Thứ Hai, 14 tháng 12, 2009

"Mọi con sông đều dẫn ra biển lớn"

20 năm liền, Bầu Đức làm việc miệt mài, không có ngày nghỉ. Ông say mê kiếm tiền đến quên cả bản thân như để trả món nợ cuộc đời, trả nợ cho tuổi thơ nghèo khó làm thợ kéo cày tại quê nhà.

Lâu nay bầu Đức không chỉ nổi tiếng với những thương vụ đình đám trong làng bóng đá như mua cầu thủ nổi tiếng Kiatisuk, sở hữu phi cơ... người ta còn biết đến ông với danh hiệu người giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam năm 2008. Thế nhưng có một bầu Đức khác mà ít ai biết, đó là cậu bé nghèo khổ của mấy chục năm trước, với những trải nghiệm đắng cay đã trở thành ký ức hằn sâu trong con người ông cho đến tận bây giờ.

Đức sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, đông anh em. Mẹ tần tảo làm ruộng nuôi 9 anh em ăn học bằng bữa cơm độn sắn, độn khoai. Cậu bé Đoàn Nguyên Đức ngày ngày dắt trâu ra đồng, thả ước mơ vào bãi ngô xanh và cánh diều no gió. Lúc bấy giờ Đức chỉ có một tâm nguyện duy nhất là có tiền để học, học thật giỏi, đậu đại học và một cái nghề để thoát ra khỏi cuộc sống bần hàn. 10 năm dắt trâu ra đồng, kéo cày, xẻ đất, cái nắng cái gió làm cháy tóc sạm da càng khiến cho Đoàn Nguyên Đức nuôi quyết tâm thoát nghèo.

Khát vọng của bầu Đức là có tên trong danh sách tỷ phú thế giới. Ảnh: Baobongda.

Lớp 12, năm 1982, cậu khăn gói quả mướp vào TP HCM thi đại học, mang theo khát vọng của cả gia đình và những tham vọng từ thuở ấu thơ. Thế nhưng, con đường học vấn không mở ra trước mắt. Năm ấy, Đức trượt đại học… Không nản lòng, cậu lại vùi đầu vào sách vở. Sáng dắt trâu ra đồng, chiều về tranh thủ học bài. Nhưng dù cố gắng đến mấy, Đức vẫn không thể vào được cổng trường đại học. Như một định mệnh, cả 4 lần đi thi Đức đều không đạt kết quả như ý muốn.

Những năm 80, học vấn được coi là thước đo giá trị con người. Nếu không vào đại học cũng đồng nghĩa ước mơ thoát nghèo của cậu bé Đoàn Nguyên Đức chấm dứt và sẽ phải chấp nhận chôn vùi tuổi trẻ tại quê nhà, với con trâu cái cày, nương rẫy và đại ngàn.

“Sau những cú sốc, đau và thừa nhận mình dốt, tôi đã ngửa mặt lên trời và tự nói với bản thân rằng ngã ở đâu tôi sẽ đứng lên ở đó", Đức nhớ lại. Khi ấy, ông nhớ đến hình ảnh của mẹ, người phụ nữ miền sơn cước tần tảo nuôi 9 anh em Đức ăn học. Và ông chợt nhận ra rằng có nhiều con đường để dẫn đến thành công. "Con đường học vấn không mỉm cười với mình thì nên chọn con đường khác. Mọi con sông đều dẫn ra biển lớn, mọi con đường đều chia ra những lối rẽ riêng”, bầu Đức nói.

Thế rồi, cậu thanh niên 22 tuổi khăn gói quả mướp lên đường mang theo nhiệt huyết của tuổi trẻ và khát vọng làm giàu. Không tiền, không học vấn, con đường đầy mịt mù mở ra trước mắt. Lúc bấy giờ, ông không biết sẽ bắt đầu từ đâu và bằng công việc gì. Ông chỉ nhớ rằng mình đã làm đủ mọi nghề để nuôi sống bản thân, để tích góp kinh nghiệm và cố sáng tạo để tìm lối đi riêng. Và cũng chính vì không đạt được ước nguyện bằng con đường học vấn nên Đức chọn con đường khởi nghiệp riêng không qua trường học mà bằng trường đời.

Sau một thời gian làm thuê, Đức tích góp được một khoản tiền đủ để ông mở một phân xưởng nhỏ chuyên đóng bàn ghế cho học sinh tại quê nhà. Ấy là vào năm 1990, ông tự tay cưa, bào đục đẽo để làm ra sản phẩm đầu tiên là chiếc bàn cho học sinh. Sau đó ông mở rộng hoạt động kinh doanh sang sản xuất đồ nội thất rồi nhiều lĩnh vực khác để hình thành nên tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai ngày hôm nay.

Bầu Đức thừa nhận có một nhân vật tỷ phú đã tác động khá mạnh tới tính cách, lối sống, và cách nghĩ suy của ông bây giờ. Đó chính là Bill Gates - tỷ phú người Mỹ khởi nghiệp bằng một chiếc máy tính nhỏ với con đường học vấn dở dang. Ông đã đọc say sưa cuốn sách viết về 100 tỷ phú thế giới, trong đó có nói về tỷ phú thế giới Bill Gates - người giàu thế giới suốt mấy năm liền. Ông có cảm giác như mình có duyên nợ và nét gì đó rất tương đồng với Bill Gates - tỷ phú thành công không bằng con đường học vấn. “Và tôi hiểu rằng trường đại học của tôi chính là đường đời. Đôi khi tôi tự hỏi, nếu không có tuổi thơ cơ cực, và thất bại trong con đường học vấn, chắc gì, tôi đã có ngày hôm nay”, ông Đức nói.

Miền quê Gia Lai của Bầu Đức giờ đã đổi thay nhiều. Đời sống người dân cũng đã nâng lên, căn nhà gỗ gắn bó với tuổi thơ của ông cũng đã được sửa sang, cơi nới. Và cậu thanh niên Đoàn Nguyên Đức từng suốt 10 năm dắt trâu ra đồng kéo cày đẽo đất khi xưa giờ đã là tỷ phú và là người giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt năm 2008. Thế nhưng bầu Đức vẫn kiên quyết giữ lại mảnh đất cũ - nơi ông đã từng nếm trải đắng cay, cơ cực. Ông tâm sự: “Ba mẹ tôi vẫn ở quê cách thành phố 20 km. Anh em chúng tôi lớn lên mỗi đứa lập nghiệp một nơi song vẫn quây quần bên ba mẹ những ngày lễ Tết. Quê nghèo nhắc cho tôi rằng phải phấn đấu không ngừng nghỉ. Tôi cảm ơn mảnh đất này”.

Vẫn là hình ảnh cây cau cây dừa, nhưng mỗi lần về thăm quê Bầu Đức lại thấy cảm giác khó tả và cay cay nơi sống mũi. Những kỷ niệm buồn vui xa xưa lại ùa về. “Lúc ấy, tôi lại thấy mình ngày xưa, đang dắt trâu ra đồng chuẩn bị cày trên thửa ruộng sắp vào mùa”, bầu Đức nói.

40 năm qua đi, giờ ông Đức đã có trong tay tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai với giá trị ròng lên tới vài chục nghìn tỷ đồng, một câu lạc bộ bóng đá lừng danh với những chân sút nổi tiếng được mua về. Thế nhưng bầu Đức vẫn không cho phép mình được dừng lại. Ông vẫn làm việc ngày đêm không ngừng nghỉ. Làm việc như thể để trả nợ cuộc đời và một điều lớn lao hơn - ông muốn thực hiện khát vọng của một doanh nhân Việt. Ông muốn làm điều mà nhiều doanh nhân thế giới đang làm.

Và khát vọng cuối cùng của bầu Đức là có tên trong danh sách tỷ phú thế giới chứ không còn đơn thuần là người giàu VN. “Tất nhiên, ước mơ chỉ là ước mơ, tôi tin rằng, tất cả những doanh nhân tâm huyết làm giàu đều mong muốn và phấn đấu vì điều này. Đây không còn là danh dự cá nhân mà còn là niềm tự hào dân tộc”, bầu Đức nói.

Ở cái tuổi ngoại tứ tuần, sự nghiệp đã đạt độ chín, tiền bạc cũng không còn là vấn đề bận tâm, bầu Đức đang dành nhiều thời gian hơn để thực hiện khát vọng của mình. Năm 2008, lần đầu tiên, cổ phiếu của Hoàng Anh Gia Lai được niêm yết trên sàn chứng khoán. Với trên 55% số cổ phiếu sở hữu, bầu Đức trở thành người giàu nhất sàn chứng khoán Việt 2008 do VnExpress.net bình chọn.

Bất chấp khủng hoảng, suy thoái, dưới bàn tay chèo lái của Chủ tịch Đoàn Nguyên Đức, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai vẫn đạt kết quả khá ấn tượng với lợi nhuận 1.700 tỷ đồng năm 2009. Bầu Đức chia sẻ, năm 2008 khi nhìn thấy bức tranh ảm đạm và âm u của nền kinh tế, Hoàng Anh Gia Lai chỉ dám đặt ra mục tiêu lợi nhuận cho năm 2009 ở con số khiêm tốn 1.150 tỷ đồng. Thế nhưng khi lao vào cuộc chiến, ông nhận thấy có rất nhiều cơ hội và có nhiều ngách nhỏ để ông len vào và đạt thành công. “Kết quả thật ấn tượng, chúng tôi đã làm được và đạt tới con số 1.700 tỷ đồng lợi nhuận”, ông Đức chia sẻ.

Ông cho hay trong cuộc đời kinh doanh của mình chưa khi nào đối mặt với khó khăn như năm 2008 và 2009. Thị trường tiền tệ 2008 quá tồi tệ, năm 2009 chưa thoát khỏi khó khăn, hàng loạt doanh nghiệp rơi vào tình cảnh nhìn đâu cũng thấy khó. Bức tranh ảm đạm bao trùm kinh tế của cả thế giới. Bầu Đức rơi vào trạng thái bi quan thực sự, và có lúc ông tính chuyện buông xuôi. Ấy là vào tháng 7/2008, khi chứng kiến cảnh hàng loạt tập đoàn kinh tế lớn của thế giới tuyên bố phá sản. Cứ mỗi sáng mở mắt, đã thấy có 2 doanh nghiệp của Mỹ tuyên bố phá sản hoặc có đơn xin bảo hộ, ông lại thấy hoang mang và cảm giác, khủng hoảng như đang đến sát mình.

Tại VN, doanh nghiệp cũng rơi vào cảnh điêu đứng hàng loạt. Thị trường chứng khoán tụt dốc, chỉ số VN-index dò dẫm tìm đáy, bất động sản đóng băng…, nhiều doanh nghiệp rơi vào cảnh càng kinh doanh càng lỗ. Bầu Đức hiểu rằng, trong bối cảnh như vậy, người tài giỏi lắm cũng không tránh khỏi trạng thái hoang mang và ông đặt Hoàng Anh Gia Lai vào tình trạng khẩn cấp với nhiều kịch bản được đưa ra. Các kế hoạch kinh doanh và mục tiêu lợi nhuận liên tục được điều chỉnh. Và nhờ những quyết sách đúng, kịp thời nên Hoàng Anh Gia Lai là một trong số những doanh nghiệp sớm thoát ra khỏi khủng hoảng và giữ vững được hoạt động kinh doanh của mình.

Trong kế hoạch kinh doanh năm 2010, Hoàng Anh Gia Lai dự kiến đạt mức tổng lợi nhuận trước thuế từ 2.500 đến 3.000 tỷ đồng. Công ty đang đẩy nhanh triển khai nhiều dự án, chẳng hạn Dự án Khu chung cư An Tiến (Nhà Bè, TP HCM), Riverview, Phú Hoàng Anh, đường Nguyễn Hữu Thọ, TP HCM và nhiều dự án khác ở Đà Nẵng, Đăk Lăk và Gia Lai…

Hồng Anh

Thứ Bảy, 12 tháng 12, 2009

Đỗ Thị Kim Liên, "thuyền trưởng" của "con tàu" AAA


Phải chăng câu nói "Hoàn cảnh tạo nên tính cách, tính cách tạo nên số phận" luôn luôn đúng trong mọi thời đại. Đối mặt và chinh phục tất cả những khó khăn, thử thách từ thuở sơ khai của Công ty Bảo hiểm AAA, cùng với lòng quyết tâm và sự tự tin tràn đầy, chị Đỗ Thị Kim Liên xứng đáng với danh hiệu "Bông hồng vàng" dành cho nữ doanh nhân thành đạt.

Chị được sinh ra trong những năm cuối thập kỷ 60 của thế kỷ trước tại làng Phúc Thắng - Mê Linh - Vĩnh phúc, đúng vào thời kỳ miền Bắc kinh tế khó khăn, sống trong một gia đình làm nghề nông với cái nghèo đeo đẳng. Cuộc sống cơ cực vật lộn với miếng cơm manh áo đã vô tình hình thành trong chị Liên khát vọng được làm ra thật nhiều tiền để rời xa vĩnh viễn cái cảnh đói nghèo.

Là con thứ 4 trong 6 anh chị em, tuổi thơ chị chủ yếu sống với bà nội bởi bố chị vắng nhà thường xuyên còn mẹ chị tần tảo chạy chợ nuôi cả gia đình. Từ bé chị Liên đã có thể chăn trâu, chăn bò, gặt lúa...

Thời cắp sách đến trường, chị nhiều năm được bầu làm lớp trưởng từ hồi học cấp 2 cho tới suốt những năm học phổ thông. Mang trong mình biết bao ước mơ và hoài bão như những cô gái mới lớn khác nhưng chị không được làm theo ý mình bởi bố chị muốn chị theo ngành giáo viên. Đối với chị đây là một nghề nhàm chán nhưng chị vẫn làm theo lời bố chị thi đỗ vào khoa Văn trường Đại Học Sư Phạm.

Ra trường chị dạy ở trường cấp 2 Kim Anh, rồi chuyển sang cấp 3 Xuân Hòa. Dù có công việc ổn định, nhưng cái khát vọng từ thời thơ bé vẫn luôn tiềm ẩn trong chị và cũng chính nó đã tạo nên một bước ngoặt cho cuộc đời chị. Sau khi bỏ dạy vào Vũng Tàu và làm thuyết minh cho Viện Bảo Tàng thành phố, rồi chị làm ở Trung tâm an toàn dầu khí việt Nam, hãng film truyền hình nhưng tất cả chỉ là những điểm dừng ngắn ngủi trên chặng đường sự nghiệp của chị. Đến năm 1995 chị ra Bắc chịu tang mẹ.

Năm 1996 chị xin được vào làm cộng tác ở Công ty Bảo Minh, lúc này do thu nhập không đủ nên chị vừa phải đi bán bảo hiểm vừa phải bán sách ở đường Đồng Khởi. Hơn một năm sau chị mới được nhận vào làm nhân viên chính thức.

Trong công việc chị có nhiều bức xúc vì không có quyền để quyết định làm đúng trách nhiệm và lương tâm thôi thúc chị phải trở thành người làm chủ. "Tôi rất ấm ức vì thân phận thấp bé của mình không làm được điều mình mong muốn và lòng tự trọng khiến tôi quyết tâm phải mở bằng được công ty riêng để thực hiện ý nguyện của mình", chị Liên tâm sự.

Chị Đỗ Thị Kim Liên nhận giải thưởng Vương miện Vàng từ ông Jose. E Prieto, Tổng Giám đốc BID. Ảnh: T.L.
Năm 2005, chị chính thức tách ra cùng những người làm có tâm huyết tại Bình Minh để ra thành lập công ty bảo hiểm riêng. Với sự góp vốn không nhỏ, chồng chị đã cùng chị đặt nền mòng để xây nên ngôi nhà AAA.

Lúc đầu cả lãnh đạo lẫn nhân viên chỉ vẻn vẹn 9 người cùng chen chúc nhau trong cái văn phòng 12m2. Nhưng chỉ sau 2 năm hoạt động, Công ty Cổ phần Bảo hiểm AAA đã nhanh chóng tạo được niềm tin cho khách hàng và khẳng định một vị thế vững chắc trong ngành bảo hiểm và đã nhanh chóng trở thành một trong những nhà bảo hiểm phi nhân thọ hàng đầu Việt Nam. AAA được đánh giá là doanh nghiệp trẻ đầy triển vọng.

Chị Đỗ Thị Kim Liên, với cương vị là tổng giám đốc, nắm trong tay một tài sản khổng lồ 380 tỷ đồng với 4000 cán bộ, nhân viên dưới quyền nhưng chị chưa bao giờ quên mình đã từng là một người bán hàng. "Đừng chờ cơ hội đến mà hãy tạo cơ hội cho mình. Không có công việc nào cỏn con cả, chỉ có tư duy của mình là cỏn con thôi", chị lý giải.

Với một bí quyết mà bất cứ người lãnh đạo nào cũng phải biết, để có thể "cầm lái" được cả một "con tàu" AAA chị Kim Liên luôn trân trọng yếu tố con người. "Tôi chiêu mộ người tài bằng cái tâm, tin dùng họ, Tôi giao nhiệm vụ cho họ rõ ràng để họ thỏa sức phát huy năng lực. Họ phải chịu trách nhiệm về công việc của mình. Như vậy, ai cũng phát huy được sở trường", chị khẳng định.

Thêm vào đó, chìa khóa thành công của chị Liên còn nằm ở 3 tiêu chí trong kinh doanh bao gồm: Đem đến an tâm cho khách hàng, đem đến an tâm cho các cổ đông và đem đến an tâm cho các nhân viên để họ được phát huy hết trình độ và năng lực của mình. Mang lại những thành tích, giải thưởng dành cho cá nhân của công ty và dành cho cả doanh nghiệp.

Những thành quả đó xứng đáng với nghị lực, với niềm đam mê và cả tài năng của "bông hồng thép" Đỗ Thị Kim Liên.

Thứ Sáu, 4 tháng 12, 2009

Hành trình giấc mộng CEO


Ngô Ngọc Nga đã có 6 năm để đi từ vị trí nhân viên lên vai trò phó tổng giám đốc Công ty Phan Nam Monte Rosa kiêm giám đốc điều hành (CEO). Chị đã ghi lại nhật ký hành trình biến giấc mộng CEO của mình thành hiện thực...

Tại sao người ta có thể làm được? Tháng 8/2002: Tốt nghiệp đại học, mình sẽ phải đi làm, sẽ bắt đầu công việc như thế nào nhỉ? Ngày nào đọc báo, cũng thấy giới thiệu về những doanh nhân thành đạt. Tại sao người ta giỏi thế, không cần vốn, không cần người đỡ đầu, tự xoay trở mà cũng vươn lên làm giám đốc, chủ doanh nghiệp? Mình sẽ phải làm gì để có thể giỏi như họ. Thôi thì bắt đầu như mọi người, xin việc ở một công ty.

Tháng 8/2004: Mình đã làm việc ở công ty máy tính này hơn năm rồi. Nếu cứ cần mẫn và tỉ mỉ với nhiệm vụ, mình sẽ làm rất giỏi, nhưng chẳng có thể học thêm được gì mới. Hôm nay mình nghe nói Công ty Phan Nam đang cần tuyển người, sẽ nộp đơn xin việc xem sao. Mình sẽ xin việc ở vị trí nào đây: nhân viên kinh doanh, nhân viên phòng marketing, nhân viên phòng quảng cáo… hay là xin làm thư ký, hoặc làm trợ lý tổng giám đốc để có cơ hội gần gũi với những người điều hành, để được học nhiều hơn? Hy vọng là với sự nhanh nhẹn (má hay nói vậy) và chịu khó của mình, người ta sẽ nhận.

Tháng 5/2005: Không ngờ là mình học nhiều và nhanh đến thế, dù quá mệt và chẳng còn thời gian cho bản thân. Làm trợ lý tổng giám đốc mà buổi sáng phải vào công ty từ 7 giờ, buổi chiều phải làm đến hết việc mới về, có lúc ra khỏi văn phòng mỏi nhừ cả người, váng cả đầu. Lâu lắm rồi mình chẳng có thời gian đi shopping, đi xem phim, đi karaoke với bạn bè. Thế nhưng mình cảm thấy vui lắm, học được cách suy nghĩ, cách tổ chức công việc, cách nhìn nhận vấn đề từ người đứng đầu công ty. Mình thật vui mà cũng thật lo vì “sếp tổng” đã tin tưởng và quyết định giao cho mình trách nhiệm của trưởng phòng kế hoạch. Từ giờ trở đi, mình sẽ theo sát cô giám đốc điều hành, để học ở cô cách tổ chức công việc, cách cư xử với mọi người, rồi còn phải xếp giờ đi học thêm nhiều môn nữa…

Học là phải nhớ

Tháng 2/2006: Cô giám đốc điều hành cho biết sắp nghỉ việc, và cô ấy đề nghị mình sẽ vào vị trí giám đốc điều hành thay thế. Trời ạ, làm sao mình đảm đương nổi. Làm việc hai năm, mình chỉ có ưu điểm duy nhất là chịu khó lắng nghe và ghi chép, những gì các cô, các chú đã nói, đã chỉ dẫn và không bao giờ làm sai. Từng tình huống giao tiếp, từng câu nói trong hành xử công việc với người trên, với đối tác, với cấp dưới mình cũng ghi và nhớ. Các sếp nhận xét là tuy chưa sáng tạo, chưa có thâm niên kinh nghiệm, nhưng với sự năng động, tháo vát và chịu khó, mình có thể vào được vai trò CEO.

Tháng 3/2007: Vậy là mình đã làm được, mình đã trở thành CEO của công ty có trên 100 nhân viên. 6 tháng qua mình chia quỹ thời gian cho việc học hành, việc quản lý còn chưa hợp lý lắm, cần dành thời gian nhiều hơn nữa để học kiến thức về CEO, quản lý tài chính, quản lý nhân sự… cũng may mình đã học các kiến thức cơ bản để làm việc, bây giờ học thêm về vai trò quản lý nữa cũng dễ tiếp thu. Mình tự biết hạn chế của mình là còn quá trẻ, nên khi gặp đối tác họ thường xem mình là “còn nhỏ” làm mình thiếu tự tin. Cố gắng, cố gắng và cố gắng hơn nữa. Mình sẽ giỏi hơn, vì có lợi thế là trẻ mà.

Tháng 8/2007: Mình vừa nhận được quyết định làm phó tổng giám đốc công ty. Gần bốn năm ở Phan Nam Monte Rosa, mình đã thấy nhiều nhân viên làm việc chưa đầu tư hết khả năng của họ, nhiều người được giao việc chưa xong đã về… Mình sẽ tiến hành cuộc cách mạng: thay đổi và cải cách các bộ phận, thay đổi cách trả lương để thu hút chất xám, quy định trách nhiệm cụ thể cho từng nhân viên đi đôi với chế độ họ được hưởng…
Theo Sài Gòn tiếp thị

Đào tạo giám đốc điều hành (pro ceo)


Với khát vọng 15 năm sau Việt Nam có thể xuất khẩu giám đốc ra nước ngoài, anh xách va-li ra đi để rồi tìm cách mang kiến thức thế giới về Việt Nam và dựng lên PACE - một trường đào tạo giám đốc.

Từ năm 2001, tên tuổi Giản Tư Trung và Tòa nhà PACE ở số 341 Đường Nguyễn Trãi, Quận 1, TP.HCM đã gắn liền nhau, nổi lên như một hiện tượng trong giới doanh nhân không riêng gì ở Sài Gòn mà hầu như khắp cả nước.

Sau hơn bốn năm thành lập, đã có hàng chục ngàn doanh nhân trong và ngoài nước tìm đến với PACE để cập nhật kiến thức về quản trị và kinh doanh thông qua việc tham gia rất nhiều chương trình, chuyên đề đào tạo mà người sáng lập ra nó đã tự hào rằng: "Nhiều chương trình đào tạo chỉ ở PACE mới có".

Phi bằng cấp - Giá trị thực

Tòa nhà PACE khang trang. Lớp học hôm ấy dành cho giám đốc, phòng học trang trọng với 6 nhóm vừa đủ cho 42 học viên. Tôi được xếp ngồi hàng ghế sau cùng để thuận tiện cho việc tác nghiệp. Chuyên đề đầu tiên của chương trình đào tạo “Giám đốc Điều hành Chuyên nghiệp” (Pro CEO) kéo dài 6 tháng là “Phác hoạ chân dung của một Pro CEO” do chính anh Giản Tư Trung - Người sáng lập PACE - đứng lớp.
"Anh chị muốn phác thảo như thế nào cũng được, có thể bằng ngôn ngữ viết, ngôn ngữ nói, hoặc vẽ ra, thậm chí lên đây múa cũng không sao" - Vừa nói, anh Trung vừa phát cho mỗi nhóm một tấm plastic. Mọi người tỏ ra rất hào hứng với việc phác thảo chân dung của một con người chuyên nghiệp trong lĩnh vực quản lý điều hành.

Hết thời gian thảo luận nhóm, “thần tượng quản lý” (Pro CEO) của từng nhóm lần lượt được anh Trung cho hiện dần trên màn hình máy chiếu. Có nhóm không chỉ viết mà còn vẽ minh hoạ hình một người với nhiều chú thích: mắt tinh tượng trưng cho tầm nhìn xa, mũi thính tượng trưng cho sự nhạy bén, trán cao tượng trưng cho sự uyên bác, cổ cao tượng trưng cho sự linh hoạt mềm dẻo, tai thính tượng trưng cho người biết lắng nghe,…Ngoài ra, có những nhóm đưa ra những tiêu chuẩn bổ sung như: “Giám đốc điều hành trước hết phải là một… con người”, “Giám đốc phải biết… liều”, “Giám đốc điều hành là phải… lăn xả”…

Muốn biết được VN sẽ có những doanh nghiệp chinh phục được thế giới hay không thì phải xem là có những doanh nhân có khả năng chinh phục thế giới hay không. Bởi doanh nghiệp được dẫn dắt bởi doanh nhân, và đó phải là doanh nhân có tầm nhìn toàn cầu và một khát vọng mãnh liệt vươn ra thế giới.

Với PACE, để trên danh thiếp của mình mang hai chữ: "Giám đốc" thì dễ (chỉ cần một quyết định bổ nhiệm là đủ) nhưng việc trở thành giám đốc điều hành chuyên nghiệp thì câu chuyện...phức tạp hơn nhiều. Trước hết phải là người có tố chất bẩm sinh của một nhà quản lý (bởi vì quản trị là một nghệ thuật). Sau đó, cần phải trang bị những kiến thức quản trị cần thiết (vì quản trị là một khoa học, mà đã là khoa học thì phải học mới biết, và học tại trường lớp hay tự học). Ngoài ra, còn phải có những trải nghiệm trong cuộc sống và trong quản lý.

Theo anh Trung, các học viên đến với PACE không phải chỉ là đi học mà còn là đi chơi (chơi trò chơi quản trị kinh doanh). Vì thế nên trong lớp học cần phải thoải mái.
"Cuộc chơi" hôm ấy của anh cùng những học trò mà tôi được chứng kiến kéo dài từ 18 giờ đến 22 giờ 30 phút, thế mà 42 người cùng chơi với anh lại rất thoải mái.

Gặp lại “ông bầu” sau đó, tôi thắc mắc vì sao anh cho “học trò” anh chơi khuya như thế, anh cười hào hứng: “Có buổi gần 12 giờ đêm mà vẫn chưa về, thế nhưng anh em vẫn cứ thích thú, lớp học vẫn đầy hào hứng từ phút đầu cho đến phút chót. Chơi cũng là làm, mà đã là làm thì "hết việc chứ không hết giờ" nên có hôm đến gần nửa đêm mới tan lớp là chuyện bình thường”.

Qua lời giới thiệu của các học viên trong lớp, tôi nghe có đủ cả giọng Bắc - Trung - Nam. Có người đã tham gia hai, ba khoá từ trước. Nhiều lớp có cả người nước ngoài tham dự. Có người từ Hà Nội, Hải Phòng… vào. Anh Trung cho biết: “Hiện nay, có một số chương trình ở PACE luôn luôn trong tình trạng không đủ chỗ ngồi...”.

Được biết, trong mỗi khóa học của chương trình đào tạo Giám đốc điều hành tại PACE, luôn luôn có ít nhất 5 tổng giám đốc của các tập đoàn hàng đầu thế giới tham gia đứng lớp để chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm quản trị với học viên. Đó cũng là một điều mà dường như bất di bất dịch ở PACE, cũng giống như văn hoá của PACE là “Tôn vinh giá trị thực học”. Số người đến với PACE đang tăng lên ngày càng nhiều.

Bất kỳ ai đó mở cuốn sổ góp ý của PACE cũng đều đọc được những dòng chữ ưu ái mà học viên ghi lại. Sau khi tham dự một khóa học ngắn hạn về kiểm soát nội bộ tại PACE, Giám đốc Công ty Viễn Cảnh đã viết: "Giá trị của khóa học này không phải 5 triệu đồng mà phải là… 50 triệu đồng". Cũng sau một vài khóa học khác tại PACE, Chủ tịch HĐQT của Dệt Thái Tuấn viết: "Các khóa học tại PACE đã giúp tôi thay đổi rất nhiều về tư duy và phương pháp quản trị theo hướng tiếp cận với thế giới". Hay anh Tuấn đến từ Hà Nội đã chấp nhận gián đoạn công việc kinh doanh trong 6 tháng, viết: “Để nói về PACE lúc này thì tôi chỉ nói “Chọn PACE là đúng".

"Nhập khẩu" kiến thức

Kể từ ngày thành lập, PACE đã tự đặt lên vai mình sứ mệnh "Góp phần đưa kiến thức của thế giới vào Việt Nam để phát triển con người cho các doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam".
Vậy đưa kiến thức của thế giới vào Việt Nam bằng cách nào? Bằng cách "nhập khẩu" các chương trình đào tạo nổi tiếng của thế giới, rồi tiến hành "Việt Nam hóa" các chương trình đào tạo danh tiếng này. Và đây cũng là cách để PACE góp phần vào sự nghiệp "Quốc tế hóa" trình độ nguồn nhân lực cao cấp cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Hiện nay, PACE đang liên kết với các tổ chức giáo dục hàng đầu thế giới để nhập khẩu các chương trình đào tạo của họ.

Khoảng 10 đến 15 năm trước đây, ít ai nói cho lớp trẻ biết nếu làm một giám đốc đẳng cấp quốc tế thì sẽ phải có tố chất gì, phải học cái gì và học như thế nào".

Hiện chúng ta thiếu giám đốc chuyên nghiệp trầm trọng (từ giám đốc điều hành, giám đốc tài chính, giám đốc tiếp thị, giám đốc nhân sự, cho đến giám đốc sản xuất…), và trước mắt Việt Nam ta phải nhập khẩu giám đốc từ nước ngoài để đáp ứng nhu cầu phát triển của các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, có thể 10 đến 15 năm sau, chúng ta không chỉ đủ giám đốc cho nhu cầu trong nước, mà còn có thể xuất khẩu giám đốc ra thế giới.

Thực ra, vấn đề không nằm ở chỗ "nhập khẩu" hay "xuất khẩu" giám đốc, mà là nằm ở "niềm tin" và "khát vọng". Niềm tin vào năng lực của người Việt Nam không hề thua kém các nước khác, là khát vọng của người Việt Nam mong muốn vươn lên ngang tầm quốc tế. Niềm tin vào sự trỗi dậy mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam trong tương lai… Và có một điều mà tôi thường trăn trở là phải làm những gì (cụ thể và thiết thực) để giám đốc người Việt Nam có được một nền kiến thức quản trị ngang bằng trình độ thế giới".

* Đào tạo giám đốc (GĐ điều hành, GĐ tài chính, GĐ tiếp thị, GĐ nhân sự, GĐ sản xuất…) là một lĩnh vực hết sức mới mẻ ở Việt Nam, vậy PACE tuyển và trả công giảng viên theo cách nào?
- Một giảng viên của PACE thường đạt năm tiêu chí chính. Hai tiêu chí đầu tiên là phải có chuyên sâu về lý thuyết, và dày dạn kinh nghiệm thực tiễn. Nói cách khác, họ là người nước ngoài hoặc là người Việt Nam có kiến thức và kinh nghiệm quốc tế về chuyên đề mà họ phụ trách. Họ là các "chuyên gia", chứ không chỉ là "nhà khoa học".

Thứ ba, họ phải thực sự có tâm huyết chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm của mình cho cộng đồng doanh nghiệp, chứ không phải đơn thuần vì lý do tiền bạc.

Thứ tư, có khả năng truyền đạt tương đối tốt (năng khiếu sư phạm). Cuối cùng là phải có ngoại hình, không cần đẹp, nhưng phải chuyên nghiệp. Tất cả những điều đó mình rất dễ nhận thấy ở họ chứ không khó khăn gì. Và đến thời điểm này chưa có một giảng viên nào “mất lòng” với PACE cả. chưa có một giảng viên nào “mất lòng” với PACE cả. Hiện không chỉ có một đội ngũ giảng viên "hùng hậu" trong nước, mà PACE còn có cả một mạng lưới giảng viên thỉnh giảng ở nhiều nước trên thế giới.

Trướ hết, chúng tôi "nhắm" đến những người có đủ những tiêu chí đó để mời cộng tác. Giảng viên của PACE người Việt hay đến từ nước ngoài. Phần đông trong số giảng viên người Việt là những người từng học và tu nghiệp tại các trường danh tiếng của nước ngoài, và đang là giám đốc thành đạt ở các tập đoàn nước ngoài đang hoạt động ở Việt Nam. Ở một khía cạnh nào đó, họ là tri ân của chúng tôi.

Giám đốc người nước ngoài giúp PACE chuyên nghiệp hơn.
* Anh đã làm những gì để PACE được như ý mình muốn? - Nỗ lực để "nhập khẩu" được các chương trình đào tạo nổi tiếng thế giới đã khó, về đến Việt Nam lại còn nhiều khó khăn hơn. Đưa được tài liệu về rồi lại phải "xô ngã" ba rào cản lớn thì "dòng chảy" kiến thức mới đổ vào nước mình được.

Rào cản thứ nhất là phải Việt hoá toàn bộ giáo trình, mà ngôn ngữ chuyên ngành thì cực khó. Tham gia vào việc này ở PACE có một đội ngũ riêng, trong đội ngũ ấy có người là giảng viên của PACE, có người chỉ là chuyên gia thuần túy.

Thứ hai là phải rút ngắn thời gian học lại. Ở Anh hay Mỹ, một chương trình như thế này có thể kéo dài từ 3 đến 4 năm. Thế nhưng, "áp" vào Việt Nam thì phải "nén" lại trong vòng 6 tháng. Cái khó là dù vậy vẫn đảm bảo chất lượng.

Thứ ba là chi phí cho cả khoá học thấp hơn nhiều so với nước ngoài, từ vài ba trăm triệu xuống còn trên dưới chục triệu (VND).

Thực ra, đưa giáo trình tài liệu đào tạo về thì không khó vì sách vở nước nào cũng có. Gian nan nhất phải nói đến chuyện "vận chuyển" cả công nghệ đào tạo, phương pháp đào tạo, quy trình đào tạo như thế nào và những thứ liên quan khác thì đó mới là điều đang nói. Cùng các đồng sự ở PACE, Giản Tư Trung đã thiết kế ra nhiều sản phẩm giáo dục mới lạ, hầu như chưa có mặt tại Việt Nam. Đây là những sản phẩm mà các doanh nghiệp Việt Nam đang rất cần, rất thiếu.
Mỗi sản phẩm giáo dục của PACE là một trí tuệ riêng, một ý tưởng và cá tính sáng tạo riêng. Các chuyên đề “Kế toán dành cho sếp”, “Kiểm sóat nội bộ doanh nghiệp”... ở PACE là những giáo trình từ trước đến giờ chưa từng tồn tại ở Việt Nam. Giấc mơ xuất khẩu giám đốc


Với khát vọng để giám đốc Việt Nam có một trình độ nền tảng về kiến thức quản trị ngang bằng với thế giới; để khoảng 15 năm sau Việt Nam có thể xuất khẩu giám đốc ra nước ngoài; để Việt Nam có vị trí trong những tập đoàn giáo dục hàng đầu Đông Nam Á... anh xách vali ra đi, đi để mang kiến thức quản trị của các tập đoàn bậc nhất thế giới về Việt Nam và dựng lên PACE. Khi ấy ở tuổi chưa đầy 30, độ tuổi có lắm người chưa lo được cho mình nơi ăn, chốn ở.

Giản Tư Trung là người có cá tính mạnh trong công việc. Công việc với anh là niềm đam mê lớn vì không ngày nào giống ngày nào. Khi bạn bè thắc mắc vì đâu anh cứ bận rộn như thế, anh cười hào hứng: "Tôi quan niệm mình chơi chính là làm những gì mình thích và làm là thực hiện những gì mình không thích, vì vậy tôi cảm thấy mình chơi suốt cả ngày lẫn đêm".

Tôi có một triết lý rất riêng mà tôi đã thực hiện trong nhiều năm qua và chắc chắn sẽ còn theo đuổi cho đến hết phần đời còn lại của mình, đó là: Chơi là làm những gì mà mình thích, và làm là chơi những gì mà mình không thích. Hiểu theo cách đó thì tôi chơi suốt ngày đêm chứ đâu có làm gì!? Được làm những điều mà mình thích cũng là… hưởng thụ. Tôi tận hưởng điều này và cảm thấy mình sinh ra để "chơi" và "hưởng thụ". Tôi có niềm tin vào cuộc đời, và sống trọn vẹn vì niềm tin đó nên cảm thấy lúc nào cũng thoải mái. Nhiều năm nay, tôi đã tự tạo ra việc để làm, và luôn cố gắng đặt "cái riêng" trong "cái chung" của cộng đồng. Do vậy, khi tôi làm cho mình thì cũng là cống hiến cho cho đất nước. Một khi "cái riêng" và "cái chung" hòa quyện với nhau, một khi không phân biệt được mình đang "làm" hay đang "chơi", thì đó cũng là lúc mà cuộc sống thực sự thăng hoa.

Giản Tư Trung cho biết, ngày mới thành lập PACE gặp rất nhiều khó khăn, nhất trong việc làm thể nào để doanh nhân nhân có thể đến trường tư và đi học không cần quan tâm đến chuyện bằng cấp... Anh ra nước ngoài, tìm đến những tổ chức có sở hữu những chương trình đào tạo nổi tiếng thế giới về lĩnh vực quản trị và kinh doanh để xin được hợp tác, giúp đỡ. "Khi trình bày để đưa những chương trình của họ về Việt Nam, họ còn chưa tin là người Việt Nam có thể học tốt những chương trình này. Chúng tôi phải thuyết phục: “Chúng tôi là một nhóm người Việt Nam, chúng tôi thấy có thể học tốt, lĩnh hội được thì rất nhiều người Việt Nam khác có thể làm tốt hơn chúng tôi”.

Cuối cùng họ cũng đồng ý. - Anh Trung nói.

Bây giờ, PACE là một tổ chức giáo dục gần gũi với doanh nhân Việt Nam và quen thuộc với nhiều tổ chức giáo dục trên thế giới. Tham gia vào sự nghiệp giáo dục của PACE là nhiều tên tuổi lớn của thế giới như Học viện Quản lý và lãnh đạo Anh quốc, Hiệp hội Quản trị kinh doanh Hoa Kỳ, Hiệp hội Marketing Thế giới, Học viện Quản trị Tài chính Hoa kỳ, Hiệp hội Kiểm toán Công chứng Anh quốc... * Anh mở trường đào tạo giám đốc, vì sao anh không trực tiếp làm giám đốc mà lại phải thuê người điều hành? - Trước đây, tôi là người trực tiếp đứng ra đảm nhiệm công việc điều hành PACE nhưng mất quá nhiều thời gian. Vì vậy, khi đã tìm được một giám đốc chuyên nghiệp người nước ngoài có nhiều năm làm quản lý ở nhiều nước trên thế giới, tôi đã quyết định chuyển giao công việc này. Giám đốc điều hành của PACE hiện là một người nước ngoài, đã có nhiều kinh nghiệm trong điều hành, tổ chức, quản lý đào tạo thì họ giúp mình quản lý công ty, quản lý công nghệ đào tạo chuyên nghiệp hơn. Trước khi về PACE, Cô ấy đã là giám đốc đào tạo doanh nghiệp của một tập đoàn giáo dục hàng đầu của Malaysia”. * Một hình dung về PACE trong tương lai sẽ là... - Mong muốn của tôi là tạo một nền móng vững chắc, vạch ra một con đường đi để trong tương lai PACE sẽ trở thành một trong những tập đoàn giáo dục chuyên nghiệp (Professional Education) có uy tín trong khu vực Đông Nam Á. Con đường phát triển lâu dài của PACE vẫn là tiếp tục đi theo con đường mà PACE đã vạch ra ngay từ khi thành lập, tiếp tục đưa kiến thức của Thế giới vào Việt Nam để dòng chảy ấy không bị gián đoạn nhằm phát triển con người, nhất là người lãnh đạo cho các doanh nghiệp ở Việt Nam. Đó là sứ mệnh, là “đạo” của PACE. Hiện nay, đã có PACE Đà Nẵng (gần 2 tuổi) và sắp tới sẽ thành lập PACE Hà Nội. Trong tương lai, cả ba miền đều có PACE của chúng tôi.

Công Khanh - Vietnamnet
Ceovn.com