Thứ Hai, 14 tháng 12, 2009

"Mọi con sông đều dẫn ra biển lớn"

20 năm liền, Bầu Đức làm việc miệt mài, không có ngày nghỉ. Ông say mê kiếm tiền đến quên cả bản thân như để trả món nợ cuộc đời, trả nợ cho tuổi thơ nghèo khó làm thợ kéo cày tại quê nhà.

Lâu nay bầu Đức không chỉ nổi tiếng với những thương vụ đình đám trong làng bóng đá như mua cầu thủ nổi tiếng Kiatisuk, sở hữu phi cơ... người ta còn biết đến ông với danh hiệu người giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam năm 2008. Thế nhưng có một bầu Đức khác mà ít ai biết, đó là cậu bé nghèo khổ của mấy chục năm trước, với những trải nghiệm đắng cay đã trở thành ký ức hằn sâu trong con người ông cho đến tận bây giờ.

Đức sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, đông anh em. Mẹ tần tảo làm ruộng nuôi 9 anh em ăn học bằng bữa cơm độn sắn, độn khoai. Cậu bé Đoàn Nguyên Đức ngày ngày dắt trâu ra đồng, thả ước mơ vào bãi ngô xanh và cánh diều no gió. Lúc bấy giờ Đức chỉ có một tâm nguyện duy nhất là có tiền để học, học thật giỏi, đậu đại học và một cái nghề để thoát ra khỏi cuộc sống bần hàn. 10 năm dắt trâu ra đồng, kéo cày, xẻ đất, cái nắng cái gió làm cháy tóc sạm da càng khiến cho Đoàn Nguyên Đức nuôi quyết tâm thoát nghèo.

Khát vọng của bầu Đức là có tên trong danh sách tỷ phú thế giới. Ảnh: Baobongda.

Lớp 12, năm 1982, cậu khăn gói quả mướp vào TP HCM thi đại học, mang theo khát vọng của cả gia đình và những tham vọng từ thuở ấu thơ. Thế nhưng, con đường học vấn không mở ra trước mắt. Năm ấy, Đức trượt đại học… Không nản lòng, cậu lại vùi đầu vào sách vở. Sáng dắt trâu ra đồng, chiều về tranh thủ học bài. Nhưng dù cố gắng đến mấy, Đức vẫn không thể vào được cổng trường đại học. Như một định mệnh, cả 4 lần đi thi Đức đều không đạt kết quả như ý muốn.

Những năm 80, học vấn được coi là thước đo giá trị con người. Nếu không vào đại học cũng đồng nghĩa ước mơ thoát nghèo của cậu bé Đoàn Nguyên Đức chấm dứt và sẽ phải chấp nhận chôn vùi tuổi trẻ tại quê nhà, với con trâu cái cày, nương rẫy và đại ngàn.

“Sau những cú sốc, đau và thừa nhận mình dốt, tôi đã ngửa mặt lên trời và tự nói với bản thân rằng ngã ở đâu tôi sẽ đứng lên ở đó", Đức nhớ lại. Khi ấy, ông nhớ đến hình ảnh của mẹ, người phụ nữ miền sơn cước tần tảo nuôi 9 anh em Đức ăn học. Và ông chợt nhận ra rằng có nhiều con đường để dẫn đến thành công. "Con đường học vấn không mỉm cười với mình thì nên chọn con đường khác. Mọi con sông đều dẫn ra biển lớn, mọi con đường đều chia ra những lối rẽ riêng”, bầu Đức nói.

Thế rồi, cậu thanh niên 22 tuổi khăn gói quả mướp lên đường mang theo nhiệt huyết của tuổi trẻ và khát vọng làm giàu. Không tiền, không học vấn, con đường đầy mịt mù mở ra trước mắt. Lúc bấy giờ, ông không biết sẽ bắt đầu từ đâu và bằng công việc gì. Ông chỉ nhớ rằng mình đã làm đủ mọi nghề để nuôi sống bản thân, để tích góp kinh nghiệm và cố sáng tạo để tìm lối đi riêng. Và cũng chính vì không đạt được ước nguyện bằng con đường học vấn nên Đức chọn con đường khởi nghiệp riêng không qua trường học mà bằng trường đời.

Sau một thời gian làm thuê, Đức tích góp được một khoản tiền đủ để ông mở một phân xưởng nhỏ chuyên đóng bàn ghế cho học sinh tại quê nhà. Ấy là vào năm 1990, ông tự tay cưa, bào đục đẽo để làm ra sản phẩm đầu tiên là chiếc bàn cho học sinh. Sau đó ông mở rộng hoạt động kinh doanh sang sản xuất đồ nội thất rồi nhiều lĩnh vực khác để hình thành nên tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai ngày hôm nay.

Bầu Đức thừa nhận có một nhân vật tỷ phú đã tác động khá mạnh tới tính cách, lối sống, và cách nghĩ suy của ông bây giờ. Đó chính là Bill Gates - tỷ phú người Mỹ khởi nghiệp bằng một chiếc máy tính nhỏ với con đường học vấn dở dang. Ông đã đọc say sưa cuốn sách viết về 100 tỷ phú thế giới, trong đó có nói về tỷ phú thế giới Bill Gates - người giàu thế giới suốt mấy năm liền. Ông có cảm giác như mình có duyên nợ và nét gì đó rất tương đồng với Bill Gates - tỷ phú thành công không bằng con đường học vấn. “Và tôi hiểu rằng trường đại học của tôi chính là đường đời. Đôi khi tôi tự hỏi, nếu không có tuổi thơ cơ cực, và thất bại trong con đường học vấn, chắc gì, tôi đã có ngày hôm nay”, ông Đức nói.

Miền quê Gia Lai của Bầu Đức giờ đã đổi thay nhiều. Đời sống người dân cũng đã nâng lên, căn nhà gỗ gắn bó với tuổi thơ của ông cũng đã được sửa sang, cơi nới. Và cậu thanh niên Đoàn Nguyên Đức từng suốt 10 năm dắt trâu ra đồng kéo cày đẽo đất khi xưa giờ đã là tỷ phú và là người giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt năm 2008. Thế nhưng bầu Đức vẫn kiên quyết giữ lại mảnh đất cũ - nơi ông đã từng nếm trải đắng cay, cơ cực. Ông tâm sự: “Ba mẹ tôi vẫn ở quê cách thành phố 20 km. Anh em chúng tôi lớn lên mỗi đứa lập nghiệp một nơi song vẫn quây quần bên ba mẹ những ngày lễ Tết. Quê nghèo nhắc cho tôi rằng phải phấn đấu không ngừng nghỉ. Tôi cảm ơn mảnh đất này”.

Vẫn là hình ảnh cây cau cây dừa, nhưng mỗi lần về thăm quê Bầu Đức lại thấy cảm giác khó tả và cay cay nơi sống mũi. Những kỷ niệm buồn vui xa xưa lại ùa về. “Lúc ấy, tôi lại thấy mình ngày xưa, đang dắt trâu ra đồng chuẩn bị cày trên thửa ruộng sắp vào mùa”, bầu Đức nói.

40 năm qua đi, giờ ông Đức đã có trong tay tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai với giá trị ròng lên tới vài chục nghìn tỷ đồng, một câu lạc bộ bóng đá lừng danh với những chân sút nổi tiếng được mua về. Thế nhưng bầu Đức vẫn không cho phép mình được dừng lại. Ông vẫn làm việc ngày đêm không ngừng nghỉ. Làm việc như thể để trả nợ cuộc đời và một điều lớn lao hơn - ông muốn thực hiện khát vọng của một doanh nhân Việt. Ông muốn làm điều mà nhiều doanh nhân thế giới đang làm.

Và khát vọng cuối cùng của bầu Đức là có tên trong danh sách tỷ phú thế giới chứ không còn đơn thuần là người giàu VN. “Tất nhiên, ước mơ chỉ là ước mơ, tôi tin rằng, tất cả những doanh nhân tâm huyết làm giàu đều mong muốn và phấn đấu vì điều này. Đây không còn là danh dự cá nhân mà còn là niềm tự hào dân tộc”, bầu Đức nói.

Ở cái tuổi ngoại tứ tuần, sự nghiệp đã đạt độ chín, tiền bạc cũng không còn là vấn đề bận tâm, bầu Đức đang dành nhiều thời gian hơn để thực hiện khát vọng của mình. Năm 2008, lần đầu tiên, cổ phiếu của Hoàng Anh Gia Lai được niêm yết trên sàn chứng khoán. Với trên 55% số cổ phiếu sở hữu, bầu Đức trở thành người giàu nhất sàn chứng khoán Việt 2008 do VnExpress.net bình chọn.

Bất chấp khủng hoảng, suy thoái, dưới bàn tay chèo lái của Chủ tịch Đoàn Nguyên Đức, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai vẫn đạt kết quả khá ấn tượng với lợi nhuận 1.700 tỷ đồng năm 2009. Bầu Đức chia sẻ, năm 2008 khi nhìn thấy bức tranh ảm đạm và âm u của nền kinh tế, Hoàng Anh Gia Lai chỉ dám đặt ra mục tiêu lợi nhuận cho năm 2009 ở con số khiêm tốn 1.150 tỷ đồng. Thế nhưng khi lao vào cuộc chiến, ông nhận thấy có rất nhiều cơ hội và có nhiều ngách nhỏ để ông len vào và đạt thành công. “Kết quả thật ấn tượng, chúng tôi đã làm được và đạt tới con số 1.700 tỷ đồng lợi nhuận”, ông Đức chia sẻ.

Ông cho hay trong cuộc đời kinh doanh của mình chưa khi nào đối mặt với khó khăn như năm 2008 và 2009. Thị trường tiền tệ 2008 quá tồi tệ, năm 2009 chưa thoát khỏi khó khăn, hàng loạt doanh nghiệp rơi vào tình cảnh nhìn đâu cũng thấy khó. Bức tranh ảm đạm bao trùm kinh tế của cả thế giới. Bầu Đức rơi vào trạng thái bi quan thực sự, và có lúc ông tính chuyện buông xuôi. Ấy là vào tháng 7/2008, khi chứng kiến cảnh hàng loạt tập đoàn kinh tế lớn của thế giới tuyên bố phá sản. Cứ mỗi sáng mở mắt, đã thấy có 2 doanh nghiệp của Mỹ tuyên bố phá sản hoặc có đơn xin bảo hộ, ông lại thấy hoang mang và cảm giác, khủng hoảng như đang đến sát mình.

Tại VN, doanh nghiệp cũng rơi vào cảnh điêu đứng hàng loạt. Thị trường chứng khoán tụt dốc, chỉ số VN-index dò dẫm tìm đáy, bất động sản đóng băng…, nhiều doanh nghiệp rơi vào cảnh càng kinh doanh càng lỗ. Bầu Đức hiểu rằng, trong bối cảnh như vậy, người tài giỏi lắm cũng không tránh khỏi trạng thái hoang mang và ông đặt Hoàng Anh Gia Lai vào tình trạng khẩn cấp với nhiều kịch bản được đưa ra. Các kế hoạch kinh doanh và mục tiêu lợi nhuận liên tục được điều chỉnh. Và nhờ những quyết sách đúng, kịp thời nên Hoàng Anh Gia Lai là một trong số những doanh nghiệp sớm thoát ra khỏi khủng hoảng và giữ vững được hoạt động kinh doanh của mình.

Trong kế hoạch kinh doanh năm 2010, Hoàng Anh Gia Lai dự kiến đạt mức tổng lợi nhuận trước thuế từ 2.500 đến 3.000 tỷ đồng. Công ty đang đẩy nhanh triển khai nhiều dự án, chẳng hạn Dự án Khu chung cư An Tiến (Nhà Bè, TP HCM), Riverview, Phú Hoàng Anh, đường Nguyễn Hữu Thọ, TP HCM và nhiều dự án khác ở Đà Nẵng, Đăk Lăk và Gia Lai…

Hồng Anh

Thứ Bảy, 12 tháng 12, 2009

Đỗ Thị Kim Liên, "thuyền trưởng" của "con tàu" AAA


Phải chăng câu nói "Hoàn cảnh tạo nên tính cách, tính cách tạo nên số phận" luôn luôn đúng trong mọi thời đại. Đối mặt và chinh phục tất cả những khó khăn, thử thách từ thuở sơ khai của Công ty Bảo hiểm AAA, cùng với lòng quyết tâm và sự tự tin tràn đầy, chị Đỗ Thị Kim Liên xứng đáng với danh hiệu "Bông hồng vàng" dành cho nữ doanh nhân thành đạt.

Chị được sinh ra trong những năm cuối thập kỷ 60 của thế kỷ trước tại làng Phúc Thắng - Mê Linh - Vĩnh phúc, đúng vào thời kỳ miền Bắc kinh tế khó khăn, sống trong một gia đình làm nghề nông với cái nghèo đeo đẳng. Cuộc sống cơ cực vật lộn với miếng cơm manh áo đã vô tình hình thành trong chị Liên khát vọng được làm ra thật nhiều tiền để rời xa vĩnh viễn cái cảnh đói nghèo.

Là con thứ 4 trong 6 anh chị em, tuổi thơ chị chủ yếu sống với bà nội bởi bố chị vắng nhà thường xuyên còn mẹ chị tần tảo chạy chợ nuôi cả gia đình. Từ bé chị Liên đã có thể chăn trâu, chăn bò, gặt lúa...

Thời cắp sách đến trường, chị nhiều năm được bầu làm lớp trưởng từ hồi học cấp 2 cho tới suốt những năm học phổ thông. Mang trong mình biết bao ước mơ và hoài bão như những cô gái mới lớn khác nhưng chị không được làm theo ý mình bởi bố chị muốn chị theo ngành giáo viên. Đối với chị đây là một nghề nhàm chán nhưng chị vẫn làm theo lời bố chị thi đỗ vào khoa Văn trường Đại Học Sư Phạm.

Ra trường chị dạy ở trường cấp 2 Kim Anh, rồi chuyển sang cấp 3 Xuân Hòa. Dù có công việc ổn định, nhưng cái khát vọng từ thời thơ bé vẫn luôn tiềm ẩn trong chị và cũng chính nó đã tạo nên một bước ngoặt cho cuộc đời chị. Sau khi bỏ dạy vào Vũng Tàu và làm thuyết minh cho Viện Bảo Tàng thành phố, rồi chị làm ở Trung tâm an toàn dầu khí việt Nam, hãng film truyền hình nhưng tất cả chỉ là những điểm dừng ngắn ngủi trên chặng đường sự nghiệp của chị. Đến năm 1995 chị ra Bắc chịu tang mẹ.

Năm 1996 chị xin được vào làm cộng tác ở Công ty Bảo Minh, lúc này do thu nhập không đủ nên chị vừa phải đi bán bảo hiểm vừa phải bán sách ở đường Đồng Khởi. Hơn một năm sau chị mới được nhận vào làm nhân viên chính thức.

Trong công việc chị có nhiều bức xúc vì không có quyền để quyết định làm đúng trách nhiệm và lương tâm thôi thúc chị phải trở thành người làm chủ. "Tôi rất ấm ức vì thân phận thấp bé của mình không làm được điều mình mong muốn và lòng tự trọng khiến tôi quyết tâm phải mở bằng được công ty riêng để thực hiện ý nguyện của mình", chị Liên tâm sự.

Chị Đỗ Thị Kim Liên nhận giải thưởng Vương miện Vàng từ ông Jose. E Prieto, Tổng Giám đốc BID. Ảnh: T.L.
Năm 2005, chị chính thức tách ra cùng những người làm có tâm huyết tại Bình Minh để ra thành lập công ty bảo hiểm riêng. Với sự góp vốn không nhỏ, chồng chị đã cùng chị đặt nền mòng để xây nên ngôi nhà AAA.

Lúc đầu cả lãnh đạo lẫn nhân viên chỉ vẻn vẹn 9 người cùng chen chúc nhau trong cái văn phòng 12m2. Nhưng chỉ sau 2 năm hoạt động, Công ty Cổ phần Bảo hiểm AAA đã nhanh chóng tạo được niềm tin cho khách hàng và khẳng định một vị thế vững chắc trong ngành bảo hiểm và đã nhanh chóng trở thành một trong những nhà bảo hiểm phi nhân thọ hàng đầu Việt Nam. AAA được đánh giá là doanh nghiệp trẻ đầy triển vọng.

Chị Đỗ Thị Kim Liên, với cương vị là tổng giám đốc, nắm trong tay một tài sản khổng lồ 380 tỷ đồng với 4000 cán bộ, nhân viên dưới quyền nhưng chị chưa bao giờ quên mình đã từng là một người bán hàng. "Đừng chờ cơ hội đến mà hãy tạo cơ hội cho mình. Không có công việc nào cỏn con cả, chỉ có tư duy của mình là cỏn con thôi", chị lý giải.

Với một bí quyết mà bất cứ người lãnh đạo nào cũng phải biết, để có thể "cầm lái" được cả một "con tàu" AAA chị Kim Liên luôn trân trọng yếu tố con người. "Tôi chiêu mộ người tài bằng cái tâm, tin dùng họ, Tôi giao nhiệm vụ cho họ rõ ràng để họ thỏa sức phát huy năng lực. Họ phải chịu trách nhiệm về công việc của mình. Như vậy, ai cũng phát huy được sở trường", chị khẳng định.

Thêm vào đó, chìa khóa thành công của chị Liên còn nằm ở 3 tiêu chí trong kinh doanh bao gồm: Đem đến an tâm cho khách hàng, đem đến an tâm cho các cổ đông và đem đến an tâm cho các nhân viên để họ được phát huy hết trình độ và năng lực của mình. Mang lại những thành tích, giải thưởng dành cho cá nhân của công ty và dành cho cả doanh nghiệp.

Những thành quả đó xứng đáng với nghị lực, với niềm đam mê và cả tài năng của "bông hồng thép" Đỗ Thị Kim Liên.

Thứ Sáu, 4 tháng 12, 2009

Hành trình giấc mộng CEO


Ngô Ngọc Nga đã có 6 năm để đi từ vị trí nhân viên lên vai trò phó tổng giám đốc Công ty Phan Nam Monte Rosa kiêm giám đốc điều hành (CEO). Chị đã ghi lại nhật ký hành trình biến giấc mộng CEO của mình thành hiện thực...

Tại sao người ta có thể làm được? Tháng 8/2002: Tốt nghiệp đại học, mình sẽ phải đi làm, sẽ bắt đầu công việc như thế nào nhỉ? Ngày nào đọc báo, cũng thấy giới thiệu về những doanh nhân thành đạt. Tại sao người ta giỏi thế, không cần vốn, không cần người đỡ đầu, tự xoay trở mà cũng vươn lên làm giám đốc, chủ doanh nghiệp? Mình sẽ phải làm gì để có thể giỏi như họ. Thôi thì bắt đầu như mọi người, xin việc ở một công ty.

Tháng 8/2004: Mình đã làm việc ở công ty máy tính này hơn năm rồi. Nếu cứ cần mẫn và tỉ mỉ với nhiệm vụ, mình sẽ làm rất giỏi, nhưng chẳng có thể học thêm được gì mới. Hôm nay mình nghe nói Công ty Phan Nam đang cần tuyển người, sẽ nộp đơn xin việc xem sao. Mình sẽ xin việc ở vị trí nào đây: nhân viên kinh doanh, nhân viên phòng marketing, nhân viên phòng quảng cáo… hay là xin làm thư ký, hoặc làm trợ lý tổng giám đốc để có cơ hội gần gũi với những người điều hành, để được học nhiều hơn? Hy vọng là với sự nhanh nhẹn (má hay nói vậy) và chịu khó của mình, người ta sẽ nhận.

Tháng 5/2005: Không ngờ là mình học nhiều và nhanh đến thế, dù quá mệt và chẳng còn thời gian cho bản thân. Làm trợ lý tổng giám đốc mà buổi sáng phải vào công ty từ 7 giờ, buổi chiều phải làm đến hết việc mới về, có lúc ra khỏi văn phòng mỏi nhừ cả người, váng cả đầu. Lâu lắm rồi mình chẳng có thời gian đi shopping, đi xem phim, đi karaoke với bạn bè. Thế nhưng mình cảm thấy vui lắm, học được cách suy nghĩ, cách tổ chức công việc, cách nhìn nhận vấn đề từ người đứng đầu công ty. Mình thật vui mà cũng thật lo vì “sếp tổng” đã tin tưởng và quyết định giao cho mình trách nhiệm của trưởng phòng kế hoạch. Từ giờ trở đi, mình sẽ theo sát cô giám đốc điều hành, để học ở cô cách tổ chức công việc, cách cư xử với mọi người, rồi còn phải xếp giờ đi học thêm nhiều môn nữa…

Học là phải nhớ

Tháng 2/2006: Cô giám đốc điều hành cho biết sắp nghỉ việc, và cô ấy đề nghị mình sẽ vào vị trí giám đốc điều hành thay thế. Trời ạ, làm sao mình đảm đương nổi. Làm việc hai năm, mình chỉ có ưu điểm duy nhất là chịu khó lắng nghe và ghi chép, những gì các cô, các chú đã nói, đã chỉ dẫn và không bao giờ làm sai. Từng tình huống giao tiếp, từng câu nói trong hành xử công việc với người trên, với đối tác, với cấp dưới mình cũng ghi và nhớ. Các sếp nhận xét là tuy chưa sáng tạo, chưa có thâm niên kinh nghiệm, nhưng với sự năng động, tháo vát và chịu khó, mình có thể vào được vai trò CEO.

Tháng 3/2007: Vậy là mình đã làm được, mình đã trở thành CEO của công ty có trên 100 nhân viên. 6 tháng qua mình chia quỹ thời gian cho việc học hành, việc quản lý còn chưa hợp lý lắm, cần dành thời gian nhiều hơn nữa để học kiến thức về CEO, quản lý tài chính, quản lý nhân sự… cũng may mình đã học các kiến thức cơ bản để làm việc, bây giờ học thêm về vai trò quản lý nữa cũng dễ tiếp thu. Mình tự biết hạn chế của mình là còn quá trẻ, nên khi gặp đối tác họ thường xem mình là “còn nhỏ” làm mình thiếu tự tin. Cố gắng, cố gắng và cố gắng hơn nữa. Mình sẽ giỏi hơn, vì có lợi thế là trẻ mà.

Tháng 8/2007: Mình vừa nhận được quyết định làm phó tổng giám đốc công ty. Gần bốn năm ở Phan Nam Monte Rosa, mình đã thấy nhiều nhân viên làm việc chưa đầu tư hết khả năng của họ, nhiều người được giao việc chưa xong đã về… Mình sẽ tiến hành cuộc cách mạng: thay đổi và cải cách các bộ phận, thay đổi cách trả lương để thu hút chất xám, quy định trách nhiệm cụ thể cho từng nhân viên đi đôi với chế độ họ được hưởng…
Theo Sài Gòn tiếp thị

Đào tạo giám đốc điều hành (pro ceo)


Với khát vọng 15 năm sau Việt Nam có thể xuất khẩu giám đốc ra nước ngoài, anh xách va-li ra đi để rồi tìm cách mang kiến thức thế giới về Việt Nam và dựng lên PACE - một trường đào tạo giám đốc.

Từ năm 2001, tên tuổi Giản Tư Trung và Tòa nhà PACE ở số 341 Đường Nguyễn Trãi, Quận 1, TP.HCM đã gắn liền nhau, nổi lên như một hiện tượng trong giới doanh nhân không riêng gì ở Sài Gòn mà hầu như khắp cả nước.

Sau hơn bốn năm thành lập, đã có hàng chục ngàn doanh nhân trong và ngoài nước tìm đến với PACE để cập nhật kiến thức về quản trị và kinh doanh thông qua việc tham gia rất nhiều chương trình, chuyên đề đào tạo mà người sáng lập ra nó đã tự hào rằng: "Nhiều chương trình đào tạo chỉ ở PACE mới có".

Phi bằng cấp - Giá trị thực

Tòa nhà PACE khang trang. Lớp học hôm ấy dành cho giám đốc, phòng học trang trọng với 6 nhóm vừa đủ cho 42 học viên. Tôi được xếp ngồi hàng ghế sau cùng để thuận tiện cho việc tác nghiệp. Chuyên đề đầu tiên của chương trình đào tạo “Giám đốc Điều hành Chuyên nghiệp” (Pro CEO) kéo dài 6 tháng là “Phác hoạ chân dung của một Pro CEO” do chính anh Giản Tư Trung - Người sáng lập PACE - đứng lớp.
"Anh chị muốn phác thảo như thế nào cũng được, có thể bằng ngôn ngữ viết, ngôn ngữ nói, hoặc vẽ ra, thậm chí lên đây múa cũng không sao" - Vừa nói, anh Trung vừa phát cho mỗi nhóm một tấm plastic. Mọi người tỏ ra rất hào hứng với việc phác thảo chân dung của một con người chuyên nghiệp trong lĩnh vực quản lý điều hành.

Hết thời gian thảo luận nhóm, “thần tượng quản lý” (Pro CEO) của từng nhóm lần lượt được anh Trung cho hiện dần trên màn hình máy chiếu. Có nhóm không chỉ viết mà còn vẽ minh hoạ hình một người với nhiều chú thích: mắt tinh tượng trưng cho tầm nhìn xa, mũi thính tượng trưng cho sự nhạy bén, trán cao tượng trưng cho sự uyên bác, cổ cao tượng trưng cho sự linh hoạt mềm dẻo, tai thính tượng trưng cho người biết lắng nghe,…Ngoài ra, có những nhóm đưa ra những tiêu chuẩn bổ sung như: “Giám đốc điều hành trước hết phải là một… con người”, “Giám đốc phải biết… liều”, “Giám đốc điều hành là phải… lăn xả”…

Muốn biết được VN sẽ có những doanh nghiệp chinh phục được thế giới hay không thì phải xem là có những doanh nhân có khả năng chinh phục thế giới hay không. Bởi doanh nghiệp được dẫn dắt bởi doanh nhân, và đó phải là doanh nhân có tầm nhìn toàn cầu và một khát vọng mãnh liệt vươn ra thế giới.

Với PACE, để trên danh thiếp của mình mang hai chữ: "Giám đốc" thì dễ (chỉ cần một quyết định bổ nhiệm là đủ) nhưng việc trở thành giám đốc điều hành chuyên nghiệp thì câu chuyện...phức tạp hơn nhiều. Trước hết phải là người có tố chất bẩm sinh của một nhà quản lý (bởi vì quản trị là một nghệ thuật). Sau đó, cần phải trang bị những kiến thức quản trị cần thiết (vì quản trị là một khoa học, mà đã là khoa học thì phải học mới biết, và học tại trường lớp hay tự học). Ngoài ra, còn phải có những trải nghiệm trong cuộc sống và trong quản lý.

Theo anh Trung, các học viên đến với PACE không phải chỉ là đi học mà còn là đi chơi (chơi trò chơi quản trị kinh doanh). Vì thế nên trong lớp học cần phải thoải mái.
"Cuộc chơi" hôm ấy của anh cùng những học trò mà tôi được chứng kiến kéo dài từ 18 giờ đến 22 giờ 30 phút, thế mà 42 người cùng chơi với anh lại rất thoải mái.

Gặp lại “ông bầu” sau đó, tôi thắc mắc vì sao anh cho “học trò” anh chơi khuya như thế, anh cười hào hứng: “Có buổi gần 12 giờ đêm mà vẫn chưa về, thế nhưng anh em vẫn cứ thích thú, lớp học vẫn đầy hào hứng từ phút đầu cho đến phút chót. Chơi cũng là làm, mà đã là làm thì "hết việc chứ không hết giờ" nên có hôm đến gần nửa đêm mới tan lớp là chuyện bình thường”.

Qua lời giới thiệu của các học viên trong lớp, tôi nghe có đủ cả giọng Bắc - Trung - Nam. Có người đã tham gia hai, ba khoá từ trước. Nhiều lớp có cả người nước ngoài tham dự. Có người từ Hà Nội, Hải Phòng… vào. Anh Trung cho biết: “Hiện nay, có một số chương trình ở PACE luôn luôn trong tình trạng không đủ chỗ ngồi...”.

Được biết, trong mỗi khóa học của chương trình đào tạo Giám đốc điều hành tại PACE, luôn luôn có ít nhất 5 tổng giám đốc của các tập đoàn hàng đầu thế giới tham gia đứng lớp để chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm quản trị với học viên. Đó cũng là một điều mà dường như bất di bất dịch ở PACE, cũng giống như văn hoá của PACE là “Tôn vinh giá trị thực học”. Số người đến với PACE đang tăng lên ngày càng nhiều.

Bất kỳ ai đó mở cuốn sổ góp ý của PACE cũng đều đọc được những dòng chữ ưu ái mà học viên ghi lại. Sau khi tham dự một khóa học ngắn hạn về kiểm soát nội bộ tại PACE, Giám đốc Công ty Viễn Cảnh đã viết: "Giá trị của khóa học này không phải 5 triệu đồng mà phải là… 50 triệu đồng". Cũng sau một vài khóa học khác tại PACE, Chủ tịch HĐQT của Dệt Thái Tuấn viết: "Các khóa học tại PACE đã giúp tôi thay đổi rất nhiều về tư duy và phương pháp quản trị theo hướng tiếp cận với thế giới". Hay anh Tuấn đến từ Hà Nội đã chấp nhận gián đoạn công việc kinh doanh trong 6 tháng, viết: “Để nói về PACE lúc này thì tôi chỉ nói “Chọn PACE là đúng".

"Nhập khẩu" kiến thức

Kể từ ngày thành lập, PACE đã tự đặt lên vai mình sứ mệnh "Góp phần đưa kiến thức của thế giới vào Việt Nam để phát triển con người cho các doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam".
Vậy đưa kiến thức của thế giới vào Việt Nam bằng cách nào? Bằng cách "nhập khẩu" các chương trình đào tạo nổi tiếng của thế giới, rồi tiến hành "Việt Nam hóa" các chương trình đào tạo danh tiếng này. Và đây cũng là cách để PACE góp phần vào sự nghiệp "Quốc tế hóa" trình độ nguồn nhân lực cao cấp cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Hiện nay, PACE đang liên kết với các tổ chức giáo dục hàng đầu thế giới để nhập khẩu các chương trình đào tạo của họ.

Khoảng 10 đến 15 năm trước đây, ít ai nói cho lớp trẻ biết nếu làm một giám đốc đẳng cấp quốc tế thì sẽ phải có tố chất gì, phải học cái gì và học như thế nào".

Hiện chúng ta thiếu giám đốc chuyên nghiệp trầm trọng (từ giám đốc điều hành, giám đốc tài chính, giám đốc tiếp thị, giám đốc nhân sự, cho đến giám đốc sản xuất…), và trước mắt Việt Nam ta phải nhập khẩu giám đốc từ nước ngoài để đáp ứng nhu cầu phát triển của các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, có thể 10 đến 15 năm sau, chúng ta không chỉ đủ giám đốc cho nhu cầu trong nước, mà còn có thể xuất khẩu giám đốc ra thế giới.

Thực ra, vấn đề không nằm ở chỗ "nhập khẩu" hay "xuất khẩu" giám đốc, mà là nằm ở "niềm tin" và "khát vọng". Niềm tin vào năng lực của người Việt Nam không hề thua kém các nước khác, là khát vọng của người Việt Nam mong muốn vươn lên ngang tầm quốc tế. Niềm tin vào sự trỗi dậy mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam trong tương lai… Và có một điều mà tôi thường trăn trở là phải làm những gì (cụ thể và thiết thực) để giám đốc người Việt Nam có được một nền kiến thức quản trị ngang bằng trình độ thế giới".

* Đào tạo giám đốc (GĐ điều hành, GĐ tài chính, GĐ tiếp thị, GĐ nhân sự, GĐ sản xuất…) là một lĩnh vực hết sức mới mẻ ở Việt Nam, vậy PACE tuyển và trả công giảng viên theo cách nào?
- Một giảng viên của PACE thường đạt năm tiêu chí chính. Hai tiêu chí đầu tiên là phải có chuyên sâu về lý thuyết, và dày dạn kinh nghiệm thực tiễn. Nói cách khác, họ là người nước ngoài hoặc là người Việt Nam có kiến thức và kinh nghiệm quốc tế về chuyên đề mà họ phụ trách. Họ là các "chuyên gia", chứ không chỉ là "nhà khoa học".

Thứ ba, họ phải thực sự có tâm huyết chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm của mình cho cộng đồng doanh nghiệp, chứ không phải đơn thuần vì lý do tiền bạc.

Thứ tư, có khả năng truyền đạt tương đối tốt (năng khiếu sư phạm). Cuối cùng là phải có ngoại hình, không cần đẹp, nhưng phải chuyên nghiệp. Tất cả những điều đó mình rất dễ nhận thấy ở họ chứ không khó khăn gì. Và đến thời điểm này chưa có một giảng viên nào “mất lòng” với PACE cả. chưa có một giảng viên nào “mất lòng” với PACE cả. Hiện không chỉ có một đội ngũ giảng viên "hùng hậu" trong nước, mà PACE còn có cả một mạng lưới giảng viên thỉnh giảng ở nhiều nước trên thế giới.

Trướ hết, chúng tôi "nhắm" đến những người có đủ những tiêu chí đó để mời cộng tác. Giảng viên của PACE người Việt hay đến từ nước ngoài. Phần đông trong số giảng viên người Việt là những người từng học và tu nghiệp tại các trường danh tiếng của nước ngoài, và đang là giám đốc thành đạt ở các tập đoàn nước ngoài đang hoạt động ở Việt Nam. Ở một khía cạnh nào đó, họ là tri ân của chúng tôi.

Giám đốc người nước ngoài giúp PACE chuyên nghiệp hơn.
* Anh đã làm những gì để PACE được như ý mình muốn? - Nỗ lực để "nhập khẩu" được các chương trình đào tạo nổi tiếng thế giới đã khó, về đến Việt Nam lại còn nhiều khó khăn hơn. Đưa được tài liệu về rồi lại phải "xô ngã" ba rào cản lớn thì "dòng chảy" kiến thức mới đổ vào nước mình được.

Rào cản thứ nhất là phải Việt hoá toàn bộ giáo trình, mà ngôn ngữ chuyên ngành thì cực khó. Tham gia vào việc này ở PACE có một đội ngũ riêng, trong đội ngũ ấy có người là giảng viên của PACE, có người chỉ là chuyên gia thuần túy.

Thứ hai là phải rút ngắn thời gian học lại. Ở Anh hay Mỹ, một chương trình như thế này có thể kéo dài từ 3 đến 4 năm. Thế nhưng, "áp" vào Việt Nam thì phải "nén" lại trong vòng 6 tháng. Cái khó là dù vậy vẫn đảm bảo chất lượng.

Thứ ba là chi phí cho cả khoá học thấp hơn nhiều so với nước ngoài, từ vài ba trăm triệu xuống còn trên dưới chục triệu (VND).

Thực ra, đưa giáo trình tài liệu đào tạo về thì không khó vì sách vở nước nào cũng có. Gian nan nhất phải nói đến chuyện "vận chuyển" cả công nghệ đào tạo, phương pháp đào tạo, quy trình đào tạo như thế nào và những thứ liên quan khác thì đó mới là điều đang nói. Cùng các đồng sự ở PACE, Giản Tư Trung đã thiết kế ra nhiều sản phẩm giáo dục mới lạ, hầu như chưa có mặt tại Việt Nam. Đây là những sản phẩm mà các doanh nghiệp Việt Nam đang rất cần, rất thiếu.
Mỗi sản phẩm giáo dục của PACE là một trí tuệ riêng, một ý tưởng và cá tính sáng tạo riêng. Các chuyên đề “Kế toán dành cho sếp”, “Kiểm sóat nội bộ doanh nghiệp”... ở PACE là những giáo trình từ trước đến giờ chưa từng tồn tại ở Việt Nam. Giấc mơ xuất khẩu giám đốc


Với khát vọng để giám đốc Việt Nam có một trình độ nền tảng về kiến thức quản trị ngang bằng với thế giới; để khoảng 15 năm sau Việt Nam có thể xuất khẩu giám đốc ra nước ngoài; để Việt Nam có vị trí trong những tập đoàn giáo dục hàng đầu Đông Nam Á... anh xách vali ra đi, đi để mang kiến thức quản trị của các tập đoàn bậc nhất thế giới về Việt Nam và dựng lên PACE. Khi ấy ở tuổi chưa đầy 30, độ tuổi có lắm người chưa lo được cho mình nơi ăn, chốn ở.

Giản Tư Trung là người có cá tính mạnh trong công việc. Công việc với anh là niềm đam mê lớn vì không ngày nào giống ngày nào. Khi bạn bè thắc mắc vì đâu anh cứ bận rộn như thế, anh cười hào hứng: "Tôi quan niệm mình chơi chính là làm những gì mình thích và làm là thực hiện những gì mình không thích, vì vậy tôi cảm thấy mình chơi suốt cả ngày lẫn đêm".

Tôi có một triết lý rất riêng mà tôi đã thực hiện trong nhiều năm qua và chắc chắn sẽ còn theo đuổi cho đến hết phần đời còn lại của mình, đó là: Chơi là làm những gì mà mình thích, và làm là chơi những gì mà mình không thích. Hiểu theo cách đó thì tôi chơi suốt ngày đêm chứ đâu có làm gì!? Được làm những điều mà mình thích cũng là… hưởng thụ. Tôi tận hưởng điều này và cảm thấy mình sinh ra để "chơi" và "hưởng thụ". Tôi có niềm tin vào cuộc đời, và sống trọn vẹn vì niềm tin đó nên cảm thấy lúc nào cũng thoải mái. Nhiều năm nay, tôi đã tự tạo ra việc để làm, và luôn cố gắng đặt "cái riêng" trong "cái chung" của cộng đồng. Do vậy, khi tôi làm cho mình thì cũng là cống hiến cho cho đất nước. Một khi "cái riêng" và "cái chung" hòa quyện với nhau, một khi không phân biệt được mình đang "làm" hay đang "chơi", thì đó cũng là lúc mà cuộc sống thực sự thăng hoa.

Giản Tư Trung cho biết, ngày mới thành lập PACE gặp rất nhiều khó khăn, nhất trong việc làm thể nào để doanh nhân nhân có thể đến trường tư và đi học không cần quan tâm đến chuyện bằng cấp... Anh ra nước ngoài, tìm đến những tổ chức có sở hữu những chương trình đào tạo nổi tiếng thế giới về lĩnh vực quản trị và kinh doanh để xin được hợp tác, giúp đỡ. "Khi trình bày để đưa những chương trình của họ về Việt Nam, họ còn chưa tin là người Việt Nam có thể học tốt những chương trình này. Chúng tôi phải thuyết phục: “Chúng tôi là một nhóm người Việt Nam, chúng tôi thấy có thể học tốt, lĩnh hội được thì rất nhiều người Việt Nam khác có thể làm tốt hơn chúng tôi”.

Cuối cùng họ cũng đồng ý. - Anh Trung nói.

Bây giờ, PACE là một tổ chức giáo dục gần gũi với doanh nhân Việt Nam và quen thuộc với nhiều tổ chức giáo dục trên thế giới. Tham gia vào sự nghiệp giáo dục của PACE là nhiều tên tuổi lớn của thế giới như Học viện Quản lý và lãnh đạo Anh quốc, Hiệp hội Quản trị kinh doanh Hoa Kỳ, Hiệp hội Marketing Thế giới, Học viện Quản trị Tài chính Hoa kỳ, Hiệp hội Kiểm toán Công chứng Anh quốc... * Anh mở trường đào tạo giám đốc, vì sao anh không trực tiếp làm giám đốc mà lại phải thuê người điều hành? - Trước đây, tôi là người trực tiếp đứng ra đảm nhiệm công việc điều hành PACE nhưng mất quá nhiều thời gian. Vì vậy, khi đã tìm được một giám đốc chuyên nghiệp người nước ngoài có nhiều năm làm quản lý ở nhiều nước trên thế giới, tôi đã quyết định chuyển giao công việc này. Giám đốc điều hành của PACE hiện là một người nước ngoài, đã có nhiều kinh nghiệm trong điều hành, tổ chức, quản lý đào tạo thì họ giúp mình quản lý công ty, quản lý công nghệ đào tạo chuyên nghiệp hơn. Trước khi về PACE, Cô ấy đã là giám đốc đào tạo doanh nghiệp của một tập đoàn giáo dục hàng đầu của Malaysia”. * Một hình dung về PACE trong tương lai sẽ là... - Mong muốn của tôi là tạo một nền móng vững chắc, vạch ra một con đường đi để trong tương lai PACE sẽ trở thành một trong những tập đoàn giáo dục chuyên nghiệp (Professional Education) có uy tín trong khu vực Đông Nam Á. Con đường phát triển lâu dài của PACE vẫn là tiếp tục đi theo con đường mà PACE đã vạch ra ngay từ khi thành lập, tiếp tục đưa kiến thức của Thế giới vào Việt Nam để dòng chảy ấy không bị gián đoạn nhằm phát triển con người, nhất là người lãnh đạo cho các doanh nghiệp ở Việt Nam. Đó là sứ mệnh, là “đạo” của PACE. Hiện nay, đã có PACE Đà Nẵng (gần 2 tuổi) và sắp tới sẽ thành lập PACE Hà Nội. Trong tương lai, cả ba miền đều có PACE của chúng tôi.

Công Khanh - Vietnamnet

Thứ Ba, 24 tháng 11, 2009

Đặng lê nguyên Vũ - Giấc mơ từ làng quê nghèo





Giấc mơ từ làng quê nghèo
Hồi ức về những ngày tháng khởi nghiệp đầy lận đận và gian khó của ông Đặng Lê Nguyên Vũ, Giám đốc Công ty Cà phê Trung Nguyên. "Tôi có thể nói không sợ quá lời rằng sự xuất hiện của Trung Nguyên đã mang lại một không khí thưởng thức cà phê mới tại Việt Nam, và ở nhiều nơi trên thế giới giờ đây nói đến cà phê Việt Nam là người ta đều biết tới thương hiệu Trung Nguyên.

Tuổi thơ thời đi học của tôi là cảnh lội bộ trên con đường đất đỏ dài 15km trong suốt chín năm, ngày nắng cũng như mưa. Niềm vui trên con đường dài đến trường và về nhà là khi đi ngang qua trạm thuế vụ, thỉnh thoảng có được quả chuối chín hoặc vài củ khoai lang ăn sống của những người buôn bán tốt bụng cho.

Vui nhất là khi có thể quá giang phía sau chiếc xe chở gạch về nhà khi đôi chân đã muốn quị vì lội bộ. Năm tôi vào lớp 10, gia đình mua cho chiếc xe đạp cũ để lên Buôn Ma Thuột đi học.

Năm 1990, tôi thi đậu Đại học Y khoa Tây nguyên; từ xã Madrăk hẻo lánh, mẹ tôi phải bán đi nhiều tạ lúa và nhiều thứ khác trong nhà để tôi lên Buôn Ma Thuột nhập học. Những ngày học ở trường y, lúc nào tôi cũng trăn trở về công việc và cuộc sống của người thầy thuốc. Càng học lên, điều đó càng bứt rứt trong lòng tôi. Muốn có cuộc sống khấm khá hơn, phần nhiều những người học y chúng tôi đã quên lời thề Hippocrate. Xót xa quá! Và với tôi, cách tốt nhất không vi phạm lời thề là... bỏ nó luôn, làm việc khác. Nhưng làm gì đây?

Làm gì ở tuổi 22 tôi chưa biết được. Nhưng luôn thiêu đốt tôi là phải làm được điều gì đó để đổi đời, không thể nghèo mãi được. Mẹ tôi lam lũ quanh năm đầu tắt mặt tối, suốt ngày mặt người lẫn trong ruộng rau lang, chiếc nón cũ hiếm khi rời khỏi đầu. Tôi luôn hình dung lại được cảnh mẹ tôi nặng nhọc bưng từng chồng gạch, hay tất tả chạy ra ruộng rau lang hái đọt non đem bán kiếm miếng ăn cho cả nhà.

Mẹ tôi nghĩ cuộc sống nghèo khổ của gia đình chúng tôi là số mệnh ở trời. Mỗi lần tôi về thăm nhà thì mẹ tôi vừa vui vừa lo. Vui vì có con trai về thăm nhà và lo vì khi tôi rời nhà, bà cụ phải chạy vạy một hai trăm ngàn cho tôi làm lộ phí đến trường. Tôi không bao giờ quên được cái ngày tăm tối đó, khi bố tôi đổ bệnh nặng mà chạy vạy khắp trong dòng tộc không làm sao kiếm đủ 2 triệu đồng cho ông chữa bệnh!

Tôi ở trọ tại Buôn Ma Thuột và làm công luôn cho nhà trọ này: làm cỏ, hái cà phê, đem cơm nước cho nhân công ở rẫy... Ngày còn bé ở làng, tôi đã thạo hết những việc này.

“Đạp tung giường chiếu hẹp”

Tôi luôn nghĩ về những người trồng cà phê, làm vườn lam lũ như bố mẹ tôi. Tôi biết cà phê rất có giá nhưng không biết vì sao người trồng cà phê lại rất nghèo. Nhưng người trồng cà phê vẫn nhẫn nại mỗi ngày cháy da trên nương rẫy, như mẹ tôi, không lời thở than. Tôi không chịu được vậy. Nghĩ tới sự cam chịu là huyết quản tôi sôi sùng sục. Miếng ăn lúc đó đối với tôi không quan trọng bằng suy nghĩ phải sống như thế nào.

Mẹ tôi đã khóc gần như hết nước mắt khi tôi quyết định dứt áo ra đi. Nhiều bạn trong lớp bảo tôi... không bình thường, chỉ có ba người bạn có thể hiểu và chia sẻ được những điều tôi nghĩ – đó là không chấp nhận “ngủ trong giường chiếu hẹp, mơ những giấc mơ con”. Đám bạn vét hết tiền trong túi nhét cho tôi được gần 100.000 đồng.

Tôi ra bến xe đi vào Sài Gòn với một mảnh giấy nhỏ ba tôi ghi tên người chú và địa chỉ nhà ở khu vực Tạ Thu Thâu. 6 giờ sáng, đến bến xe miền Đông, trong túi tôi còn đúng 20.000 đồng. Gọi một ly cà phê vỉa hè 2.000 đồng, tôi ngồi nhâm nhi và mở to mắt nhìn Sài Gòn cho biết. Thành phố to quá, ngoài sự tưởng tượng của tôi. Tôi có cảm giác mình đã bước sang một thế giới hoàn toàn khác...

Quay lại giảng đường Đại học!

Chú tôi người Đà Nẵng, vào sống ở Sài Gòn đã lâu. Tôi chưa từng gặp mặt ông và dĩ nhiên ông cũng không thể biết có một đứa cháu là tôi. Mãi đến trưa chú tôi vẫn chưa về. Mệt, đói và buồn ngủ khủng khiếp. Tôi chỉ còn hơn 10.000 đồng, không thể phung phí được. Sau này, thỉnh thoảng tôi vẫn tìm lại cái góc nhà nơi mình đã ngồi lần đầu tiên khi đặt chân đến Sài Gòn.

May sao quá trưa thì có người bà con từ Đà Nẵng vào. Thím tôi báo vụ việc với người bà con và tôi được gọi vào nhà. Việc đầu tiên là đánh một giấc tới xế chiều. Mở mắt ra đã thấy chú tôi đợi sẵn. Hai chú cháu hàn huyên tâm sự. Tôi bày tỏ nỗi lòng của mình: một, quyết đi không trở lại; hai, việc gì cũng làm; ba, phải đổi đời. Tôi kể với chú những điều tôi nung nấu. Về chuyện nghèo là nhục. Về chuyện ba tôi bệnh mà cả dòng tộc không thể đào đâu ra đủ 2 triệu đồng…

Chú tôi nghe tất cả nhưng rồi “gút”: “Tất cả những điều cháu nung nấu đều đúng nhưng không phải lúc này. Việc lúc này là học cho xong cái đã”. Cuối cùng ông hứa: học cho xong đi rồi xuống Sài Gòn ông giúp cho làm ăn. Còn trước mắt cứ ở chơi, chừng nào chán thì về. Tôi ở đúng 10 ngày thì đầu óc dịu lại, nghĩ đến việc phải về tiếp tục học.

Hôm về, chú mua cho vé máy bay. Lần đầu tiên bay lên bầu trời, tôi đã sớm có mơ ước được bay đi khắp thế giới. Từ trên cao nhìn xuống mới thấy chuyện trần gian khổ nhọc sao mà nhỏ bé, tôi thấy bình tâm hơn trước dù những khao khát vẫn đang sùng sục trong huyết quản. Tôi trở lại giảng đường đại học để bắt đầu con đường riêng.

Lận đận trong khởi nghiệp

Tôi có ba đứa bạn rất thân cùng phòng trọ. Có lẽ là đứa nghèo nhất trong đám nên tôi cũng là người sùng sục trước nhất về chuyện phải làm ra tiền, phải làm giàu. Tôi nghĩ: Tại sao nông dân trồng cà phê vẫn nghèo trong khi trên thế giới có quốc gia không trồng được cây cà phê nào vẫn giàu vì cà phê? Tại sao cà phê mình chỉ để xuất hạt thô mà không chế biến để xuất khẩu? Bốn thằng chúng tôi cùng chia sẻ suy nghĩ này và hùn tiền lại mua một lò rang cà phê.

Thuận lợi của chúng tôi lúc đó là trong trường có đông sinh viên tứ xứ nên qua họ chúng tôi biết được nơi nào có cà phê ngon. Ở Tuy Hòa có một quán cà phê rất ngon nên ngày nghỉ chúng tôi đi xe đến để hỏi dò bí quyết nơi bà chủ quán. Khi chúng tôi trình bày lý do và nguyện vọng của mình, bà chủ quán thật sự cảm thông với mấy thằng sinh viên khố rách áo ôm. Đêm đến, trở về Buôn Ma Thuột trong chuyến xe khuya, chúng tôi có trong tay bí quyết rang xay cà phê ngon của bà chủ quán tốt bụng.

Ngày khai trương lò rang cà phê, chúng tôi cũng tổ chức cúng để lấy hên, nhưng khi vừa cúng xong thì người bà con của ông chủ nhà về đã hất đổ mọi thứ, cắt bỏ hết dây điện. Chúng tôi đành phải chuyển lò rang đi nơi khác. Lò quay bằng tay, đốt bằng củi, hôm nào rang cà phê, bên dưới là mấy thằng ngồi học bài trên cái gác gỗ như bị nướng trong lò bát quái. Có vài vị hàng xóm sợ có ngày chúng tôi sẽ thiêu rụi nhà họ nên đi báo công an. Thế là một lần nữa lò rang của chúng tôi đành phải dẹp.

Nhưng cũng có người giang tay với chúng tôi. Chúng tôi nhận về mỗi lần vài ba ký, rang, xay, đóng gói và chia nhau đi bỏ mối ở các quán. Sau đó thu tiền lại, trả và mượn tiếp vài ký khác. Logo của những bịch cà phê Trung Nguyên lúc đó là một mũi tên chĩa thẳng lên trời. Hình ảnh đơn giản ấy đã chứa trong đó biết bao khát vọng của tôi.

Thế rồi thương hiệu cà phê Trung Nguyên của nhóm “mấy thằng sinh viên khùng khùng” chúng tôi bắt đầu được chú ý và đã có khách uống cà phê ưa chuộng. Chúng tôi biết tuyển những hạt ngon để làm ra những phin cà phê đậm đà, thơm lừng. Năm 1996, chúng tôi quyết định “bung ra”. Khi “hãng” cà phê Trung Nguyên khai trương bảng hiệu ở cây số 3 (thành phố Buôn Ma Thuột) thì dân cư ở đây ai cũng phì cười trước cái “tổng hành dinh” ọp ẹp phát khiếp ấy! Toàn bộ bảng hiệu của “hãng” đều do chúng tôi bò ra tự vẽ, tự sơn phết cả đêm để kịp sáng mai khai trương. Mà khách hàng ngày khai trương không ai khác chính là những người bạn sinh viên học cùng trường, cùng lớp đến uống chung vui với chúng tôi.

Đó là một sự kiện trọng đại trong đời tôi và lịch sử phát triển của thương hiệu cà phê Trung Nguyên. Ngồi trong cái hãng nhỏ bé đáng tự hào của mình ở phố núi, tôi căng mắt nhìn về hướng Sài Gòn.

Trận đầu trong chuyến “viễn chinh” của chúng tôi đến Tp.HCM thảm bại hoàn toàn. Ngồi trên đống đổ nát mà mình dày công gầy dựng và qua đêm ở công viên với những người bạn, tôi cố gắng để không bị sụp đổ lòng tin và vẫn mãnh liệt nghĩ về ngày mai.

Chúng tôi biết Sài Gòn là mảnh đất đầy tiềm năng để kinh doanh cà phê nhưng hiểu rằng mình chưa đủ sức. Kế hoạch mới của chúng tôi là sẽ mở các điểm kinh doanh ở miền Tây, lấy vùng nông thôn rộng lớn này làm hậu thuẫn cho việc kinh doanh của mình để từ đó làm “bàn đạp bao vây” tiến về Sài Gòn.

Chúng tôi tìm được một đối tác ở Long Xuyên để mở lò rang xay chế biến, phân phối cà phê tại miền Tây. Nhưng chỉ sau một vài tháng, cuộc “hôn phối” vụng về này thất bại hoàn toàn. Tôi còn nhớ rất rõ cảm giác thất trận ê chề khi lục tục cuốn gói với lỉnh kỉnh những lò cà phê quay tay cũ kỹ, ly tách, phin, muỗng... Sự thất bại này giúp tôi rút ra được một bài học: hợp tác làm ăn phải đồng thuận về tư tưởng, về phương thức kinh doanh, và quan trọng nhất là phải chọn đúng đối tác.

Tôi còn nhớ sau khi dọn hết đồ đạc ở Long Xuyên về Sài Gòn, một người bạn chạy chiếc Honda Dame già cỗi đến đón tôi. Chạy đến công viên Bách Tùng Diệp (ngã ba Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Lý Tự Trọng, Q.1) thì chiếc xe già gãy làm đôi! Tôi không bao giờ quên hình ảnh chúng tôi qua đêm ở công viên. Mỗi lần đi ngang nơi này, tôi vẫn nhớ như in những cảm xúc của sự thất bại ở Long Xuyên và tình bạn ấm áp dưới gốc đa của buổi tối ngày nào.

Thất bại ở Long Xuyên làm chúng tôi cạn kiệt hoàn toàn về vốn liếng, công việc kinh doanh cà phê ở Buôn Ma Thuột cũng gặp nhiều bế tắc, chỉ cầm cự từng ngày. Vốn liếng đâu để tiếp tục duy trì công việc kinh doanh? Lúc đó, chúng tôi có một người bạn thân đã đi làm và dành dụm mua được một chiếc xe Dream. Thời điểm đó chiếc xe là cả một tài sản lớn của anh. Vậy mà chúng tôi dám ngỏ ý mượn xe đem bán làm vốn kinh doanh. Chúng tôi đặt vấn đề: cho mượn thì coi như đã mất và nếu thành công thì chúng tôi trả lại. Người bạn đồng ý.

Bây giờ tôi có thể đủ sức mua cả ngàn chiếc xe Dream nhưng vẫn không có chiếc xe nào quí giá bằng chiếc xe tình bạn của chúng tôi ngày đó. Có tình bạn vô giá đó tôi mới có được ngày hôm nay.

Từ một quán cà phê miễn phí

Tại thời điểm chúng tôi bắt đầu thăm dò thị trường Sài Gòn, mỗi hãng cà phê đều tài trợ cho một quán kha khá khoảng 5 triệu đồng/tháng - quá hớp đối với tài sản chúng tôi đang có chỉ là chiếc xe máy. Chúng tôi đi tìm những điểm bán cà phê nổi tiếng để học hỏi, tìm hiểu bí quyết chế biến rang xay cà phê ngon và được họ “trải lòng” rất đơn giản - bí quyết chỉ có mấy chữ: 10 triệu đồng.

Ngày 20/8/1998 đi vào lịch sử của cà phê Trung Nguyên khi chúng tôi khai trương quán cà phê đầu tiên tại 587 Nguyễn Kiệm (quận Phú Nhuận) với hình thức phục vụ uống cà phê miễn phí trong vòng 10 ngày. Và đó là cú đột phá lịch sử với dân khoái uống cà phê Sài Gòn khi lần đầu tiên có một quán cà phê miễn phí. Có một ông khách khoảng 60 tuổi đến uống và nói với tôi: “Tui uống cà phê ở Sài Gòn đến từng này tuổi nhưng đây là lần đầu tiên được uống cà phê không phải trả tiền”.

Quán đông nghịt suốt ngày đêm vì người ta truyền miệng nhau. Chúng tôi và mấy người bạn phục vụ suốt ngày đêm đến nỗi nói không ra tiếng mà trong lòng thì vui không thể tả. Chúng tôi đã định hình Trung Nguyên là quán cà phê mà khách hàng có thể mua hàng, uống cà phê đối chứng bằng cách đưa ra rất nhiều loại cà phê để khách chọn lựa và hướng dẫn cách thưởng thức cà phê “theo kiểu Trung Nguyên”.

Điều khác biệt nhất của Trung Nguyên đối với tất cả các quán cà phê tại thời điểm đó là chúng tôi giúp cho khách hàng thấy được “chất” của cà phê, thấy được sự khác biệt đặc trưng giữa cà phê Robusta và Arabica, giữa Culi Robusta và cà phê Sẻ, cà phê Chồn...

Quán cà phê này vẫn duy trì hoạt động ở địa điểm cũ nhưng chắc ít ai biết chính từ quán cà phê đầu tiên này chúng tôi đã phát triển lên đến con số 500 quán cà phê tại Việt Nam như hiện nay và tiếp tục mở những quán cà phê Trung Nguyên khác tại nước ngoài.

Tặng cà phê cho Thủ tướng!

Khi còn đi vay cà phê để rang, chúng tôi đã dám bỏ tiền ra đăng ký tham gia một hội chợ ở Nha Trang. Bao nhiêu tiền lời chúng tôi làm ăn được đều dồn hết cho cú tiếp thị đầu đời này. Hễ có cơ hội là chúng tôi tìm cách giới thiệu cà phê của mình. Năm 1995, nghe tin Thủ tướng Võ Văn Kiệt về thăm và làm việc với tỉnh Đắc Lắc, tôi nghĩ ngay: phải giới thiệu cho được cà phê Trung Nguyên của mình với Thủ tướng.

Nhưng tiếp cận thủ tướng để tặng một bịch cà phê là điều không tưởng. Lần nào mon men tiếp cận cũng bị bật ra. Không bỏ cuộc, tôi chuyển sang… tặng những gói cà phê này cho các anh cảnh vệ, với lời nhắn là “quà của nhóm sinh viên Đại học Tây Nguyên kính tặng Thủ tướng”. Sau này có dịp ngồi tiếp chuyện bác Sáu Dân (nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt), tôi nhắc lại kỷ niệm đó và hỏi là bác có nhận được quà không, ông chỉ cười...

Trung Nguyên còn có thể mở rộng diện ra hơn nữa nhưng lúc này chúng tôi sẽ tập trung vào việc kiểm soát và nâng cao chất lượng sản phẩm. Mặc dù nhượng quyền nhưng mục tiêu của Trung Nguyên vẫn là khẳng định tính đồng nhất: mỗi ly cà phê Trung Nguyên dù bạn thưởng thức tại Thành phố Hồ Chí Minh hay ở thị trấn sông nước Năm Căn hoặc trên phố núi Sa Pa đều có chất lượng, hương vị như nhau..."



Làng cà phê

Thứ Bảy, 21 tháng 11, 2009

Mai Hương Nội - Vincom


(Dân trí) - “Cho đến bây giờ, tôi vẫn nghĩ, CEO là thứ (hay là nghề) chỉ có thể học được chứ… không dạy được” - Chị Mai Hương Nội, Tổng Giám đốc Vincom đã chia sẻ với chúng tôi sau “niềm vui kép” được nhận “Giải thưởng Doanh nhân ASEAN” và Vincom nhận giải thưởng Sao vàng Đất Việt...

Chúc mừng chị nhân dịp chị nhận được “Giải thưởng doanh nhân ASEAN” và Vincom được nhận “Sao vàng đất Việt 2007”!

Quả thực tôi rất thú vị khi nhận được “niềm vui kép” này trong tháng 10. So với thành tựu mà Vincom đạt được sau một thời gian ngắn xây dựng và phát triển, tôi nghĩ, việc bình xét và trao cho Vincom những vinh dự trên là xứng đáng.

Riêng với “Giải thưởng doanh nhân ASEAN”, dù là trao cho cá nhân, nhưng tôi nghĩ, mình chỉ là người đại diện đứng lên nhận giải. Giải thưởng thuộc những “Người Vincom” trong đó có tôi và các đồng sự, cộng sự…

Nói như chi, có vẻ Vincom là một tập thể đoàn kết và có tính tập thể rất cao...

Đoàn kết thì tất nhiên, tính tập thể cũng vậy… nhưng trách nhiệm tập thể thì không.

Ở Vincom, sự phân công phân nhiệm rất rõ ràng nên quyền lợi, trách nhiệm cá nhân cũng rất cụ thể. Hơn nữa, hầu hết các CBNV ở Vincom đều là những người trẻ và được đào tạo khá bài bản nên họ có cách làm việc chuyên nghiệp, khả năng nhập cuộc, làm việc nhóm tốt và bên cạnh đó luôn là khả năng tự vận động và tự chịu trách nhiệm.

Hình như chị là người không thích nói riêng về mình?

Không hẳn vậy, nhưng thực tình tôi muốn nói đến cái gì đó rộng hơn tôi mà trong đó có tôi.

Thưa chị, từ một Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ khách hàng của Bưu điện Hà Nội (một doanh nhiệp Nhà nước) chuyển sang làm CEO cho một công ty tư nhân “có sừng có mỏ”, theo tôi là rất khó. Chị đã làm gì để thành công?

Từ nhà nước chuyển sang thì cũng có cái hay riêng của nó chứ!

Bảo tôi đã làm gì thì… kể làm sao được! Còn để làm được vị trí CEO tại Vincom, có lẽ điều quan trọng nhất là ở đó tôi có được “nhân hoà”. Tôi hay có một triết lý rằng, có thể có rất nhiều người, nhiều nơi cần mình nhưng sẽ không có nhiều người, nhiều nơi tin mình.

Ở Vincom, các lãnh đạo (những người mời tôi về đây) đã tin tưởng giao trọng trách cho tôi và tôi cũng đã có được lòng tin từ các nhân viên, các cộng sự.

Việc chuyển sang một lĩnh vực mới, một môi trường mới, tất nhiên là sẽ gặp nhiều khó khăn nhưng chính đó lại là một động lực cho mình vươn lên. Còn chưa biết thì phải học thôi, học gấp!

Nhưng “thiên hạ” đồn, chị là người nghiêm khắc và nhân viên của chị nói về chị cũng… đầy khoảng cách!

Nghiêm khắc là điều cần thiết trong công việc. Còn “khoảng cách” thì tôi nghĩ là không phải. Ở Vincom, chúng tôi tôn trọng nhau và chúng tôi xác định là “những người làm thuê chuyên nghiệp”.

Như chị đã biết, trong môi trường kinh doanh hiện đại, vai trò của các CEO là rất lớn... Còn chị, chị đánh giá thế nào về vai trò CEO của mình ở Vincom?

Tôi không muốn đánh giá và thú thực cũng… chẳng biết đánh giá như thế nào. Thôi thì cứ nỗ lực làm việc, nỗ lực học hỏi. Để quản lý, điều hành một doanh nghiệp lớn tại một lĩnh vực kinh doanh nhiều “nhạy cảm” là BĐS cao cấp như Vincom quả không phải dễ.

Nhưng “ơn trời” Vincom phát triển cũng khá tốt, chúng tôi vừa tăng vốn lên 800 tỷ VNĐ lại vừa niêm yết cổ phiếu trên Sàn GDCK TPHCM và cổ phiếu… cũng khá sốt! Năm 2007 là năm chúng tôi đạt được nhiều thành tựu nhưng theo tôi, bước đột phá của Vincom còn đang ở phía trước.

Từ năm tới, chúng tôi sẽ có hàng loạt các dự án mới với tổng vốn đầu tư hàng trăm triệu USD. Vạn sự khởi đầu nan… vì thế, tôi nghĩ ở cương vị là một trong những người lãnh đạo tôi sẽ phải cố gắng từng ngày.

Thế còn quan điểm của chị về nghề CEO. Và liệu chị có muốn có một thương hiệu CEO Mai Hương Nội?

Cho đến bây giờ, tôi vẫn nghĩ, CEO là thứ (hay là nghề) chỉ có thể học được chứ không dạy được. Có đầu óc bao quát, tính toán; có tư duy lãnh đạo, biết chia sẻ, biết chịu trách nhiệm thôi chưa đủ… anh còn cần có sự nhạy cảm và… rất nhiều thứ khác đòi hỏi anh phải thật sự sáng tạo. Mà sáng tạo thì không ai giống ai, không ai có thể dạy ai được...

Những thứ mà người khác dạy anh thì đó cũng chỉ mang tính chất nguyên lý hoặc để… tham khảo thôi. Nếu rập khuôn như người ta thì… hỏng là cái chắc.

Còn hỏi tôi muốn có một thương hiệu CEO không ư? Muốn chứ! Nhưng đây không phải là chuyện “khi ta cần là có, khi ta muốn là được” mà muốn thì phải thực sự cố gắng. Cố gắng, nỗ lực một cách khoa học và bài bản, có quá trình… như vậy mới bền vững.

Xin cám ơn chị!

Nguyệt Minh

Thứ Sáu, 20 tháng 11, 2009

Đào Hồng Tuyển - Tuần Châu Hạ Long



(VietNamNet) - Không hiểu sao, mỗi khi nghĩ đến ông Đào Hồng Tuyển, tôi lại nhớ đến hai câu thơ của Đồng Đức Bốn: “Bây giờ không thấy thị Mầu, nhưng con mắt ấy còn lâu mới già”. To cao, rắn chắc, mặt vuông chữ điền, nhưng ấn tượng nhất ở ông Tuyển vẫn là đôi mắt. Lần đầu tiên gặp ông vào cuối năm 1998, thời điểm ông đang “sa lầy” vào dự án Tuần Châu, đôi mắt đó như có lửa, nóng bỏng và quyết liệt.

Năm 1998, một năm sau cuộc khủng hoảng tài chính-tiền tệ Đông Nam Á, khi bất động sản trên thị trường toàn cầu sụt giá, nhiều nhà đầu tư trong lĩnh vực này phá sản hàng loạt. Đó cũng là thời điểm mà ông Tuyển dốc đồng tiền cuối cùng cho dự án Tuần Châu. Không ít người thời đó cho rằng ông là kẻ điên rồ, hoang tưởng. Một kẻ mang ảo mộng dời non lấp biển, cả gan chống trời, huy động hàng chục tỷ đồng xúc đất đá, đổ xuống đại dương mênh mông để làm con đường nối đất liền với đảo Tuần Châu. Không thể hình dung rằng, cuộc đời một con người chưa bao giờ cầm lá bài lại có thể dốc cả sản nghiệp của mình vào một dự án đầy sự may rủi như một con bạc khát nước.

Đổ 80 tỷ đồng xuống biển

Lập nghiệp ở thành phố Hồ Chí Minh, nhưng ông Tuyển sinh ra trên đất Quảng Yên - Quảng Ninh. Ông hiểu rõ khá tường tận các vùng miền của vùng Đông Bắc giàu tiềm năng này. Trong gần 2.000 hòn đảo của vịnh Hạ Long, Tuần Châu là đảo duy nhất có dân cư sinh sống. Xã đảo Tuần Châu có diện tích hơn 400ha với hơn 1.500 nhân khẩu. Nhân dân xã đảo chủ yếu sống bằng nghề chài lưới với các phương tiện đánh bắt rất thô sơ. Trên đảo không có điện, nước, giao thông với đất liền rất khó khăn. Sự cách trở về địa lý với đất liền là nguyên nhân chính tạo nên cái nghèo của xã đảo. Trong một lần ghé thăm đảo, ông Tuyển đã phát hiện ra tiềm năng có một không hai của Tuần Châu. Đảo có vị trí thuận lợi cả về đường thuỷ và đường bộ, nằm ngay tại trung tâm di sản thiên nhiên thế giới. Ông Tuyển cho rằng: “Người ta có thể xây một Hà Nội sang bên kia sông Hồng, dịch chuyển TP.HCM về phía Nam, còn Hạ Long, là di sản thế giới thì không thể di chuyển được, bởi phải trải qua hàng triệu năm mới có được di sản đó”. Từ lập luận này, ông quyết tâm khắc phục khoảng cách 2km với đất liền.

Chính sách đổi đất lấy cơ sở hạ tầng của Quảng Ninh đã củng cố thêm cho ông Tuyển ý định đầu tư vào dự án Tuần Châu. Để đắp một con đường nối đất liền với đảo, theo dự toán thời đó, tiến hành trong vòng 3 năm và đầu tư một khoản tiền không dưới 80 tỷ đồng. Tám mươi tỷ đồng là một số tiền mà đối với một doanh nghiệp nhà nước thời bấy giờ còn khó huy động, nói chi đến ông chỉ là một doanh nghiệp tư nhân khiêm nhường, mới nổi. Huy động được 80 tỷ đồng mua đất đá, đổ xuống làn nước biển trong xanh ròng rã trong vòng ba năm khác nào việc dã tràng xe cát.

Năm 1997, thị trường bất động sản suy thoái và sau đó là cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ khu vực Đông Nam Á đã làm cho hàng trăm nhà đầu tư nước ngoài lặng lẽ tháo lui khỏi thị trường Việt Nam. Giới đầu tư bất động sản trong nước đang co mình lại chờ thời. Trước những thực tiễn phũ phàng như vậy, ông Tuyển nghĩ: “Cái gì đã rơi xuống đáy rồi sẽ không thể rơi xuống thấp hơn. Sau khi rơi xuống đáy sẽ bắt đầu một chu kỳ mới phát triển với tốc độ cao hơn”. Từ nhận định đó, ông quyết tâm thực hiện dự án.

Trình dự án lên UBND tỉnh Quảng Ninh, ông đạt được thoả thuận: Đầu tư xây dựng con đường hơn 2km nối quốc lộ 18 với Đảo Tuần Châu; đổi lại, ông được quyền sử dụng 98ha đất trên đảo. Con đường vượt biển hai cây số, mặt cắt rộng 25m, với hai làn xe, hành lang cho người đi bộ… Nếu là đường trên đất liền đã là một sự nghiệp đáng kể đối với một doanh nghiệp ngoài quốc doanh. Đằng này lại là con đường “dời non lấp biển” mà có. Trong gần ba năm, hơn 50 chiếc xe tải đã cần mẫn đổ đất đá xuống biển để rồi con đường cứ dài mãi, dài mãi, sau gần 1.000 ngày kiên trì, cùng với hàng triệu mét khối đất đá là hàng chục tỷ đồng chìm ngỉm dưới làn nước biển trong xanh. Đổi lại, con đường đất từ đất liền đã chạm vào đảo.

Ông Tuyển nhớ lại: Năm đầu tiên triển khai dự án là cả một năm thắc thỏm lo âu. Một trận gió mùa, một cơn áp thấp nhiệt đới đều có thể tạo nên những cơn sóng thần nhấn chìm sản nghiệp của ông xuống đại dương mênh mông không sủi tăm. Cuối năm 1998, con đường đã chạm tới đảo, đó cũng là lúc mọi nguồn vốn cạn kiệt, không thể vay mượn được ai, nhà cửa, sản nghiệp đã thế chấp hết để vay vốn ngân hàng. Nhiều thứ bán không có người mua, vì thị trường đã đóng băng. Có cơ sở sản xuất khi mua giá 1.200 cây vàng, nhưng cần tiền người ta trả 600 cây cũng phải bán. Bạn bè xa lánh, mỏi mệt và chán nản tưởng như phải bỏ cuộc dở chừng. Nếu bó tay chỉ có nước là chờ ngân hàng đến xiết nợ rồi vào tù, rồi sẽ được cả nước biết đến như một vụ án… lừa đảo. Thế nhưng chính những lúc đó, nghị lực và bản lĩnh của một doanh nhân như thức tỉnh ông. Động viên anh em cho nợ lương mà vẫn kiên trì triển khai dự án. “Bán non” một số lô đất để lấy ngắn nuôi dài nhằm thực hiện đến cùng con đường vượt biển ra đảo.

Biến Đảo nghèo thành Đảo Ngọc

Tuần Châu đã có đường ra đảo, trở ngại quan trọng nhất đã được khắc phục. Tuy nhiên, làm thế nào để Tuần Châu trở thành một trung tâm du lịch và giải trí có tầm cỡ quốc tế và có khả năng sinh lợi lại là một bài toán không kém phần phức tạp. Từ những khu du lịch nổi tiếng thế giới như Bali (Indonesia), Phukhet, Pataya (Thái Lan), ông Tuyển nghĩ: “Phải làm cho Tuần Châu đẹp hơn, hiện đại hơn, hấp dẫn hơn và nhân văn hơn”. Vừa đi các nơi để học hỏi kinh nghiệm, tham khảo mô hình, ông Tuyển còn tập hợp quanh mình hàng trăm chuyên gia kỹ thuật trong nước ngày đêm phác thảo các đồ án. Vẫn chưa yên tâm, nghe tin đâu có chuyên gia giỏi, ông cho mời về. Hiện ông có 29 kiến trúc sư người nước ngoài tham gia vào đồ án tổng thể Khu du lịch Tuần Châu.

Một trong những dự án đầu tiên mà Công ty Âu Lạc đầu tư là bãi tắm nhân tạo dài 4 km. Thoạt nghe đã thấy ảo tưởng, bởi cát làm bãi tắm phải chở từ Trà Cổ, cách Tuần Châu gần 200km. Hơn một triệu mét khối cát được vận tải bằng đường biển từ Trà Cổ về Tuần Châu, công trình này đã hoàn thành và đưa vào sử dụng từ năm 2002. Đến đây, du khách có thể vui chơi thoải mái trên bờ biển thoai thoải với lớp cát trắng Trà Cổ nổi tiếng. Cùng với bãi biển nhân tạo là các trò chơi bãi biển và dưới nước như: bóng chuyền, đá bóng, lướt sóng, nhảy dù trên biển, môtô trượt nước tốc độ cao đem lại cho du khách một kỳ nghỉ khoẻ khoắn, thú vị và đầy ấn tượng.

Một thành công khá độc đáo của ông Tuyển ở Tuần Châu là sự ra đời Vườn ẩm thực Việt Nam. Vườn này được xây dựng theo phong cách riêng của văn hoá ẩm thực Việt Nam, với những ngôi nhà bằng gỗ, mô phỏng kiến trúc cung đình thế kỷ 17 và 18. Với lớp lớp toà ngang dãy dọc, thuỷ đình, hồ cá, ẩn mình bên những gốc đào cổ thụ, rặng thông xanh, dòng suối uốn lượn róc rách, các khu ca múa nhạc dân tộc, sân khấu múa rối nước, đàn nước và thác nước. Vườn ẩm thực với tổng diện tích hơn 20.000 m2 bao gồm 14 căn nhà được chia thành các khu Ngọc Châu, Vườn Đào, Thuỷ Đình, Suối Thiên Thai, có thể phục vụ cùng một lúc 3.000 khách.

Cùng với Câu lạc bộ biểu diễn cá heo và sinh vật biển, Tuần Châu cũng đã hoàn thành và đưa vào sử dụng hệ thống khách sạn, biệt thự với hơn 400 phòng đạt tiêu chuẩn quốc tế 4 sao. Dự kiến, cuối năm nay trên đảo Tuần Châu sẽ hoàn thiện và đưa vào sử dụng thêm 500 phòng đạt tiêu chuẩn đón khách quốc tế. Vào ngày 15/4 tới đây, Khu du lịch Tuần Châu sẽ cho khai trương thêm công trình biểu diễn nhạc nước trình diễn bằng laze, chiếu phim trên nước. Trong năm nay, ông dự định sẽ mua thêm ba đôi tàu cao tốc chạy tuyến Hải Nam - Tuần Châu, HongKong - Tuần Châu và Bắc Hải - Tuần Châu. Tuần Châu không còn là xã đảo nghèo mà thực sự là một khu du lịch tầm cỡ khu vực và quốc tế.

Từ một xã đảo nghèo, mặc dù còn nhiều dự án chưa hoàn thành nhưng ngày nay, Tuần Châu đã mang dáng dấp một “Đảo Ngọc” như tên gọi vốn có của đảo này. Hàng trăm hạng mục công trình được đầu tư từ năm 1997, đến nay có công trình đã thu hồi đủ vốn đầu tư.
Biến 'đảo nghèo' thành đảo Ngọc - ông Tuyển đã làm được một điều phi thường. Điều phi thường đó, không phải người bình thường nào cũng làm được.

“Một bãi chông gai và một biển đau thương”

Bây giờ thì ông Tuyển đã được biết đến như một “chúa đảo”, người đang sở hữu 670ha đất trên “đảo ngọc” Tuần Châu nằm trong quần thể vịnh Hạ Long-di sản thế giới. Giới đầu cơ bất động sản đã làm một phép tính: đất Tuần Châu bỏ rẻ cũng được 10 triệu đồng/m2. Một trăm mét vuông, tương đương một tỷ đồng. Một trăm ngàn mét vuông (10ha), tương đương một ngàn tỷ đồng, nếu ông Tuyển chỉ bán đi một nửa số đất đang thuộc quyền sử dụng của ông, nghĩa là khoảng hơn 300 ha, số tiền thu được sẽ là hơn 30.000 tỷ đồng, tương đương với 2 tỷ USD. Đó là chưa kể đến hàng chục ngàn tỷ đồng khác đầu tư vào những công trình đồ sộ như nhà biểu diễn cá heo, rạp xiếc, công trình biểu diễn nhạc nước đều đáng giá hàng trăm tỷ đồng. Không còn nghi ngờ gì nữa, ông là một trong những người giàu nhất Việt Nam.

Tôi hỏi ông: đời doanh nhân, ông đã gặp bao nhiêu trở ngại để có được ngày hôm nay?. “Không thể kể hết, tôi đã vượt qua một bãi chông gai và cả một biển đau thương”, ông Tuyển nói.

... Năm 1969, mới 15 tuổi, Đào Hồng Tuyển đã tham gia đoàn tàu không số đường mòn Hồ Chí Minh trên biển. Đó là thời mà giữa cái sống và cái chết chỉ cách nhau có một sợi tơ mong manh. Ông và những người bạn của mình đã phải “mai táng” nhiều đồng đội trên biển. 25 tuổi, tham gia quân tình nguyện ở Campuchia. Sau khi xuất ngũ, ông đã lăn lộn qua nhiều nghề để lập nghiệp, rồi chuyển sang làm công tác Đoàn, đã từng đảm đương các cương vị: Phó Tổng giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Trung ương Đoàn, Giám đốc Trung tâm chuyển giao và xuất nhập khẩu công nghệ, Phó chủ tịch Hội phân bón Việt Nam… từng bước tách ra làm ăn rồi thành lập công ty riêng. Sau một thời gian bươn chải trên thương trường và không ít lần nếm mùi thất bại mới được như ngày nay. Hiện nay Tổng công ty Âu Lạc của ông có 7 công ty thành viên với 10.000 lao động.

Để có được dự án Tuần Châu như ngày hôm nay, ngoài dốc hết nguồn lực, huy động vốn từ các nguồn và qua nhiều đêm không ngủ, ông Tuyển còn phải vượt qua hàng trăm cửa ải của hệ thống hành chính mà không có cửa ải nào đơn giản. Ngoài sự quên mình của bản thân, giúp việc ông còn có 20 luật sư làm việc liên tục trong suốt 4 năm. Hiện nay, hồ sơ của các dự án có thể xếp đầy… một gian nhà, thế nhưng vẫn chưa hết điều này tiếng nọ. Mỗi lần công luận có ý kiến lại phải giải trình, lại phải tiếp một số đoàn thanh tra, lại mất nhiều đêm thức trắng.

Tấm thiệp xuân 600 triệu đồng

Một tấm thiệp xuân kích thước 1,6m x 1,2m, bình thường nó chỉ là một bức tranh học trò, chưa tạo được ấn tượng đáng kể nào về nghệ thuật. Tuy nhiên đó là tấm thiệp do thầy trò Trường tiểu học Trần Quốc Toản - Hà Nội làm với thiện chí tặng những người nghèo trong dịp Tết. Ông Tuyển đã mua nó với giá 600 triệu đồng trong đêm hội từ thiện 31/12/2003 trước sự chứng kiến của hàng triệu người xem truyền hình. Sau sự kiện này, có người hỏi ông: Phải chăng, vì hiếu thắng mà ông đã “bị hớ” trong vụ bán đấu giá đó?

Ông trả lời: “Hôm đó tôi không muốn thắng và tôi cũng không quan niệm có thắng thua trong sự kiện này. Nhưng nếu làm được một việc gì đó để khơi dậy phong trào vì người nghèo thì tôi sẵn sàng hết mình. Tôi nghĩ rằng nếu các đầu cầu kia muốn thắng tôi sẽ nhường và cũng vẫn gửi tặng UBMTTQ Việt Nam một số tiền tương đương. Đã từng trải qua một thời kỳ hàn vi, tôi chia sẻ và thông cảm với những khó khăn của người nghèo. Tôi cám ơn hàng trăm em bé của trường Trần Quốc Toản. Các em còn nhỏ mà đã biết suy nghĩ giúp đỡ một bộ phận cộng đồng còn rất nghèo khó'.

Không ai còn nghi ngờ về sự giàu có của ông Tuyển, nhưng ông không muốn nói nhiều về điều đó. Ông cho rằng, điều quan trọng hơn, ông đã tạo việc làm thường xuyên cho 10.000 công nhân. Cùng với họ là gia đình và những người thân có cơ hội thoát nghèo. Trước khi được khán giả cả nước biết đến qua sự kiện tấm thiệp 600 triệu đồng, ông Tuyển đã đầu tư xây 150 căn nhà cho người nghèo và nhiều hoạt động từ thiện khác. Đó là chưa kể đến hơn một ngàn hộ dân trên đảo Tuần Châu và những vùng lân cận có cơ hội thoát nghèo nhờ những công trình đầu tư của ông. Xin chúc cho ông trẻ mãi không già để làm được nhiều hơn nữa cho sự nghiệp xoá đói giảm nghèo của đất nước.

Người giàu nhất Việt Nam 2009 Đào Hồng Tuyển: 10000 tỷ đồng?

Cách đây ba năm, đặc phái viên của báo Le Figaro ở Hà Nội đã gửi về bài phóng sự “những nhà tỷ phú đầu tiên của Việt Nam”. Đi kèm với bài báo là tấm ảnh chụp vịnh Hạ Long nơi mà người giàu nhất Việt Nam đã biến đảo Tuần Châu thành khu du lịch vĩ đại, đón tiếp khoảng 5 triệu du khách trong năm 2005. Nhà báo Le Figaro cho rằng lâu đài của ông Tuyển ở Tuần Châu được sao chép rất trung thành từ tòa nhà trắng ở Washington.

Với ông, sự giàu có, nổi tiếng và tai tiếng dường như luôn đồng hành. Chỉ có điều, sóng gió của cuộc đời, sóng gió của thương trường, và cả sóng gió dư luận dường như không thể quật ngã ông.

Không những thế, dường như sau mỗi lần sóng gió, ông lại trỗi dậy một cách mạnh mẽ hơn. Ở ông người ta luôn cảm thấy một nguồn năng lượng không bao giờ cạn.

Cựu chiến binh thành "Chúa đảo Tuần Châu"

Trong giới làm ăn, có thể nói ai cũng biết đến ông Tuyển. Điều đơn giản, ông là người làm được những việc phi thường mà chỉ có những người trong giới mới cảm nhận được sự vĩ đại của ý chí, sự sung mãn của nghị lực và sự rủng rỉnh của tiền bạc.

Chỉ tính riêng với dự án Tuần Châu, ông Tuyển đã cho xây cất hơn 100 cây số đường xá, trong đó có hơn 2 cây số đường nối liền hòn đảo với đất liền, đây có lẽ là con đường vượt biển dài nhất đông nam Á. Ông Tuyển cũng đã cho xây cất nhiều khách sạn rất sang trọng, 200 biệt thự theo kiến trúc thuộc địa Pháp và nhiều khu giải trí. Cùng với đó là bến du thuyền đầu tiên tại Việt Nam, bến phà, golf, khu đô thị...

Tuy nhiên, sự kiện được công chúng cả nước biết đến ông Tuyển là vào ngày 31/12/2003, trong đêm hội từ thiện được truyền hình trực tiếp, trước sự chứng kiến của hàng triệu người xem truyền hình. Ông Tuyển đã mua tấm thiệp xuân với giá 600 triệu đồng để ủng hộ những người nghèo.

Sau sự kiện này, cùng với sự thành công của khu du lịch Tuần Châu, tên tuổi ông không chỉ có giới truyền thông mới biết đến mà cả những đứa trẻ trong những con hẻm đều biết đến ông. Xung quanh ông người ta kể không biết bao nhiêu là huyền thoại.

Chuyện không chỉ thuần túy ở trong nước, mà thậm chí đã vượt ra khỏi biên giới quốc gia.

Nhà báo này viết: “cách đây 30 năm ông Tuyển là anh hùng của sư đoàn 125 vận chuyển hàng tấn đạn dược từ Bắc vào Nam để làm cho quân đội Mỹ bị ngã quỵ. Nhưng ngày nay là cựu chiến binh nặng 2 tỷ đô la Mỹ, đang háo hức đón chờ vốn của Hoa Kỳ đổ bộ vào Việt Nam… Đối với ông Tuyển, 1000 năm chống Trung Quốc, 100 năm chống Pháp và 20 năm chống Mỹ đó là chuyện quá khứ; còn hôm nay với ông rửa nhục là đất nước ông phải phát triển và giàu có…”

Một đồng nghiệp của tôi đã có một vài lần xuất ngoại cùng ông Tuyển kể lại: Khi xuất trình hộ chiếu qua cửa khẩu, hầu như nhân viên hải quan nào cũng biết đến tên tuổi ông. Ở đời, được “vua biết mặt, chúa biết tên” là điều không dễ. Với ông Tuyển, chuyện được các lãnh đạo cao cấp nhà nước biết đến đã là điều vinh hạnh lắm rồi. Còn chuyện những nhân viên hải quan biết đến khi ông có dịp xuất ngoại thật là không phải ai cũng có vinh dự ấy.

"Chúa đảo" bị cơ quan an ninh cho “nhập kho”?

Vào thời điểm tháng 7 năm 2005, khi ngồi uống cafe trên đường Lý Thường Kiệt, tôi được một đồng nghiệp thông báo: ông Đào Hồng Tuyển sắp bị bắt. Tôi cho rằng, chuyện đó không có cơ sở. Anh bạn đồng nghiệp cho biết: Sau chuyến tháp tùng Thủ tướng đi Mỹ, ông Tuyển đang bị cấm xuất cảnh, vấn đề bị bắt chỉ là thời gian.

Anh cũng cho biết thêm, nguồn tin mà anh nắm được là rất đáng tin cậy, từ “cơ quan điều tra!”. Để thẩm định lại thông tin đó, tôi rút máy di động gọi cho ông. Ông cho biết, vừa đặt chân xuống sân bay Pochenton, đang đi tháp tùng thủ tướng thăm Campuchia. Những gì diễn ra sau đó đã chứng minh tin đồn kia là không có cơ sở.

Tưởng như thế cũng đã là quá lắm rồi, đến thời điểm cuối tháng 10/2006, giới doanh nghiệp ở Hà Nội và TP. HCM lại bàng hoàng trước thông tin: Ông Đào Hồng Tuyển, Chủ tịch HĐQT Công ty Âu Lạc, Uỷ viên Trung ương MTTQ Việt Nam, Phó chủ tịch Hội cựu chiến binh đoàn tàu không số thuộc lực lượng Hải quân đã bị cơ quan công an đưa vào "tầm ngắm". Việc bắt giữ ông Tuyển chỉ còn là thời điểm nào mà thôi!.

Chưa hết, nguồn tin được tung ra còn có vẻ rất logíc là Công ty Âu Lạc hiện đang vay vốn từ một ngân hàng trong hệ thống Ngân hàng Nông nghiệp VN khoảng 4.000 tỷ đồng để đầu tư xây dựng một số công trình không có khả năng sinh lời dẫn đến nợ quá hạn mất khả năng cân đối tài chính, nguy cơ phá sản.

Ông Tuyển tham gia nhiều chương trình ủng hộ người nghèo do MTTQ Việt Nam phát động, nhưng không chuyển tiền ở Thủ đô Hà Nội. Nhiều "đại gia" trong bia, rượu, tiệc tùng cũng thao thao cá độ: "Chúa đảo" hiện đã bị cơ quan an ninh cho “nhập kho”...

Để kiểm chứng lại tin này, chúng tôi lại gọi điện thoại, cũng như những lần trước, lần này, ông Tuyển đang có mặt ở Hàn Quốc. Chuyện “nhập kho” như tin đồn hôm đó cũng chỉ là những chuyện tầm phào mà người ta liên tưởng đến một nhân vật bóng gió nào đó trên bộ phim truyền hình nhiều tập.

“Chúa đảo” với “chân dài”

Tin đồn về chuyện nợ nần chưa xong, ông lại dính đến chuyện nhạy cảm khác: quan hệ với một “chân dài” trong đường dây gái gọi cao cấp của Hiền “chèo”. Đây không phải là tin đồn nữa mà là lời khai của một đối tượng trong đường dây gái gọi và cơ quan công an đã đi xác minh...

Khi cơ quan điều ra vào cuộc, lấy thông tin từ các chứng lý sống, được biết những ngày đó ông Đào Hồng Tuyển không có mặt ở Tuần Châu. Ông Tuyển với đoàn khách đó không có bất kỳ mối quan hệ nào. Tất cả hàng chục con người ấy đều trả lời không biết ông Tuyển.

Thế nhưng tai tiếng vẫn cứ đến với ông. Có lẽ đó là cái giá phải trả rất đắt của sự nổi tiếng.

Người giàu nhất Việt Nam

Vào thời điểm hoàng kim nhất của thị trường chứng khoán, với những doanh nghiệp đã được niêm yết trên sàn, cùng với các bản cáo bạch được in công khai, không khó khăn lắm trong việc xác định được ai là người giàu nhất Việt Nam, tất nhiên là trên sàn.

Theo số liệu được cung cấp vào tháng 1/2007, ông Trương Gia Bình - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty FPT được coi là người giàu nhất với tổng tài sản lên tới 2.354 tỷ đồng.

Giới thạo tin cho rằng, với một xã hội hiện còn chưa cởi mở như Việt Nam, đó chỉ là phần nổi của tảng băng. Những con cá kình về tài sản vẫn còn ẩn hiện đâu đó. Không ít lâu sau, khi thị trường trượt dài cùng với đà suy thoái toàn cầu, tài sản của những người giàu trên thị trường chứng khoán lại liên tục bị bốc hơi. Không chỉ là vài ba chục phần trăm mà thậm chí là hơn hai phần ba. Lý do đơn giản, vào thời hoàng kim, thị trường chứng khoán VN leo đến 1.170 điểm, còn vào thời thảm hại nó chỉ còn 230 điểm.

Chính trong những thời điểm khó khăn đó, tôi đã gặp ông Tuyển ở Hà Nội. Hỏi thăm: dạo này thế nào, công việc ra sao? Ông cho biết: lúc này đây, mới là lúc ai là người làm thật và có tiền thật. Cũng chính tại thời điểm đó Tập đoàn Tuần Châu của ông đã chi ra hàng trăm tỷ đồng để đền bù, giải phóng mặt bằng cho dự án khu du lịch sinh thái Tuần Châu- Hà Tây với diện tích 254 ha với tổng mức đầu tư 5 ngàn tỷ đồng.

Song song với dự án đó, ông Tuyển cũng gấp rút hoàn thành dự án bến du thuyền đầu tiên tại Việt Nam và tuyến phà Tuần Châu – Cát Bà với tổng mức đầu tư gần 1.000 tỷ đồng. Dự án này đã được khánh thành hôm 01/04/2009, nhân Lễ kỷ niệm 50 năm ngày Bác Hồ về thăm đảo Tuần Châu và làng cá Cát Bà (01/4/1959 – 01/4/2009).

Trao đổi với anh Trần Liên, cán bộ của tập đoàn Tuần châu, anh cho biết: Tập đoàn Tuần Châu do ông Đào Hồng Tuyển làm chủ tịch hiện có 14 công ty. Trong đó, Công ty Âu Lạc Quảng Ninh có vốn điều lệ: 700.000.000.000 đồng. Kết quả thẩm định giá của công ty này ngày 26/12/2008 do Công ty định giá và dịch vụ tài chính- Bộ tài chính định giá là: 5.007.290.000.000đồng (Hơn năm nghìn tỷ đồng). Công ty CP T&H Hạ Long (tại đảo Tuần Châu) vốn điều lệ: 500.000.000.000 đồng. Kết quả thẩm định giá của công ty này ngày 19/6/2008 do Công ty định giá và dịch vụ tài chính-Bộ tài chính định giá là: 5.070.000.000.000 đồng (Hơn năm nghìn tỷ).

Cùng với đó là 12 công ty khác, vốn điều lệ đều trên dưới trăm tỷ cả. Tất cả đều đang hoạt động một cách bình thường có hiệu quả, bất chấp những tác động không thuận lợi của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Với các nhà thầu và một vài tổ chức tín dụng thì mấy chục tỷ chỉ là con số lẻ.

Chuyện ông là tỷ phú đô la vào thời điểm này cũng là điều không thể phủ nhận. Để đạt được vị thế đó, cái giá phải trả không hề nhỏ chút nào. Và những ai đã chứng kiến cuộc sống thường nhật của ông đều nhận thấy ở ông vô cùng giản dị, ông vẫn là một người lính với đầy tố chất, và người đời vẫn nói về ông như một nhân vật huyền thoại.

Theo Bee.net.vn

Dương Thị Bạch Diệp - Diệp Bạch Dương

Khi đi tìm hiểu tư liệu viết phóng sự này, tôi đã gặp bà Dương Thị Bạch Diệp – Giám đốc Công ty TNHH Địa ốc Diệp Bạch Dương (thường gọi là bà Bạch Diệp). Người phụ nữ nổi tiếng vừa sở hữu chiếc xe Rolls-Royce siêu sang nhất Việt Nam, trị giá tới hơn 23 tỷ đồng. Song qua câu chuyện kể, rất nhiều lần bà Bạch Diệp phải lấy khăn lau nước mắt.

Bà nói, để có được cuộc sống như hôm nay, đã nhiều lúc bà phải “ăn chay, niệm Phật”… phải “nhịn đói nhịn khát” và, đã có thời gian phải đương đầu với cả chốn lao tù, rồi “mũi tên, hòn đạn” nữa. Biết bao sóng gió cuộc đời truân chuyên với người phụ nữ này… Bà đã phải làm đủ thứ nghề để kiếm sống.

Song tất cả gian nan khổ ải ấy, người con gái đất võ Bình Định cứ lừng lững đứng lên, bà như cây bạch dương xanh thắm giữa gió ngàn. Trước thương trường của tháng ngày đổi mới, bà càng khẳng định được vị thế của mình, từ hai bàn tay trắng trở thành người phụ nữ thành danh, nổi tiếng, làm chủ nhiều bất động sản có giá trị lớn tại TP Hồ Chí Minh.

Tuổi thơ và những kỷ niệm khó quên ở miền Bắc

Câu chuyện đầu tiên bà Bạch Diệp kể cho tôi nghe là những năm tháng tuổi thơ trên quê hương miền Bắc. Bà Diệp sinh năm 1948 tại thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Năm 1954 – khi ấy ông Dương Thâu (SN 1926, ba sinh ra bà Diệp) là Thị đội trưởng TP Quy Nhơn. Bà Diệp là một trong số con em cán bộ miền Nam được chọn cho ra miền Bắc học tập. Vào những năm 1964 – 1965, giặc Mỹ bắt đầu leo thang đánh phá miền Bắc, năm 1964 Trường học sinh miền Nam số 13 tạm thời giải tán, bà chuyển về ở nơi gia đình, học cấp 3 ở Trường Thái Phiên, Hải Phòng.

Cũng như bao học sinh khác, bà thấu hiểu cuộc chiến tàn khốc do đế quốc Mỹ gây ra ở cả hai miền Nam – Bắc. Những tiếng kẻng báo động, tiếng bom đạn và máy bay Mỹ gầm rú… và cảnh sơ tán, trú hầm… đến bây giờ nhắc lại, bà Diệp vẫn như còn cảm thấy rất gần. Sơ tán về Trường cấp 3 Kim Thành, Hải Dương (lúc ấy bà Diệp đang học lớp 10 hệ 10/10) dù còn nhỏ tuổi, là học sinh ở miền Nam ra, song cô gái Bạch Diệp đã nếm đủ vị đắng, ngọt của cuộc đời.

Bà Bạch Diệp nhớ lại: “Những năm tháng chiến tranh, miền Bắc là hậu phương cho tiền tuyến và khó khăn thiếu thốn đủ bề nhưng Đảng và Bác Hồ cũng như đồng bào miền Bắc luôn dành cho học sinh miền Nam những điều kiện tốt nhất cả trong cuộc sống cũng như trong học tập… Nhiều câu chuyện “nhường cơm sẻ áo đến bây giờ mỗi khi nhớ lại không sao cầm nổi nước mắt”… Trong rất nhiều câu chuyện bà Bạch Diệp kể về tháng ngày sống ở miền Bắc, bà còn nhớ như in chuyện khi đã có chồng, sinh con, có lúc phải đi mót khoai về ăn.

Bà Bạch Diệp xúc động nói: “Vào năm 1972, khi ấy đói khủng khiếp. Tôi sinh cháu Nguyễn Thị Châu Hà, nhiều khi nhà nghèo quá, không có gạo, phải ăn củ sắn, khoai lang thay cơm. Nhiều bà mẹ miền Bắc thấy tôi là con gái miền Nam, ai cũng thương. Các bà, các mẹ thường đến an ủi, cảm thông, song tất cả ai cũng nghèo nên về vật chất chẳng giúp đỡ nhau được gì. Nhưng chính cái tình, cái nghĩa cao cả ấy, đã giúp mẹ con tôi vượt qua nhiều thử thách, khó khăn…”.

Chuyến đi B và những ngày đầu vượt lên số phận

Đến bây giờ, có rất nhiều thông tin đồn thổi về người phụ nữ nổi danh này với những thật hư khác nhau, nhưng tất cả đều không đúng sự thật. Điều đầu tiên phải khẳng định ngay là bà Bạch Diệp được học hành tử tế. Thời bao cấp bà đã có nhiều năm tiếp cận nghề buôn bán kinh doanh, mà kinh doanh trong nhà nước hẳn hoi chứ không phải mua gian, bán lậu.

Năm 1971, khi đã tốt nghiệp Trường Đại học Ngoại thương Hà Nội, vừa ra trường bà Bạch Diệp được điều về nhận công tác tại Chi nhánh Thủ công Mỹ nghệ Hải Phòng. Qua thời gian thử việc, trải nghiệm thực tế, lãnh đạo chi nhánh thấy tính bà kiên định và trung thực nên phân công cho bà làm cán bộ lao động tiền lương. Bà Bạch Diệp tâm sự, những năm chiến tranh là sinh viên Trường Đại học Ngoại thương, bà chưa dám nghĩ nhiều đến chuyện bán buôn sau này.

Nhưng khi về làm việc ở Chi nhánh Thủ công mỹ nghệ, làm cán bộ lao động tiền lương nhưng bà rất mê hàng hoá trang trí nội thất, nhất là vôi ve ngành xây dựng. Đã nhiều lần bà theo ba đi ra cảng giao hàng (ba bà Diệp là cán bộ mậu dịch đối ngoại Hải Phòng, thuộc Bộ Ngoại thương), gặp gỡ và tiếp xúc với rất nhiều khách hàng bà biết chữ tín trong thương trường là vô cùng quan trọng.

Trong khi đã có chồng, hai con và đã yên bề gia thất nơi đất Cảng, đùng một cái cuối tháng 1 năm 1975 bà Bạch Diệp hay tin chuẩn bị lo sắp xếp gia đình để đi B (vào Nam). Bà vừa nói đến đây, tôi thắc mắc ngay: Vì sao bà đang làm trong ngành Ngoại thương, đã có chồng con, hơn nữa là phụ nữ, biết đánh đấm gì mà lại đi B?

Hiểu ý tôi, bà Diệp cười vui: “Nói là đi B cho oai vậy thôi chứ thực ra là đi theo tàu biển chở vũ khí, súng đạn và một số nhu yếu phẩm chuẩn bị cho chiến trường miền Nam… Đoàn của chúng tôi đi chủ yếu là bộ khung để vô tiếp quản vùng giải phóng B2…”. Qua câu chuyện tôi biết, dù tuổi thơ của bà phần lớn là sống ở nhiều nơi trên miền Bắc, song trong sâu thẳm từ đáy lòng bà vẫn ngày đêm đau đáu nhớ về khúc ruột miền Trung. Chính vì thế mà sau khi được tổ chức thông báo, bà sẵn sàng xuống tàu vào Nam. C

huyến tàu TV1 của Công ty Vận tải biển Việt Nam xuất phát từ Cảng Hải Phòng vào tối ngày 27/3/1975. Buổi chia tay với thành phố Cảng không chỉ có chồng, con và người thân. Trước lúc xuống tàu, bà đã không cầm nổi nước mắt khi những kỷ niệm vùng đất Cảng thân yêu đã bao năm gắn bó, chở che bom đạn cho gia đình bà. Bà thú thực rằng phải can đảm lắm mới dứt ra mà đi được bởi cái tình nghĩa bao dung, rộng lớn ấy.

Sau ba ngày đêm lênh đênh trên sông, biển, khi tàu đã vào đến hải phận miền Trung bà mới biết được chiến trường miền Nam đang thắng lớn. Miền Nam sắp giải phóng. Mỗi lần nghe bản tin của Đài Phát thanh tiếng nói Việt Nam, anh chị em trên tàu ai nấy đều cảm kích, phấn chấn, mong từng phút, từng giờ được đặt chân lên đất Mẹ.

Tối 29/3/1975, khi tàu vào đến địa phận Đà Nẵng cũng là lúc tất cả mọi người trên tàu hay tin Đà Nẵng đã giải phóng. Mọi người hò reo chờ đợi từng phút khi tàu cặp Cảng Sơn Trà (Đà Nẵng). Sau hơn 20 năm xa cách, đặt chân đến mảnh đất miền Trung… bà thầm cảm ơn biết bao người đã anh dũng hy sinh, hoặc phải bỏ lại một phần xương máu ở chiến trường để có được giờ phút nghẹn ngào vì vui sướng khi quê hương đã độc lập, tự do. Nhưng cũng chính những năm tháng sau chiến tranh ấy, không biết bao đắng cay và có cả tai ương đã giáng xuống đầu bà.

Những tai họa khủng khiếp đến không ngờ…

Càng đi sâu tìm hiểu về cuộc đời nữ doanh nhân Dương Thị Bạch Diệp, tôi càng thêm những bất ngờ về cuộc đời truân chuyên của bà. Cho dù bây giờ bà đã thành danh trở thành “triệu phú đô la” nhưng cái quá khứ ngập tràn chông gai ấy có mấy ai biết được tại An Giang bà đã từng bị bọn tham nhũng, trộm cắp thuê tên sát nhân nã cả băng đạn AK vào mình. Câu chuyện có thật “một trăm phần trăm này” thoạt nghe ai cũng phải ớn lạnh, nổi da gà.



Người phụ nữ sở hữu chiếc xe trị giá 23 tỷ đồng
Sau khi từ Tổng kho Trung Trung Bộ (có trụ sở tại Bình Định) bà Bạch Diệp về quê chồng, công tác tại Công ty Vận tải thủy An Giang. Khi ấy đất nước mới giải phóng, kinh tế còn nhiều khó khăn, đặc biệt là mặt hàng xăng dầu. Công ty Vận tải thủy An Giang có mấy cặp xà lan chở xăng dầu.

Cũng vì hám lợi mà không ít kẻ đã bán rẻ danh dự, câu kết với số cán bộ, công nhân viên biến chất bòn rút của công, trộm cắp xăng dầu của Nhà nước. Là một cán bộ có uy tín của Công ty, bà Bạch Diệp đã được rất nhiều quần chúng tốt phản ánh nạn ăn cắp xăng dầu trên xà lan.

Đầu tháng 6/1978 bà hay tin 2 chiếc xà lan chở xăng, dầu của Công ty bị chìm. Lúc đầu mọi người ai cũng nghĩ là do sự cố kỹ thuật nên xà lan bị thủng vỡ, đây là sự cố ngoài ý muốn.

Bà Bạch Diệp nhớ lại: “Lúc đầu tôi cũng tin đây là sự cố. Nhưng xâu chuỗi lại những sai phạm trước đó, tôi thấy có điều gì không ổn. Chính vì vậy nên tôi đã cất công đi xác minh, gặp một số quần chúng cùng đi trên xà lan, tìm rõ nguyên nhân sự việc. Cuối cùng kết quả đúng như tôi dự đoán, đây không phải là sự cố kỹ thuật, hay tai nạn bất ngờ mà chính một số thủy thủ trên tàu câu kết với bộ phận giám sát hàng hóa đã hút hết xăng đem bán, sau đó chúng đục xà lan cho dầu nhớt dơ chảy ra… hòng hủy tang chứng…”.

Khi sự việc bị bại lộ, một số đối tượng sợ bà Bạch Diệp tố cáo nên đã thuê người giết hại bà. Vào 2 giờ chiều ngày 9/6/1978, bà Bạch Diệp vừa bước vào phòng làm việc thì gặp Tô Văn Hùng là nhân viên bảo vệ Công ty xách khẩu súng AK chạy vào, như một tên cướp táo tợn, không nói không rằng hắn lạnh lùng giương súng siết cò… hàng loạt tiếng nổ chát chúa vang lên khiến bà Diệp choáng váng đổ vật ra nền nhà.

Sau giây phút hoàn hồn, bà Diệp nhổm dậy. Phát hiện thấy bà Diệp còn sống, tên Hùng lại lao tới siết cò. May mắn làm sao viên đạn cuối cùng (sau này khám nghiệm được biết đó là viên đạn AK thứ 20) bị hóc ngay ổ khóa nòng nên bà Diệp thoát chết. Những kẻ đứng sau vụ án này thuê tên Tô Văn Hùng là nhân viên bảo vệ nã súng giết bà Diệp, song kẻ sát nhân đã run sợ trước việc làm phi nghĩa nên hắn đã không “hạ” được mục tiêu như dự định đê hèn. Những viên đạn quái ác ấy đều sượt tóc bà Diệp, bắn trúng 4 công nhân đang ngồi chờ lãnh lương, cách chỗ bà Diệp ngồi chừng 40 m, tất cả đều bị gãy xương đùi.

Sau lần hoảng sợ và thoát chết ấy, bà Diệp và gia đình phải đến xin lánh nạn tại Ủy ban Kiểm tra tỉnh An Giang. Câu chuyện động trời này đã gây xôn xao tỉnh An Giang và các vùng lân cận. Trong dịp về kiểm tra công tác tại An Giang, hay tin đích thân đồng chí Đỗ Mười (khi ấy đồng chí Đỗ Mười là Phó Thủ tướng Chính phủ) đã đến thăm gia đình bà Bạch Diệp, bà Bạch Diệp khẳng định: “Tôi còn nhớ như in lời đồng chí Đỗ Mười nói với ông Tư Việt Thắng (Bí thư Tỉnh ủy An Giang): “Các anh phải giải quyết ngay việc này, chứ không thể để cộng sản tị nạn cộng sản như thế này được…’’.

Để giải quyết khó khăn cho gia đình bà Diệp, Ủy ban Kiểm tra Đảng cũng như một số ban ngành của An Giang đã tạo mọi điều kiện giúp đỡ gia đình bà Bạch Diệp, ba tháng sau khi gặp nạn, vợ chồng bà Bạch Diệp chuyển công tác tại Công ty Bao bì xuất khẩu của Bộ Ngoại thương, đóng tại TP Hồ Chí Minh.


Hai lần bị bắt giam oan…

Đầu tháng 12/1982, đang lúc bà Bạch Diệp và bạn bè đồng nghiệp vui mừng hay tin bà đã có quyết định bổ nhiệm… thì một lần nữa, tai họa lại ập đến với bà. Hôm đó là ngày 9/12/1982, khi bà đang có mặt ở cơ quan thì Công an quận Tân Bình đến đọc lệnh bắt giam bà với tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản riêng của công dân…”.



Bà Bạch Diệp
Bà Diệp choáng váng. Đến khi gặp cán bộ xét hỏi, bà Diệp mới vỡ lẽ rằng, bà làm ơn đã mắc oán. Nội dung chỉ đơn giản là sự quen biết với một người bạn thân của ba bà Diệp. Ông ấy có người cháu biết mối quan hệ của bà Diệp ở Sài Gòn nên đã thông qua bà Diệp nhờ nhập hộ khẩu cho mình vào TP Hồ Chí Minh. Nghe lời anh này, bà Diệp đã viết giấy có nhận của anh ta 13.000đ (trị giá gần 1 chỉ vàng) để bà Diệp đưa cho người giúp đỡ, gọi là chi phí tiền, trà nước…

Khi những người quen cho biết không thể lo được cho người cháu kia, bà Diệp đã nhiều lần gặp anh ta xin trả lại số tiền trên, song anh ta nhất định không nhận. Một lần nữa bà Diệp lại đến năn nỉ những người quen cố gắng giúp và toàn bộ số tiền 13.000đ ấy, bà Diệp đưa hết cho họ. Khi đã được nhận vào làm việc ở Công ty Xây lắp ngoại thương và sắp có hộ khẩu, người cháu của ông bạn ba bà Diệp vội đến gặp bà. Vì anh ta sợ khi xong việc sẽ phải đưa giấy nhận giữ 13.000 trả lại cho bà Diệp nên anh ta nại ra việc mất giấy, yêu cầu bà Diệp viết lại giấy lần 2 (vẫn nội dung như trước).

Vì tin người và nghĩ rằng mình không vụ lợi nên bà Diệp đã viết giấy. Song sau đó anh ta cầm tờ giấy này làm bằng chứng tố cáo bà Diệp với Công an Tân Bình.

Quá trình điều tra, khi xác minh, biết rõ bản chất sự việc, bà Diệp vì tin người, nể nang bạn bè mà ra tay lo giúp chứ mảy may không hề có vụ lợi, hay chiếm đoạt tiền bạc của người khác, chiều 3/2/1983 (tức chiều 30 Tết) bà Diệp được tạm tha và sau đó là quyết định miễn tố, trả tự do cho bà Diệp.

Bị tạm giam 2 tháng 15 ngày về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản của công dân” rồi được minh oan nhưng nào có mấy ai hiểu được. Bà Diệp thở dài. Thấy bà vẫn còn mặc cảm về cảnh tù tội, tôi mang chuyện làm ăn, kinh doanh ra đàm đạo với bà. Như lại gặp phải mồi lửa, bà đứng phắt dậy: “Chuyện kinh doanh, chuyện của doanh nhân ư? Khoan hãy nói đến. Anh là nhà báo Công an hỏi kinh doanh tôi kể cho anh nghe câu chuyện này cũng liên quan đến kinh doanh, nhưng nó lại là chuyện tôi bị… tù oan lần nữa đấy. Tôi sém bị mù vì hơn 6 tháng nằm tại trại tạm giam…”. Bà Bạch Diệp thuật lại câu chuyện này như đã thuộc lòng.

Vụ việc liên quan đến hợp đồng mua bán nhà 37 Nguyễn Thị Diệu (NTD). Hợp đồng được lập vào ngày 30/7/1993. Trong rất nhiều đơn thư kêu cứu lúc bấy giờ, bà Bạch Diệp đều khẳng định: Hai bản hợp đồng mua bán nhà 37 NTD là sự lừa lọc, chỉ vì tin người mà bà đã đặt bút ký: “Bấy giờ mỗi khi đọc lại 2 hợp đồng này tôi chỉ muốn chạy ra đường mà không cần biết trước mặt mình là cái gì, vì đó là 2 hợp đồng lừa đảo mà tôi tin người nên đã ký…”. Bà Bạch Diệp nói.

Điều oái oăm thay, bà Bạch Diệp đã phải mất không số tiền quy ra vàng lên đến hàng trăm lượng vàng, nhưng ngày 12/11/1994, bà Diệp lại bị bắt giam. Bà Bạch Diệp ngồi lặng hồi lâu, nước mắt ứa ra: “Em cứ hình dung xem, người ta lừa chị, lấy của chị hàng trăm lượng vàng. Chị phải cắn răng chịu đựng. Tưởng mọi việc yên ổn ai dè tai họa ập xuống”. Hơn 6 tháng bị tạm giam, bà Bạch Diệp khóc sưng húp mắt. Hằng đêm bà réo gọi tên con… kêu oan và lại cầu trời, niệm Phật… Thế rồi, điều tra mãi không tìm được bằng chứng gì phạm tội, ngày 23/5/1995 bà Bạch Diệp nhận được quyết định trả tự do.

Con đường lập nghiệp

Trong số đại gia ở các tỉnh, thành phía Nam, chẳng mấy ai không biết đến bà Bạch Diệp. Nhưng những người nổi tiếng ăn chơi sành điệu thì vừa rồi phải giật mình khi hay tin bà Giám đốc Diệp Bạch Dương dẫn về “con xe” Rolls-Royce mới cáu cạnh với biển số “tứ quý 7″ đắt tiền và sang nhất Việt Nam. Có người nói rằng bà chơi ngông vậy thôi, chứ cái công ty gia đình chưa đến chục người mà đã có đến 6,7 chiếc xe ôtô loại sang rồi thì việc mua thêm chiếc Rolls Royce rõ là chuyện lãng phí. Trái với luồng thông tin trên, giới buôn bán bất động sản ở TP Hồ Chí Minh đa phần cho rằng: “Bà Diệp có mua đến cả chục chiếc Rolls Royce cũng chẳng thấm vào đâu so với những tài sản kếch sù mà bà đang làm chủ…”.

Kể về tài sản, về sự giàu có của bà Bạch Diệp theo như cánh báo chí chúng tôi hay nói: “Có mà kể cả ngày…”. Điều tôi quan tâm tìm hiểu chính là cái sự bắt đầu, giai đoạn tay trắng mà bà Bạch Diệp gây dựng cơ đồ kia. Hẹn tới hẹn lui, cuối cùng bà Bạch Diệp cũng dành cho tôi khoảng thời gian, tuy không nhiều nhưng cũng đủ hiểu về cuộc đời bà. Như đã nêu ở phần trên, sau khi bị nhốt giam oan 2 tháng 15 ngày trở về; bà thấy chán nản và không còn mặn mà chuyện công tác ở cơ quan nữa.

Bà xin nghỉ chế độ chính sách. Bà Bạch Diệp nói: Ở nhà mãi cũng chán. Nhìn trước ngó sau tài sản chỉ có vài vật dụng cũ cùng căn hộ chung cư 72/lầu 2 Ký Con, phường 19 – nay là phường Nguyễn Thái Bình, quận 1, TP Hồ Chí Minh. Nhiều lần ngược xuôi các con đường trung tâm Sài Gòn, bà Bạch Diệp cứ mông lung nghĩ hoài về nhiều căn nhà ở giữa trung tâm thành phố, bán giá rẻ như bèo mà rất ít người mua. Những căn nhà ấy nếu được nâng cấp, xây mới… chắc chắn khi bán sẽ sinh lợi nhiều…

Để làm thử, bà về nhà thiết kế, sửa sang ngay chính căn hộ chung cư của mình (đây là căn hộ do 2 căn ghép lại khoảng 160m2). Do có đầu óc thẩm mỹ, lại yêu nghề xây dựng từ nhỏ nên bà đã sửa chữa căn hộ rất đẹp. Đúng như dự kiến ban đầu, bà Bạch Diệp bán căn hộ chung cư này với giá 12 lượng vàng.

Cũng trong năm 1984, bà mua ngay căn nhà số 100 đường Trần Hưng Đạo (một trong những con đường trung tâm thành phố) với giá 4 lượng vàng. 12 lượng vàng bán căn hộ chung cư Ký Con, vay mượn bạn bè, bà xây căn nhà số 100 Trần Hưng Đạo lên 3 tầng lầu… tất cả hết 20 lượng vàng. Vừa xây xong, Công ty Savimex đến mua và bà bán ngay được 80 lượng vàng. Có tiền trong tay, bà mua tiếp căn nhà 92 Trần Hưng Đạo, rồi lại sửa, lại xây và… lại bán. Cứ thế, chỉ trong thời gian ngắn, bà Bạch Diệp đã mua được nhiều nhà trên đường Trần Hưng Đạo.

Bà Bạch Diệp kể cho tôi nghe liền một mạch chuyện mua, bán nhà. Trong câu chuyện bà thừa nhận rằng: “Thật không ai tin được, vào thập niên 80 – 90 của thế kỷ trước, chuyện mua bán nhà cửa lại rẻ mạt và dễ dàng đến thế. Mà thời kỳ bao cấp rất ít người nghĩ đến chuyện buôn bán kinh doanh bất động sản…”. Có được số vốn trong tay hàng ngàn lượng vàng, bà Bạch Diệp đến các khu biệt thự trong thành phố, nếu ai bán nhà, bất cứ lớn nhỏ bà cũng mua ngay. Chính vì những tính toán, đoán trước được vận hội của đất nước nên khi đất nước đổi mới chuyển sang nền kinh tế thị trường thì bà Bạch Diệp đã có cả chục năm trải nghiệm qua thực tế rồi.

Bà Bạch Diệp phân tích cặn kẽ tình hình thời cuộc ngay từ những năm khó khăn của thời bao cấp. Bà triết lý: Khi mọi người đổ xô chạy trốn ra nước ngoài thì bà lại bình thản đón nhận cuộc sống thực tế. Ngay lúc ấy bà đã tiên đoán rằng: “Khó khăn, gian khổ như thời đánh Mỹ mình còn thắng được, chắc chắn Đảng và Nhà nước sẽ tìm ra được lối thoát để người dân no ấm. Họ có chạy trốn vượt biên hay tìm mọi cách ra nước ngoài, sớm muộn cũng phải về thôi. Và trong số ấy, sẽ có nhiều người tìm đến thuê nhà mở điểm kinh doanh và nhiều người sẽ mua nhà của tôi…”.

Bắt đầu mua, bán bất động sản từ năm 1984, sau hơn 20 năm bà Dương Thị Bạch Diệp đã trở thành một giám đốc siêu hạng trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản; tại TP Hồ Chí Minh, hàng chục căn biệt thự, nhiều khu đất vàng thuộc công ty của bà và các con đồng sở hữu. Có những khu đất bà chuẩn bị xây dựng khách sạn 5 sao trị giá nhiều triệu đôla. Vì rất nhiều lý do tế nhị, tôi không muốn hỏi cặn kẽ tài sản của bà trị giá bao nhiêu trăm, bao nhiêu triệu đôla. Tôi chỉ ghi nhận hơn 20 năm ấy, ở một thành phố năng động và rộng lớn như TP Hồ Chí Minh, một người kinh doanh từng trải và uy tín như bà, nếu như có đến cả tỷ đôla âu cũng là lẽ thường tình.

Vì tuổi thơ bà đã chịu nhiều lam lũ nên bà rất thấu hiểu cảnh đơn côi, gian khó của người bất hạnh, người nghèo. Từ những lợi nhuận thu được trong thương trường, năm nào cũng vậy, bà đều dành tiền, hàng đến tặng những người gặp hoàn cảnh đặc biệt khó khăn hoặc thông qua các tổ chức xã hội làm từ thiện. Chỉ trong mấy năm gần đây bà đã dành hàng chục tỷ đồng chia sẻ khó khăn với những người nghèo. Riêng các chương trình từ thiện do Báo CAND tổ chức bà đã đóng góp hơn 3 tỷ đồng.

Bà Dương Thị Bạch Diệp có kể cho tôi nghe một ý tưởng, có thể nói là rất mới ở Việt Nam. Từ thực tế cuộc đời mình, đặc biệt là những oan khiên mà bao người gặp phải, bà muốn bước đầu sẽ dành 200 tỷ đồng xây dựng quỹ, tên gọi cụ thể thì bà chưa quyết định, song toàn bộ số tiền trên sẽ gửi vào tài khoản, hàng năm trích ra trao giải cho những “Bao Công” đích thực trong ngành Tư pháp; giải thưởng có thể cả triệu đô la.

Mặc dù đã bước sang tuổi 60 nhưng bà Bạch Diệp vẫn đang ấp ủ hàng loạt những dự án tầm cỡ quốc tế và rất khả thi. Bà vui vì bà sống trong gia đình rất hạnh phúc; các con đều học hành thành đạt từ nước ngoài, nay cùng về giúp bà điều hành công ty. Bà nói chắc rằng phần bà dành cho các con lớn nhất là sự trải nghiệm trong thương trường và đức hạnh làm người. Số tài sản lớn ấy, bà sẽ dành phần nhiều cho các hoạt động xã hội. Khi chia tay, tôi chúc bà mãi mãi như cây bạch dương xanh giữa miền nhiệt đới và ngày càng làm rạng danh người phụ nữ Việt Nam.

Theo Xuân Xe (CAND)
Ceovn.com