Thân Trọng Phúc, Tổng Giám đốc Intel Việt Nam, nói rằng ông đã hoàn thành “phiên bản 1.0” của mình ở Intel và bây giờ là lúc để ông xây dựng “phiên bản 2.0” với một công việc mới, đam mê mới: giám đốc điều hành một quỹ đầu tư thuộc VinaCapital.
Những thông tin được phát đi từ văn phòng Intel Việt Nam từ đầu tháng 10.2009 cho đến nay về việc ông Phúc nghỉ việc đều cho biết, đó là “quyết định mang tính cá nhân”. Tuy nhiên, sự ra đi của người có công lớn trong việc đưa Intel đến Việt Nam 10 năm trước và mang nhà máy trị giá 1 tỉ USD của Intel vào Việt Nam, cũng tạo nên nhiều ý kiến trái chiều, tích cực lẫn tiêu cực.
Đến ngày 16.12, trong cuộc họp báo cập nhật về hoạt động đầu tư của Quỹ DFJ VinaCapital (DFJV), quỹ này đã công bố ông Phúc sẽ là Giám đốc Điều hành của Quỹ. DFJV là 1 trong 4 quỹ do Công ty Quản lý Quỹ đầu tư VinaCapital quản lý, gồm quỹ cổ phần VOF, quỹ bất động sản VNL, quỹ cơ sở hạ tầng VIL và quỹ công nghệ DFJV.
Ông Don Lam, Tổng Giám đốc VinaCapital, tỏ ra vui mừng khi nói về vai trò mới của ông Phúc. Trong khi đó, vị trí Tổng Giám đốc Intel Việt Nam vẫn chưa có người thay thế và sẽ do bà Debjani Ghosh, Giám đốc Intel Khu vực Đông Nam Á, tạm thời đảm nhiệm.
Sau 2 năm kể từ ngày gặp ông để thực hiện Chuyên đề “Hành trình của Lucky Luke Việt Nam” của NCĐT số 64 ra ngày 7-13.01.2008, trong cuộc trò chuyện vào những ngày cuối năm, chúng tôi đã thấy ông cười nhiều hơn. Dường như ông đã mãn nguyện sau khi hoàn thành sứ mệnh tại Intel. Tuy nhiên, đâu đó vẫn thấy nỗi trăn trở về chặng đường sự nghiệp mới đầy thách thức đối với nhà điều hành đã ở độ tuổi 50 này.
Chào ông! Trước kia, Thân Trọng Phúc là Tổng Giám đốc Intel Việt Nam, nhưng bây giờ là Giám đốc Điều hành của 1 trong 4 quỹ thuộc Công ty Quản lý Quỹ VinaCapital. Nhiều người đang nói về sự thay đổi chức danh không tương xứng này?
Tôi hỏi bạn nhé, cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton hiện làm gì? Công tác từ thiện. Đương kim Tổng thống Mỹ Barack Obama có làm từ thiện không? Có. Như vậy, các ông ấy đều làm từ thiện, nhưng vẫn được mọi người gọi là “Mr. President” (Ngài Tổng thống). Clinton và Obama, cả hai đều không chỉ viết một trang sử cho cuộc đời mình. Tôi cũng thế! Đừng nghĩ về chức danh. Hãy nghĩ rằng tôi phải viết trang sử mới cho mình. Tôi đã gắn bó với Intel Việt Nam 10 năm, nhiều người nhớ về điều đó và tôi cũng không quên cái tên của mình gắn với Intel. Cứ xem “Thân Trọng Phúc và Intel” đã là “phiên bản 1.0”, còn “Thân Trọng Phúc và VinaCapital” là “phiên bản 2.0”. Nếu tôi làm tốt “phiên bản 2.0” thì năm mười năm nữa nhiều người cũng sẽ nhớ đến tôi!
Vì sao ông quyết định rời Intel?
Tôi đã muốn tham gia lĩnh vực đầu tư từ sau khi Intel công bố dự án nhà máy (tháng 2.2006), cũng như khi Intel Capital (một quỹ đầu tư mạo hiểm của Intel chuyên đầu tư vào các công ty công nghệ cao) đầu tư vào Công ty FPT (tháng 10.2006). Tôi nghĩ trước sau gì sự nghiệp của mình cũng sẽ theo con đường này. Tuy nhiên, thời điểm đó chưa thích hợp để tôi rời Intel. Thứ nhất, lúc đó nhà máy Intel chỉ mới được công bố và tôi phải hoàn thành sứ mệnh của mình là trông coi cho đến khi nhà máy được xây dựng hoàn chỉnh và đi vào sản xuất. Thứ hai, lĩnh vực công nghệ cao tại Việt Nam chỉ mới trong giai đoạn khởi đầu.
Có tin đồn ông rời Intel vì lý do tiêu cực. Bên cạnh đó, nhà máy Intel dường như khó phát triển vì thiếu nhân lực công nghệ cao?
Nếu tôi rời Intel vì lý do tiêu cực thì Intel sẽ có người thế ngay, nhưng hiện tại họ vẫn chưa có người thay thế. Còn nhà máy của Intel (ở quận 9, TP.HCM) thì đã xây gần xong, có thể hoàn tất vào cuối năm nay và nhân sự cũng đã vào làm việc. Dự kiến tháng 5.2010 nhà máy này sẽ sản xuất sản phẩm đầu tiên, sớm hơn 2 tháng so với dự kiến.
Vậy tại sao ông không chờ đến khi nhà máy đi vào sản xuất rồi mới về VinaCapital?Vì vị trí Giám đốc Điều hành của DFJV (trong VinaCapital) chưa có người nên tôi quyết định về đây ngay. Dù nhà máy có xây xong hay chưa thì tôi cũng đã hoàn thành sứ mệnh ở Intel.
Chẳng lẽ ở Intel không còn đất để ông dụng võ?
Mục tiêu cao nhất của Intel chỉ có một, đó là tiếp tục phát triển thị trường. Nói cho dễ hiểu, trọng tâm của Intel trong các năm tới vẫn là làm sao để bán thêm được nhiều chip. Nhưng, thị phần chip của Intel tại Việt Nam hiện đã đạt hơn 90% (thị phần trên toàn cầu cũng đã khoảng 80%). Nếu tôi ngồi lại Intel thì có thể giúp họ tăng thêm bao nhiêu phần trăm thị phần nữa đây?
Nhiều người vẫn còn mơ hồ về vai trò thực sự của ông ở Intel?
Intel có 2 bộ phận hoạt động tại Việt Nam là Intel Product Việt Nam (nhà máy sản xuất) và Intel Việt Nam (phụ trách mảng kinh doanh và tiếp thị). Vị trí Tổng Giám đốc Intel ở nhiều quốc gia thường đưa về nhóm kinh doanh và tiếp thị. Ở Việt Nam tôi đảm nhận vị trí này. Bộ phận Intel Product Việt Nam thì phải báo cáo trực tiếp với các nhà máy bên Mỹ. Tuy nhiên, nếu có vấn đề gì trở ngại (như công việc bị đình trệ, các vấn đề liên quan đến chính phủ) tôi vẫn phải giúp họ xử lý. Như vậy, tôi phải chịu trách nhiệm tối hậu với toàn bộ hoạt động của Intel tại Việt Nam.
Ông nghĩ mình đã làm được những gì ở Intel?
Theo đánh giá của Công ty Tư vấn và Nghiên cứu Thị trường IDC (Mỹ), Intel Việt Nam tăng trưởng cao nhất trong khu vực Đông Nam Á. Tốc độ tăng trưởng của quý II/2009 là 23% so với cùng kỳ năm 2008. Intel Việt Nam cũng được đánh giá là một trong số ít các công ty của Intel trên toàn cầu hoạt động hiệu quả và sáng tạo trong lĩnh vực bán hàng. Đơn cử như việc bán máy tính thông qua các công ty viễn thông. Đây là kênh bán hàng mới của Intel được áp dụng thành công tại Việt Nam (hợp tác giữa Intel và VNPT). Trước kia, khách hàng cần sử dụng dịch vụ băng thông rộng phải làm 2 việc: mua máy tính, rồi đăng ký dịch vụ. Còn bây giờ, hợp tác với Intel, VNPT thực hiện cùng lúc 2 chức năng: bán máy tính và đăng ký dịch vụ. Các “sếp” ở Intel rất hài lòng về kênh bán hàng này.
Với những gì ông đã làm được, người kế vị ở Intel Việt Nam sẽ phải nỗ lực nhiều để vượt qua “cái bóng” của ông?
Đối với người thay vị trí của tôi, nếu chỉ đơn thuần để bán chip và giữ thị phần thì thực sự không khó lắm; chỉ e là người này sẽ bị so sánh với người đi trước. Nếu người đi trước đã gắn với sự kiện nhà máy 1 tỉ USD thì người đi sau muốn đột phá phải mang vào Việt Nam nhà máy 4-5 tỉ USD. Điều này quả không dễ!
Mọi người đều biết ông đóng vai trò là cầu nối giữa Intel với Chính phủ Việt Nam. Khi ông không còn ở Intel, việc này sẽ được giải quyết như thế nào?
Câu này hơi khó trả lời. Đúng là khi ở Intel tôi đóng vai trò quan hệ với Chính phủ, như là đại diện cho hình ảnh Intel vậy. Bộ phận quan hệ Chính phủ của Intel cũng đã được xây dựng rất tốt, nhưng giờ đây có thể họ thiếu một người đại diện để cân nhắc những vấn đề lớn. Tuy nhiên, tôi hy vọng Intel sẽ mau chóng tìm được người thay thế tôi trong công việc này.
Vậy ông nghĩ Intel sẽ tìm một người Việt hay một người nước ngoài để thay thế ông?
(chần chừ) Có lẽ họ muốn thuê người Việt Nam. Tôi cũng đã tiến cử vài người cho Intel nhưng họ chưa hài lòng.
Ông hình dung thế nào về thời kỳ phát triển của Intel sau khi nhà máy đi vào hoạt động?
Mỗi năm, nhà máy sản xuất này có thể sản xuất mấy trăm triệu con chip, một phần bán tại Việt Nam nhưng phần lớn sẽ được xuất khẩu, vì thị trường Việt Nam không lớn. Cứ hình dung, đến cuối năm 2009, Intel cung cấp chip cho 2 triệu máy tính tại Việt Nam, trong khi nhà máy tại Việt Nam sản xuất đến hơn 500 triệu con chip.
Có người cho rằng nếu Intel đặt nhà máy ở một nước khác sẽ có nhiều thuận lợi hơn, đặc biệt là về nguồn nhân lực, ông nghĩ sao?
Làm sao có thể tốt hơn được? Intel đã tập trung 1 tỉ USD để xây dựng nhà máy tại Việt Nam là nhà máy lớn nhất trong hệ thống Intel, nghĩa là họ đã chơi một canh bạc và canh bạc này được suy tính rất kỹ. Tất cả các nhà máy Intel xây dựng ở những quốc gia khác đều bắt đầu từ con số 0, ở Việt Nam cũng vậy. Thực tế là đến nay nhà máy đã được xây gần xong và vấn đề nhân lực đang được đảm bảo.
Ông có nhận định gì về môi trường làm việc của Intel?Đó là nơi đào tạo tốt, đãi ngộ tốt, cơ chế quản lý tốt, tạo được thương hiệu cho từng cá nhân. Những người từng làm việc và rời Intel cũng tiếp tục phát triển sự nghiệp của họ rất tốt.
Vậy, về VinaCapital, ông có sự so sánh về chế độ đãi ngộ với Intel trước kia, vì được biết chế độ đãi ngộ của Intel đối với ông khá tốt?
Hai công việc khác nhau hoàn toàn. Khi quyết định thay đổi công việc, ai cũng phải cân nhắc một vài lý do. Đối với tôi, điều đầu tiên là công việc mới phải hấp dẫn. Tôi đã làm với Intel vì sự đam mê, rồi sau đó tôi tìm thấy một đam mê khác. Nó được châm ngòi khi tôi chứng kiến Intel Capital đầu tư vào FPT. Đây là tiền đề để tôi về VinaCapital.
Sau đó là ưu đãi về tài chính. Tôi không thể tiết lộ nhiều hơn nhưng bạn có thể thấy, tôi ngồi ở Intel suốt đời vẫn sống tốt. Tuy nhiên, nếu muốn phát triển sự nghiệp hơn nữa ở Intel thì chỉ có cách là quay lại Mỹ hoặc sang các nước khác, trong khi tôi lại muốn ở Việt Nam. Mặt khác, còn phải nhìn vào lãnh đạo nơi mình đầu quân vào. Lãnh đạo của VinaCapital làm tôi thực sự ấn tượng. Vì thế, chỉ vài tháng sau khi gặp họ tôi đã quyết định về đây.
Nghĩa là, nhiều công ty đã mời ông về làm việc và ông chọn VinaCapital?
Đúng thế!
Ông nghĩ sao về việc chuyển việc của chính mình?
Tại Mỹ hay các quốc gia tiên tiến trên thế giới, chuyện các nhà quản lý rời khỏi các tập đoàn lớn về đầu quân cho công ty quản lý quỹ đầu tư hay các công ty tư vấn là chuyện bình thường, không có gì đáng ngạc nhiên. Có thể nói hướng đi này là sự lựa chọn của nhiều người đã đảm nhiệm vị trí tương tự như tôi. Ví dụ, trong buổi họp của các nhà quản lý quỹ đầu tư tại Mỹ vào tháng 11 vừa qua, tôi đã gặp ít nhất 2 người là Phó Tổng Giám đốc cũ của Intel đã về làm cho các quỹ đầu tư hay quản lý quỹ đầu tư của mình.
Tại sao ông không nghĩ đến việc thành lập một quỹ đầu tư cho riêng mình?
Vậy tại sao tôi không thể trau dồi kinh nghiệm và phát triển với quỹ sẵn có? Thời gian huy động vốn cho quỹ đầu tư trong bối cảnh kinh tế hiện tại là 1-2 năm. Nếu tốn thêm 1-2 năm nữa thì tôi sẽ mất rất nhiều cơ hội.
Và cũng không nghĩ đến Intel Capital, để có thể vừa dung hòa nơi ông đã gắn bó, vừa có thể theo đuổi đam mê mới?
Vì ở đó đã có người rồi.
Chuyển sang lĩnh vực đầu tư nghĩa là ông đã chấm dứt hoàn toàn với công nghệ thông tin?
Tôi vẫn hoạt động trong ngành công nghệ thông tin nhưng với tầm nhìn rộng hơn, không còn bó buộc trong khuôn khổ Intel. Tham gia vào ngành đầu tư nên tiêu chí đầu tiên của tôi là làm thế nào để mang lại lợi nhuận tốt nhất cho nhà đầu tư, bằng cách hỗ trợ các công ty mà DFJV đầu tư vào. Như vậy, công việc hiện tại của tôi, cũng như khi ở Intel, là góp phần gầy dựng một ngành công nghiệp công nghệ thông tin bền vững.
Hiện có bao nhiêu công ty được DFJV đầu tư?
Quỹ DFJ do một nhóm nhà đầu tư mạo hiểm của Mỹ thành lập, hoạt động ở hơn 40 quốc gia, tổng giá trị khoảng 6 tỉ USD và đầu tư vào khoảng 600 công ty. Một số công ty mà DFJ đầu tư thành công là Skype, Baidu… Tại Việt Nam, Quỹ DFJV (liên doanh giữa VinaCapital và DFJ) đã đầu tư vào 7 công ty là Gapit (dịch vụ trên điện thoại di động), VON (cổng thông tin trực tuyến với 3 website TimNhanh.com.vn, YuMe.vn và KiếmViệc.com), Chicilon Media (quảng cáo ngoài trời), Directwithhotels (dịch vụ đặt phòng trực tuyến cho các khách sạn vừa và nhỏ), mobizCOM (dịch vụ trên điện thoại di động), GoPhatdat.com (cổng thông tin thương mại điện tử dành cho doanh nghiệp xuất khẩu) và Yeah1! TV (kênh truyền hình dành cho tuổi thanh thiếu niên).
Là người mới, ông đánh giá thế nào về hiệu quả của 7 khoản đầu tư này?
Còn quá sớm để đánh giá, vì định hướng của Quỹ DFJV là 10 năm. Chiến lược của DFJV là đầu tư mạnh vào một số công ty tốt, hơn là đầu tư rải rác vào nhiều công ty. Tôi không có ý đánh giá về sự đúng, sai của mỗi chiến lược đầu tư, nhưng tôi hy vọng mình có thể gây ảnh hưởng đến các công ty này để họ phát triển tốt hơn. Nhưng, với đầu tư mạo hiểm thì trong 10 khoản đầu tư có 1 khoản thành công cũng đã là khá lắm rồi!
Ông nhận xét gì về triển vọng của ngành đầu tư mạo hiểm vào các công ty công nghệ tại Việt Nam?
Có thể lấy ví dụ của Quỹ DFJV để phân tích. Quỹ này đang tập trung vào 3 lĩnh vực rất thời thượng là internet (đầu tư vào các công ty trên mạng), các công ty cung cấp các dịch vụ trên điện thoại di động và các công ty truyền thông. Đối với các công ty trên mạng, trên thế giới đã có rất nhiều trường hợp thành công với những mô hình khác biệt như Google lấy thế mạnh là tìm kiếm, Yahoo! là tin tức, Amazon là mua bán, eBay là đấu giá, Facebook là mạng xã hội. Những công ty này đã làm thay đổi bộ mặt xã hội. Theo tôi, những mô hình thành công này rồi cũng sẽ được áp dụng tốt tại những quốc gia ngoài Mỹ, trong đó có Việt Nam. Thị trường di động tại Việt Nam thì đang phát triển nhanh và nhờ có sự xuất hiện của 3G nên các công ty cung cấp các dịch vụ trên điện thoại di động càng có nhiều đất để phát triển. Còn truyền thông, vốn trước kia thuộc sở hữu Nhà nước, giờ cũng dần được tư nhân hóa.
Hãy cho biết tiêu chí của cá nhân ông khi chọn một công công nghệ để đầu tư?Tôi sẽ nhắm vào một công ty có ý tưởng đơn giản thực sự. Ví dụ, nói về Yahoo! là tin tức, Google là tìm kiếm. Chỉ vậy thôi! Trong lĩnh vực công nghệ thông tin, một công ty có quá nhiều ý tưởng thì phần lớn là không khả thi.
Điều gì là quan trọng nhất để một công ty công nghệ phát triển hiệu quả?
Có 3 thứ mà các công ty công nghệ tại Việt Nam phải nghĩ đến. Một là đội ngũ lãnh đạo có tầm nhìn và chiến lược. Hai là sự am hiểu về tài chính, biết cách sử dụng tiền sao cho hiệu quả. Ba là kỹ năng tiếp thị trong môi trường có quá nhiều công ty nhỏ hoạt động trong cùng một lĩnh vực.
Vậy với thương hiệu Thân Trọng Phúc, ông nghĩ mình sẽ làm gì cho các doanh nghiệp được DFJV đầu tư vào?
Tôi hy vọng có thể hỗ trợ các công ty này thông qua các mối quan hệ đối tác của tôi ở trong và ngoài nước, những hiểu biết về thị trường và quan hệ chính phủ. Trước mắt là vậy, còn thành công hay không thì còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác nữa.
Đầu quân về VinaCapital có nghĩa ít nhiều ông là đối thủ của Intel Capital?
Tôi đã tính đến chuyện hợp tác với Intel Capital và cả quỹ đầu tư mạo hiểm IDG Ventures nữa. Chẳng hạn, chúng tôi có thể đầu tư chung vào một vài công ty để chia sẻ rủi ro, làm cho thị trường đầu tư mạo hiểm vững chắc và hiệu quả hơn. Trước mắt, DFJV sẽ hợp tác với IDG Ventures, vì cả 2 đều mong muốn như vậy. Tôi sẽ cố gắng đẩy nhanh việc hợp tác này.
Ông cũng biết quỹ đầu tư là ngành nhiều thăng trầm, khắc nghiệt. Với độ tuổi ngoài 50, ông có nghĩ mình bước vào ngành này hơi trễ?
Đúng là trễ, đặc biệt so với ông Don Lam, Tổng Giám đốc của VinaCapital! (cười) Nhưng tôi tin đam mê và kinh nghiệm bao năm qua sẽ giúp mình thành công.
Những điều thú vị nhất trong công việc hằng ngày ở VinaCapital sắp tới mà ông hình dung đến?
Như bạn đã biết, Intel cũng đóng vai trò cầu nối và giúp các đối tác của họ, nhưng đối tác của Intel chủ yếu tập trung vào lĩnh vực sản xuất phần cứng, phần mềm và phân phối. Còn bây giờ, tầm hoạt động của tôi tại VinaCapital sẽ rộng hơn, tôi không chỉ có cơ hội làm việc với các nhà phân phối mà còn với nhiều công ty khác nữa như tích hợp giải pháp, sản xuất các thiết bị công nghệ cao, thông tin truyền thông, viễn thông, công nghệ xanh… Và thử thách thú vị nhất là làm sao để giúp các công ty mình đầu tư vào phát triển tốt nhất, cũng như dẫn dắt các công ty chưa được đầu tư đủ tiêu chuẩn để được nhận đầu tư sau này.
Gia đình ông phản ứng như thế nào trước quyết định chuyển việc của ông?
Gia đình tôi ủng hộ và xem đây là sự chuyển hướng đúng đắn, phù hợp với kinh nghiệm và khả năng của tôi. Hơn nữa, công việc mới có khả năng mang lại tổng thu nhập cao hơn.
Trước mắt, công việc mới sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống cá nhân và gia đình ông như thế nào?
Tôi sẽ có nhiều thời gian hơn dành cho gia đình, nhất là cho đứa con gái của tôi sắp được 2 tuổi.
Vậy, “phiên bản 2.0” của Thân Trọng Phúc ở VinaCapital có phải là phiên bản cuối cùng?
Tôi chưa thể nói trước được, nhưng trước mắt tôi sẽ cố gắng để viết trang sử thứ hai trong sự nghiệp và cuộc đời của mình một cách tốt nhất.NHỊP CẦU ĐẦU TƯ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét