Thứ Tư, 12 tháng 5, 2010
Ông chủ tịch Vincom nói chuyện làm ăn
Đối với ông Lê Khắc Hiệp, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Vincom, được tự tay xây dựng những viên gạch đầu tiên thú vị hơn rất nhiều so với việc đã có sẵn một ngôi nhà để ở.
Ông Lê Khắc Hiệp, cũng là Phó Chủ tịch VinGroup, tập đoàn đầu tư sản xuất kinh doanh tại Ukraina và là tập đoàn mẹ của Vincom, cho rằng, cuộc đời ông đã gắn với những con số 10 rất đẹp. Tại mỗi công ty từng làm việc, ông đều ngồi đúng 10 năm, không hơn không kém. Với bề dày kinh nghiệm thương trường, ông đã chia sẻ với NCĐT đôi điều về chuyện làm ăn của mình.
Technocom, công ty mẹ của Vincom, vừa đổi tên thành VinGroup. Tại sao có sự thay đổi này?
Cái tên Technocom thoạt nghe có vẻ mang tính chất công nghệ hơn là thương mại và dấu ấn của quốc gia lại càng không thấy. Và khi nghe tên Technocom, người ta có thể nghĩ đây là công ty của một nước ở châu Phi, châu Âu hay Mỹ…, trong khi nó là của các nhà đầu tư Việt Nam. Chúng tôi chọn VinGroup vì chữ Vin gần với chữ Việt Nam và một lý do nữa là các công ty con của Tập đoàn tại Việt Nam đều có chữ đầu là Vin như Vincom, Vinpearl… Đây là hình thức nằm trong chiến lược nhận diện thương hiệu và khẳng định đầu tư của chúng tôi sẽ được tập trung ở Việt Nam trong thời gian tới.
Có người cho rằng, Công ty có phần vốn góp của các quan chức nhà nước?
Hoàn toàn không có. Bởi hiện nay, Vincom là công ty đã niêm yết trên sàn chứng khoán, ai sở hữu bao nhiêu cổ phiếu đều được công khai. Có cả vài ngàn nhà đầu tư là cá nhân và tổ chức đồng sở hữu Vincom.
Với việc Vincom đã thắng các nhà đầu tư khác và sở hữu khuôn viên đất đẹp tại Q.1, TP.HCM, có dư luận cho rằng, Vincom đã được ưu ái?
Chẳng ai có thể ưu ái cho một nhà đầu tư không có năng lực. Đối với khu tứ giác Eden tại TP.HCM, chúng tôi đã có mức đền bù giải tỏa lên đến 370 triệu đồng/m2 đất. Việc đền bù dự án này đã khiến nhiều nhà đầu tư cho rằng, Vincom phá giá trong đền bù.
Song thực tế, đó là quy định được đưa ra trong Quyết định số 212/QĐ-UBND ngày 22.1.2009 của Ủy ban Nhân dân TP.HCM “Về phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất để đầu tư xây dựng…”. Riêng chi phí đất và đền bù giải phóng mặt bằng của dự án này sau khi được duyệt chính thức đã lên đến 1.900 tỉ đồng.
Vậy nguồn vốn đầu tư của Tập đoàn tại Việt Nam là từ các nhà đầu tư Việt kiều ở Ukraina?
Là của các nhà đầu tư Việt Nam đang sinh sống tại Ukraina và trong nước. Hiện nay, văn phòng Tập đoàn VinGroup đang đóng tại Việt Nam.
Đến nay, VinGroup đã đầu tư bao nhiêu tiền vào Việt Nam?
Khó thống kê được chính xác bởi chúng tôi đầu tư nối tiếp đầu tư, nhưng chắc chắn cũng đến hàng chục ngàn tỉ đồng.
Sau khi phát hành trái phiếu chuyển đổi trên sàn chứng khoán Singapore vào tháng 11.2009 vừa qua, Công ty có dự định niêm yết lên sàn ở đó không?
Mục đích của việc phát hành trái phiếu này là huy động vốn để triển khai các dự án bất động sản lớn của Tập đoàn tại Hà Nội như Royal City (rộng trên 12 ha, vốn đầu tư 9.999 tỉ đồng) và Eco City (rộng trên 37 ha). Đặc thù của đợt phát hành trái phiếu chuyển đổi này là không có tài sản bảo đảm, sau 5 năm sẽ được chuyển thành cổ phiếu. Trái phiếu chuyển đổi là một sản phẩm tài chính phức tạp, do nó có đặc tính của cả trái phiếu lẫn cổ phiếu.
Khi chúng tôi phát hành 100 triệu USD, các nhà đầu tư ở Singapore đã đăng ký mua đến hơn 200 triệu USD. Tuy nhiên, chúng tôi đã từ chối vì không muốn pha loãng cổ phiếu của Vincom khi trái phiếu này được chuyển đổi thành cổ phiếu. Khi trở thành thương hiệu mạnh trong khu vực, chắc chắn chúng tôi sẽ nghĩ đến việc niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán nước ngoài.
Trong năm 2010, Vincom sẽ tập trung đầu tư kinh doanh vào lĩnh vực nào?
Chúng tôi sẽ đầu tư tổng lực vào bất động sản nhằm chuẩn bị cho sự hồi phục và phát triển của thị trường này. Riêng trong năm 2009, Vincom đã tham gia góp vốn thành lập và giữ cổ phần chi phối vào các công ty bất động sản lớn tại Hà Nội như Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Địa ốc Hoàng Gia, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Đô thị Sài Đồng... Đầu tư và phát triển các dự án bất động sản có thể mang lại tỉ suất thu hồi nội bộ IRR (internal rate of return) lớn hơn 20%.
Kinh nghiệm quản lý công ty đa quốc gia như Prudential Việt Nam có giúp ông nhiều trong quản lý điều hành tại Vincom?
Khi vào làm việc ở hai công ty này, tôi đều có nét chung là bước chân vào và bắt đầu xây những viên gạch đầu tiên, phải cắt đặt và tuyển dụng nhân viên vào từng vị trí cho công ty. Đây cũng là niềm hạnh phúc, bởi mỗi ngày mình được chứng kiến sự lớn mạnh và phát triển của công ty, mà trong đó có một phần công sức của mình.
Cả hai công ty này còn có điểm chung là đều phát triển nhanh, chỉ sau 5 năm đã đạt được những thành quả tốt đẹp.
Đối với nhà quản lý, ngoài khả năng lãnh đạo họ còn phải am hiểu văn hóa, tâm lý xã hội, thế chế chính trị tại vùng họ làm việc. Đây được xem là điều kiện cần để lãnh đạo doanh nghiệp thành công, còn điều kiện đủ thì phụ thuộc vào chính họ. Ngay cả các công ty đa quốc gia tại Việt Nam, nếu thuê nhiều người nước ngoài quản lý các bộ phận, theo tôi chưa hẳn đã có thể thành công.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét