ diện mạo làng công nghệ như iPhone, iPad, iMac và iTunes, vừa qua đời ở tuổi 56.

Cả thế giới "sốc" khi Steve Jobs ra đi

Hàng loạt nhân vật nổi tiếng đã lên Twitter để chia sẻ sự đau buồn và cảm xúc của mình về sự ra đi của cha đẻ Apple.


Đồng sáng lập kiêm cựu Giám đốc điều hành Steve Jobs của Apple được bình chọn là một trong những vị CEO vĩ đại nhất của nước Mỹ hiện đại. Ông đã dành toàn bộ trái tim và tâm hồn của mình cho Apple, đưa Quả táo từ bên bờ vực thẳm phá sản trở thành một đế chế hùng mạnh như ngày nay, với giá trị thị trường đứng nhất nhì nước Mỹ.

Sức khỏe của Jobs là đề tài gây nhiều tranh cãi suốt những năm qua. Cuộc chiến của ông với căn bệnh ung thư là một mối lo thường trực của các fan hâm mộ, của giới đầu tư và bản thân ban Giám đốc Apple. Giờ đây, dù cho có tin tưởng Tim Cook đến đâu, người ta vẫn không khỏi lo lắng về việc liệu Apple có thể duy trì được sức sáng tạo phi thường của mình trong những năm tới, khi không còn nữa nguồn cảm hứng và tầm nhìn xa rộng từ Steve Jobs.

Tổng thống Mỹ Obama đã dành những lời lẽ trân trọng nhất cho Steve Jobs. "Tôi và Michelle đều rất buồn khi hay tin Steve Jobs đã ra đi. Steve là một trong những nhà phát minh vĩ đại nhất trong lịch sử nước Mỹ, đủ can đảm để nghĩ khác, đủ táo báo để tin rằng mình có thể thay đổi thế giới, và đủ tài năng để làm được việc đó".

"Khi gây dựng nên một trong những công ty thành công nhất hành tinh từ garage nhà mình, ông đã thể hiện rõ tinh thần Mỹ. Với việc cá nhân hóa máy tính và đưa Internet vào trong túi người dùng, ông đã tạo ra một cuộc cách mạng thông tin: không chỉ dễ dàng tiếp cận mà còn rất trực quan và thú vị khi sử dụng", ông Obama ca ngợi.

Ngay cả lãnh đạo của những công ty được cho là đối thủ lớn nhất của Apple cũng không thể cầm lòng trước tin dữ. Ngay sau khi tin tức về Steve Jobs loan đi, Bill Gates đã khẳng định, ông sẽ nhớ Jobs "sâu sắc". "Steve và tôi đã quen nhau gần 30 năm. Vừa là đồng nghiệp, đối thủ và bạn bè trong hơn nửa đời người. Thế giới hiếm khi có được người có tầm ảnh hưởng sâu rộng như Steve. Với những người có may mắn được làm việc hoặc hợp tác cùng ông, tôi cho đó là một niềm vinh dự to lớn".

Đồng sáng lập Paul Allen của Microsoft cũng hết lời ca ngợi Jobs. "Chúng ta đã mất đi một người tiêu phong vĩ đại, một bậc thầy luôn biết cách tạo ra những sản phẩm vĩ đại".


Trên trang Facebook của mình, đồng sáng lập Mark Zuckerberg đã cám ơn Steve Jobs với tư cách "một người thầy và một người bạn". "Xin cám ơn ông vì đã thay đổi thế giới". Larry Page, đồng sáng lập Google tiết lộ, Jobs tốt đến mức dù đang ốm nặng, vẫn đến gặp Page để đưa ra lời khuyên khi Page nhận chức Giám đốc điều hành. "Tôi thật sự buồn khi nghe tin về Steve. Ông là một người vĩ đại với những thành tựu khó tin và một trí tuệ xuất sắc", Page viết trên Google+. "Mối ưu tiên hàng đầu dành cho trải nghiệm người dùng của ông luôn là niềm cảm hứng cho tôi".

Sergey Brin, đồng sáng lập còn lại của Google cũng chia sẻ trên Google+ rằng ngay từ những ngày đầu của Google, "khi Larry và tôi tìm kiếm hướng đi và sự lãnh đạo, chúng tôi nghĩ ngay đến Cupertino. Steve, niềm đam mê của ông dành cho những gì hoàn hảo là điều mà bất cứ ai chạm vào một sản phẩm của Apple cũng cảm thấy được (bao gồm cả chiếc Macbook mà tôi đang dùng để soạn những dòng này, ngay lúc này đây). Và trong những lần chúng ta gặp nhau, tôi đã được tận mắt chứng kiến sự đam mê ấy".

Giám đốc điều hành Marc Benioff của Salesforce.com tôn vinh Jobs là "vị thủ lĩnh vĩ đại nhất mà ngành công nghệ từng biết" trên Twitter, và rằng sự ra đi của ông là một mất mát lớn của cả thế giới. Còn Michael Dell thì thừa nhận trên Google +: "Hôm nay thế giới đã mất đi một nhà lãnh đạo có tầm nhìn, ngành công nghiệp công nghệ mất đi một tượng đài còn tôi mất đi một người bạn đáng kính. Di sản mà Steve Jobs để lại sẽ còn được nhiều thế hệ tương lai nhớ đến".

Không chỉ trong giới công nghệ mà các ngôi sao điện ảnh, ca nhạc cũng ngỏ lời tiếc thương Steve Jobs.

Nam diễn viên John Favreu khẳng định :"Chúng ta đã mất đi một con người có tầm nhìn đích thực ngày hôm nay", trong khi nhà biên kịch truyền hình nổi tiếng Damon Lindeloft, người sản xuất series phim truyền hình "Lost" viết rằng, "Đại diện cho tất cả những người mơ mộng vẫn đang mắc kẹt trong garage nhưng đủ điên rồ để thử thay đổi thế giới, tôi muốn nói rằng ông sẽ luôn ở trong tim chúng tôi". Còn nữ diễn viên Alyssa Milano (Phù thủy) lại muốn cảm ơn trí tuệ của Steve Jobs và khẳng định "Ông sẽ mãi là một phần quan trọng trong thế giới của tôi, với những phát minh đặc biệt của ông".

CEOVN

Thứ Tư, 27 tháng 7, 2011

Đặng Lê Nguyên Vũ – Kẻ “vĩ cuồng”

Để thêm tính đa chiều về cuốn sách ”Nhân tài và Đắc dụng” đang gây tranh cãi, CEOVN xin đăng lại bài viết của tác giả Lưu Trọng Văn. Nghe nói tác giả là chuyên gia PR của ông chủ cafe Trung Nguyên. Những điều ông viết đáng để chúng ta suy ngẫm về một người thành đạt trên thương trường.

Đặng Lê Nguyên Vũ – Kẻ “vĩ cuồng”

Lưu Trọng Văn

Vũ luôn từ chối các cuộc vui chơi, thậm chí hầu như không bao giờ đi du lịch, vì Vũ luôn than quỹ thời gian ít quá. Vậy mà lần ấy Vũ rủ tôi lên Sapa. Dọc đường thấy cảnh dân chúng còn nghèo nàn, Vũ ứa nước mắt, nói: “Đất đai trù phú vậy, sao lại nghèo? Phải quy hoạch lại, phải có tầm nhìn khác đi, phải đưa công nghệ mới vào thì mới giầu được”. Lên Sapa, rảo mấy vòng, len lỏi vào mấy ngõ ngách, tới cả một số bản người H’mông, 3 giờ sáng hôm sau Vũ dựng tôi dậy chỉ để nhìn đỉnh Fanxipan, rồi kéo tôi lên xe về lại Hà Nội. Sau này tôi mới biết ý định của Vũ lên Sapa, chẳng qua chỉ để xem vị trí của người dân tộc ở Sapa thế nào. Vũ nói: “Họ như kẻ ngoài rìa ở khu du lịch này. Sau này xây dựng “Thiên đường cà phê” em muốn đồng bào dân tộc với không gian văn hóa đặc sắc của họ phải là chủ thể, vì họ chính là hồn, là vía của vùng đất đó”. Tôi hỏi: “Thế Vũ ngắm đỉnh Fanxipan làm gì?”. Vũ nói: “Em muốn nhìn thấy đỉnh cao nhất của đất nước khi mặt trời chưa mọc để cảm nhận hết cái khát vọng vươn lên của đất nước mình”.

Cuộc gặp mặt của một số nhân vật có tên tuổi trong làng kinh doanh với một số người đẹp đang rất “hào hứng”, Đặng Lê Nguyên Vũ xuất hiện. Không chấp nhận những câu chuyện phiếm chỉ để giết thời gian, Vũ “cướp” diễn đàn, say sưa nói về lựa chọn nào cho kinh tế VN phát triển bền vững, về thế mạnh cạnh tranh của VN là gì, về khát vọng đem thương hiệu VN chinh phục thế giời, toàn là những vấn đề vĩ mô cả. Một số “đại gia” đánh bài chuồn, nhưng điều lạ lùng là chính các người đẹp lại tỏ ra thích thú lắng nghe. Một người đẹp thú nhận, chưa bao giờ được nghe những điều như thế, em quá chán ngồi tán dóc về những chuyện ăn gì, mua sắm gì, mua xe gì rồi tự hào vỗ ngực ta là đẳng cấp, ta là nhất rồi. Vũ tranh thủ khuyên các người đẹp, cố lôi cổ các bác “đại gia” kia thoát khỏi cái “giấc mơ con đè nàt cuộc đời con” của mình đi.

Ở bất cứ đâu Đặng Lê Nguyên Vũ có mặt, Vũ đều tranh thủ tận dụng mọi cơ hội để lôi kéo mọi người vào những điều mà mình đau đáu, khát vọng như thế.

Đêm của Vũ rất ngắn, hai, ba giờ sáng Vũ tỉnh dậy điện thoại cho bạn bè của mình chia sẻ những ý tưởng mới, những dự án mới, những điều trăn trở về những nguy cơ đang đe dọa nền kinh tế nước nhà kéo theo sự bấp bênh của đời sống nhân dân. Có lần cùng đoàn doanh nhân tháp tùng thủ tướng đi thăm Trung Quốc, cả đêm Vũ không ngủ được vì thấy nước người ta phát triển nhanh quá trong khi đó nước mình cứ ì ạch. Sáng ra gặp nhiều thành viên trong đoàn, Vũ hỏi: “Đêm qua các anh ngủ ngon không?”. Mọi người bảo: “Ngủ ngon lắm”. Vũ đau đớn: Là giới tinh hoa của nước nhà tại sao họ có thể ngủ ngon được chứ?

Bất cứ lúc nào rảnh Vũ chui vào thư viện của mình đọc sách, nghiên cứu tìm hiểu những điều gì làm cho các quốc gia khác phát triển hùng mạnh . Vũ đi tìm hiểu ở nhiều quốc gia tiên tiến xem dân khí của họ ra sao. Vũ đúc kết được rằng, không phải do dân đông, giàu tài nguyên, đất đai rộng lớn, lịch sử lâu dài, mà do các quốc gia ấy có khát vọng vươn lên. Vũ soi rọi lịch sử và hiện tại nước nhà để tìm cho ra, điều gì là cái neo kìm hãm dân tộc. Vũ chính là doanh nhân đầu tiên của VN nhận thức và gọi ra cái tên của cái neo ấy, đó là nền “văn hóa âm tính”. Chính nền “văn hóa âm tính” làm người VN dễ dàng bằng lòng với mình, dễ dàng an phận, dễ dàng chấp nhận số phận, tự ru mình trong những khuôn khổ đạo đức nhỏ, đã là sức ì cơ bản nhất làm đất nước chậm tiến. Chỉ mau chóng cải sửa nền “văn hóa âm tính” ấy, chuyển qua nền “văn hóa dương tính” hừng hực niềm đam mê sáng tạo và khát vọng thì đất nước mới phát triển hùng mạnh được. Hiểu điều ấy, Vũ lên cả một kế hoạch hành động, bắt đầu từ việc khởi xướng diễn đàn “Việt Nam nhỏ hay không nhỏ” trên báo Thanh Niên, đến hàng chục cuộc đăng đàn diễn thuyết với lớp trẻ, sinh viên về khát vọng lớn. Bằng tất cả nhiệt huyết, nguồn lực kinh tế của mình, Vũ hăng hái lao vào cuộc cổ vũ quyết liệt cho tinh thần sáng tạo. Hơn ai hết Vũ coi sáng tạo và khát vọng là động lực chính cho đất nước cất cánh. Vũ vận động truyền thông, vận động các học giả, trí thức cổ vũ cho cuộc đổi mới trong giáo dục, lấy “giáo dục động lực” làm chủ thể.

Nhà điêu khắc Lê Liên ở Hà Nội không hề ngạc nhiên khi Vũ nhờ ông làm 30 bức tượng các vĩ nhân trên thế giới ở mọi thời đại từ chính trị, quân sự, kinh tế, khoa học, văn hóa, tôn giáo. Ông bảo: “Anh biết khát vọng cháy bỏng của chú mày cho đất nước mình rồi, chú mày muốn có tượng các vĩ nhân không để trưng, để ngắm, để làm cảnh đâu mà để hàng ngày đối chất chứ gì?”. Vũ gật đầu. Một trí thức ở ẩn khi biết Vũ thường xuyên làm cái việc đối chất với các vĩ nhân đã nói: “Kẻ luôn đối chất với mình chỉ là kẻ trên tầm thường một chút, còn kẻ dám đối chất với các vĩ nhân là kẻ không tầm thường, là kẻ “vĩ cuồng”,nhưng đất nước đang rất cần những kẻ vĩ cuồng, những kẻ không tầm thường như thế!”. Ông nói thêm: “Tôi hèn, đến đối chất với chính mình mà tôi còn sợ, nhưng tôi biết nếu một dân tộc không có những con người dám đối chất với các vĩ nhân mà cả thế giới ngưỡng mộ, tôn vinh, thì chẳng bao giờ dám vượt lên chính mình được, chẳng bao giờ có thể hùng mạnh được”. Vũ tâm sự: “Tôi so tôi với các bậc vĩ nhân để tôi luôn biết mình đang ở đâu, đang còn quá nhỏ bé để không bao giờ cho phép mình tự bằng lòng với mình. Tôi đối diện với các vĩ nhân để tôi luôn hỏi “Trước một sự việc, một sự biến khó khăn của đất nước, của nhân loại, tại sao các ngài giải quyết được?”. Tôi đối diện với các vĩ nhân, chăm chăm nhìn ngắm họ, tôi tự hỏi, cởi áo quần ra họ cũng giống tôi thôi, tại sao tôi cứ phải có mặc cảm thua kém họ ?”.

Đặng Lê Nguyên Vũ “Vĩ cuồng” ư? Đúng! Nhưng chỉ “vĩ cuồng” cái khát vọng làm sao đất nước Việt trở nên vĩ đại. Háo danh ư? Đúng, nhưng không hề háo danh cho mình mà lúc nào cũng hừng hực háo danh cho dân tộc, cho quốc gia.

Cuộc đời lăn lộn làm dân của tôi, tôi luôn đau đáu tìm kiếm những con người để tôi đặt niềm tin, để tôi hy vọng cho Tổ quốc. Cái Tổ quốc mà cha tôi yêu và viết câu thơ để đời:

Đi giữa vườn nhân dạ ngẩn ngơ

Vì thương người lắm mới say thơ

Hạt cafe. Ảnh internet mang tính minh họa.

Và nói câu để đời “Ta thà bị lừa còn hơn không tin vào con người”. Cái Tổ quốc mà em trai tôi yêu và giữa tuổi 20 , tuổi đẹp nhất một đời người đã hiến dâng máu mình cho nó. Cái Tổ quốc mà tôi yêu với tất cả trái tim dù là trái tim xơ xác vì có quá nhiều những vết xước thời cuộc. Trong hành trình tìm kiếm đó tôi đã sung sướng tìm ra một con người trong số những con người tôi luôn tin là còn đang lẩn khuất đâu đó nữa, đó là Đặng Lê Nguyên Vũ. Tôi không hề ngượng miệng, không hề sượng ngòi bút khi đưa ra sự thật này. Dù ai đó hoài nghi theo cái lẽ thông thường, rằng: “Chắc là gã Văn này được thằng Vũ ấy cho nhiều lắm đây”. Đúng, Vũ đã cho tôi rất nhiều, trong đó có cái quý giá nhất đó là niềm tin cháy bỏng rằng, nếu chúng ta dám ước mơ lớn, dám khát vọng lớn đưa dân tộc chúng ta lên đỉnh vinh quang của nhân loại, chúng ta có ý chí mãnh liệt thì chúng ta sẽ biết cách thực hiện được nó. Và hơn hết Vũ đã cho tôi thấy những việc Vũ đã làm với tư cách một kẻ “vĩ cuồng” nhất ở thời điểm này của đất nước này để tôi thêm vững niềm tin vào thế hệ trẻ của đất nước.

1. Đương đầu với Tập đoàn đa quốc gia khổng lồ hàng đầu thế giới về cà phê, buộc Tập đoàn ấy phải lùi bước chia lại thị phần cà phê của VN cho doanh nghiệp VN.

2. Quảng bá, cổ vũ hết mình cho Thương hiệu Việt, cho Thương hiệu Nông sản Việt, từng bước đưa thương hiệu Cà phê Trung Nguyên thuần Việt ra với thị trường cà phê thế giới.

3. Cổ vũ cho lớp trẻ Tinh thần khởi nghiệp mới, gắn với khát vọng cho một nước Việt vĩ đại, hùng cường.

4. Có ý tưởng táo bạo chưa từng có, đó là xây sựng thành phố Buôn Ma Thuột thành “Thủ phủ cà phê Toàn cầu” và xây dựng “Thiên đường cà phê Toàn cầu” – một Thiên đường cà phê duy nhất trên thế giới ở Đắk Lắk.

5. Mua lại cả một bảo tàng cà phê thế giới với hơn 15.000 hiện vật quý giá của Đức để làm tài sản văn hóa cho VN, từ đó xây dựng Bảo tàng Cà phê thế giới độc đáo nhất ở VN.

6. Xây dựng cả một học thuyết mới có tên là “Học thuyết cà phê” mà nội dung cốt lõi của nó là sự sáng tạo và liên kết sức mạnh nhân văn toàn cầu, vận động các trường đại học trên thế giới ủng hộ nó và cùng biến nó thành giáo trình cho sự thành công của bất cứ ai trong thời đại khủng hoảng toàn cầu hiện nay.

7. Đầu tư mọi nguồn lực để kêu gọi, tập hợp các chuyên gia kinh tế, xã hội, văn hóa, khoa học của VN cũng như thế giới, trong đó có cả các chiến lược gia kinh tế hàng đầu thế giới như Tom Cannon, Peter Tinmer để xây dựng kịch bản cho con đường phát triển bền vững cho VN, cũng như kịch bản cho ngành cà phê thế giới.

8. Bay qua Brazil – đất nước xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giời, vận động các nhà kinh doanh cà phê Brazil rồi gặp gỡ các nghị sĩ,các chính khách Brazil, các nhà hoạt động kinh tế Inđonexia thuyết phục họ cùng liên kết với VN – đất nước xuất khẩu cà phê lớn thứ 2 thế giới, để tạo sức mạnh đòi lại sự công bằng cho hàng chục triệu người dân trồng cà phê.

9. Đem hết sức mình, kiên trì vận động các chính khách,các nhà kỹ nghệ Israel để giúp VN công nghệ tưới tiêu bảo vệ nguồn nước cho Tây Nguyên. Liên kết với các Tập đoàn của Nauy để hỗ trợ kỹ thuật phân bón hữu cơ tốt nhất cho cây trồng và đất trồng, có thể nhanh chóng đẩy năng suất cây trồng lên hơn 30%.

10. Tập hợp các chuyên gia về đối ngoại, lập ra đề án “Ngoại giao văn hóa”, “Ngoại giao xanh” gửi lên Bộ Ngoại giao. Vận động Bộ Ngoại giao ủng hộ và biến nó thành hiện thực để đất nước có thêm nhiều bè bạn.

11. Đưa ra luận thuyết đảo chiều tư duy, biến quyền lực khổng lồ nước ngoài nào đó đang đè lên đất nước mình thành cái đế, cái bệ đỡ để VN cất cánh.

12. Đưa ra lý luận chiến lược, một nước có nền kinh tế nhỏ như Việt Nam nếu biết vận dụng kinh nghiệm và bài học thành công của Chiến tranh Nhân dân trong chiến tranh tạo nên thế trận Chiến tranh Nhân dân trong thời bình thì có thể chiến thắng trong cuộc cạnh tranh với các thế lực kinh tế hùng mạnh của các cường quốc.Lý luận này được đại tướng Võ Nguyên Gíap và nguyên thủ tướng Võ Văn Kiệt rất ủng hộ.

13. Không ngừng lại ở những vấn đề quốc gia, Vũ còn vận động cả “Quỹ Hòa bình quốc tế” – một tổ chức uy tín hàng đầu thế giới ủng hộ đề án “Phát triển bền vững toàn cầu ”với cốt lõi là Năng lượng tri thức sáng tạo, tri thức xanh và ngọn cờ của chủ nghĩa nhân văn.Và đã được Ban lãnh đạo của Qũy nhiệt thành đón nhận.

Bất cứ ai công tâm chắc sẽ không thể phủ nhận được những gì Đặng Lê Nguyên Vũ đã lăn xả, đã hiến dâng vì sự nghiệp chung của quốc gia.

Một con người như thế của đất nước ở thời đại đang quá thiếu vắng những anh hùng, trớ trêu thay, bi kịch thay lại đang bị tổn thương, đang bị không ít kẻ hẹp hòi, đố kỵ, chĩa đòn roi tấn công không thương tiếc vì những điều ai đó đã cố tình dựng lên. Với lương tâm công dân của mình tôi xin được lên tiếng để làm cái việc rõ ràng, minh bạch đó là bảo vệ Vũ, bảo vệ tư tưởng của Vũ, bảo vệ khát vọng vì một nước Việt hùng cường của Vũ, bảo vệ những giấc mơ tưởng chừng như điên rồ của Vũ nhưng đang từng bước được Vũ biến thành hiện thực. Tôi xin bảo vệ, như người lính sẵn sàng ra chiến trường để bảo vệ những giá trị cao quý của dân tộc.

Những anh hùng vẻ vang của các cuộc chiến tranh, đất nước ta có quá nhiều, nhưng chiến tranh chỉ là lát cắt của lịch sử và cái đích của nó cũng chỉ vì sự phát triển thịnh vượng muôn đời. Các quốc gia phát triển luôn ý thức được điều đó, vì vậy họ có những anh hùng làm nên niềm tự hào, làm nên sức mạnh dân tộc mình, như nước Nhật có Toyota, Sony, nước Hàn có Sam Sung, LG, Hoa Kỳ có Microsoft vv… Trong khi đó đất nước ta thì chưa có ai. Vì sao vậy? Phải chăng vì chính những mầm mống của nó đang còn phải chịu cái số phận chỉ là những đứa con ghẻ ,đang còn phải chịu biết bao búa rìu của những kẻ có tầm nhìn hạn hẹp, của sự đố kỵ, của những xâu xé lợi ích cục bộ, ích kỷ?

Với tư cách một công dân yêu đất nước mình, tôi kêu gọi những ai đang đau đáu với khát vọng vinh quang cho dân tộc – một dân tộc phải đổ nhiều xương máu nhất cho sự vẹn toàn bờ cõi, cho sự bình yên bầu trời, hãy có chính kiến của mình, hãy lên tiếng của mình không phải chỉ vì một trường hợp cá nhân Đặng Lê Nguyên Vũ, mà trước hết, trên hết vì đại cục.

Một đại cục, mà một quốc gia muốn phát triển phải có những con người có khát vọng lớn, phải có những thương hiệu hàng hóa lớn, phải có đội quân doanh nhân là chủ lực và được đặt ở vị trí, vai trò của lịch sử. Một đại cục, ở đó bất cứ ai có ý tưởng mới, lớn lao, đầy khát vọng cao đẹp sẽ được cả dân tộc chung tay biến thành hiện thực. Một đại cục mà mỗi thương hiệu quốc gia làm nên sự phát triển quốc gia phải được bảo vệ như tài sản vô giá của cả quốc gia.

Đặng Lê Nguyên Vũ tự nhận biết về mình và tự nhận rằng mình đang rất cô đơn – Đó là số phận của kẻ muốn vượt lên chính mình, luôn phải chấp nhận. Nhưng tôi không tin Vũ sẽ mãi mãi cô đơn khi đất nước đang hình thành, đang xuất hiện một lớp trẻ đông đảo cũng có tầm nhìn, cũng có đầy khát vọng như Vũ, họ đang và sẽ tình nguyện đứng bên Vũ, sát cánh với Vũ, tin tưởng ở Vũ.

Có niềm tin rồi sẽ có tất cả” đó là câu nói mà Vũ thường tâm niệm.

Trương Đình Anh: 3 tháng sau ngày nhậm chức

Trương Đình Anh, Tổng Giám đốc FPT, vẫn rất tự tin và tham vọng đưa FPT tăng trưởng 30% mỗi năm bất chấp dư luận về việc “thanh trừng” của ông sau ngày nhậm chức.

Ngay sau khi được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc Tập đoàn FPT vào tháng 3.2011, Trương Đình Anh đã nhận nhiều lời ra tiếng vào, có tốt, có xấu từ những người trong tập đoàn. Trong khi đó, giới truyền thông nhận định ông là người mạnh mẽ, quyết đoán đến mức cực đoan.
Tuy nhiên, kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2011 đã góp phần giảm bớt những hoài nghi về công cuộc tái cấu trúc mà Đình Anh đã và đang làm với FPT.
FPT cho biết, 6 tháng đầu năm 2011, Tập đoàn lãi 1.204 tỉ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2010 và doanh thu gần 12.190 tỉ đồng, tăng 22%.
Khuấy động
Ông thay đổi trên 3 mặt quan trọng gồm Tổ chức, Lĩnh vực kinh doanh và Nguồn lực.
Trước hết ở tổ chức và nguồn lực. Từ năm 2007, FPT mở rộng đầu tư sang các ngành như ngân hàng, bất động sản, chứng khoán khiến nhiều người quan ngại cho rằng tập đoàn này đang đi xa dần giá trị kinh doanh cốt lõi. Tuy phát triển đa ngành là vậy, nhưng tốc độ tăng trưởng của FPT giai đoạn từ năm 2008 đến 2010 chỉ xấp xỉ 20%, thua xa thời kỳ hoàng kim của tập đoàn này được duy trì hàng chục năm trước đó. Đình Anh cho rằng, những người FPT đang ngủ quên trên chiến thắng, mang tâm lý thụ hưởng cá nhân (căn bệnh này không hiếm đối với các công ty phình nở quá nhanh với hoạt động đa ngành khó kiểm soát). Người FPT không phải là những người thiếu năng lực. Do vậy, ông đang làm nhiệm vụ đánh thức họ. “Những người FPT đã chiến đấu để làm nên FPT hôm nay và họ sẽ phải chiến đấu với FPT trong tương lai”, ông nói.
Cách đánh thức của Đình Anh là khuấy động, đưa mọi thứ quy về một mối và những người còn có chí hướng với FPT buộc phải ở cùng hội cùng thuyền. Hàng loạt động thái được đưa ra như sử dụng biện pháp hoán đổi cổ phần từ các công ty cổ phần con là FPT IS, FPT Software, FPT Trading để biến thành các công ty trách nhiệm hữu hạn 1 thành viên do FPT sở hữu 100% để dễ dàng hơn cho việc tập trung nguồn lực và hợp lực. Sắp tới, khi điều kiện cho phép, FPT Telecom, FPT Online sẽ tiếp tục đi theo con đường đó.
FPT sẽ thành tập đoàn với các công ty con theo mô hình 2 cấp quản lý tinh gọn (chỉ có Tổng Giám đốc và cấp quản lý trung gian).
Ông đề xuất tập hợp để tận dụng nguồn lực, tiết kiệm chi phí ở các hạng mục: kho bãi, tòa nhà. Sử dụng thống nhất domain email cho toàn tập đoàn là fpt.com.vn cũng như sẽ triển khai sử dụng điện thoại IP phone cho toàn tập đoàn. Đặc biệt, bộ phận truyền thông trước đây có quá nhiều nhân viên, hoạt động trong nhiều công ty con cũng được cắt bớt để quy về một mối.

Đồng thời, ông cũng đã “dẹp” hàng loạt các trung tâm dữ liệu đang tồn tại rải rác của FPT để mang về trung tâm dữ liệu của FPT Telecom và FPT IS nhằm hiệu quả nhất chi phí đầu tư (data center, văn phòng, điện, nhân viên).
Tổ chức FPT sau nhiều năm phát triển đã phình to một cách vung vãi, lãng phí và chồng chéo chức năng của nhau. Bộ phận “back office” (không tham gia vào sản xuất) đang được rà soát lại theo hướng tinh gọn và hiệu quả, với mục tiêu giảm từ mức 16% tổng nhân lực xuống còn khoảng 10% thời gian tới. “Các khoản tiết kiệm từ việc tái cấu trúc sẽ là nguồn lực bổ sung giúp cho FPT tăng trưởng”, ông cho biết.
Bên cạnh việc “chặt” đi những phần không hiệu quả, Đình Anh cũng yêu cầu các đơn vị phải biết con gà đẻ trứng vàng trong mảng kinh doanh của họ và cam kết sẽ phải tập trung phát triển, đẩy mạnh nó. Đình Anh nói: “Người FPT sẽ phải nâng cao năng suất lao động, phải liên tục tìm kiếm sản phẩm mới, đưa ra dịch vụ mới, phát triển thị trường mới, phương thức kinh doanh mới, ngành hàng mới. Họ sẽ được hỗ trợ mọi công cụ, nguồn lực để làm điều đó. Nhưng nếu không đạt, họ sẽ phải ra đi”. Ông cương quyết về mọi thứ. Bản thân Đình Anh cũng đứng trước cam kết phải đưa FPT tăng trưởng đến 30%.
Không dừng ở đó, Đình Anh cho biết sẽ phát triển hướng kinh doanh mới của tập đoàn theo lối mạo hiểm, điều mà FPT từng làm từ trước đó rất lâu nhưng dần quên lãng. Ông sẽ tạo lập lại bộ phận đầu tư mạo hiểm trong Tập đoàn FPT nhằm hỗ trợ vốn, kinh nghiệm quản trị và chiến lược cho các nhà kinh doanh trẻ có ý tưởng xuất sắc về công nghệ thông tin truyền thông. “Ban đầu, FPT có thể trợ vốn, giữ một số ít cổ phần trong các công ty này, khoảng trên 30-51% và về sau có thể tăng lên theo thời gian”, ông cho biết.
Đây cũng là cách giúp FPT có thể không chỉ tăng trưởng về doanh thu mà còn về mặt hàm lượng tri thức của một công ty có tiếng về công nghệ. Song song với nỗ lực tái cấu trúc tổ chức và nguồn nhân lực, Đình Anh đang triển khai những chiến lược với hàm lượng chất xám của người Việt để nhằm gia tăng doanh thu lâu dài.
Điều ông làm đầu tiên là triển khai hệ thống công nghệ thông tin tương tác (FPT Social Platform). Có thể hình dung như sau, nếu bạn là khách hàng mua điện thoại di động của FPT (FPT có dùng điện thoại F99), nghĩa là thông tin của bạn sẽ được lưu lại trong hệ thống dịch vụ khác của tập đoàn, chẳng hạn như các dịch vụ nội dung số, ngân hàng (FPT có ngân hàng Tiền Phong Bank). Và bạn sẽ dễ dàng được tiếp thị hoặc có cơ hội sử dụng các dịch vụ đa dạng khác nhau của tập đoàn. Điều này góp phần làm tăng doanh thu nhiều hơn trên một người sử dụng.
Một sáng kiến khác của Đình Anh sẽ được triển khai là dịch vụ “Kios thanh toán bằng tiền mặt”. Tham vọng của ông là mở 10.000 điểm trong thời gian không xa. Đây là mô hình tương tự máy bán hàng tự động mà theo đó, người tiêu dùng có thể đưa tiền vào máy và mua trực tiếp các thẻ chơi trò chơi trực tuyến, cũng như các loại thẻ khác. Ông cho rằng máy này do FPT đầu tư chỉ khoảng 1.000 USD/máy và sẽ được triển khai theo hình thức nhượng quyền. Bên cạnh đó, Đình Anh cũng bày tỏ tham vọng hiện thực hóa trò chơi trực tuyến thuần Việt tại Việt Nam, điều mà ông từng ấp ủ bấy lâu nay.
Ông chia sẻ: “Tham vọng của tôi về trò chơi trực tuyến thuần Việt tại Việt Nam đã bắt đầu từ năm 2004. Tuy nhiên, nguồn lực khi đó chưa cho phép. Chúng ta chỉ tốn khoảng 300.000-500.000 USD để nhập trò chơi trực tuyến từ nước ngoài và chuẩn bị khoảng 3 tháng để tung ra thị trường, trong khi đầu tư một game thuần Việt hết 1-1,5 triệu USD trong vòng gần 1 năm. Và sau khi đầu tư xong thì để đảm bảo doanh thu, bạn vừa phải bán được game ở thị trường nội địa, vừa phải xuất khẩu. Tuy nhiên, đến lúc này FPT đã sẵn sàng để làm điều này”.

Tập trung cốt lõi
Bên cạnh những chiến lược gia tăng tính thuần Việt trong sản phẩm và dịch vụ về lâu dài, Đình Anh cho biết, FPT sẽ tập trung phát triển mạnh những mảng đã làm nên danh tiếng của FPT cũng như đưa FPT vươn ra thế giới. Có 5 công ty con trong FPT mà Đình Anh cho rằng sẽ tạo nên chiến lược lõi của công ty này, gồm FPT Telecom, FPT IS, FPT Trading, FPT Software và FPT Education. Những hoạt động mạnh mẽ của 5 công ty này là nguồn đóng góp chính vào tăng trưởng 22% doanh thu của Tập đoàn trong nửa đầu năm 2011.
Với FPT Telecom, công ty mà Đình Anh giữ vị trí Tổng Giám đốc trước kia, ông đã triển khai hàng loạt chiến lược quan trọng. Công ty đã nâng cấp hạ tầng Internet, mở rộng thị trường tại Lào thông qua việc liên kết với các đối tác lớn tại quốc gia này là LaoTel và ETL. Công ty cũng nâng cấp các thương hiệu thuần Việt mà FPT đang nổi danh như trang nhacso.net, bên cạnh việc phát triển thêm mạng xã hội banbe.net và mô hình cổng thanh toán gate.vn. Kết quả là tăng trưởng doanh thu của FPT Telecom đạt mức 35% so với cùng kỳ năm ngoái.
Công ty Hệ thống Thông tin FPT (FPT IS) đạt doanh số 1.610 tỉ đồng, tăng trưởng 16% so với cùng kỳ năm 2010 và hoàn thành 38% kế hoạch năm. Lợi nhuận trước thuế đạt trên 201 tỉ đồng.
Công ty Phần mềm FPT (FPT Software) sau 6 tháng đạt mức doanh thu trên 586 tỉ đồng, tăng trưởng 28% so với cùng kỳ năm 2010 và hoàn thành 45% kế hoạch năm. Lợi nhuận trước thuế đạt trên 157 tỉ đồng, hoàn thành 122% kế hoạch đề ra và đạt được 53% kế hoạch năm.
Công ty Thương mại FPT (FPT Trading) đạt mức doanh thu ấn tượng 8.118 tỉ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ và hoàn thành 47% kế hoạch năm. Lợi nhuận trước thuế của FPT Trading đạt 107% so với kế hoạch đề ra, ở mức 279 tỉ đồng và hoàn thành 52% kế hoạch năm. Và cuối cùng là mảng giáo dục, Đình Anh tỏ ra tự hào về năm nay là năm đầu tiên 100 sinh viên của Đại học FPT ra trường và 100% kiếm được việc làm. Ông cũng cho biết FPT Education tiếp tục xây dựng cơ sở tại Hòa Lạc và Đà Nẵng.
“Một công thức bất biến là nếu đặt ra tăng trưởng cao thì FPT buộc phải mở rộng ngành nghề kinh doanh mới. Nhưng mở thế nào thì mở, vẫn phải xoay xung quanh trục công nghệ”, ông cho biết.
Còn quá sớm để có thể nói Đình Anh sẽ thành công hay không trong tầm nhìn đưa FPT từ đây đến 2024 nằm trong top 500 doanh nghiệp lớn nhất toàn cầu do Tạp chí Forbes của Mỹ bình chọn. Tuy nhiên, đã có thể nhận thấy FPT Telecom, đơn vị cũ ông từng điều hành, đã luôn tăng trưởng xấp xỉ 70% và trong giai đoạn khủng hoảng 3 năm gần đây là khoảng 40%. Và cùng với những nỗ lực mà Đình Anh và FPT đang làm hiện nay thì mục tiêu tăng trưởng 30% của Tập đoàn FPT dù khó nhưng vẫn có cơ sở.

Thứ Tư, 25 tháng 5, 2011

Khát vọng thắp lên từ biển - CEO Đoàn Quốc Việt - Air Mekong, Bim group

Có người bảo anh là “người hùng” của ngành kinh doanh du lịch khách sạn. Có người lại bảo anh là điển hình của ngành nuôi trồng thuỷ hải sản XK với 2.800 ha diện tích nuôi trồng, năng suất trên 14.000 tấn tôm và 17.000 tấn hàu mỗi năm... Cũng có người bảo anh là một doanh nhân mang nặng nghĩa tình, luôn đau đáu nỗi niềm tri ân quá khứ. Anh là ai? Đêm ven bờ Vịnh Hạ Long, khách sạn Plaza kiêu hãnh hắt lên bầu trời đen thẫm những quầng sáng lung linh huyền ảo. Tôi như lạc trong miền cổ tích. Và câu hỏi: “Anh là ai?” vẫn chưa có lời đáp và chưa đến hồi kết thúc...

Trong quá khứ và hiện tại, làng DN VN có một người được dư luận biết đến từ lâu bởi những đóng góp của anh vào sự nghiệp phát triển kinh tế chung của đất nước. Người ta biết đến anh không chỉ qua những công trình do anh đầu tư xây dựng, mang lại hiệu quả to lớn về kinh tế - xã hội, mà là những công việc từ thiện trong chương trình xoá đói giảm nghèo, giúp đỡ xây dựng nhiều trường học, xây dựng các nhà tình thương, nhà tình nghĩa, phụng dưỡng các bà mẹ VN anh hùng, những người gặp hoàn cảnh cơ nhỡ khó khăn, những người khuyết tật, giúp đỡ học sinh nghèo vượt khó ở nhiều tình thành trong cả nước. Trong năm qua, anh đã cùng cán bộ CNV của Cty tình nguyện đóng góp hơn 5 tỷ đồng để xây dựng một trường học khang trang cùng với thiết bị hiện đại tại tỉnh Quảng Ninh, tham gia xây dựng nhà tình nghĩa, tặng gia đình chính sách, thương binh thuộc huyện Tiên Yên với giá trị 300 triệu đồng, ủng hộ lễ hội Hạ Long năm 2007 200 triệu đồng cùng nhiều hoạt động từ thiện xã hội khác. Anh là kỹ sư Đoàn Quốc Việt - Tổng Giám đốc Cty TNHH Đầu tư phát triển sản xuất Hạ Long - Cty cổ phần thuỷ sản BIM.

Năm 2010, Đoàn Quốc Việt cùng các cổ đông đã sáng lập và đưa vào hoạt động Hãng hàng không tư nhân Air Mekong với biểu tượng Sếu đầu đỏ

Đoàn Quốc Việt sinh ra và lớn lên ở Thủ đô Hà Nội. Năm 1976, tốt nghiệp Trường đại học Bách khoa. Ra trường với tấm bằng giỏi, anh được nhận vào làm việc tại Viện nghiên cứu kỹ thuật điện. Năm 1986, anh được cử sang Ba Lan làm ở Viện nghiên cứu Sinh học. Tại đây, sau thời gian phấn đấu làm việc và đưa ra nhiều sáng kiến trong quá trình thực hiện đề tài khoa học về động thực vật, anh được các chuyên gia của Viện đánh giá rất cao về trình độ nghiên cứu cũng như năng lực phát huy công việc.

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ ở Ba Lan, năm 1989 anh trở về nước. Cũng trong thời gian này, Chính phủ cho phép 5 thành phần kinh tế được kinh doanh sản xuất. Hưởng ứng tinh thần đó, anh vui mừng huy động hết vốn liếng của gia đình, vay mượn bạn bè, ngân hàng để lao vào hoạt động kinh doanh. Dựa vào những kiến thức được học và thực tế, anh đã lập được nhiều đề án xây dựng chiến lược kinh doanh. Một trong những đề án của anh được gia đình và bạn bè ủng hộ nhất đó là đề án về Đầu tư phát triển du lịch khách sạn. Để biến ước mơ thành hiện thực, anh lên đường tìm đến những nơi có tiềm năng phát triển du lịch tốt. Sau khi khảo sát tình hình thực tế tại các tỉnh thành phía Bắc, anh nhận thấy Quảng Ninh là mảnh đất có thể thỏa mãn khát vọng lớn của mình bởi cơ chế thu hút các nhà đầu tư. Hơn nữa, Quảng Ninh còn là một tỉnh giàu tài nguyên thiên nhiên, có tiềm năng về du lịch, dịch vụ, vận tải biển, có đường giáp biển thuận lợi cho việc xây dựng đô thị biển, nuôi trồng và xuất khẩu thuỷ hải sản. Đầu năm 1994, anh Đoàn Quốc Việt quyết định thành lập Cty và một loạt dự án lớn được hình thành mà khởi đầu là dự án khách sạn Plaza, nằm ven bờ Vịnh Hạ Long, với tổng mức đầu tư vốn ban đầu là 11 triệu USD. Khách sạn được xây dựng với quy mô 200 phòng, cao 13 tầng, đạt tiêu chuẩn quốc tế 4 sao. Tháng 5-1997, khách sạn Plaza được đưa vào hoạt động đúng như dự đoán của anh Việt: Nếu một khách sạn được đầu tư lớn về thiết bị, có địa điểm lý tưởng và tinh thần phục vụ chu đáo thì sẽ thu hút được khách quốc tế rất đông. Sau chưa đầy một năm, khách sạn đón hàng chục nghìn khách trong nước và quốc tế, doanh thu đạt hàng chục tỷ đồng và được bầu chọn là một trong những khách sạn cao cấp, phục vụ khách tốt nhất tại VN.

Giám đốc Đoàn Quốc Việt giới thiệu với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng
dự án chế biến muối xuất khẩu Quán Thẻ, Ninh Phước, Ninh Thuận.

Là người có tầm nhìn chiến lược, năm 1999 nhận thấy ở Quảng Ninh có đường biển biên giới giáp Trung Quốc, lượng khách buôn bán và du lịch từ Trung Quốc vào rất đông. Trước tình hình đó, anh Việt bàn với toàn thể CBCNV quyết định đầu tư vào vận tải biển. Chủ trương của anh đưa ra được toàn thể CBCNV nhiệt tình hưởng ứng và đội tàu cao tốc cánh ngầm Mũi Ngọc với năng lực vận chuyển hàng nghìn khách/ngày được ra đời phục vụ các tuyến Hạ Long - Móng Cái, Hạ Long - Hải Phòng. Sau chưa đầy một năm hoạt động dự án này đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Điều đặc biệt đã mở ra con đường thuỷ thuận tiện cho khách buôn bán và khách du lịch quốc tế.

Thành công tiếp nối thành công. Khát vọng thắp lên khát vọng. Không bằng lòng với kết quả đạt được, năm 1999, thực hiện chương trình “đổi đất lấy hạ tầng” anh lại tiếp tục đầu tư tuyến đường bao biển Hùng Thắng với chiều dài 4,2 km, rộng 42 m, tổng vốn đầu tư gần 100 tỷ đồng. Tiếp đó là dự án khu đô thị mới Hùng Thắng được Cty đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng gồm nhiều hạng mục như: Trung tâm du lịch thương mại, khu nghỉ dưỡng, biệt thự biển, khu vui chơi, khách sạn 5 sao…

Có người bảo anh là người may mắn trên con đường chinh phục đỉnh cao sự nghiệp của mình. Nhưng họ đâu có biết, cái “may mắn” ấy là kết quả của những tháng ngày thấm đẫm bao giọt mồ hôi của chàng sinh viên trẻ tuổi mang trong mình nhiều khát vọng. Việt không nhớ anh đã ngốn bao nhiều sách vở, bao nhiều lần lang thang trong các ngõ ngách của phố phường Hà Nội cũng như ở trời Tây để tìm kiếm và nghiên cứu những công trình xây dựng có kiến trúc đẹp với mong muốn bù đắp lại những gì còn thiếu trong sách vở. Miệt mài và đam mê, như dòng sông nhỏ bồi đắp phù sa để tự trang bị cho mình hành trang vào đời.

Theo thời gian, Đoàn Quốc Việt đã từng bước khẳng định mình trong làng doanh nhân VN. Từ những năm 2000, không ít DN kinh doanh chế biến thuỷ hải sản lâm vào tình trạng lao đao, thậm chí phá sản, song bằng tố chất của một kỹ sư nghiên cứu Sinh học đã từng được các chuyên gia nước ngoài đánh giá cao về tài năng nghiên cứu khoa học, anh Đoàn Quốc Việt lại bắt tay vào triển khai dự án mới: Nuôi trồng và chế biến thuỷ hải sản đặc biệt là giống tôm điển hình đạt năng suất cao ở các tỉnh Kiên Giang, Bình Thuận, Quảng Ninh…mà trung tâm gây giống I của Cty đặt tại đảo Phú Quốc chuyên cung ứng nguồn con giống sạch bệnh, chất lượng cao, được kiểm định nghiêm ngặt sau khi đánh bắt từ Ấn Độ Dương. Trung tâm biệt lập với khu dân cư nhằm đảm bảo vệ sinh nguồn nước và môi sinh. Trại nuôi tôm II ở Kiên Giang có diện tích hơn 2500 ha được áp dụng công nghệ vi sinh trong nuôi tôm và quản lý môi trường, hàng năm cung ứng từ 12 - 15 tấn, tôm được đưa cho nhà máy với thời gian vận chuyển chỉ trong 2 giờ. Nhà máy đặt tại Kiên Giang được thiết kế theo tiêu chuẩn HACCP, sử dụng thiết bị của hãng MYCOM, công suất 10 ngàn tấn/năm với các sản phẩm chế biến gồm: tôm loại HOSO, HLSO, PD/PUD, SHUSHI, NOBASHI, Hàu đông lạnh và các sản phẩm theo đơn đặt hàng. Mô hình này tuyệt đối không sử dụng kháng sinh, nguồn gốc rõ ràng và thoả mãn yêu cầu khắt khe của các thị trường nhập khẩu trên thế giới. Anh Việt hồ hởi:“Mô hình chế biến của chúng tôi đạt tiêu chuẩn theo đánh giá của Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản VN (VASEP). Để thực hiện thành công mô hình này, chúng tôi cũng gặp không ít khó khăn trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng, tuyển dụng lao động vì các dự án này đều triển khai ở các vùng sâu vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế khó khăn, điện, nước, giao thông không thuận tiện. Song bằng sự tâm huyết với nghề, sự nỗ lực của đội ngũ CBCNV trong Cty cùng với sự giúp đỡ tạo điều kiện của các ban ngành từ Trung ương đến địa phương, chúng tôi đã khắc phục và triển khai tốt dự án này trong thời gian ngắn”.

Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng trao cúp Doanh nhân tiêu biểu năm 2007
cho Giám đốc Đoàn Quốc Việt.

Đối với anh Việt, thương trường như chiến trường, đầy cam go thử thách nhưng anh quan niệm: “không có việc gì khó, chỉ sợ không đồng lòng”. Và trong anh luôn chất chứa nỗi niềm được tri ân với quá khứ. Anh tâm sự: “Tôi sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng, bản thân cũng là một người lính chống Mỹ, trải qua cuộc chiến tranh ác liệt của dân tộc, thấu hiểu nỗi đau, mất mát của các gia đình thương binh, liệt sĩ. Tôi là người có may mắn được sống sót qua cuộc chiến tranh đó và lại được sản xuất kinh doanh trong một đất nước hoà bình và đã gặt hái được những thành công ban đầu. Vì vậy, tôi luôn nghĩ, mình còn sống là còn cống hiến, muốn làm những gì có ích cho xã hội, cho cộng đồng. Nếu không có các bậc cha anh đi trước, không có đồng đội, bạn bè đã hi sinh cho công cuộc giải phóng dân tộc, làm sao tôi có được như ngày hôm nay”.

Nhìn lại chặng đường hơn 10 năm thành lập, trải qua bao vất vả thăng trầm, bao vinh quang và gian khó, ngày hôm nay anh Việt cùng toàn thể CBCNV của Cty TNHH phát triển sản xuất Hạ Long đã gặt hái được những kết quả thật đáng tự hào: từ số vốn 1tỷ đồng khi thành lập nay đã tăng lên 600 tỷ đồng, và dự kiến sẽ đạt 1.200 tỷ vào cuối năm 2008; số cán bộ CNV từ 10 người nay đã là 1200 người với mức thu nhập bình quân từ 2,5 đến 3 triệu/người/tháng, doanh thu 2006 đạt 165,86 tỷ đồng. Năm 2007 đạt 238,72 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước 19,46 tỷ đồng.

Năm 2008, Cty tiếp tục đầu tư 2800 ha tại Ninh Thuận để sản xuất kinh doanh muối và phát triển các dự án về tổ hợp sân golf, bệnh viện, trường học… ở nhiều địa phương khác nhau. Với những thành tích đạt được trong 10 năm qua, Tổng Giám đốc Đoàn Quốc Việt và tập thể CBCNV Cty đã nhận được nhiều phần thưởng cao quý từ Trung ương đến địa phương: Bằng khen của Bộ Thuỷ sản: đơn vị đã có thành tích SX tiêu biểu điển hình trong phong trào thi đua yêu nước ngành thuỷ sản giai đoạn năm 2001 – 2005; Bằng khen đơn vị có thành tích về nghiên cứu khoa học và triển khai công nghệ năm 2002. Được Tổng cục Thuế tuyên dương là đơn vị thực hiện tốt nghĩa vụ nộp Thuế toàn quốc năm 2005; Được UBND tỉnh Quảng Ninh tặng cờ thi đua: Đơn vị dẫn đầu ngành Thuỷ sản... Tổng Giám đốc Đoàn Quốc Việt đã được Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI) trao tặng kỷ niệm chương và được vinh danh là một trong 100 Doanh nhân tiêu biểu toàn quốc năm 2007.

Băng Châu - Nguyễn Dũng


Ceovn.com