Thứ Hai, 20 tháng 2, 2012

CEO Việt gặp hạn 2011

Có lẽ chưa có năm nào giới doanh nhân Việt lại dính vào nhiều rắc rối như năm Tân Mão.

Năm 2011 đầy sóng gió qua đi, doanh nghiệp tạm thở phào. Tuy nhiên, có những vị CEO (Tổng Giám đốc) phải ngậm ngùi ra đi sau 1 năm kinh doanh quá ảm đạm, còn người ở lại thì phải cố gắng xoay xở lèo lái con thuyền qua cơn sóng dữ. NCĐT điểm lại 10 sự kiện đáng chú ý của các nhà điều hành doanh nghiệp Việt Nam trong năm qua.

Trần Ngọc Tươi (Cadovimex) người đàn bà to gan

Khi Công ty Cổ phần Chế biến và Xuất nhập khẩu Thủy sản Cadovimex mấp mé bờ vực phá sản, bà Trần Ngọc Tươi, lúc này là cổ đông, đã đứng ra đặt gánh nặng tái cấu trúc công ty lên vai mình. Trước đó, tại Đại hội cổ đông vào tháng 3.2011, ông Võ Thành Tiên là Chủ tịch Hội đồng Quản trị, đã xin từ chức. Bà Tươi cho rằng Cadovimex lâm vào khó khăn không phải vì thị trường mà do khâu nhân sự, tổ chức và quản lý.

Vì thế, điều đầu tiên bà Tươi làm là tinh gọn nhân sự, chỉ giữ lại những người có năng lực. Các biện pháp vượt bão như chuyển sang vay vốn bằng USD với lãi suất thấp hơn vay bằng VND, bán hàng thanh toán ngay, rút vốn khỏi Cadovimex 2... được tiến hành rốt ráo. Tuy nhiên, sau đó, quý II/2011 Cadovimex vẫn lỗ hơn 5 tỉ đồng và lỗ thêm gần 10 tỉ đồng trong quý III. Vừa làm Giám đốc Công ty Thủy sản Vĩnh Thuận ở Đồng Tháp, vừa phải lèo lái con tàu Cadovimex, bà Tươi đang và sẽ phải chịu nhiều sức ép hơn nữa.

Phạm Thị Diệu Hiền (Thủy sản Bình An) bị kiện

Vụ nông dân kiện đại gia cá tra do trễ hạn thanh toán tiền mua cá đã gây xôn xao thị trường những ngày đầu tháng 12. Hai nông dân là ông Nguyễn Văn Liền và bà Phạm Thị Mai đã ủy quyền cho một luật sư kiện bà Phạm Thị Diệu Hiền, Chủ tịch Công ty Thủy sản Bình An (Cần Thơ), để đòi hơn 20 tỉ đồng tiền bán cá.

Ban đầu, luật sư phía doanh nghiệp đã đề nghị gán nợ bằng ôtô hiệu Rolls-Royce của bà Hiền trị giá khoảng 20 tỉ đồng. Tuy nhiên, cuộc thương lượng bất thành do không biết xe này đã bị thế chấp trước đó hay chưa. Hai nông dân yêu cầu được trả trước 5 tỉ đồng nhưng luật sư cho biết chỉ có thể thanh toán được 300 triệu đồng.

Bình An là doanh nghiệp thành lập Viện Nghiên cứu Thủy sản đầu tiên trong nước. Công ty cũng thành công trong việc sản xuất nước uống Collagen. Theo số liệu của Tổng Cục Hải quan, Công ty đứng thứ 22 trong top 30 doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản hàng đầu Việt Nam 10 tháng đầu năm.

Lê Văn Dũng (Dược Viễn Đông) vào vòng lao lý

Khi dùng tiền cá nhân mua hơn 60% cổ phiếu của Công ty Dược Hà Tây (DHT) và cam kết bán lại cổ phiếu cho chính công ty mình với giá gốc, ông Lê Văn Dũng, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty Dược Viễn Đông (DVD), đã bị DHT tố cáo làm giá cổ phiếu. Tuy nhiên, mãi cho đến khi ông Dũng dùng 12 tài khoản mở tại 3 công ty chứng khoán khác nhau để thao túng giá cổ phiếu của chính công ty mình thì mới bị bắt và bị truy tố về tội làm giá chứng khoán.

Ông Dũng còn phạm tội tạo doanh thu ảo, làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức. Có 13 nhà đầu tư đã tố cáo ông Dũng, cho rằng ông làm giá chứng khoán gây thiệt hại gần 2 tỉ đồng. Đây có lẽ là vụ làm giá chứng khoán lớn nhất từ trước tới nay và người làm giá bị truy tố.

Phạm Văn Trung (Hoa Sen Group) làm sếp 18 ngày

Sau khi được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc Tập đoàn Hoa Sen (HSG) 18 ngày, ông Phạm Văn Trung đã xin từ chức vào cuối tháng 4.2011. Ông được Hội đồng Quản trị HSG nhận xét là “ứng viên phù hợp nhất cho vị trí CEO tập đoàn, sau nhiều năm nỗ lực tìm kiếm”.

Thời điểm ông Trung ngồi vào “ghế nóng” cũng là lúc ngành thép đang gặp khó và HSG phải đối mặt với tình trạng nợ nần chồng chất và lãi suất cao ngất ngưởng.

Có thông tin cho rằng HSG bổ nhiệm Tổng Giám đốc mới là ông Trần Ngọc Chu, người có hơn 25 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính, chủ yếu để giải quyết nợ nần của Tập đoàn. Tính đến cuối năm 2011 (theo niên độ tài chính của HSG: từ 1.10.2010-30.9.2011), tổng nợ của HSG đã bằng 70% tổng tài sản và gấp 2,3 lần vốn chủ sở hữu.

Huỳnh Thị Huyền Như (Chứng khoán Phương Đông) đại gia lừa đại gia

Bằng cách vay của người này trả cho người kia và trả lãi cao từ 5-7%/tháng, bà Huỳnh Thị Huyền Như đã huy động hàng ngàn tỉ đồng để đầu tư tài chính. Việc này bắt đầu cách đây 3-4 năm và chỉ đổ bể khi bà Như không còn khả năng trả nợ. Đầu tháng 10.2011, bà Như bị công an bắt vì hành vi lừa đảo.

Bà Như đắc cử vị trí thành viên Hội đồng Quản trị Công ty Chứng khoán Phương Đông (ORS) vào ngày 18.5.2011 nhờ sự ủng hộ của một nhóm cổ đông nắm khoảng 15% cổ phần ORS. Sau khi có thông tin lừa tiền, ORS đã lập tức đình chỉ chức vụ này của bà Như.

Sau khi bà Như bị bắt, nhiều nhà đầu tư là đại gia trong giới tài chính - chứng khoán mới giật mình. Tuy nhiên, một số ngân hàng và công ty chứng khoán lập tức lên tiếng giải thích là không có giao dịch với khách hàng nào tên Như và không bị thiệt hại gì về tài chính(?!).

Hà Dũng (Indochina Airlines) bay cao té đau

Sau 3 năm cất cánh, Indochina Airlines, hãng hàng không tư nhân đầu tiên của Việt Nam, đã bị Bộ Giao thông Vận tải rút giấy phép hoạt động. Indochina Airlines được cấp phép thành lập vào tháng 5.2008, bắt đầu bay từ tháng 11.2008 và ngừng khai thác sau 1 năm hoạt động.

Ông chủ của Hãng là Hà Hùng Dũng (nhạc sĩ Hà Dũng) được xem là người đầu tiên dám thách thức “giấc mơ bay” bằng con đường tư nhân. Tuy nhiên, vì mộng cao nên khi vỡ mộng, khoản nợ mà ông phải gánh cũng lớn không kém. Ông đã bị cấm xuất cảnh do vụ kiện giữa ông và Ngân hàng Á Châu (ACB) chưa kết thúc. ACB kiện ông Dũng để đòi hơn 1,3 triệu USD.

Việc Indochina Airlines bị khai tử cho thấy giấc mơ bay tư nhân ngày càng trở nên xa vời, nhất là khi có thông tin cho rằng Vietnam Airlines sẽ nắm gần 70% cổ phần của hãng hàng không Jetstar Pacific. Nếu đúng như vậy, Vietnam Airlines sẽ nắm đến 90% thị trường hàng không nội địa.

Phan Thanh Hà (WonderBuy) buông thị trường điện máy

Ông Phan Thanh Hà, Giám đốc Điều hành Công ty Cổ phần Điện máy - Máy tính - Viễn thông Hợp Nhất, đã tuyên bố phá sản siêu thị điện máy WonderBuy vào tháng 6.2011 (WonderBuy là thương hiệu của Công ty). Sau 1 năm hoạt động, WonderBuy đã lỗ hơn 52 tỉ đồng và nợ gần 12 tỉ đồng. Đây là siêu thị điện máy đầu tiên tại TP.HCM bị phá sản.

Tháng 3.2011, WonderBuy thu hút sự chú ý của người tiêu dùng với chương trình khuyến mãi bán hàng kiểu Mỹ - tức khách mua hàng được trả lại một phần tiền sau một thời gian sử dụng sản phẩm. Tuy nhiên, thời điểm gia nhập thị trường không phù hợp và giá thuê mặt bằng quá đắt đã khiến WonderBuy phải bỏ cuộc. Sự thất bại này cho thấy ngành kinh doanh điện máy không còn dễ ăn và đang chịu sự sàng lọc gắt gao của thị trường.

Thứ Tư, 1 tháng 2, 2012

CEO Hòa Bình: 'Tôi làm giàu để cống hiến nhiều hơn'

Tay trắng lập nghiệp, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Xây dựng và Kinh doanh Địa ốc Hòa Bình, Lê Viết Hải quan niệm giàu có chỉ là phương tiện để làm nhiều việc tốt và cống hiến cho cộng đồng.

- Hồi tháng 11 năm ngoái, ông gửi bức tâm thư đến cổ đông khuyên họ đừng bán cổ phiếu Hòa Bình (HBC) khiến giới kinh doanh xôn xao. Vì sao ông chọn cách này?

- Hòa Bình là nhà thầu tổng hợp đầu tiên niêm yết tại TP HCM và có kinh nghiệm ứng phó với tình huống khó khăn. HBC đứng giá 31.000 - 32.000 đồng một cổ phiếu trong thời gian dài, sau đó giảm xuống mức 18.700 đồng, nhiều cán bộ công nhân viên hỏi tôi lý do. Họ lo ngại doanh nghiệp gặp phải biến cố bất thường. Công ty có 2.400 nhân viên trực tiếp, 1.200 nhân viên làm việc gián tiếp, 4.000 lao động thời vụ, trong đó xấp xỉ 1.000 công nhân viên có cổ phiếu Hòa Bình.

Với số cổ đông nhiều như vậy, tổ chức một cuộc họp khẩn không hiệu quả. Hiểu rõ tình hình và giá trị công ty, tôi suy xét rất kỹ và chọn cách viết bức tâm thư gửi cán bộ công nhân viên. Trong thư tôi kêu gọi cán bộ công nhân viên dùng tiền nhàn rỗi mua cổ phiếu HBC, hạn chế đà giảm giá đồng thời hạn chế việc thâu tóm cổ phiếu Hòa Bình từ bên ngoài.

Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Địa ốc Hòa Bình, Lê Viết Hải. Ảnh: H.T

- Những khó khăn của thị trường địa ốc đã tác động tới công ty Hòa Bình như thế nào trong năm 2011?

- Quả thật năm 2011 có quá nhiều gian truân. Thị trường bất động sản đóng băng, các dự án nhà ở không bán được cộng thêm thắt chặt tín dụng nên nhiều chủ đầu tư không thể thanh toán tiền xây dựng cho nhà thầu đúng hạn. Đây là thử thách lớn nhất trong năm đối với chúng tôi.

Thêm vào đó, thị trường chứng khoán lao dốc khiến cho kế hoạch huy động vốn từ kênh này không còn hiệu quả. Khách hàng vẫn tìm đến với Hòa Bình rất nhiều, tiềm năng phát triển của doanh nghiệp vẫn rất lớn nhưng rủi ro trong giai đoạn này không phải là ít.

- Còn năm 2012, Địa ốc Hòa Bình có phương án nào để đương đầu với những khó khăn mới của thị trường?

Chúng tôi đã lên phương án sẵn sàng ứng phó như ưu tiên những dự án có nguồn vốn ít hoặc thuộc các ngành y tế, giáo dục, văn hóa, công nghiệp, hạ tầng hơn là chung cư và văn phòng. Bên cạnh đó, Địa ốc Hòa Bình đề nghị chủ đầu tư chấp thuận những điều kiện thanh toán an toàn cho nhà thầu. Theo đó, chủ đầu tư phải tạm ứng tối thiểu 15%, thời hạn thanh toán rút ngắn lại không quá một tháng, khách hàng khất nợ nhà thầu được phép chậm tiến độ hoặc ngưng thi công...
Ngoài ra, Hòa Bình dự kiến chọn thời điểm thích hợp trong năm 2012 để mua cổ phiếu quỹ. Tuy nhiên việc này cần phải xin ý kiến và được sự chấp thuận của cổ đông thì mới có thể tiến hành.

- Gia đình có ảnh hưởng như thế nào đối với sự nghiệp của ông?

- Tôi xuất thân trong gia đình đông anh em, có lúc gia cảnh vô cùng khốn khó. Bố tôi có hơn 16 năm làm hiệu trưởng trường Bồ Đề ở Huế. Mẹ tôi buôn bán nhỏ và chăm sóc gia đình. Khi cả nhà vào Sài Gòn, ông bà đã phải vất vả gồng gánh để nuôi 11 người con. Bố mẹ tôi đã làm đủ nghề từ mua bán thuốc tây, điện máy, cho đến việc hợp tác mở trường tư thục, sản xuất bánh mứt… để trang trải cuộc sống gia đình. Tuy phải tiết kiệm, ky cóp từng đồng nhưng ông bà luôn sẵn sàng giúp đỡ mọi người. Tinh thần vượt khó và cống hiến cho cộng đồng của đấng sinh thành đã theo tôi trong suốt thời thơ ấu, truyền nghị lực cho tôi đến tận bây giờ.

Bài học kinh doanh và làm người của bố mẹ đã khiến tôi nỗ lực vươn lên, cẩn trọng, chín chắn trong các quyết định liên quan đến lợi ích của mọi người xung quanh. Ảnh hưởng từ văn hóa gia đình, tôi không sợ khổ, không ngại khó. Cho đến khi có sự nghiệp ổn định, tôi luôn quan niệm giàu có, nhiều tiền chỉ là phương tiện để làm được nhiều điều tốt đẹp hơn, cống hiến nhiều hơn cho cuộc đời.

Vũ Lê

CEO Phát Đạt hướng tới top 3 nhà giàu chứng khoán

Bị đồn vỡ nợ, bỏ trốn song Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty bất động sản Phát Đạt, Nguyễn Văn Đạt chia sẻ: "Tôi phớt lờ tin đồn và giữ tinh thần thép để tỉnh táo tìm cơ hội trong khủng hoảng".

- Là một trong những doanh nghiệp bất động sản bị đồn nợ nần, phá sản trong năm qua, làm thế nào ông vượt qua những áp lực đó?

- Tôi chịu nhiều điều tiếng trong năm 2011, nào là vỡ nợ, phá sản, thậm chí là bỏ trốn... Tôi đi Mỹ thăm con cũng bị đồn: "Hắn bỏ trốn rồi". Song khi tôi về Việt Nam, những thông tin vô thưởng vô phạt cũng tắt theo. Tôi thấy lời ong tiếng ve là bình thường và không để tâm. Nếu lo giải thích tin đồn thì chẳng còn thời gian làm việc nữa. Làm bất động sản doanh nghiệp phải có tinh thần thép, sẵn sàng chấp nhận rủi ro và đối mặt với khó khăn để đi xuyên qua nó. Với tình hình hiện nay, doanh nghiệp địa ốc tồn tại được đã là giỏi lắm rồi.

Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty bất động sản Phát Đạt, Nguyễn Văn Đạt cho biết, ông phớt lờ mọi tin đồn, giữ tinh thần thép để săn cơ hội trong khủng hoảng. Ảnh: Vũ Lê

- Rất nhiều doanh nghiệp địa ốc điêu đứng khi thị trường bất động sản chìm sâu trong khủng hoảng. Riêng Phát Đạt đã trải qua thời kỳ khó khăn này như thế nào?

- Trong năm 2011 có rất nhiều cổ phiếu sụt giảm, PDR (cổ phiếu của Phát Đạt) cũng không ngoại lệ. Tương tự dư nợ của hầu hết các doanh nghiệp bất động sản cũng tăng cao. Tuy nhiên, dư nợ của chúng tôi là nợ dài hạn, không phải nợ ngắn hạn nên chưa đến mức quá lo ngại. Điều quan trọng là doanh nghiệp vẫn tồn tại và được nhiều đối tác cam kết đồng hành.

Do bị thắt chặt tín dụng, nhiều doanh nghiệp bất động sản đến vài trăm triệu đồng tiền mặt trong thời điểm này cũng không có. Chúng tôi cũng khó khăn nhưng không bị áp lực quá lớn đến như thế. Ít nhất bộ khung của Phát Đạt vẫn ổn định, không có hiện tượng sa thải. Tết đến doanh nghiệp vẫn lo được lương thưởng cho nhân viên. Tất nhiên thưởng không cao bằng năm ngoái vì nguồn thu ít nhưng ai có công vẫn được thưởng xứng đáng. Người chưa có đóng góp sẽ nhận mức thưởng khiêm tốn hơn. Tôi đã nói với cán bộ công nhân viên Phát Đạt rằng, hãy nhìn sang các doanh nghiệp địa ốc khác để biết mình đang ở đâu.

Năm 2011 điểm sáng lớn nhất của Phát Đạt là tồn tại và có đủ nội lực để chuẩn bị cho chiến lược năm 2012. Điều mà doanh nghiệp chưa thực hiện được là năm qua quá khó khăn, lợi nhuận không thể đạt được như mong đợi.

- Chứng kiến bất động sản suy thoái nhiều năm liền, ông từng nghĩ đến việc thoái vốn hay tháo chạy khỏi ngành này?

- Như tôi đã nói, làm bất động sản phải có tinh thần thép, sẵn sàng chấp nhận rủi ro và đi xuyên qua khủng hoảng để vượt khó. Tôi vẫn xem dịa ốc là ngành lõi để tập trung đầu tư. Năm 2012 tôi chọn những dự án bỏ ra ít tiền, thu được nhiều lợi nhuận để tập trung thực hiện. Chẳng hạn như các dự án đổi đất lấy hạ tầng, tôi ưu tiên bán biệt thự. Các dự án chung cư chưa bán có thể tạm để sang một bên, không xây vội.

Đối với những sản phẩm nào không khả thi thì bán bớt hoặc tạm dừng. Các nguồn tài chính sẽ được tập trung vào phát triển dự án Everich 3, dự phòng thêm các dự án biệt thự biển tại Nha Trang khi thị trường có tín hiệu tốt. Bất động sản vẫn là ngành chính nhưng tôi cũng sẽ lấn sân sang lĩnh vực mới là nông nghiệp và cây công nghiệp để tìm nguồn thu cân bằng và ổn định hơn. Việc chuẩn bị cho các ngành nghề mới đã được xúc tiến cách đây 4 tháng và năm 2012 chắc chắn Phát Đạt sẽ có thêm những chuyển biến mới này.

- Bị tụt hai bậc trong Top 100 người giàu trên sàn chứng khoán Việt Nam 2011, cảm giác của ông ra sao?

- Tôi nghĩ sự thăng trầm trong kinh doanh là bình thường, có lúc ở trên đỉnh cao cũng có khi bị tụt xuống dốc. Là doanh nhân phải biết chấp nhận rủi ro của thời cuộc. Năm ngoái tôi đứng trong top 5, năm nay tôi tụt xuống top 7, biết đâu vài năm nữa tôi lại bị văng khỏi top 10. Thế nhưng, tôi có nhiều tham vọng, mục tiêu trong 10 năm tới là tôi phải lọt vào top 3 người giàu trên sàn chứng khoán Việt Nam.

- Có những doanh nhân thích được gọi là người giàu nhưng cũng không ít người khó chịu. Thế còn ông?

- Dù phải chịu nhiều áp lực như: bị mất tự do, bị soi mói, bị chú ý một cách thái quá... nhưng tôi hãnh diện với gia đình, bè bạn khi được lọt vào danh sách top 10 người giàu trên sàn chứng khoán Việt Nam. Tôi quan niệm người giàu là người có trách nhiệm xã hội rất lớn, làm giàu cũng đồng nghĩa với việc cống hiến nhiều hơn, có nhiều điều kiện để sẻ chia với cộng đồng.

Vũ Lê

Hoài bão cơm kẹp quốc tế của ông chủ 8X

Thương hiệu VietMac được định giá 2,25 triệu USD sau 10 tháng thành lập đang là động lực để doanh nghiệp này quyết thực hiện ước mơ mang thương hiệu "cơm kẹp" ra thị trường thế giới.

Sáng 1/2, cửa hàng cơm kẹp đầu tiên của hãng đồ ăn nhanh mang thương hiệu Việt - VietMac khai trương ở TP HCM. Kế hoạch Nam tiến này được hãng triển khai sau gần một năm phát triển 5 cửa hàng tại thị trường Hà Nội. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, nhiều doanh nghiệp đang co cụm, thu hẹp quy mô, cắt giảm đầu tư, việc mở rộng hoạt động tại thị trường phía Nam được lãnh đạo VietMac nhìn nhận là bước đi mạo hiểm nhưng nếu thành công thì hiệu quả thu về sẽ lớn.

Giám đốc điều hành VietMac - Nguyễn Thành Dương chia sẻ: "Sau Nam tiến sẽ là kế hoạch địa phương hóa - đưa cơm kẹp đến nhiều vùng miền của tổ quốc rồi tiến tới mục tiêu đưa thương hiệu ra nước ngoài".

Cái tên "Cơm kẹp" được biết đến từ 10 tháng trước, khi cửa hàng đầu tiên mang tên VietMac khai trương tại Hà Nội. Nhưng VietMac thực sự trở thành tâm điểm chú ý cách đây gần 2 tháng khi lần đầu tiên thương hiệu non trẻ này được định giá 2,5 triệu đôla Mỹ - con số cao gấp 10 lần giá trị đầu tư ban đầu.

Nguyễn Thành Dương cho rằng sự thành công của 5 cửa hàng tại Hà Nội với số lượng suất ăn bán ra trong ngày cao điểm lên tới con số 1.000 là lý do khiến VietMac quyết định Nam tiến. "Khi chúng tôi đưa sản phẩm vào Nam, chúng tôi đã nghiên cứu rất kỹ xu hướng tiêu dùng của khách hàng với gần 70% số người hài lòng", anh Dương cho biết.

Ông chủ "cơm kẹp" 8X Nguyễn Thành Dương.

Hiện tại, khách hàng chủ yếu của VietMac là dân công sở, văn phòng, giới học sinh, sinh viên với doanh thu mang về mỗi tháng tăng trung bình 20%. Có đợt cao điểm, con số này đạt mức ấn tượng khoảng 40%. Giá bán sản phẩm cũng linh hoạt tùy theo kích cỡ và đồ uống kèm, trong đó mức thấp nhất là 25.000 đồng và cao nhất trên 100.000 đồng.

"Chưa khi nào chúng tôi hài lòng với kết quả đã đạt được mà luôn tâm niệm rằng ngay cả khi thành công nhất doanh nghiệp đã phải chuẩn bị chiến lược, phương án để đối phó với bất cứ tình huống nào có thể xảy ra", anh nói.

Anh Dương cho hay hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp lớn nhỏ đều đối mặt với bài toán khá nan giải là: Vốn. Lãi suất ngân hàng cùng với bối cảnh kinh tế "nhìn đâu cũng thấy khó khăn" là lý do khiến nhiều công ty thu hẹp quy mô sản xuất, tập trung vào lĩnh vực chính thay vì mở rộng.

"Trong thời điểm khó khăn, chúng tôi không cạnh tranh bằng giá rẻ mà cạnh tranh bằng thương hiệu, bằng sự khác biệt. Chúng tôi đã quyết định làm mặt hàng cơ bản là đồ ăn, bởi kinh tế có giảm thì vẫn phải ăn, phải uống. Hơn nữa mặt hàng này quay vòng vốn rất nhanh, không có tồn kho", anh Dương nói.

Khi được hỏi lý do chọn "cơm kẹp" là sản phẩm khởi nghiệp của mình, Giám đốc Nguyễn Thành Dương chỉ cười rằng: Đây giống như cái duyên không chờ đợi mà tới. Anh nhớ lại tháng 6/2010, tình cờ một người bạn - nay là Chủ tịch HĐQT công ty có chuyến công tác nước ngoài, và được hãng vận chuyển China Airlines phục vụ suất ăn đơn giản mà ấn tượng: Cơm nắm kẹp thịt. "Món ăn gợi cho bạn tôi hình ảnh rất đỗi quen thuộc của quê hương - nắm cơm muối vừng. Ý thức xưa bỗng dội về và bạn tôi nghĩ ngay ra ý tưởng kinh doanh. Chúng tôi bàn bạc với nhau và quyết định đưa ra sản phẩm cơm kẹp để bán ra thị trường", anh Dương kể.

Từ những ý tưởng được phác thảo trong đầu, Dương và 2 thành viên sáng lập VietMac đã phải bắt đầu từ những việc rất nhỏ như lựa chọn gạo, xử lý bánh cơm, rồi tìm ra yếu tố cốt lõi của sản phẩm và xây dựng, quản lý các quy trình trong chuỗi nhà hàng đồ ăn nhanh. Anh tìm hiểu và ghi nhận từng việc một từ phát triển chuỗi, đến mô hình quản lý, cách thức lựa chọn bao bì quy trình phục vụ của nhân viên ngay tại quầy hàng. Và ngày 26/10/2010 - Công ty Cơm kẹp có tên VietMac ra đời.

VietMac là kết quả của sự giao thoa giữa “cơm nắm muối vừng” Việt Nam và đồ ăn nhanh - fastfood của phương Tây. Người Mỹ - nơi khai sinh ra fastfood quan tâm đầu tiên đến thành phần dinh dưỡng, nhưng đối với khẩu vị Việt luôn mang dấu ấn cá nhân. Sự khó khăn này không dễ khắc phục. "Đây chính là một thách thức mà VietMac phải trải qua", anh Dương nói.

Mỗi suất VietMac có ít nhất 4 loại rau tươi, kèm theo nước xốt đặc biệt của VietMac, được chế biến từ những rau quả, gia vị thuần Việt như: hành, tiêu xanh, húng quế, cam, me hay ớt tươi. Với 8 loại nước xốt khác nhau, hiện nay khách hàng VietMac có đến 27 lựa chọn cho các loại sản phẩm: cơm kẹp gà nướng mật ong, xốt bò tiêu xanh, hải sản xốt cay, heo sốt quế...

Để sản phẩm hợp khẩu vị với nhiều người, giai đoạn đầu, anh Dương phải nhờ đến sự hỗ trợ của anh em, bạn bè và đồng nghiệp, thậm chí là những chuyên gia am hiểu lĩnh vực ẩm thực để nếm thử. Người chê cũng có, lời khen cũng không ít. Từ sự trải nghiệm của mỗi người anh tổng hợp lại để đưa ra sản phẩm cuối cùng mang hương vị đặc trưng nhất, và phù hợp với thị hiếu của nhiều người. "Tôi vỡ òa trong vui sướng khi những chiếc bánh đầu tiên ra lò, mọi người dùng thử ai cũng đều khen ngon”, anh Dương kể.

Cửa hàng cơm kẹp tại TP HCM.

Sau 10 tháng thành lập, VietMac đã được một số quỹ đầu tư định giá 2,25 triệu USD - con số cao gấp 10 lần giá trị đầu tư ban đầu. Có nhiều người ngỏ ý muốn mua cổ phần VietMac. Một doanh nhân có tiếng ở Việt Nam, đã cùng hai người con là sinh viên du học ở Mỹ về bay ra Hà Nội để ăn thử, sau đó tìm gặp lãnh đạo VietMac để đặt vấn đề mua lại cổ phần. Mới đây, VietMac đã hoàn tất vụ chuyển nhượng cổ phần đầu tiên cho công ty này.

Tuy vậy, vị giám đốc sinh năm 1984 Nguyễn Thành Dương vẫn khiêm tốn cho rằng, sự phát triển nóng luôn là cái bẫy mà mọi doanh nghiệp cần phải đề phòng. "Thực tế, khoảng 3 tháng đầu tiên chúng tôi đã phải đối mặt với sự khủng hoảng khi chất lượng sản phẩm không như ý, trong khi hệ thống phát triển quá nhanh. Chúng tôi đã nhận ra điều này để thay đổi mình", anh chia sẻ.

Minh Thư

Ceovn.com