Mới bước qua tuổi 31, Lê Trí Thông đã được nhắm vào vị trí Tổng giám đốc của Ngân hàng cổ phần Đông Á (DongABank) trong thời gian tới, thay cho vị CEO nổi tiếng Trần Phương Bình.
"Khi nhận thông tin này, tôi thực sự rất vui. Vì đó là sự ghi nhận lớn dành cho những đóng góp của cá nhân đối với ngân hàng", anh bộc bạch.
Tuy nhiên, Thông cho biết anh không ảo tưởng hay quá vui mừng. "Vị trí CEO đòi hỏi nhiều phẩm chất và sẽ dành cho người phù hợp nhất ở thời điểm đó nên cơ hội dành cho tất cả mọi người xứng đáng. Mục tiêu lớn nhất của tôi là trở thành một nhà quản trị xuất sắc và góp sức cho sự lớn mạnh của tổ chức - dù khi đó đang nắm giữ vị trí nào", anh nhấn mạnh.
Năm 2004, khi 25 tuổi, anh là một sinh viên trẻ tuổi nhất được trường kinh doanh SAID - Đại học Oxford nhận vào học chương trình MBA. Chính sự “đặc cách” này mà anh nhiều phen lao đao khi phải "so tài" với những “tiền bối” đồng khóa.
Trở thành nhà quản trị hoàn hảo là khát khao lớn nhất của anh. Ảnh: NVCC |
Anh cho biết, những người cùng lớp ai nấy đều là thạc sĩ, tiến sĩ, giảng viên đại học… và phần lớn đều đến từ các nước phát triển. Trong khí đó, anh chỉ là một sinh viên ‘baby”, kiến thức cũng như kinh nghiệm đều kém hơn, ngoại ngữ thì hạn chế…
Chưa hết, phương pháp học cũng rất khác với các bạn ở đây. Do đó, mỗi lần làm việc nhóm, Thông gặp không ít khó khăn. Áp lực vì thế ngày càng đè nặng. “Có lúc, tôi cảm thấy rất tự ti và tự dằn vặt mình tại sao phải 'chui' vào cái chốn khổ ải này. Nhưng rồi, chính sự tự ti ấy lại dấy lên trong tôi một quyết tâm phải học bằng mọi giá và không được chùn bước”, anh cho biết.
Trong học kì đầu tiên, để theo kịp chương trình, Thông dành toàn bộ thời gian thư giãn cho việc học. Nhiều đêm anh chỉ ngủ 3-4 tiếng đồng hồ để thức đọc sách, nghiên cứu tài liệu... Chưa đầy 4 tháng, anh sụt hơn 4kg.
Sau kỳ học đầu tiên, cậu sinh viên "baby" đã bắt kịp với cách học tại đây và có thời gian để giao lưu, tham dự hội thảo... Anh không những bắt kịp chương trình so với các bạn cùng khoá mà còn đoạt luôn học bổng toàn phần duy nhất của chương trình MBA – học bổng Naomi Molson Scholar dành cho sinh viên xuất sắc và có tiềm năng phát triển sự nghiệp. Năm sau đó, anh nhận được giải thưởng tốt nghiệp xuất sắc tại Đại học Oxford.
Sau khi hoàn thành chương trình đào tạo MBA, anh có thời gian ngắn làm việc tại tập đoàn Exxon Mobil (Anh) trước khi về Việt Nam. Năm 2007, khi đang là Tổng giám đốc Công ty cổ phần TIE - một trong những nhà phân phối lớn nhất Việt Nam về điện tử, công nghệ thông tin và viễn thông, anh đã nhen nhóm tình yêu đối với ngành tài chính.
Thời gian đó, anh “bén duyên” cùng Ngân hàng Đông Á bằng việc đóng góp những ý tưởng triển khai các dịch vụ ứng dụng công nghệ thông tin tại nhà băng này. Đến năm 2008, Thông chính thức đầu quân cho DongAbank và kiêm nhiệm nhiều vị trí cấp cao như: Phó tổng giám đốc ngân hàng, Chủ tịch Công ty Kiều hối Đông Á, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thẻ Thông Minh Vi Na...
Khi tiếp nhận vai trò Chủ tịch Công ty Kiều hối Đông Á, anh bắt tay ngay vào việc sắp xếp và tái cấu trúc lại hệ thống quản lý. Bên cạnh đó, anh xuống tận nơi để hướng dẫn nhân viên cách làm việc mới. Thay vì ngồi ở văn phòng như trước đây, Thông khuyến khích mọi người tự đi ra thị trường dò xét tình hình, theo dõi động thái của công ty bạn. Chính anh cũng thường xuyên ra ngoài thăm dò tình hình để có thể đưa ra những chính sách làm việc sát với biến động của thị trường.
Sau hơn 2,5 năm, anh cùng đồng nghiệp xây dựng được một văn hóa làm việc mới trong công ty, ứng dụng thành công công nghệ thông tin, đưa ra các sản phẩm mới mang lại nhiều tiện ích cho khách hàng... góp phần đưa tổng doanh thu kiều hối năm 2010 ước đạt hơn 1,2 tỷ USD. Công ty cũng tăng trưởng hơn 2,5 lần về lợi nhuận và là tổ chức duy nhất tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương nhận được giải thưởng của Hiệp hội các mạng lưới chuyển tiền quốc tế (IAMTN), sánh vai cùng 6 tổ chức chuyển tiền hàng đầu thế giới.
Với “đứa con” mới của DongAbank - Công ty cổ phần Thẻ thông minh Vi Na, anh gần như phải bắt tay vào xây dựng từ đầu. Ngoài việc thiết lập được một bộ máy vận hành tốt, sản phẩm nổi bật mà công ty chế tạo và thương mại hóa thành công là máy ATM nhả vàng đầu tiên tại Việt Nam. Để có thể giới thiệu chiếc máy ATM nhả vàng "Made in Vietnam" ra thị trường, anh và và các cộng sự đã mất 2 năm và nhiều đêm mất ngủ.
Bên cạnh đó, công ty còn thực hiện thành công việc kết nối liên mạng ATM & POS toàn quốc cùng với Smartlink, Banknetvn, ra đời nền tảng thanh toán điện tử VNBC. Chưa hết, công ty còn nghiên cứu và phát triển thành công thiết bị tiết kiệm năng lượng cho máy ATM đầu tiên tại Việt Nam.
Thông cho biết, dù máu kinh doanh đã bắt đầu từ năm 10 tuổi, nhưng anh lại quyết định thi đại học chuyên ngành kỹ thuật. Anh là kỹ sư Công nghệ hóa học, thực phẩm hạng xuất sắc, đứng đầu danh sách tốt nghiệp của Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia TP HCM năm 2002.
Việc chọn chuyên ngành kỹ thuật do ảnh hưởng của bố vốn là một doanh nhân xuất thân từ dân kỹ thuật. Định hướng học hành này càng được củng cố khi anh đọc cuốn tự truyện “Đời kinh doanh” của Lee Iaccoca - vị Tổng giám đốc huyền thoại đã vực dậy hãng ôtô trên bờ vực phá sản (Chrysler). Ông này được anh coi như một thần tượng, cũng xuất thân từ dân kỹ thuật.
Phó Tổng giám đốc luôn tâm niệm "khát khao chính là điểm tạo nên thành công và sự khác biệt giữa nhiều người. Ảnh: NVCC |
Anh nghiệm ra rằng, giữa kỹ thuật và kinh doanh có mối dây liên hệ rất chặt chẽ - vừa đối lập vừa tương hỗ. Những người vốn là dân kỹ thuật thường có tư duy khoa học, logic và sự điềm tĩnh. Trong những hoàn cảnh khó khăn nhất, họ vẫn có thể kiểm soát tốt tình huống. Còn một nhà kinh doanh thường đi kèm với sự linh hoạt và chấp nhận mạo hiểm trong công việc. "Điều quan trọng nhất là phải hài hòa giữa hai con người này", anh chia sẻ.
Tuy khác thế hệ với ông Trần Phương Bình - vị Tổng giám đốc đương nhiệm của Ngân hàng Đông Á, nhưng Thông luôn có chung sự chia sẻ, và khát khao đưa ngân hàng theo hướng chuyên nghiệp và bài bản về mặt quản trị. Có thể đó cũng là một trong những lý do quan trọng giúp anh chiếm được sự tín nhiệm từ vị CEO đương nhiệm.
Theo Thông, giữa hai thế hệ quản trị hiện tại ở Đông Á có chung những khát khao lớn và tính trách nhiệm rất cao, nhưng do xuất phát điểm và tư duy khác nhau nên có những điểm khác biệt. Lực lượng tiền bối là những người có thâm niên kinh nghiệm với mối quan hệ rộng. Còn doanh nhân trẻ là người được đào tạo bài bản, có khả năng tạo ra những sản phẩm dịch vụ táo bạo, độc đáo; kiến thức được trui rèn vững chắc. "Nếu có sự kết hợp cả hai thì sẽ tạo nên sức mạnh tổng lực cho một tổ chức", anh khẳng định.
Anh bộc bạch, tham gia vào lĩnh vực tài chính chưa lâu nhưng nó đã tạo cho anh rất nhiều lực hút. Bởi lẽ, đây là một lĩnh vực có sự kết hợp rất chặt chẽ giữa logic của khoa học với tính hành vi của con người. "Để thành công trong một môi trường cạnh tranh gay gắt này, quan trọng nhất là yếu tố cân bằng. Cân bằng giữa lý tính và cảm tính, giữa công việc và cuộc sống; giữa lợi ích cổ đông, nhân viên và khách hàng, dài hạn và ngắn hạn", Thông chia sẻ.
Bên cạnh yếu tố tự cân bằng, thành công của anh ngày hôm nay còn bắt nguồn từ người bố. Ông hầu như chưa bao giờ áp đặt cho anh điều gì mà chỉ đem lại cho con trai những lời khuyên và cơ hội tiếp xúc với nhiều người khác nhau trong giới kinh doanh. “Trong những cuộc họp, bên cạnh bố xuất hiện một cậu nhóc kè kè không còn là chuyện lạ với nhiều người. Nhờ vậy, kinh nghiệm thương trường của tôi được hình thành ngay từ nhỏ”, Thông tâm sự.
Ngoài ra, với anh, khát khao bao giờ cũng là điểm làm nên sự khác biệt giữa những người trẻ. "Ai có ước mơ lớn, dám chấp nhận thử thách, chấp nhận thất bại, dám đi trên những con đường xa và đầy chông gai... thì thành công sẽ đến. Còn những bạn trẻ có khát khao nhỏ, tư duy tìm công việc nhẹ nhàng... thì trước sau gì cũng có ngày 'giấc mơ con đè nát cuộc đời con'", anh chia sẻ.
Lệ Chi
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét