Thứ Hai, 20 tháng 2, 2012

CEO Việt gặp hạn 2011

Có lẽ chưa có năm nào giới doanh nhân Việt lại dính vào nhiều rắc rối như năm Tân Mão.

Năm 2011 đầy sóng gió qua đi, doanh nghiệp tạm thở phào. Tuy nhiên, có những vị CEO (Tổng Giám đốc) phải ngậm ngùi ra đi sau 1 năm kinh doanh quá ảm đạm, còn người ở lại thì phải cố gắng xoay xở lèo lái con thuyền qua cơn sóng dữ. NCĐT điểm lại 10 sự kiện đáng chú ý của các nhà điều hành doanh nghiệp Việt Nam trong năm qua.

Trần Ngọc Tươi (Cadovimex) người đàn bà to gan

Khi Công ty Cổ phần Chế biến và Xuất nhập khẩu Thủy sản Cadovimex mấp mé bờ vực phá sản, bà Trần Ngọc Tươi, lúc này là cổ đông, đã đứng ra đặt gánh nặng tái cấu trúc công ty lên vai mình. Trước đó, tại Đại hội cổ đông vào tháng 3.2011, ông Võ Thành Tiên là Chủ tịch Hội đồng Quản trị, đã xin từ chức. Bà Tươi cho rằng Cadovimex lâm vào khó khăn không phải vì thị trường mà do khâu nhân sự, tổ chức và quản lý.

Vì thế, điều đầu tiên bà Tươi làm là tinh gọn nhân sự, chỉ giữ lại những người có năng lực. Các biện pháp vượt bão như chuyển sang vay vốn bằng USD với lãi suất thấp hơn vay bằng VND, bán hàng thanh toán ngay, rút vốn khỏi Cadovimex 2... được tiến hành rốt ráo. Tuy nhiên, sau đó, quý II/2011 Cadovimex vẫn lỗ hơn 5 tỉ đồng và lỗ thêm gần 10 tỉ đồng trong quý III. Vừa làm Giám đốc Công ty Thủy sản Vĩnh Thuận ở Đồng Tháp, vừa phải lèo lái con tàu Cadovimex, bà Tươi đang và sẽ phải chịu nhiều sức ép hơn nữa.

Phạm Thị Diệu Hiền (Thủy sản Bình An) bị kiện

Vụ nông dân kiện đại gia cá tra do trễ hạn thanh toán tiền mua cá đã gây xôn xao thị trường những ngày đầu tháng 12. Hai nông dân là ông Nguyễn Văn Liền và bà Phạm Thị Mai đã ủy quyền cho một luật sư kiện bà Phạm Thị Diệu Hiền, Chủ tịch Công ty Thủy sản Bình An (Cần Thơ), để đòi hơn 20 tỉ đồng tiền bán cá.

Ban đầu, luật sư phía doanh nghiệp đã đề nghị gán nợ bằng ôtô hiệu Rolls-Royce của bà Hiền trị giá khoảng 20 tỉ đồng. Tuy nhiên, cuộc thương lượng bất thành do không biết xe này đã bị thế chấp trước đó hay chưa. Hai nông dân yêu cầu được trả trước 5 tỉ đồng nhưng luật sư cho biết chỉ có thể thanh toán được 300 triệu đồng.

Bình An là doanh nghiệp thành lập Viện Nghiên cứu Thủy sản đầu tiên trong nước. Công ty cũng thành công trong việc sản xuất nước uống Collagen. Theo số liệu của Tổng Cục Hải quan, Công ty đứng thứ 22 trong top 30 doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản hàng đầu Việt Nam 10 tháng đầu năm.

Lê Văn Dũng (Dược Viễn Đông) vào vòng lao lý

Khi dùng tiền cá nhân mua hơn 60% cổ phiếu của Công ty Dược Hà Tây (DHT) và cam kết bán lại cổ phiếu cho chính công ty mình với giá gốc, ông Lê Văn Dũng, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty Dược Viễn Đông (DVD), đã bị DHT tố cáo làm giá cổ phiếu. Tuy nhiên, mãi cho đến khi ông Dũng dùng 12 tài khoản mở tại 3 công ty chứng khoán khác nhau để thao túng giá cổ phiếu của chính công ty mình thì mới bị bắt và bị truy tố về tội làm giá chứng khoán.

Ông Dũng còn phạm tội tạo doanh thu ảo, làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức. Có 13 nhà đầu tư đã tố cáo ông Dũng, cho rằng ông làm giá chứng khoán gây thiệt hại gần 2 tỉ đồng. Đây có lẽ là vụ làm giá chứng khoán lớn nhất từ trước tới nay và người làm giá bị truy tố.

Phạm Văn Trung (Hoa Sen Group) làm sếp 18 ngày

Sau khi được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc Tập đoàn Hoa Sen (HSG) 18 ngày, ông Phạm Văn Trung đã xin từ chức vào cuối tháng 4.2011. Ông được Hội đồng Quản trị HSG nhận xét là “ứng viên phù hợp nhất cho vị trí CEO tập đoàn, sau nhiều năm nỗ lực tìm kiếm”.

Thời điểm ông Trung ngồi vào “ghế nóng” cũng là lúc ngành thép đang gặp khó và HSG phải đối mặt với tình trạng nợ nần chồng chất và lãi suất cao ngất ngưởng.

Có thông tin cho rằng HSG bổ nhiệm Tổng Giám đốc mới là ông Trần Ngọc Chu, người có hơn 25 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính, chủ yếu để giải quyết nợ nần của Tập đoàn. Tính đến cuối năm 2011 (theo niên độ tài chính của HSG: từ 1.10.2010-30.9.2011), tổng nợ của HSG đã bằng 70% tổng tài sản và gấp 2,3 lần vốn chủ sở hữu.

Huỳnh Thị Huyền Như (Chứng khoán Phương Đông) đại gia lừa đại gia

Bằng cách vay của người này trả cho người kia và trả lãi cao từ 5-7%/tháng, bà Huỳnh Thị Huyền Như đã huy động hàng ngàn tỉ đồng để đầu tư tài chính. Việc này bắt đầu cách đây 3-4 năm và chỉ đổ bể khi bà Như không còn khả năng trả nợ. Đầu tháng 10.2011, bà Như bị công an bắt vì hành vi lừa đảo.

Bà Như đắc cử vị trí thành viên Hội đồng Quản trị Công ty Chứng khoán Phương Đông (ORS) vào ngày 18.5.2011 nhờ sự ủng hộ của một nhóm cổ đông nắm khoảng 15% cổ phần ORS. Sau khi có thông tin lừa tiền, ORS đã lập tức đình chỉ chức vụ này của bà Như.

Sau khi bà Như bị bắt, nhiều nhà đầu tư là đại gia trong giới tài chính - chứng khoán mới giật mình. Tuy nhiên, một số ngân hàng và công ty chứng khoán lập tức lên tiếng giải thích là không có giao dịch với khách hàng nào tên Như và không bị thiệt hại gì về tài chính(?!).

Hà Dũng (Indochina Airlines) bay cao té đau

Sau 3 năm cất cánh, Indochina Airlines, hãng hàng không tư nhân đầu tiên của Việt Nam, đã bị Bộ Giao thông Vận tải rút giấy phép hoạt động. Indochina Airlines được cấp phép thành lập vào tháng 5.2008, bắt đầu bay từ tháng 11.2008 và ngừng khai thác sau 1 năm hoạt động.

Ông chủ của Hãng là Hà Hùng Dũng (nhạc sĩ Hà Dũng) được xem là người đầu tiên dám thách thức “giấc mơ bay” bằng con đường tư nhân. Tuy nhiên, vì mộng cao nên khi vỡ mộng, khoản nợ mà ông phải gánh cũng lớn không kém. Ông đã bị cấm xuất cảnh do vụ kiện giữa ông và Ngân hàng Á Châu (ACB) chưa kết thúc. ACB kiện ông Dũng để đòi hơn 1,3 triệu USD.

Việc Indochina Airlines bị khai tử cho thấy giấc mơ bay tư nhân ngày càng trở nên xa vời, nhất là khi có thông tin cho rằng Vietnam Airlines sẽ nắm gần 70% cổ phần của hãng hàng không Jetstar Pacific. Nếu đúng như vậy, Vietnam Airlines sẽ nắm đến 90% thị trường hàng không nội địa.

Phan Thanh Hà (WonderBuy) buông thị trường điện máy

Ông Phan Thanh Hà, Giám đốc Điều hành Công ty Cổ phần Điện máy - Máy tính - Viễn thông Hợp Nhất, đã tuyên bố phá sản siêu thị điện máy WonderBuy vào tháng 6.2011 (WonderBuy là thương hiệu của Công ty). Sau 1 năm hoạt động, WonderBuy đã lỗ hơn 52 tỉ đồng và nợ gần 12 tỉ đồng. Đây là siêu thị điện máy đầu tiên tại TP.HCM bị phá sản.

Tháng 3.2011, WonderBuy thu hút sự chú ý của người tiêu dùng với chương trình khuyến mãi bán hàng kiểu Mỹ - tức khách mua hàng được trả lại một phần tiền sau một thời gian sử dụng sản phẩm. Tuy nhiên, thời điểm gia nhập thị trường không phù hợp và giá thuê mặt bằng quá đắt đã khiến WonderBuy phải bỏ cuộc. Sự thất bại này cho thấy ngành kinh doanh điện máy không còn dễ ăn và đang chịu sự sàng lọc gắt gao của thị trường.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Ceovn.com