Thứ Bảy, 25 tháng 12, 2010

CEO tương lai DongABank: Người mê thử thách lớn

Mới bước qua tuổi 31, Lê Trí Thông đã được nhắm vào vị trí Tổng giám đốc của Ngân hàng cổ phần Đông Á (DongABank) trong thời gian tới, thay cho vị CEO nổi tiếng Trần Phương Bình.

"Khi nhận thông tin này, tôi thực sự rất vui. Vì đó là sự ghi nhận lớn dành cho những đóng góp của cá nhân đối với ngân hàng", anh bộc bạch.

Tuy nhiên, Thông cho biết anh không ảo tưởng hay quá vui mừng. "Vị trí CEO đòi hỏi nhiều phẩm chất và sẽ dành cho người phù hợp nhất ở thời điểm đó nên cơ hội dành cho tất cả mọi người xứng đáng. Mục tiêu lớn nhất của tôi là trở thành một nhà quản trị xuất sắc và góp sức cho sự lớn mạnh của tổ chức - dù khi đó đang nắm giữ vị trí nào", anh nhấn mạnh.

Năm 2004, khi 25 tuổi, anh là một sinh viên trẻ tuổi nhất được trường kinh doanh SAID - Đại học Oxford nhận vào học chương trình MBA. Chính sự “đặc cách” này mà anh nhiều phen lao đao khi phải "so tài" với những “tiền bối” đồng khóa.

Trở thành nhà quản trị hoàn hảo là khát khao lớn nhất của anh. Ảnh: NVCC

Anh cho biết, những người cùng lớp ai nấy đều là thạc sĩ, tiến sĩ, giảng viên đại học… và phần lớn đều đến từ các nước phát triển. Trong khí đó, anh chỉ là một sinh viên ‘baby”, kiến thức cũng như kinh nghiệm đều kém hơn, ngoại ngữ thì hạn chế…

Chưa hết, phương pháp học cũng rất khác với các bạn ở đây. Do đó, mỗi lần làm việc nhóm, Thông gặp không ít khó khăn. Áp lực vì thế ngày càng đè nặng. “Có lúc, tôi cảm thấy rất tự ti và tự dằn vặt mình tại sao phải 'chui' vào cái chốn khổ ải này. Nhưng rồi, chính sự tự ti ấy lại dấy lên trong tôi một quyết tâm phải học bằng mọi giá và không được chùn bước”, anh cho biết.

Trong học kì đầu tiên, để theo kịp chương trình, Thông dành toàn bộ thời gian thư giãn cho việc học. Nhiều đêm anh chỉ ngủ 3-4 tiếng đồng hồ để thức đọc sách, nghiên cứu tài liệu... Chưa đầy 4 tháng, anh sụt hơn 4kg.

Sau kỳ học đầu tiên, cậu sinh viên "baby" đã bắt kịp với cách học tại đây và có thời gian để giao lưu, tham dự hội thảo... Anh không những bắt kịp chương trình so với các bạn cùng khoá mà còn đoạt luôn học bổng toàn phần duy nhất của chương trình MBA – học bổng Naomi Molson Scholar dành cho sinh viên xuất sắc và có tiềm năng phát triển sự nghiệp. Năm sau đó, anh nhận được giải thưởng tốt nghiệp xuất sắc tại Đại học Oxford.

Sau khi hoàn thành chương trình đào tạo MBA, anh có thời gian ngắn làm việc tại tập đoàn Exxon Mobil (Anh) trước khi về Việt Nam. Năm 2007, khi đang là Tổng giám đốc Công ty cổ phần TIE - một trong những nhà phân phối lớn nhất Việt Nam về điện tử, công nghệ thông tin và viễn thông, anh đã nhen nhóm tình yêu đối với ngành tài chính.

Thời gian đó, anh “bén duyên” cùng Ngân hàng Đông Á bằng việc đóng góp những ý tưởng triển khai các dịch vụ ứng dụng công nghệ thông tin tại nhà băng này. Đến năm 2008, Thông chính thức đầu quân cho DongAbank và kiêm nhiệm nhiều vị trí cấp cao như: Phó tổng giám đốc ngân hàng, Chủ tịch Công ty Kiều hối Đông Á, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thẻ Thông Minh Vi Na...

Khi tiếp nhận vai trò Chủ tịch Công ty Kiều hối Đông Á, anh bắt tay ngay vào việc sắp xếp và tái cấu trúc lại hệ thống quản lý. Bên cạnh đó, anh xuống tận nơi để hướng dẫn nhân viên cách làm việc mới. Thay vì ngồi ở văn phòng như trước đây, Thông khuyến khích mọi người tự đi ra thị trường dò xét tình hình, theo dõi động thái của công ty bạn. Chính anh cũng thường xuyên ra ngoài thăm dò tình hình để có thể đưa ra những chính sách làm việc sát với biến động của thị trường.

Sau hơn 2,5 năm, anh cùng đồng nghiệp xây dựng được một văn hóa làm việc mới trong công ty, ứng dụng thành công công nghệ thông tin, đưa ra các sản phẩm mới mang lại nhiều tiện ích cho khách hàng... góp phần đưa tổng doanh thu kiều hối năm 2010 ước đạt hơn 1,2 tỷ USD. Công ty cũng tăng trưởng hơn 2,5 lần về lợi nhuận và là tổ chức duy nhất tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương nhận được giải thưởng của Hiệp hội các mạng lưới chuyển tiền quốc tế (IAMTN), sánh vai cùng 6 tổ chức chuyển tiền hàng đầu thế giới.

Với “đứa con” mới của DongAbank - Công ty cổ phần Thẻ thông minh Vi Na, anh gần như phải bắt tay vào xây dựng từ đầu. Ngoài việc thiết lập được một bộ máy vận hành tốt, sản phẩm nổi bật mà công ty chế tạo và thương mại hóa thành công là máy ATM nhả vàng đầu tiên tại Việt Nam. Để có thể giới thiệu chiếc máy ATM nhả vàng "Made in Vietnam" ra thị trường, anh và và các cộng sự đã mất 2 năm và nhiều đêm mất ngủ.

Bên cạnh đó, công ty còn thực hiện thành công việc kết nối liên mạng ATM & POS toàn quốc cùng với Smartlink, Banknetvn, ra đời nền tảng thanh toán điện tử VNBC. Chưa hết, công ty còn nghiên cứu và phát triển thành công thiết bị tiết kiệm năng lượng cho máy ATM đầu tiên tại Việt Nam.

Thông cho biết, dù máu kinh doanh đã bắt đầu từ năm 10 tuổi, nhưng anh lại quyết định thi đại học chuyên ngành kỹ thuật. Anh là kỹ sư Công nghệ hóa học, thực phẩm hạng xuất sắc, đứng đầu danh sách tốt nghiệp của Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia TP HCM năm 2002.

Việc chọn chuyên ngành kỹ thuật do ảnh hưởng của bố vốn là một doanh nhân xuất thân từ dân kỹ thuật. Định hướng học hành này càng được củng cố khi anh đọc cuốn tự truyện “Đời kinh doanh” của Lee Iaccoca - vị Tổng giám đốc huyền thoại đã vực dậy hãng ôtô trên bờ vực phá sản (Chrysler). Ông này được anh coi như một thần tượng, cũng xuất thân từ dân kỹ thuật.

Phó Tổng giám đốc luôn tâm niệm "khát khao chính là điểm tạo nên thành công và sự khác biệt giữa nhiều người. Ảnh: NVCC

Anh nghiệm ra rằng, giữa kỹ thuật và kinh doanh có mối dây liên hệ rất chặt chẽ - vừa đối lập vừa tương hỗ. Những người vốn là dân kỹ thuật thường có tư duy khoa học, logic và sự điềm tĩnh. Trong những hoàn cảnh khó khăn nhất, họ vẫn có thể kiểm soát tốt tình huống. Còn một nhà kinh doanh thường đi kèm với sự linh hoạt và chấp nhận mạo hiểm trong công việc. "Điều quan trọng nhất là phải hài hòa giữa hai con người này", anh chia sẻ.

Tuy khác thế hệ với ông Trần Phương Bình - vị Tổng giám đốc đương nhiệm của Ngân hàng Đông Á, nhưng Thông luôn có chung sự chia sẻ, và khát khao đưa ngân hàng theo hướng chuyên nghiệp và bài bản về mặt quản trị. Có thể đó cũng là một trong những lý do quan trọng giúp anh chiếm được sự tín nhiệm từ vị CEO đương nhiệm.

Theo Thông, giữa hai thế hệ quản trị hiện tại ở Đông Á có chung những khát khao lớn và tính trách nhiệm rất cao, nhưng do xuất phát điểm và tư duy khác nhau nên có những điểm khác biệt. Lực lượng tiền bối là những người có thâm niên kinh nghiệm với mối quan hệ rộng. Còn doanh nhân trẻ là người được đào tạo bài bản, có khả năng tạo ra những sản phẩm dịch vụ táo bạo, độc đáo; kiến thức được trui rèn vững chắc. "Nếu có sự kết hợp cả hai thì sẽ tạo nên sức mạnh tổng lực cho một tổ chức", anh khẳng định.

Anh bộc bạch, tham gia vào lĩnh vực tài chính chưa lâu nhưng nó đã tạo cho anh rất nhiều lực hút. Bởi lẽ, đây là một lĩnh vực có sự kết hợp rất chặt chẽ giữa logic của khoa học với tính hành vi của con người. "Để thành công trong một môi trường cạnh tranh gay gắt này, quan trọng nhất là yếu tố cân bằng. Cân bằng giữa lý tính và cảm tính, giữa công việc và cuộc sống; giữa lợi ích cổ đông, nhân viên và khách hàng, dài hạn và ngắn hạn", Thông chia sẻ.

Bên cạnh yếu tố tự cân bằng, thành công của anh ngày hôm nay còn bắt nguồn từ người bố. Ông hầu như chưa bao giờ áp đặt cho anh điều gì mà chỉ đem lại cho con trai những lời khuyên và cơ hội tiếp xúc với nhiều người khác nhau trong giới kinh doanh. “Trong những cuộc họp, bên cạnh bố xuất hiện một cậu nhóc kè kè không còn là chuyện lạ với nhiều người. Nhờ vậy, kinh nghiệm thương trường của tôi được hình thành ngay từ nhỏ”, Thông tâm sự.

Ngoài ra, với anh, khát khao bao giờ cũng là điểm làm nên sự khác biệt giữa những người trẻ. "Ai có ước mơ lớn, dám chấp nhận thử thách, chấp nhận thất bại, dám đi trên những con đường xa và đầy chông gai... thì thành công sẽ đến. Còn những bạn trẻ có khát khao nhỏ, tư duy tìm công việc nhẹ nhàng... thì trước sau gì cũng có ngày 'giấc mơ con đè nát cuộc đời con'", anh chia sẻ.

Lệ Chi

Chủ Nhật, 28 tháng 11, 2010

Tỷ phú “2 đô” và huyền thoại Việt trên đất Mỹ

Một thanh niên người Việt đặt chân đến Mỹ với vỏn vẹn 2 USD trong túi và rồi 15 năm sau, anh đã bán công ty riêng của mình với giá 1,8 tỷ USD.

Thành công đầy ấn tượng của nhà doanh nghiệp trẻ người Việt tên là Trung Dũng đang thu hút giới truyền thông Mỹ. Anh đang trở thành một "huyền thoại" trong thế giới công nghệ cao.

Những bài viết về anh xuất hiện trên các báo và tạp chí nổi tiếng như Forbes, Fortune, Financial Times, Wall Street Journal, San Francisco Chronicle... và trong cuốn sách Giấc mơ Mỹ của biên tập viên đài CBS Dan Rather.

Liều thuốc uớc mơ!

Bước ngoặt lớn đầu tiên đến với anh 20 năm trước đây khi là một chàng trai 17 tuổi. Năm 1984, Trung Dũng rời Việt Nam sang Mỹ. Lúc bấy giờ, trong túi anh chỉ có vỏn vẹn 2 USD và vốn tiếng Anh rất ít ỏi.

Lúc đầu anh và người chị của mình xin được lưu trú ở Louisiana, sau đó chuyển sang Boston. Một năm sau, anh may mắn vượt qua được kỳ thi tương đương trung học và ghi tên học hai môn Toán và Tin học ở Trường Đại học Massachusetts ở Boston.

Trung Dũng tiếp tục vừa học vừa làm đủ thứ công việc, từ rửa chén bát trong nhà hàng đến kỹ thuật viên trong các phòng máy tính để nuôi sống bản thân và gia đình. Hàng tháng anh trích một phần ba khoản thu nhập từ 300 đến 400 USD để gửi về cho gia đình ở Việt Nam.
Cuối cùng anh đã lấy được hai bằng đại học về toán và tin học, đồng thời hoàn tất một phần lớn chương trình cao học.

Cũng trong thời gian đó, mẹ anh bị bệnh ung thư, anh phải tạm dừng việc học để đi làm cả ngày kiếm tiền lo cho mẹ. Cuối năm 1995, sau khi mẹ mất, anh từ bỏ công việc chạy thử phần mềm để theo đuổi kế hoạch: Phát triển một chương trình có thể giúp các công ty chỉ đạo, kiểm soát, quản lý công việc kinh doanh qua mạng.

Do không có đủ tiền mua máy tính xách tay, anh phải gắn chiếc máy tính cá nhân cồng kềnh và màn hình 17-inches lên chiếc xe hơi Honda Civic rồi "kéo lê" nó đi từ nơi này đến nơi khác để giới thiệu phần mềm của mình.

Do không có bề dày thành tích, anh chẳng thu hút được sự chú ý của các doanh nghiệp. Vốn đã ốm yếu, anh lại càng ốm hơn do bị sụt cân và trở nên xanh xao vì mất ngủ do bị giằng xé giữa sức ép phải nuôi sống gia đình và thực hiện ước mơ của mình.

May mắn thay, một người bạn giới thiệu anh với Mark Pine, nguyên là Ủy viên Ban Quản trị Sybase Inc đã về hưu nhưng vẫn muốn nhảy vào ngành công nghệ kỹ thuật cao. Đó là một cơ hội mà Dũng quyết định không để vuột mất.

Thành công

Được sự hỗ trợ của Mark Pine, OnDisplay trở thành một trong những công ty phần mềm thành công, thu hút những khách hàng như Travelocity.com. Ý tưởng của anh đã thuyết phục được các nhà đầu tư và huy động được 35 triệu USD từ các nhà đầu tư trước khi chuyển sang cổ phần hóa.
Với kiến thức về máy tính, Trung Dũng thành lập OnDisplay, chương trình giúp các doanh nghiệp lấy dữ liệu từ những vị trí khác trên mạng trong khi vẫn ở tại chỗ của mình.

Khi công ty chuyển sang cổ phần hóa (năm 1999), trị giá cổ phiếu của Trung Dũng trên giấy tờ là 85 triệu USD. Năm tháng sau, công ty và thương hiệu của nó được chuyển nhượng cho Vignette với cái giá 1,8 tỷ USD.

Ở khu trường sở Bishop Ranch tại San Ramon, trong tòa cao ốc cạnh trụ sở cũ của OnDisplay, Trung Dũng lại mở một công ty phần mềm mới, một công ty Fogbreak mà anh hy vọng sẽ "tỏa sáng" hơn công ty trước của mình.

Với Fogbreak, anh đặt mức yêu cầu cao hơn trước. Vừa là sáng lập viên, vừa đảm nhiệm chức vụ Giám đốc điều hành, anh muốn làm cho Fogbreak phát triển thành một công ty lớn và có lợi nhuận ngang ngửa với PeopleSoft nổi tiếng của Mỹ.

Khiêm tốn!

Hiện nay Fogbreak vẫn đang đối mặt với những thách thức của thị trường kỹ thuật cao, đang tăng cao trong những tháng gần đây, nhưng không đến nỗi nóng bỏng như thời OnDisplay.

Oracle Corp và PeopleSoft xích lại gần nhau trên thị trường phần mềm, trong khi đó các doanh nghiệp vẫn còn thận trọng khi mua những sản phẩm của một công ty mới phát triển mà họ lo rằng sẽ không còn tồn tại trong những năm tới. Nhưng Dũng không hề nhụt chí.

Trụ sở chính của Fogbreak, công ty mới của Trung Dũng chẳng có chút hào nhoáng để xứng tầm với một người vừa tạo lập một gia tài kếch xù. Từng cả gan thành lập công ty trong bối cảnh kinh tế suy sụp, Trung Dũng hiểu rằng không được hoang phí trong chi tiêu. Anh thà không có thư ký và một văn phòng xa hoa lộng lẫy để tập trung tất cả cho nhu cầu của khách hàng.

Những người từng gặp người tỷ phú này khi anh còn là một chàng trai tay trắng đều nhận xét rằng, anh là một người rất khiêm tốn. Anh thành công vì đã biết nắm bắt cơ hội một cách nghiêm túc.

Theo BWP

Chủ Nhật, 7 tháng 11, 2010

Nghe Trần Phương Bình nói về tương lai Ngân hàng Đông Á

Ai sẽ kế nhiệm nhà lãnh đạo có gần 20 năm gắn bó với Đông Á? Vì sao ngân hàng này chưa thể đạt mức tăng trưởng cao về mặt lợi nhuận? Chiến lược của Đông Á ra sao? Hãy nghe vị Tổng Giám đốc ngân hàng này chia sẻ.

Gần 20 năm ở vị trí lãnh đạo của Ngân hàng Đông Á, ông Trần Phương Bình là một trong số ít những nhà lãnh đạo thâm niên trong lĩnh vực kinh doanh khá nhạy cảm này. Hai quyển sách ông Bình ưa thích là Xây Dựng Để Trường Tồn và Từ Tốt Đến Vĩ Đại của tác giả Jim Collins. Những gì được đề cập đến trong 2 tác phẩm này cũng mang một phần ước vọng của ông đối với sự phát triển của Đông Á. Trải qua cuộc hành trình ngần ấy năm, đến lúc này, ông Bình, dù đã bước qua tuổi ngũ tuần, vẫn phải vừa hoạch định chiến lược, gánh vác công việc quản lý hằng ngày, vừa phải một tay tìm kiếm và đào tạo người kế nhiệm. Câu hỏi được đặt ra lúc này là ai có thể trở thành người kế nhiệm ông?

Ông Bình có 3 người con và vợ ông, bà Cao Thị Ngọc Dung, là Tổng Giám đốc Công ty Vàng Bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ), kiêm Chủ tịch Danh dự Ngân hàng Đông Á. Mối quan hệ thân thuộc này khiến nhiều người vẫn nghĩ rằng, có thể, người kế nhiệm sẽ là 1 trong số 3 người con của họ.

Tuy nhiên, ông Bình quan tâm hơn đến 1 trong 6 vị phó tổng giám đốc hiện nay của Ngân hàng Đông Á, như một cân nhắc cho sự kế nhiệm. Sau gần 20 năm phát triển, Đông Á từ một ngân hàng đơn lập đã sở hữu thêm 4 công ty thành viên gồm Công ty Kiều hối Đông Á, Công ty Chứng khoán Đông Á, Công ty Quản lý Quỹ Đầu tư Chứng khoán Đông Á và Công ty Thẻ Thông minh Vina (VNBC). Với sự phát triển quy mô như vậy, trước tình hình người được cân nhắc kế nhiệm vẫn còn trong giai đoạn tìm kiếm và đào tạo, ông Bình đang phải nỗ lực đưa Ngân hàng Đông Á phát triển vượt qua giai đoạn mà theo nhiều người đánh giá là “chậm tăng trưởng về mặt lợi nhuận”.

Với lối giao tiếp thẳng thắn, bộc trực và chậm rãi, ông Bình đã không ngại trả lời 3 vấn đề tưởng chừng như không dễ nói. Đó là: Ai sẽ là người có khả năng kế nhiệm ông? Tại sao Đông Á lại không thể đạt tăng trưởng mức lợi nhuận cao như mong đợi? Và đâu là những vấn đề khó khăn khi phát triển mô hình ngân hàng bán lẻ vốn đang trở thành trào lưu vào lúc này? Điều đặc biệt hơn, ông Bình đã chia sẻ quan điểm rất rõ ràng trong tuyển và dụng người tài.

Lộ diện người kế nhiệm

Nhiều người thắc mắc ông ở quá lâu với Đông Á. Liệu rằng, ông có chuẩn bị nguồn lực để thay thế?

Thực ra, trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, luôn luôn phải có sự kết hợp giữa lực lượng người cao tuổi, thâm niên kinh nghiệm với mối quan hệ rộng và lực lượng trẻ được đào tạo bài bản, có khả năng tạo ra những sản phẩm dịch vụ mang tính táo bạo, độc đáo. Nếu ngân hàng nào làm được như vậy thì sẽ đạt được hiệu quả phát triển nhanh hơn những đơn vị khác.

Vợ ông, bà Cao Thị Ngọc Dung là Chủ tịch Danh dự và ông là Tổng Giám đốc của Đông Á. Vậy xin hỏi, người kế vị ông liệu rằng có phải là một trong những người con của ông?

Tôi không giấu việc mình đang nỗ lực quy hoạch đào tạo anh Lê Trí Thông, 1 trong 6 phó tổng Giám đốc, một người có tuổi đời còn rất trẻ, nắm giữ vị trí tổng giám đốc trong vài ba năm tới. Nhưng quan điểm của tôi là không trao ngay vị trí lãnh đạo cao nhất cho một người khi chưa thực hiểu rõ sự vận hành của doanh nghiệp cũng như khả năng hòa nhập của họ với đa số nhân sự thuộc tổ chức. Nếu tôi giao ngay cho Thông phụ trách khối tín dụng doanh nghiệp (một mảng chủ lực quan trọng của Ngân hàng) ngay thì có khi người này sẽ không thành công. Đó là lý do đến lúc này, anh Thông đã được yêu cầu phải kinh qua nhiều vị trí quản lý khác nhau, trong các công ty con khác nhau của Đông Á để lấy kinh nghiệm. Chẳng hạn như làm việc ở Công ty Kiều hối Đông Á để có kinh nghiệm về kiều hối, nắm Công ty VNBC để được tiếp cận hệ thống công nghệ thông tin vốn rất quan trọng trong ngành ngân hàng, giữ vị trí quản lý marketing và sau này sẽ được tiếp tục đào tạo trong mảng tài chính doanh nghiệp. Mỗi tháng, tôi thường ngồi với Thông để chia sẻ kinh nghiệm của mình. Nhưng vài năm nữa thôi, với năng lực được đào tạo bài bản như anh Thông, có lẽ tôi sẽ phải học anh lại.

Có vẻ như ông đang rất kỳ vọng vào người kế nhiệm ông vừa chia sẻ. Vậy nếu anh Lê Trí Thông, trong 5-7 năm tới hoặc sớm hơn, không đáp ứng được kỳ vọng của ông, ông sẽ nghĩ gì và làm gì?

Dĩ nhiên là tôi vẫn có phương án dự phòng chứ! Nhưng nếu thực sự anh Thông không gắn bó như kỳ vọng, nghĩa là phương án 1 không thành công thì trước hết, chính tôi là người thất bại. Còn các phương án dự phòng khác là gì thì tôi không thể chia sẻ cho bạn được.

Nhân lực giỏi quyết định sự sống còn của các ngân hàng và hiện nay, cuộc chạy đua giành người tài đang rất khốc liệt. Vậy, quan điểm của ông về việc săn người tài và giữ họ lâu dài như thế nào?

Săn người tài trong mọi tình huống có thể, đơn cử như trường hợp anh Dương Ngọc Thái là Trưởng phòng An ninh, thuộc hệ thống công nghệ thông tin của Trung tâm Điện toán Ngân hàng Đông Á. Khi tôi tiếp nhận anh Thái vào làm việc, anh ta vẫn chưa tốt nghiệp đại học. Đơn giản, vì anh ấy có tài. Còn giữ người tài và trẻ như thế nào? Là một lãnh đạo, điều quan trọng là phải cảm thông, đặc biệt là tạo cho họ có điều kiện thực hiện những ước mơ, hoài bão. Ví dụ, với máy bán vàng Gold ATM (máy bán vàng thứ 2 thế giới sau máy ở Dubai, được thiết kế thành công bởi 100% chất xám của Ngân hàng Đông Á), nếu tôi không nghĩ tới ý tưởng này thì anh em trẻ cũng sẽ không nghĩ. Hoặc nếu anh em trẻ có phát kiến mà luôn tự ti rằng mình không đủ sức thì chung cuộc vẫn là phải thuê chuyên gia nước ngoài. Nhưng tôi đã xác định với họ, những người trẻ giỏi và tâm huyết, rằng hãy làm hết sức, chừng nào thực sự mọi người đã giơ tay đầu hàng thì mới tìm phương pháp khác. Và như thế, đội ngũ kỹ sư của Đông Á, VNBC nếu có thất bại trong dự án Gold ATM thì họ cũng đã suy nghĩ tích cực, những nhà lãnh đạo đã tiên liệu trước và hoàn toàn cảm thông với họ. Từ đây, những tài năng sẽ càng mạnh dạn để thể hiện tâm huyết sáng tạo của mình.

Cũng với một câu hỏi tương tự như anh Lê Trí Thông, nếu anh Dương Ngọc Thái, hiện cũng rất nổi tiếng, không đáp ứng được kỳ vọng của ông hoặc anh ta sẽ ra đi tìm vùng đất mới sau một thời gian cống hiến cho Đông Á?

Trong thị trường lao động nói chung, người tất đến, sẽ có lúc tất đi. Đâu đợi đến lâu hơn, hiện nay, anh Thái đã có kế hoạch đi Mỹ làm việc và tôi rất khuyến khích điều này. Hãy nghĩ xem, làm sao tôi có thể “nhốt” những người giỏi vào trong “cái ao” của mình được. Vấn đề là dù đi đâu, trong tâm trí của Thái vẫn nghĩ về Đông Á. Anh ta có thể làm việc cho những nơi khác, không thể dành trọn thời gian cho chúng tôi nhưng anh ấy vẫn cộng tác với Đông Á trong vai trò là nhà tư vấn, chẳng hạn, thì vẫn rất tốt.

Một số ngân hàng quan tâm đến việc săn nhân tài từ các định chế tài chính nước ngoài. Theo ông, nguồn nhân lực này có ưu và nhược điểm gì khi trở về làm việc cho ngân hàng nội địa?

Dĩ nhiên, những người trẻ có cơ hội từng làm việc trong các ngân hàng ngoại hay các định chế tài chính nước ngoài thì kiến thức sẽ được trui rèn vững chắc và bài bản. Nhưng việc sử dụng họ không dễ chút nào. Trước hết, vì định chế tài chính nước ngoài đã có một hệ thống được xác lập sẵn, người trẻ chỉ dựa trên đấy mà phát huy năng lực. Trong khi đó, họ sẽ rất vất vả nếu về ngân hàng nội địa và được giao nhiệm vụ phải xác lập hệ thống sản phẩm cùng kênh phân phối phù hợp với đặc tính thị trường Việt Nam. Bên cạnh đó, nếu chỉ tập trung phát triển nhóm khách hàng ở hạng trên (những người có thu nhập 4-5 triệu đồng trở lên) thì họ sẽ làm rất tốt. Tuy nhiên, một ngân hàng bán lẻ nội địa chuyên nghiệp hướng đến đại chúng, phục vụ đủ mọi giai tầng, từ sinh viên, đến công nhân, nông dân... thì phương pháp tiếp cận khách hàng phải hoàn toàn khác biệt. Và đây là một thử thách rất lớn đối với họ.

Đó là với các cấp lãnh đạo. Còn với hàng ngàn nhân viên đang làm việc ở khắp mọi nơi thuộc hệ thống Đông Á, bằng cách nào để ông cho họ thấy họ có thể được thăng tiến trong một môi trường khó khăn và cạnh tranh như vậy?

Để nhân viên hiểu rõ điều họ làm là giúp họ thăng tiến trong nghề nghiệp. Tôi thường nói với nhân viên mình rằng, nếu đã phục vụ cho nông dân thì phải hiểu thật sâu về họ, như giống lúa, phân bón người nông dân thường sử dụng là gì, một năm có mấy mùa vụ, thời điểm cắt lúa khi nào, tiền bán lúa được người nông dân sử dụng ra sao. Nhiều lúc, tôi cũng nói thêm với nhân viên của mình rằng, nếu sau thời gian làm việc ở nông thôn mà họ giỏi lên thực sự, cảm thấy mức lương không còn thỏa đáng nữa, so với nếu kinh doanh phân bón thì tôi sẵn sàng tài trợ cho nhân viên ấy vài trăm triệu đi kinh doanh phân bón ngay. Còn nếu họ vẫn tiếp tục gắn bó với Đông Á thì chuyện trở thành Giám đốc chi nhánh ở khu vực ấy là điều rất khả thi.

Tại sao Đông Á bị xem là đi chậm?

Hai năm nay, một số cổ đông, cũng như đánh giá của vài lãnh đạo Ngân hàng cho rằng, Đông Á dường như đang đi quá chậm so với các ngân hàng khác?

Về thực chất, tốc độ tăng trưởng về quy mô hoạt động của ngân hàng chúng tôi vẫn đạt, gồm tăng trưởng tín dụng, phát triển mạng lưới và nguồn nhân lực. Chỉ riêng tăng trưởng lợi nhuận thì đầu năm 2010 đến nay, chúng tôi đã có chủ trương dành nguồn lực để tổng rà soát các hoạt động của mình, cho nên tăng trưởng lợi nhuận không như mong muốn. Chúng tôi đang tập trung phát triển lâu dài. Nếu nhìn lại 17 năm qua, không chỉ chúng tôi mà nhiều ngân hàng khác đều tăng trưởng một cách thụ động, dựa vào sự tăng trưởng chung của nền kinh tế. Nhưng không thể mãi như vậy được. Từ quý III/2009, chúng tôi đã ý thức đến việc cần phải chủ động phát triển. Chúng tôi suy nghĩ rất nghiêm túc cho chiến lược dài hạn của mình, nỗ lực đưa ra các sản phẩm và cải tiến mới trong dịch vụ, chứ không ngồi chờ đợi. Với sự cố gắng của mình, cộng với tình hình phát triển của nền kinh tế thì dự kiến đến quý II/2011, những gì chúng tôi đã thực hiện mới bắt đầu có hiệu quả.

Với tình hình cạnh tranh khốc liệt và quy định về vốn điều lệ 3.000 tỉ đồng đã gần đến hạn, những dự báo về xu hướng mua bán, sáp nhập (M&A) trong ngành này có thể sẽ xảy ra. Ông đánh giá thế nào về vấn đề này?

Có thể nói, hoạt động M&A của ngành ngân hàng cho đến lúc này vẫn đang trông chờ vào định hướng của Chính phủ và của lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước. Chưa thấy có ngân hàng nào trao đổi, bàn bạc với nhau để tính chuyện mua bán, sáp nhập. Và như thế, chưa thấy có dấu hiệu gì mới đối với hoạt động M&A.

Ông vừa nói Đông Á chấp nhận đi chậm về tăng trưởng lợi nhuận nhưng lại đảm bảo mức tăng trưởng khá về quy mô hoạt động. Để làm được như vậy, hiện tại và trong tương lai, ông có nghĩ đến việc sẽ kêu gọi đối tác chiến lược bên ngoài, các ngân hàng nước ngoài chẳng hạn, để chung vai gánh sức và có khi để làm tăng giá trị cổ phiếu cho Đông Á?

Ngân hàng chúng tôi vẫn còn được đặt vấn đề M&A cho đến lúc này, sau vụ đàm phán với Citibank không thành công năm 2007. Thời gian đầu tư vào ngân hàng nội địa đối với các định chế tài chính nước ngoài luôn được kéo dài ít nhất 5 năm. Như vậy, họ không phải là nhà đầu tư lướt sóng. Vì thế, nếu nhà đầu tư nào đó quan niệm cổ phiếu ngân hàng là cổ phiếu để đầu tư lướt sóng là không chuẩn xác. Ngân hàng nào hoạt động hiệu quả thì cổ phiếu sẽ tăng trưởng tốt trong dài hạn, còn sự chững lại ở một vài giai đoạn nào đó thì chỉ là nhất thời. Tôi có thể khẳng định, đây là thời điểm tốt để đầu tư vào ngân hàng, nhưng phải đảm bảo một điều cơ bản. Đó là, phân tích xem ngân hàng nào tốt để đầu tư.

Về phía Đông Á, tôi luôn mở cửa cho sự hợp tác nếu cả 2 bên cùng có lợi. Nhưng thử hỏi, có định chế tài chính nào có thể giúp chúng tôi vươn ra khu vực châu Á không? Còn nếu chỉ loay hoay hoạt động trong khuôn khổ nội địa thì tự thân cố gắng, chúng tôi vẫn làm được (và bây giờ đang là như thế!).

Vậy theo ông, lúc này, khi các ngân hàng nước ngoài được phép thành lập 100% vốn tại Việt Nam, họ có còn mặn mòi với việc sở hữu cổ phần các ngân hàng bản địa như trước?

Thực chất, một vài chục triệu USD mà ngân hàng nước ngoài bỏ vào Việt Nam thông qua việc đầu tư vào ngân hàng nội địa không phải lớn, nếu không muốn nói là nhỏ cho mục đích quan trọng là tìm hiểu thị trường. Có 2 lợi ích lớn nhất mà ngân hàng nước ngoài có được khi đầu tư vào ngân hàng nội địa. Một là, họ sẽ kiếm được lợi nhuận sau thời gian hợp tác. Hai là, ngoài chuyện tận dụng mạng lưới phân phối của ngân hàng nội, việc hợp tác còn giúp ngân hàng ngoại đáp ứng một số nhu cầu mà họ khó thực hiện được. Chẳng hạn, khi các ngân hàng lớn nước ngoài tài trợ tín dụng cho các tập đoàn đa quốc gia hoạt động tại đây, họ sẽ sử dụng ngân hàng nội địa (được họ đầu tư) như một cơ quan chuyên trách các dịch vụ liên quan, vì nếu ngân hàng nước ngoài mà tự đứng ra tổ chức các dịch vụ này thì họ sẽ phải đối mặt với bài toán “chi phí lớn hơn hiệu quả”. Cho nên, dù đã được phép thành lập 100% ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam, các ngân hàng nước ngoài vẫn có xu hướng tìm kiếm hợp tác với các ngân hàng nội địa.

Nếu một ngân hàng nội địa nào đó, ngang bằng hoặc mạnh hơn Đông Á có ý định thực hiện M&A với ngân hàng của ông, ông có đồng ý không?

Trong tương lai, nếu Đông Á được sáp nhập với một ngân hàng mạnh nào đó trong nước để có thể tạo nên sức mạnh vượt trội cho cả 2 thì tôi tán thành cả 2 tay. Ví dụ, nếu ngân hàng bạn chiếm 20% thị phần của phân khúc cao cấp và ngân hàng chúng tôi chiếm 80% thị phần của phân khúc bình dân thì nếu sáp nhập lại, chúng tôi sẽ trở thành một trong những người mạnh nhất. Cái tên Đông Á khi đó sẽ tồn tại hoặc có thể không tồn tại độc lập nhưng tôi không quan tâm, vì đó sẽ là sự nghiệp tập thể của các cổ đông và cán bộ nhân viên Ngân hàng và đặc biệt, là chắc chắn phải có sự đồng thuận của cổ đông cả 2 bên. Tuy nhiên, để điều này trở thành hiện thực thì phải đợi đến năm 2015. Còn hiện nay, bản thân tôi và tập thể anh em Đông Á vẫn nỗ lực làm tăng giá trị cho Ngân hàng. Tôi tin rằng những ngân hàng lớn khác, với tầm nhìn giống tôi, cũng đang làm điều tương tự.

5 tiêu chí cần của ngân hàng bán lẻ

Hiện nay, hàng loạt các ngân hàng, từ nội địa đến nước ngoài đều “tuyên ngôn” trở thành ngân hàng bán lẻ. Ngân hàng Đông Á cũng có định hướng phát triển mảng này như một mảng kinh doanh chủ lực. Vậy theo quan niệm của ông, như thế nào thì mới được gọi là ngân hàng bán lẻ chuyên nghiệp?

Ở các nước phát triển, trẻ con vừa mới sinh ra đời đã được ngân hàng chào mừng bằng cách tặng cho mấy chục USD trong tài khoản. Ngân hàng cũng biết rất rõ bạn ở đâu, làm nghề gì, có trợ cấp thất nghiệp hay không. Thẻ tín dụng thì được gửi trực tiếp đến nhà.

Ở Việt Nam, theo tôi, nếu hội đủ 5 tiêu chí sau đây thì may ra một ngân hàng nào đó bước đầu được xem là ngân hàng bán lẻ chuyên nghiệp.

Thứ nhất là phải có hệ thống sản phẩm phù hợp cho từng đối tượng (nông dân, công nhân, sinh viên, bác sĩ, trí thức...) và phục vụ cho hàng triệu dân, chứ không phải một vài nhóm sản phẩm phục vụ cho phân khúc đối tượng người có thu nhập cao.

Thứ 2, phải có phương pháp tiếp cận đa dạng đối với khách hàng. Ví dụ, khi Đông Á triển khai chương trình “Cùng nông dân tích lũy” tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long, những câu hỏi đơn giản tôi đặt ra cho nhân viên của mình. Đó là anh/chị ta có khả năng và sẵn sàng trò chuyện, thậm chí nhậu nhẹt với người nông dân không, có thể tạo lập mối quan hệ thân quen với các cấp quản lý xã, huyện không, chứ không phải là xuống tỉnh và dán cái thông báo “Ai muốn vay tiền thì lại tôi”. Hoặc như đối với sinh viên, nếu muốn giới thiệu sản phẩm đến họ thì không còn cách nào khác là phải đến tận trường và hòa vào nhịp sống trẻ trung của họ, chứ không phải ngồi một chỗ gọi điện thoại chào dịch vụ theo lối cầu may được. Tóm lại, “marketing trực tiếp” (direct marketing) là công cụ tiếp thị chủ đạo cho các ngân hàng.

Thứ 3 là sự quyết tâm của lãnh đạo. Cứ nói miệng là sẽ tập trung phát triển ngân hàng bán lẻ mà không quyết tâm thì cũng như không.

Thứ 4 là phải có cơ sở hạ tầng thích hợp phục vụ cho từng nhóm tiêu dùng. Ví dụ, sau mùa thu hoạch, ngoài việc trả nợ ngân hàng, người nông dân còn phải mua một hoặc vài chỉ vàng để tích lũy. Ngân hàng phải có cơ sở hạ tầng và gói sản phẩm vàng cho người nông dân tại khu vực họ sinh sống, giúp họ có thể chọn mua sản phẩm một cách nhanh nhất, đơn giản nhất.

Thứ 5 là phải có đội ngũ nhân sự phù hợp. Tôi nói thật là sản phẩm của ngân hàng trong nước chẳng thua kém gì so với ngân hàng nước ngoài, thậm chí có phần trội hơn nếu xét về tính linh động và văn hóa tiêu dùng. Tuy nhiên, không thể phủ nhận được rằng, đội ngũ nhân sự trong các ngân hàng nước ngoài được đào tạo rất bài bản, khoa học về năng lực và thái độ phục vụ. Chúng ta phải học hỏi họ những điều này. Và đó cũng là lý do vì sao các ngân hàng nội có thể trình làng sản phẩm nhanh hơn các ngân hàng ngoại nhưng khả năng phát triển dịch vụ sản phẩm lại bị chậm hơn.

Ông nghĩ thế nào về các chi nhánh ngân hàng bán lẻ được khai trương liên tục trong thời gian gần đây? Ông có thể cho biết nhận định của mình về tương quan số lượng và chất lượng của các ngân hàng?

Ngân hàng HSBC đã mở rộng xuống Cần Thơ. Sắp tới, ai có thể cấm họ mở thêm cơ sở ở các tỉnh khác. Nhưng tôi muốn nói về một điều khác, được định nghĩa là “sự ăn theo”. Không khó để nhận ra, cứ ngân hàng này vừa mở thêm chi nhánh ở địa điểm nào đó thì lập tức, ngân hàng khác cũng mở theo cùng chỗ, trong khi họ chưa ngồi lại với nhau để phân tích vì sao lại mở chi nhánh ở điểm ấy. Kết quả của việc làm này là gì? Tôi vừa mới nghĩ đến việc một lực lượng lao động lớn sẽ được giải quyết việc làm (cười vang). Về chất lượng hoạt động các ngân hàng thì tôi chỉ nêu một ý nhỏ là thực sự còn không ít ngân hàng chưa có đường hướng chiến lược rõ ràng. Về số lượng ngân hàng, nhiều hay ít thì nên hỏi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Và việc thu hẹp số lượng ngân hàng bằng M&A lại không dễ, vì không phải ngân hàng nào rao bán cũng có người mua.

Những nhà làm tài chính trong và ngoài nước đang đánh giá lạc quan về kinh tế Việt Nam với nhận định Việt Nam sẽ trở thành trung tâm tài chính, kinh tế khu vực. Còn ông, ông nghĩ gì?

Giống như nhiều người khác, tôi cũng kỳ vọng Việt Nam có thể trở thành trung tâm tài chính, kinh tế khu vực. Tuy nhiên, tôi cũng nghĩ nhiều đến việc nền kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt với nhập siêu hay lạm phát cao. Đó là chưa kể đến việc nếu chúng ta xây nhà ở cho người có thu nhập trung bình thấp thì tiền đâu để xây? Liệu hệ thống ngân hàng, hay Đông Á, có đáp ứng nổi nguồn vốn trung và dài hạn này hay không, trong khi người dân thì thường chỉ gửi tiết kiệm từng tháng?

Thứ Hai, 1 tháng 11, 2010

Tôi cho phép mình không hoàn hảo!

Trịnh Chí Cường được “đặt” vào vị trí Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đại Đồng Tiến hoàn toàn bất ngờ, khi người cha của anh, ông Trịnh Đồng, đột ngột lâm bệnh nặng vào năm 2007. Đó cũng là năm Đại Đồng Tiến vừa lên cổ phần và thành lập chi nhánh tại Hà Nội. Hết bệnh trở về, ông Đồng quyết định giao hẳn việc điều hành Công ty cho cậu con trai thứ của mình. Khi đó, Cường mới 26 tuổi, vừa trở về từ Singapore sau 7 năm du học và làm việc ở nước ngoài.

Đột phá

Việc đầu tiên của Cường khi ngồi vào ghế Tổng Giám đốc là lên kế hoạch thành lập Phòng Nghiên cứu và Phát triển cho Công ty. Điều này trước đây, lúc còn hoạt động theo mô hình công ty gia đình, Đại Đồng Tiến chưa từng nghĩ tới. Cuối năm 2007, sản phẩm mang nhãn hiệu Sina, ứng dụng công nghệ Nano Bạc (công nghệ kháng khuẩn) của Công ty ra đời chủ yếu phục vụ cư dân đô thị. Những hộp nhựa Sina có thể kháng khuẩn và ngăn chặn sự phát triển của nấm mốc trong môi trường, giữ cho thực phẩm tươi lâu hơn. Đây là cột mốc quan trọng, vì từ đó, Đại Đồng Tiến có nhãn hàng mang phong cách hiện đại, chú trọng yếu tố bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.

Tuy nhiên, không may cho Cường, chiến lược đẩy mạnh làm hàng cao cấp của anh gặp khó khăn ngay từ khi sản phẩm được đưa ra thị trường, bởi cơn bão khủng hoảng kinh tế ập tới vào năm 2008. Người tiêu dùng thờ ơ, nhà phân phối không mặn mà, sản phẩm làm ra phải xếp vào kho. Chưa hết, vào thời điểm khó khăn, công suất của nhà máy có khi phải giảm đến 40%. Tuy nhiên, Cường cho biết, “khó mấy cũng phải làm bởi sự sáng tạo, theo sát công nghệ hiện đại là sự sống còn của Công ty. Chúng tôi không thể bỏ cuộc”.

“Dòng sản phẩm kháng khuẩn Sina ra đời đúng thời điểm cuộc khủng hoảng vệ sinh an toàn thực phẩm được nói đến mỗi ngày trên các phương tiện thông tin đại chúng. Các cơ quan quản lý kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào sản phẩm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm... Đó là sản phẩm hợp thời nhưng chưa thành công như mong đợi”, Cường nói. Tuy nhiên, nhờ chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” của Chính phủ năm 2009, Đại Đồng Tiến đã hồi phục rất nhiều, kéo doanh số từ mức tăng 7% năm 2008 lên 15% năm 2009 (doanh thu năm 2009 đạt 625 tỉ đồng).

Khắc phục khó khăn cho Công ty xong, Cường đưa ra chiến lược “đẩy và kéo”. Anh giải thích, chiến lược này có nghĩa là đẩy ra lượng lớn hàng hóa, kinh phí làm khuyến mãi nhằm kéo lượng khách hàng lớn đến với Công ty. Và Đại Đồng Tiến đã tung chiêu khuyến mãi bán hàng, bốc thăm trúng thưởng với tổng giá trị đến 1,5 tỉ đồng tại các siêu thị, hội chợ hàng Việt Nam chất lượng cao. Nhiều khách hàng trong nước chưa từng biết đến Đại Đồng Tiến đã bắt đầu tìm mua sản phẩm. Lượng khách hàng mới này cộng với khách hàng quen đã giúp doanh số của Đại Đồng Tiến tăng nhanh sau những đợt bán hàng đó. “Thành công của chương trình vượt ngoài sức mong đợi khi doanh số tăng hơn 30% so với dự kiến”, anh nói. Trước đó, chiến lược này bị các cổ đông đánh giá là hơi “liều mạng”.

Mặc dù có khi phải cắt giảm công suất đến 40%, nhưng theo anh Cường, Công ty không chủ trương cắt giảm nhân sự trong thời điểm khủng hoảng. “Ngược lại, thấy tình hình lạm phát tăng cao, chúng tôi điều chỉnh tăng lương để đảm bảo cuộc sống cho công nhân. Quan trọng nhất là giữ chân công nhân để họ tiếp tục đồng hành với chúng tôi đến khi kinh tế phục hồi”, Cường chia sẻ.

Hai quyết định của Tổng Giám đốc Trịnh Chí Cường liên quan đến tài chính của Công ty được đưa ra ngay trong thời điểm kinh tế khó khăn nên thật khó để thuyết phục cả Hội đồng Quản trị. Anh nói: “Không phải cứ thấy khó làm là chùn bước và không dám chi tiền cho marketing. Nhà quản trị giỏi là người biết tiết kiệm và sinh lời cho công ty, nhưng giỏi hơn nữa là biết cách tiêu tiền để mang lại lợi nhuận gấp nhiều lần về lâu dài”. Cuối cùng, những phân tích mang tính chiến lược của Cường đã thuyết phục được các cổ đông.

Như đã nói ở trên, Đại Đồng Tiến là công ty hoạt động theo mô hình gia đình. Vậy làm một tổng giám đốc công ty gia đình sẽ có những lợi thế nào? Cường nói lợi thế cũng chính là thách thức. Đại Đồng Tiến được những người trong họ tộc góp vốn, thế nên, mới có những chuyện dở khóc dở cười. Khi ông Trịnh Đồng làm Tổng Giám đốc, ông không gặp khó khăn gì trong xưng hô. Tuy nhiên, đến thời Trịnh Chí Cường, anh không thể điều hành một cuộc họp công ty mà bắt đầu bằng việc “thưa các bác, cô, dì, chú...”. Thế nên, sau những quyết định mang tầm chiến lược để phát triển kinh doanh, vị tổng giám đốc trẻ này phải đưa ra quy định xưng hô “tôi” và “các anh chị” tại các cuộc họp của Công ty.

Táo bạo và có logic

Bà Trần Thị Huê, Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Đại Đồng Tiến, mẹ của Cường, nhận xét: “Tôi ủng hộ những ý tưởng táo bạo có logic của Cường. Nó làm việc có đầu có đuôi và suy nghĩ độc lập cả khi quản lý lẫn khi đề ra chiến lược kinh doanh. Có thể Cường chưa am hiểu hệ thống sản xuất như cha mình, nhưng Cường có suy nghĩ và lối làm việc hiện đại khiến tôi yên tâm. Đại Đồng Tiến sau 25 năm hoạt động, cần một luồng sinh khí mới để vươn xa hơn. Cường đang làm tốt vai trò đó”.

Nói về những dấu ấn của mình sau 3 năm làm Tổng Giám đốc, Cường cho rằng, Công ty thành công như ngày hôm nay xuất phát từ niềm đam mê kinh doanh của cha và mẹ anh. Họ có nhiều kinh nghiệm quản lý, bao quát mọi việc và biết đến mỗi con ốc vít trong dàn máy vận hành như thế nào. “Tôi thừa hưởng từ cha mẹ không chỉ tài sản mà quan trọng nhất là niềm đam mê kinh doanh. Tôi không thể biết hết từng con ốc vít, song đổi lại, tôi có kiến thức quản trị, được đào tạo bài bản, biết hệ thống và logic công việc theo ý đồ nhằm đưa ra chiến lược đúng hơn. Hai khối kiến thức và kinh nghiệm của truyền thống và hiện đại sẽ bổ khuyết cho nhau để đưa thương hiệu đi xa hơn. Tôi chỉ khẳng định tầm vóc của Công ty mà các bậc đi trước đã xây dựng nên”, anh nói.

Hiện tại, Đại Đồng Tiến đã có văn phòng đại diện tại Campuchia và sắp tới có thể là Úc. Trịnh Chí Cường khoe anh vừa đi Úc tìm hiểu để mở văn phòng. Công ty còn chuẩn bị xây dựng nhà máy rộng hơn 63.000 ha tại Nhơn Trạch, Đồng Nai với tổng đầu tư trên 20 triệu USD để làm hàng xuất khẩu sang thị trường châu Âu và Mỹ, bắt đầu từ năm 2012.

“Tham vọng thương hiệu toàn cầu” là cụm từ mà Cường nhắc đến ít nhất 5 lần trong suốt buổi trò chuyện với chúng tôi. Cường trẻ, rất trẻ so với vị trí anh đang đảm nhận. Năm nay gần 30 tuổi, song, những phân tích và dự báo cẩn trọng trong kinh doanh của anh được trình bày khá thuyết phục bởi anh có nhiều tham vọng, tự tin và có chiều sâu học vấn. Cường kể, khi còn ở Việt Nam, anh suy nghĩ như một cậu ấm. Từ khi ra nước ngoài, bắt đầu học về lĩnh vực kỹ thuật, rồi đi làm, học tiếp đại học ngành quản trị kinh doanh, Cường ngộ ra rằng, với bệ phóng có được từ cha mẹ, anh đang có khá nhiều sự lựa chọn cho tương lai của mình.

Không ỷ lại

Học xong sẽ ở lại nước ngoài làm việc rồi lập nghiệp. Con đường này theo anh không ổn lắm, bởi phải bắt đầu mọi cái bằng con số 0 tại một quốc gia phát triển như Singapore là điều không dễ. Hơn nữa, anh cảm thấy yêu ngành kỹ thuật nhựa nhất, bên cạnh niềm yêu thích công nghệ thông tin và ngoại ngữ. Quyết định về quê tiếp tục sự nghiệp của cha mẹ nên anh đã chọn ngành quản trị kinh doanh tại Đại học Buffalo-New York (chi nhánh Singapore) thêm 3,5 năm nữa. “Đọc nhiều sách về kinh tế học, tìm hiểu lịch sử kinh tế thế giới, mới thấy Việt Nam có nhiều lợi thế phát triển. Tôi quyết định trở về!”, anh nói.

Ngoài sách nghiên cứu, Cường chịu khó tìm đọc nhiều sách viết về các công ty gia đình nổi tiếng thế giới. Anh nói, hơn 90% công ty thành đạt trên thế giới xuất phát từ công ty gia đình. Anh cho biết rất thích cách quản trị của cựu Tổng Giám đốc Tập đoàn General Electric, ông Jack Welch. Welch đã thành công khi quyết định sửa đổi chiến lược để giữ và tăng lượng khách hàng của Tập đoàn năm 1999. Về tính sáng tạo, theo Cường, ít ai vượt qua được Tổng Giám đốc của Apple, ông Steve Jobs. Trong khi nhiều giám đốc khác tập trung vào chỉ tiêu doanh số và tài chính thì Jobs lại không ngừng nỗ lực để cho ra đời những thế hệ sản phẩm mang tính đột phá. Trong lúc các công ty khác ứng dụng chiến thuật bán hàng qua mạng, Jobs lại thành lập hệ thống cửa hàng bán lẻ, một chiến thuật được mệnh danh là “dòng chảy ngược”.

Cường tiết lộ, anh mong ước không chỉ là doanh nhân thành đạt mà còn là nhà khoa học, có thể vừa kinh doanh vừa nghiên cứu làm ra những sản phẩm tốt, có giá trị bền vững phục vụ xã hội. Giống như các công ty gia đình khác, áp lực lớn nhất của Cường là làm thế nào để vượt qua cái bóng của người đi trước. Để làm được điều đó, anh tự cho mình quyền không hoàn hảo và cho phép đổ lỗi để học nhiều hơn. “Không hoàn hảo để biết mình còn phải học hỏi nhiều hơn nữa. Đổ lỗi một chút để biết rằng mình cần những người thân xung quanh và họ thật quan trọng trên mỗi bước đường thử thách. Tuy nhiên, tuyệt đối không ỷ lại”, Cường chia sẻ.

CEOVN.com

Thứ Tư, 13 tháng 10, 2010

Tổng giám đốc chứng khoán trẻ nhất Việt Nam

Sau gần 3 năm làm việc tại Công ty Chứng khoán VNDirect, Nguyễn Hoàng Giang được hội đồng quản trị bổ nhiệm vào vị trí tổng giám đốc dù mới 24 tuổi.

Quyết định bổ nhiệm chính thức được đưa ra hôm 6/10, vài tháng sau khi hội đồng quản trị VNDirect đặt vấn đề bổ nhiệm. Và Giang trở thành vị tổng giám đốc trẻ nhất trong ngành tài chính ngân hàng Việt Nam từ trước tới nay.

Tốt nghiệp Đại học Nebraska (Mỹ) chuyên ngành toán kinh tế - khoa học máy tính, Nguyễn Hoàng Giang là một trong bốn sinh viên xuất sắc nhất của trường được nhận học bổng Phillip Schrager. Giang cũng là một trong những giảng viên trẻ tuổi nhất của Khoa Toán thực hành, trường đại học Nebraska.

Tháng 1/2008, Nguyễn Hoàng Giang bước vào ngành chứng khoán với vị trí cộng tác viên phòng giải pháp nghiệp vụ tại Công ty chứng khoán VNDirect. Chỉ hơn một năm sau, anh đã trở thành Trưởng phòng giải pháp nghiệp vụ và quản trị rủi ro, rồi tiếp đến là Giám đốc Khối phát triển sản phẩm và giải pháp nghiệp vụ.

Cũng trong năm 2008, khủng hoảng tài chính toàn cầu tạo ra những cơn bão dữ dội đối với thị trường chứng khoán Việt Nam. Giá của tất cả các cổ phiếu cũng như khối lượng giao dịch tụt thê thảm, VNDirect cũng như tất cả các công ty chứng khoán khác đều phải chịu những tác động nặng nề.

Chính vì những rủi ro quá lớn đã xảy ra, ban lãnh đạo công ty thay đổi chiến lược. Thay vì tìm kiếm các nguồn nhân lực tốt nhất và đặt họ ở bộ phận kinh doanh, công ty dành nguồn lực trẻ, có tiềm năng vào bộ phận quản trị rủi ro và giải pháp nghiệp vụ - một mảng còn rất mới ở thị trường chứng khoán Việt Nam.

Và Nguyễn Hoàng Giang, cậu sinh viên mới tốt nghiệp chuyên ngành thiết kế máy tính, được giao nhiệm vụ kiến trúc sư trưởng của hệ thống quản trị rủi ro cũng như giải pháp nghiệp vụ của công ty trong giai đoạn mới. Những đóng góp của anh ở bộ phận này là một trong những nhân tố giúp công ty có kết quả kinh doanh tốt và giảm thiểu được rủi ro trước những biến động dữ dội của thị trường. Năm 2009, VNDirect có lợi nhuận sau thuế 212 tỷ đồng và 9 tháng đầu năm 2010 là 195 tỷ đồng.

Nguyễn Hoàng Giang trở thành tổng giám đốc của một công ty chứng khoán lớn khi mới 24 tuổi. Ảnh: Hoàng Hà
Nguyễn Hoàng Giang trở thành tổng giám đốc của một công ty chứng khoán lớn khi mới 24 tuổi. Ảnh: Hoàng Hà

Trong cuộc họp lãnh đạo cao cấp cách đây vài tháng, khi nhận được đề nghị làm tổng giám đốc từ bà Phạm Minh Hương, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty, Nguyễn Hoàng Giang rất bất ngờ. “Việc đầu tiên là tôi tìm cách chuyển ‘quả bóng’ này cho một người khác mà tôi nghĩ rằng sẽ xứng đáng và tốt hơn”, anh tâm sự.

Tuy nhiên, sau khi được toàn bộ ban lãnh đạo thuyết phục, Giang đã tự tin nhận lời, với tâm niệm: “Đó là một cơ hội lớn và tại sao lại không thử?”.

Bà Phạm Minh Hương, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty bộc bạch thông thường mọi người quen với việc tổng giám đốc tại công ty chứng khoán phải giỏi kinh doanh nhất. "Tuy nhiên, chúng tôi có lý do riêng khi chọn người phụ trách bộ phận quản lý rủi ro và xây dựng hệ thống giữ vị trí này. So với nhiều thành viên khác tại công ty, Giang không phải là người giỏi kinh doanh nhất nhưng Giang có khả năng hợp tác tốt với người khác và biết giúp mọi người cùng lái con tàu VNDirect”, bà Hương khẳng định.

Nhìn vào những bảng thành tích của Giang ngày hôm nay, ít ai biết rằng, Giang từng trải qua những tháng ngày gian khó. Khi học lớp 4, bố của Nguyễn Hoàng Giang mất trong một tai nạn giao thông. Gánh nặng gia đình đè lên vai người mẹ - một giáo viên phổ thông với 2 con nhỏ (Giang và cô em gái lúc đó 4 tuổi). Vào trung học, Giang tự hứa với mình là sẽ tìm mọi cách để đi học nước ngoài mà phải học ở Mỹ để sau này kiếm nhiều tiền giúp mẹ.

Đỗ Đại học Bách khoa Hà Nội với 28,5 điểm, Giang vẫn nuôi mộng đi Mỹ và cậu tìm được một suất học bổng tại Đại học Nebraska (Mỹ). Tuy nhiên, trường không có học bổng toàn phần nên Giang vẫn phải chi trả một phần tiền học phí, tiền ở và sinh hoạt hằng ngày mà điều này vượt quá khả năng tài chính của gia đình. Một người họ hàng biết chuyện đã cho Giang vay tiền.

Năm đầu tiên tại Mỹ, cứ 5h sáng Giang đến nhà ăn của trường Nebraska để làm bánh pizza và 10h thì cắp sách đến giảng đường. Anh cho biết, khi mới sang không quen biết ai nên tìm việc làm thêm rất khó. Việc làm bánh pizza trong trường dù vất vả, ít người thích nhưng dễ tìm nhất.

Sang năm thứ 2, cùng với kết quả học tập tốt về môn toán, Giang tìm được một chân trợ giảng rồi tiến đến giảng viên của môn này cho các sinh viên chuyên ngành khác. Ngoài công việc làm thêm là giảng viên, Giang tham gia một dự án phát triển website, và còn được chọn là đại diện cho trường đi quảng bá hình ảnh…

Người trở thành tổng giám đốc của VNDirect không phải là người giỏi nhất công ty. Ảnh minh họa: Hoàng Hà
Tân tổng giám đốc của VNDirect không phải là người giỏi kinh doanh nhất công ty. Ảnh: Hoàng Hà

Giang tâm sự, trở thành tổng giám đốc khi tuổi còn quá trẻ ở một công ty chứng khoán vốn lên tới 1.000 tỷ đồng là một thách thức rất lớn. Tuy nhiên, điều quan trọng không nằm ở việc thể hiện mình giỏi ra sao, mà là biết ai mạnh điểm gì để cùng họ hoàn thành mục tiêu.

“Tất nhiên, tôi cũng không tự huyễn hoặc mình về vị trí mới bởi biết rằng mình còn cần phải học rất nhiều thứ, đặc biệt là từ những đồng nghiệp trong công ty”, anh nói.

Anh cho biết, điều khiến anh thích nhất ở ngành chứng khoán là luôn được tiếp xúc với lĩnh vực mới và tìm hiểu nhiều mô hình kinh doanh khác nhau. “Nếu mình làm chuyên ngành máy tính thì chủ yếu biết máy tính nhưng nếu làm chứng khoán khi đầu tư vào ngành mía phải hiểu được cách thức kinh doanh của họ, khi đầu tư vào ngành bất động sản cũng phải hiểu chủ doanh nghiệp tạo tiền ra sao… Cũng từ đó mà chúng tôi luôn tìm được những ý tưởng mới và điều này khiến chứng khoán có sức hấp dẫn đặc biệt”, anh nói.

Hoàng Ly

Thứ Năm, 16 tháng 9, 2010

Còn nhiều cơ hội cho M&A - Nguyễn Nam Sơn


Chuyên gia tư vấn đầu tư Nguyễn Nam Sơn cho rằng, thị trường Việt Nam còn non trẻ và hầu như chưa có khái niệm về M&A.

Trước khi đồng sáng lập và điều hành Quỹ Đầu tư Vietnam Capital Partners (VCP) vào năm 2009, Nguyễn Nam Sơn, người Mỹ gốc Việt, là Giám đốc Điều hành kiêm phụ trách Bộ phận Ngân hàng Đầu tư của Citigroup tại Việt Nam. Đặc biệt, ông có hơn 15 năm làm tư vấn trong lĩnh vực M&A (mua bán và sáp nhập), từng tư vấn cho Citigroup mua lại một ngân hàng ở Đài Loan trị giá 800 triệu USD. Sau 2 năm về nước kinh doanh và tư vấn đầu tư, ông cho rằng Việt Nam là một thị trường non trẻ và hầu như chưa có khái niệm về M&A.

Cuối tháng 7 vừa qua, khi được chúng tôi phỏng vấn để thực hiện chuyên đề đầu tư vào trường quốc tế, Nguyễn Nam Sơn tiết lộ, ông đang trong quá trình trao đổi chuyển nhượng lại dự án đầu tư trường quốc tế tại TP.HCM. Theo ông Sơn, dự án M&A này sẽ được hoàn tất trong tháng 8.

VCP vừa chuyển nhượng dự án Đầu tư Giáo dục tại TP.HCM, đó có phải là dự án M&A đầu tiên của Quỹ tại Việt Nam?

Đó là khoản đầu tư cá nhân chứ không phải của Quỹ và tôi chỉ chuyển nhượng các cơ sở vật chất đã đầu tư trước đó. Còn lại, không có sự chuyển nhượng giấy phép đầu tư giáo dục.

Như vậy, có phải dự án này đã được chuyển nhượng lỗ?

Những khoản đầu tư ban đầu để làm marketing, điều nghiên thị trường không thể gọi là lỗ được. Sau khi nghiên cứu thị trường, nhận thấy không tốt như dự đoán, lập tức chúng tôi quyết định ngừng Dự án. Lợi nhuận thu về từ việc đầu tư chứng khoán tại Mỹ của tôi trong năm 2009 là 200%, dự án Đầu tư Giáo dục tại TP.HCM chỉ mất khoảng 20% trên số lợi nhuận đó. Tôi xác định đây chỉ là học phí trong đầu tư và đó là điều bắt buộc phải có.

Hoãn đầu tư trường học quốc tế bởi thấy không tốt như dự đoán, theo ông, cơ hội đầu tư vào giáo dục ở Việt Nam còn cao không?

Hiện nay, thị trường giáo dục quốc tế đã bão hòa, cung cao hơn cầu. Ước tính, các trường học mới phải đầu tư khoảng 10-40 triệu USD để mua bất động sản, xây dựng trường lớp, cơ sở vật chất và trang thiết bị đầy đủ. Ngoài ra, tổng chi phí cho mỗi tháng đã là 200.000 USD. Tuy nhiên, họ phải duy trì hoạt động trong tình trạng thiếu học sinh và chịu lỗ trong nhiều năm, trong khi các trường thành lập lâu năm đang mở rộng quy mô. Quan trọng là chúng tôi đã kịp thời kết thúc Dự án để bảo toàn vốn và giới hạn lỗ trong mức cho phép. Và tôi đã rút ra nhiều bài học quan trọng về hợp tác đầu tư, xây dựng và pháp lý tại Việt Nam.

Trong tương lai, lĩnh vực giáo dục ở Việt Nam vẫn rất hấp dẫn, khi người dân hiểu, đánh giá và phân biệt được giáo dục chuẩn quốc tế. Ngoài ra, các trường liên kết quốc tế và trường đào tạo kỹ năng vẫn là mô hình tốt với thị trường lớn, chi phí vốn tương đối thấp, cạnh tranh không nhiều và giá học phí phù hợp.

VCP sẽ dành bao nhiêu phần trăm vốn cho đầu tư giáo dục?

Khoảng 25% vốn, cho cả giáo dục và y tế. Hình thức đầu tư là mua lại những doanh nghiệp vừa và nhỏ, hoặc lập một đội ngũ quản lý chuyên môn để xây dựng doanh nghiệp mới. Ngoài ra, chúng tôi sẽ tìm cơ hội mua lại trường quốc tế gặp khó khăn về vốn.

Giáo dục và y tế là quan tâm hàng đầu của VCP, vì đây là 2 lĩnh vực luôn được ưu tiên, không chỉ ở Việt Nam mà ở hầu hết các quốc gia trên thế giới. VCP cũng đang theo dõi một số ngành tiềm năng khác là bán lẻ, công nghệ và tài chính ngân hàng.

Kinh nghiệm và thế mạnh của ông là M&A, ông dự định phát triển M&A ở Việt Nam như thế nào?

Tôi nhận thấy nhiều cơ hội cho M&A ở Việt Nam trong 2 năm nữa, khi hầu hết công ty cổ phần hóa. Sẽ có một số nhà đầu tư góp vốn hoặc mua lại các trường học khi cơ hội đến. Còn đối với lĩnh vực M&A hay tư vấn đầu tư, tôi cho rằng có rất nhiều cơ hội trong công ty cổ phần ở tất cả các ngành.

Đã đầu tư và thu lợi nhuận nhiều từ chứng khoán tại Mỹ trong năm qua, ông có kế hoạch đầu tư vào thị trường chứng khoán tại Việt Nam không?

Sau 2 năm kinh doanh, tôi xác định không đầu tư vào chứng khoán Việt Nam bởi các chỉ số tài chính của các doanh nghiệp ở Việt Nam vẫn chưa minh bạch nên rất khó phân tích, giá trị của thị trường Việt Nam cũng không hấp dẫn bằng thị trường nước ngoài. Tuy nhiên, trong 12 tháng tới hoặc có thể lâu hơn, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ rất hấp dẫn.

Thị trường nào cũng có rủi ro, mà theo tôi 4 rủi ro lớn nhất là về kinh tế vĩ mô, tiền tệ, giá trị ảo của thị trường bất động sản và hệ thống ngân hàng. Tại Mỹ, cuộc khủng hoảng tài chính bắt nguồn từ rủi ro về giá trị ảo của thị trường bất động sản cùng với việc quản lý tín dụng lỏng lẻo ở một số ngân hàng, kéo theo khủng hoảng chung của hệ thống ngân hàng và thị trường chứng khoán. Trong quá trình nỗ lực phục hồi thị trường chứng khoán Mỹ, các ngân hàng đã chấp nhận lỗ và tái cấu trúc cơ cấu tín dụng, minh bạch các thông tin tài chính trước công chúng. Cùng lúc đó, thị trường bất động sản đạt giá trị thấp nhất trong vòng 7 năm qua. Các rủi ro kinh tế vĩ mô như lạm phát hay rủi ro tiền tệ rồi cũng qua đi. Tôi nhận ra thời điểm thị trường chứng khoán Mỹ đã trở lại hấp dẫn khi giá trị cổ phiếu xuống mức thấp nhất. Chính vì tập trung quan tâm ở những chu kỳ lớn của thị trường, thay vì những biến động nhỏ, tôi đã đạt được lợi nhuận như đã nói trên trong các danh mục đầu tư chứng khoán.

Đối với thị trường Việt Nam, tôi cho rằng rủi ro vẫn còn. Trong vòng 12 tháng tới, thị trường sẽ có nhiều bất ngờ.

Khi đang làm Giám đốc của Citigroup tại Việt Nam, nguyên tắc không cho phép tôi đầu tư vào thị trường này. Tôi đã từng đầu tư chứng khoán tại các thị trường Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc và hiện tại là Mỹ. Từ sau khi rời Citigroup, tôi cho phép mình đầu tư thoải mái hơn. Và tôi sẽ bắt đầu đầu tư khi thị trường chứng khoán Việt Nam vượt qua những rủi ro kể trên, đồng thời giá trị cổ phiếu hấp dẫn hơn so với thị trường nước ngoài.

Ông có thể chia sẻ kinh nghiệm đánh giá một cổ phiếu dựa trên các chỉ số tài chính?

Ở Việt Nam, các nhà đầu tư thường sử dụng chỉ số P/E (tỉ lệ giữa giá thị trường và lợi nhuận ròng trên mỗi cổ phần của một công ty) để đánh giá cổ phiếu có hấp dẫn hay không. Tuy nhiên, P/E chỉ là 1 trong 10 công cụ tài chính được tôi sử dụng.

Chỉ số quan trọng nhất tôi thường sử dụng là FV/EBITDA. Theo tôi được biết, ở Việt Nam hầu như rất ít người sử dụng FV/EBITDA để phân tích các cổ phiếu. Lý do tôi nghĩ FV/EBITDA quan trọng hơn P/E vì biến số E trong P/E rất dễ bị điều chỉnh bởi các khoản thu hoặc chi phí ngoài hoạt động kinh doanh chính. Ví dụ, lợi nhuận ròng của một công ty có thể tăng đột biến từ năm này sang năm khác do lợi nhuận từ hoạt động đầu tư chứng khoán của công ty trong năm tài chính đó. Tái định giá lại các khoản tài sản như bất động sản, tài sản vô hình như thương hiệu của công ty, hoặc thay đổi chính sách chiết khấu tài sản cũng làm lợi nhuận ròng của công ty bị điều chỉnh đáng kể.

Trong khi đó, EBITDA chính là lợi nhuận của một công ty trước thuế, khấu hao và các lãi suất tài chính. EBITDA có thể hiểu đơn giản là dòng tiền từ hoạt động kinh doanh chính của công ty đó và khó có thể bị điều chỉnh bởi các khoản ngoài hoạt động kinh doanh chính. Là một nhà đầu tư chiến lược và dài hạn, tôi muốn nhìn vào tình hình hoạt động chính của một công ty trong 10-20 năm để hiểu được xu hướng tăng trưởng của họ qua từng chu kỳ. Và như vậy, chỉ số biến động mạnh như P/E sẽ không hiệu quả bằng FV/EBITDA.

Ngoài những chỉ số từ hoạt động kinh doanh, tôi cũng rất quan tâm đến bảng cân đối kế toán tài chính và báo cáo lưu chuyển tiền tệ để có cái nhìn đầy đủ và bao quát hơn về công ty đó. So sánh các chỉ số tài chính với các công ty cùng ngành, hoặc với chính công ty đó trong quá khứ cũng là một phương pháp phân tích được tôi sử dụng thường xuyên.

Hiện tại, nhiều nhà đầu tư chứng khoán vẫn chọn cách đầu tư lướt sóng, trước khi thực sự tham gia vào thị trường Việt Nam, ông có dự tính theo cách này?

Thị trường chứng khoán luôn biến động nhưng theo chu kỳ hay biểu đồ hình Sin. Cứ mỗi 5-10 năm, thị trường sẽ có chu kỳ lớn. Những nhà đầu tư lướt sóng sẽ tập trung vào những biến động nhỏ và chốt lời trên chênh lệch giá tạm thời. Tuy nhiên, tôi là nhà đầu tư chiến lược nên sẽ tập trung vào những chu kỳ lớn, đồng nghĩa với việc mất nhiều thời gian hơn. Muốn chốt lời cao, cần nghiên cứu chuyên sâu thị trường và công ty mục tiêu, đồng thời có kinh nghiệm để nắm bắt đúng thời cơ. Hơn nữa, tôi có nhiều lựa chọn đầu tư vào những thị trường chứng khoán khác, nên việc so sánh rủi ro/lợi nhuận giữa các thị trường cũng là một yếu tố quan trọng khi đầu tư vào Việt Nam.

Quyết định rời bỏ vị trí quản lý ngân hàng quốc tế để cùng lập quỹ đầu tư vào Việt Nam, có khi nào ông cảm thấy tiếc nuối? Ông có thể tiết lộ mức lương nhận được ở Citigroup?

Tôi chưa bao giờ tiếc khi rời vị trí tốt ở Citigroup để ra làm riêng cả. Bởi trước khi vào Citigroup, tôi nghĩ mình chỉ ở đó 5 năm, có kinh nghiệm rồi sẽ ra riêng. Nhưng do công việc đưa đẩy, đến lúc giữ chức vụ Giám đốc Điều hành của Bộ phận Ngân hàng Đầu tư Công nghệ của Citigroup ở Hồng Kông rồi về Việt Nam, tôi đã có 15 năm gắn bó với Citigroup. Thêm nữa, 2 năm qua, khi ra làm riêng, tôi đầu tư có kết quả tốt lại có nhiều trải nghiệm thú vị hơn.

Về mức lương ở các ngân hàng đầu tư như Citigroup, năm đầu tiên mới vào, lương nhận được khoảng 200.000 USD/năm. Bốn năm sau, nếu lên cấp phó chủ tịch, thu nhập khoảng 700.000 USD/năm. Cấp giám đốc từ 700.000-1,5 triệu USD/năm và cấp giám đốc điều hành từ 1-5 triệu USD/năm. Những mức thu nhập đó đã bao gồm các khoản lợi tức khác.

CEOVN.com

Chủ Nhật, 5 tháng 9, 2010

Kiến trúc sư Lê Viết Hải kể chuyện thắng thầu


Trên tòa nhà cao 71 tầng Keangnam đang thi công ở Hà Nội, tòa nhà Vincom Center vừa khánh thành vào tháng 4 năm nay tại TP.HCM, nhà ga hành khách Sân bay Quốc tế Cần Thơ… đều có gắn hình ảnh logo màu xanh của Công ty Cổ phần Xây dựng và Kinh doanh Địa ốc Hòa Bình (HBC). Công việc kinh doanh của HBC có vẻ đang lạc quan. Tuy nhiên, Kiến trúc sư Lê Viết Hải, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc HBC, cho biết: “Hòa Bình chưa thật sự thở phào nhẹ nhõm được sau 2 năm có nhiều khó khăn do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu”. Trong một cuộc trò chuyện ngắn, ông Hải đã chia sẻ với NCĐT một số kinh nghiệm quản trị để vượt khủng hoảng và thắng thầu.

Khó khăn từ khủng hoảng kinh tế

“Doanh số quý I và II năm nay chưa đạt như kế hoạch. Tuy nhiên, với đặc điểm của ngành xây dựng, doanh thu thường tăng mạnh vào 2 quý sau và với việc HBC vừa trúng thầu hàng loạt công trình, có khả năng HBC sẽ hoàn thành kế hoạch năm nay. Riêng việc thực hiện kế hoạch về lợi nhuận thì rất lạc quan”, ông Hải cho biết.

Cuối năm 2006, Hòa Bình chính thức lên sàn với vốn điều lệ trên 56 tỉ đồng (năm 2001, con số này chỉ ở mức 11 tỉ đồng). Tính đến nay, vốn chủ sở hữu của Công ty là trên 600 tỉ đồng. Theo ông Hải, đây là số vốn khá khiêm tốn so với quy mô của một công ty xây dựng - đầu tư bất động sản. Một nửa số vốn này lại đang bị kẹt trong gần 10 dự án bất động sản mà Công ty đầu tư và tham gia đầu tư.

Đây cũng chính là lý do khiến ông Hải vẫn chưa thở phào nhẹ nhõm. Khẳng định Công ty bị ảnh hưởng nặng nề từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, ông Hải chia sẻ: “Trong 2 năm đầu sau niêm yết, HBC đã gặp hàng loạt khó khăn khi thị trường vật liệu xây dựng đua nhau tăng giá, giá sắt thép tăng gấp đôi so với giá ký hợp đồng trước đó. Muốn giữ uy tín, Công ty đã tìm cách bù giá để hoàn thành công trình đúng thời hạn. Lúc đó, HBC là đơn vị bị thiệt hại nặng nề nhất do trượt giá vật liệu”.

Đến năm 2009, hoạt động kinh doanh của Công ty đã ổn định hơn. Ông Hải cho biết, kết quả kinh doanh của HBC trong năm 2009 tương đối cao so với các công ty cùng ngành. Riêng trong lĩnh vực xây dựng, doanh thu của Công ty đạt 1.578 tỉ đồng, lợi nhuận ròng trên 73 tỉ đồng. Nhưng do việc chuyển nhượng Hòa Bình Tower lỗ gần 25 tỉ đã khiến Công ty giảm đến 1/3 lợi nhuận của năm. Đến nay, HBC đã chuyển nhượng 5/15 dự án bất động sản mà Công ty tham gia đồng đầu tư và đầu tư 100% vốn.

Tại Đại hội Cổ đông 2010 của Công ty, sau khi nghe những giải trình khó khăn, phương án vượt khủng hoảng, chiến lược kinh doanh cho giai đoạn tới, các cổ đông của HBC đã bỏ phiếu đồng thuận 100% cho cả 10 lần biểu quyết tại Đại hội. “Đây là một thành công ngoài mong đợi của một đại hội cổ đông”, một chủ tịch (không muốn nêu tên) của công ty tài chính đã niêm yết nhận xét.

Cho đến ngày 30.6.2010, tổng giá trị hợp đồng thầu xây dựng của HBC đã ký kết và đang thi công là 5.016 tỉ đồng. Ngoài ra, giá trị hợp đồng đang dự thầu và có nhiều khả năng trúng thầu là 1.400 tỉ đồng. Điều này có thể coi là dấu hiệu lạc quan về tài chính cho HBC. Tuy nhiên, ông Hải tỏ ra khá điềm đạm trước những điều trên. Ông cho rằng, trước tình hình ảm đạm của thị trường bất động sản, HBC vẫn chưa triển khai được những dự án đầu tư bất động sản đem lại hiệu quả sử dụng vốn cho cổ đông.

Ông cho rằng, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, những giải pháp được đưa ra để vượt khó vẫn phải bảo đảm sao cho các công trình phải hoàn thành đúng chất lượng và thời hạn. Việc triển khai dự án ERP (hệ thống quản trị nguồn lực doanh nghiệp) của HBC được tiến hành 2 năm nay cũng đã đạt được nhiều thành công, khẳng định hướng đi đúng của Công ty.

Thắng thầu bằng thực lực

Tuy thẳng thắn chia sẻ một số khó khăn của Công ty, nhưng ông Hải cũng cho rằng, HBC sẽ sớm vươn tới đỉnh cao nhờ vào kinh nghiệm và thực lực của mình để thắng thầu. Về kinh nghiệm của HBC, ông Hải tiết lộ rằng, tinh thần cầu thị, hợp tác thay vì đối đầu với các công ty quốc tế đã giúp HBC tăng nhanh doanh số, thị phần và học hỏi được các kỹ thuật thi công tiên tiến của nước ngoài. Thực lực của Công ty chính là dàn kiến trúc sư được đào tạo bài bản theo hình thức “du học tại chỗ” hoặc gửi đi đào tạo ở nước ngoài.

Các khu biệt thự đầu tiên như Mỹ Viên, Mỹ Thái, Mỹ Gia… đều do HBC thi công. Sau đó, khu hồ bán nguyệt CR5-CR8 tại Phú Mỹ Hưng, TP.HCM cũng được giao cho HBC. Ngoài ra, sau 2 tòa nhà E-Tower I và II, E-Tower tại quận 4 (TP.HCM) vừa rồi cũng được nhà đầu tư giao cho HBC làm nhà thầu chính.

Khi được hỏi, liệu đưa ra mức giá thấp thì khả năng thắng thầu có cao hơn không, ông Hải trả lời, đấu thầu một dự án bao giờ cũng có tính cạnh tranh về mức giá nhưng không phải khi nào giá thấp nhất cũng trúng thầu. Có dự án Công ty đưa giá cao hơn so với các nhà thầu khác nhưng vẫn được nhà đầu tư chọn, như một dự án ở Hà Nội.

Nói về việc “lobby” (tạo mối quan hệ) trước một dự án được đấu thầu của các nhà thầu xây dựng, ông Hải đưa ra quan điểm: Phương án tổ chức thi công, cách thức, biện pháp triển khai dự án, năng lực chuyên môn lẫn tài chính… sẽ quyết định việc thắng thầu hơn là các mối quan hệ.

Ông Hải cũng chia sẻ thêm, đối với công ty nhỏ chưa có nhiều kinh nghiệm làm nhà thầu chính, muốn thắng thầu phải nâng cao điểm kỹ thuật bằng việc lập biện pháp thi công thật tốt để bù vào mặt hạn chế về điểm kinh nghiệm. Tuy gọi là điểm kỹ thuật nhưng luôn luôn bao hàm cả năng lực tài chính. Đây cũng là một rào cản đối với các nhà thầu trong nước.
Ceovn.com