Thứ Ba, 27 tháng 11, 2012

CEO mới nói gì về vụ chuyển giao ồn ào tại Nhóm Mua?

Ông Kyle Phạm lên tiếng trước thông tin cho rằng việc chuyển đổi ghế CEO giữa ông Tom Trần và ông Kyle Phạm là hành vi “thâu tóm thù địch”. Ông Tom Trần cũng nhận xét rằng nhà đầu tư muốn giành 100% quyền kiểm soát ở Nhóm Mua, nơi ông này đang giữ 27,73% cổ phần.

Vụ chuyển giao tại Nhóm Mua gây nhiều luồng dư luận trái chiều

Để dư luận có thêm một luồng thông tin từ phía những nhà đầu tư và nhóm quản lý mới, chúng tôi xin đăng tải nội dung cuộc trao đổi với ông Kyle Phạm, người vừa được bổ nhiệm làm Giám đốc điều hành tại Nhóm Mua.

Việc thay đổi CEO ở Nhóm Mua có diễn ra đúng quy định của pháp luật và điều lệ công ty không, thưa ông?

Ông Kyle Phạm: Hoạt động thay đổi lãnh đạo điều hành ở Nhóm Mua được thực hiện đúng quy định. Hoàn toàn không có chuyện “thâu tóm” hay đánh úp.

Vì thứ nhất, nhà đầu tư đại diện cho 72,73% vốn điều lệ của Nhóm Mua, có quyền quyết định CEO theo luật định. Thứ hai, ông Tom Trần vắng mặt trong 2 cuộc họp Hội đồng thành viên. Cuộc họp lần thứ nhất diễn ra ngày 07/11/2012 và cuộc họp lần thứ hai diễn ra ngày 12/11/2012. Mặc dù đã được thành viên góp vốn lớn nhất (72,73% vốn điều lệ) của công ty đã ra thông báo mời họp hội đồng thành viên theo quy định.

Thứ ba, với cương vị là nhà đầu tư, chúng tôi phải đảm bảo tài chính công ty phải minh bạch, đội ngũ lãnh đạo và nhân viên phải trong sạch và tuân thủ luật pháp Việt Nam và quy định của công ty, Nên việc thay thế CEO để làm trong sạch đội ngũ lãnh đạo và nhân viên, nhằm bảo đảm không có việc tư lợi cá nhân mà phá hoại hình ảnh công ty và ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh của Nhóm Mualợi ích lâu dài của nhân viên, khác hàng, đối tác. .

Nếu như việc thay đổi CEO là đúng pháp luật, tại sao nhà đầu tư lại dùng nhiều biện pháp nhanh chóng và quyết liệt để vào trụ sở của Nhóm Mua, cũng như thay thế các nhân sự chủ chốt của công ty?

Đứng trước nguy cơ một CEO “một tay đang che kín trời” thao túng mọi việc, thiếu minh bạch với nhà đầu tư, làm trái quy định pháp luật Việt Nam và luật của công ty, chúngtôi buộc phải hành động nhanh do tính chất nghiêm trọng của sự việc.

Ông Tom cũng đã thừa nhận về khoản cho vay với lãi suất bất thường 13%/tháng của cá nhân mình với Nhóm Mua (dù ông này cho rằng đây là sự “nhầm lẫn”, nhưng với số tiền lớn như thế, khó lòng có thể nhầm lẫn dễ dàng như vậy). Và một CEO của công ty thuộc loại hàng đầu về thương mại điện tử tại VN lại có sự nhầm lẫn căn bản như vậy trong 1 thời gian dài thì không cần nhà đầu tư lên tiếng, công luận cũng sẽ cảm thấy bất bình về “sự nhầm lẫn” này.

Ngoài ra chúng tôi đang có trong tay những bằng bằng chứng về sự không minh bạch trong tiền bạc của ông Tom.

Cơ quan chức năng đang điều tra Ông Tom vì những hàng hóa Ông Tom cho bán trên mạng công khai không có xuất xứ và có hành vi vi phạm pháp luật.

Vì thế, chúng tôi bắt buộc phải hành động kịp thời để bảo vệ tài sản và uy tín của công ty cũng như lợi ích của khách hàng. Hành động “niêm phong” công ty cũng chỉ nhằm cô lập các thông tin về tài chính, kế toán của công ty để phục vụ điều tra.

Đặc biệt, hành động nhanh chóng của chúng tôi là còn để bảo vệ ngay lập tức cho các nhà cung cấp và khách hàng của Nhóm Mua trước những mối nguy hiểm hiển hiện nêu trên.

Chúng tôi xin được đính chính luôn, cho đến thời điểm này, duy nhất chỉ có vị trí CEO được thay đổi còn lại tất cả nhân viên đều được chúng tôi trọng dụng và khuyến khích họ làm việc bình thường sau những cú sốc tâm lý vì biến động của công ty.

Xin ông cho biết bên Nhà đầu tư có quyết định nào về vị trí của ông Tom Trần ở Nhóm Mua sau này ra sao? Nhà đầu tư có quyết định mua lại cổ phần của ông Tom không?

Nhà đầu tư thật sự có thiện chí và không muốn làm sự việc bung bét ra sẽ ảnh hưởng đến việc kinh doanh và uy tín của Nhóm Mua, nên đã nhiều lần yêu cầu ông Tom chuyển làm vị trí cố vấn thay vì giám đốc điều hành, nhưng có lẽ vì những yếu tố cá nhân, nên Ông Tom cương quyết không đồng ý.

Nhà đầu tư là những người thật sự bỏ tiền vào để vận hành công ty, và dự án này cũng chỉ là 1 trong rất nhiều dự án khác của nhà đầu tư trên trên thế giới, họ sẽ không đủ sức để điều hành tất cả những đầu tư của mình, nhất là những đầu tư chưa phải là lớn so với những đầu tư khác của họ, nên nếu thực chất, 1 CEO làm việc có năng lực, công ty đang phát triển tốt,chẳng có lý do gì mà mình lại tự làm đầu tư của mình lộn xộn lên, vừa mất tiền, lại mất uy tín, thời gian và tâm trí trong khi nhà đầu tư lại đang nắm phần nhiều cổ đông...

Tôi nghĩ công luận luôn có những đánh giá sáng suốt và công bằng, nên chúng tôi đã không lên tiếng, mà cố gắng tập trung, dồn sức để ổn định công ty.

Nhà đầu tư chưa bao giờ có chủ trương mua lại cổ phần của ông Tom. Vì vậy, đây không phải là sự thâu tóm.

H.San

Thứ Sáu, 16 tháng 11, 2012

CEO bị điều tra, Nhóm Mua bổ nhiệm người thay thế

Ông Kyle Phạm - CEO mới của Nhóm Mua

Hội đồng Quản trị công ty Nhóm Mua vừa công bố bổ nhiệm ông Kyle Phạm vào chức vụ Giám đốc Điều hành, thay thế cho người tiền nhiệm đang bị cơ quan chức năng Việt Nam điều tra.

Tân CEO Kyle Phạm chia sẻ: "Đây là một cơ hội tuyệt vời khi lãnh đạo một công ty kinh doanh thương mại điện tử tại Việt Nam, một quốc gia có mạng lưới Internet mạnh mẽ với 30 triệu người sử dụng".


Kyle tiếp quản công ty thay thế cho ông Tom Trần, người sáng lập công ty, hiện là đối tượng bị điều tra của cảnh sát kinh tế Việt Nam và ông này cũng đã xuất cảnh vào tuần trước.

Kyle Phạm là Việt kiều Australia về nước vào năm 2006, thời gian đầu ông làm việc cho công ty Ernst and Young tại Hà Nội. Năm 2012, Kyle chuyển đến TP HCM sau khi được mời về đảm nhiệm vị trí Giám đốc tài chính Nhóm Mua.

Anh Quân

Thứ Ba, 6 tháng 11, 2012

Ông Lương Hoài Nam thôi chức CEO để được gần vợ

Ông Lương Hoài Nam đã nghỉ việc ở Air Mekong sau 4 tháng đảm nhiệm chức vụ Giám đốc điều hành tại đây.

Đại diện hãng hàng không tư nhân Air Mekong cho biết ông Lương Hoài Nam, Giám đốc điều hành của hãng đã nghỉ việc từ hôm 1/11 vừa rồi. "Ông Nam xin nghỉ vì lý do cá nhân", đại diện hãng nói.

Ông Lương Hoài Nam thôi làm Giám đốc điều hành khi mới đảm nhiệm chức vụ mới tròn 4 tháng. Chia sẻ trên trang cá nhân của mình, ông cho biết "lý do cá nhân" của mình là muốn được sum họp cùng gia đình. "Nhà mình sống ở TP HCM, làm việc lại ở Hà Nội, cả tuần vợ một mình một nơi, chồng một mình một nơi, những cái được không bù đắp được những cái mất, nên mình xin nghỉ. Không có bất kỳ lý do nào khác ngoài lý do này", ông viết.

Ông Lương Hoài Nam là nhân vật khá nổi tiếng trong làng hàng không Việt, đã từng giữ những chức vụ quan trọng tại Vietnam Airlines, Jetstar Pacific và gần đây nhất là Air Mekong.

Kể từ khi hãng hàng không này được thành lập từ năm 2008, ông Nam là Giám đốc điều hành đầu tiên. Air Mekong cho biết Hội đồng quản trị đang cân nhắc xem có tiếp tục tìm một Giám đốc điều hành khác thay thế hay không. "Còn hiện tại mọi hoạt động của công ty vẫn diễn ra bình thường", đại diện hãng cho hay.

Sinh năm 1963, ông Lương Hoài Nam là nhân vật được nhiều người biết tới trong làng hàng không Việt. Ông từng có 11 năm làm Trưởng ban Kế hoạch - Thị trường tại hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines), trước khi chuyển về làm Tổng Giám đốc Jetsar Pacific vào năm 2004.

Air Mekong là một trong bốn hãng hàng không Việt Nam hiện nay. Bắt đầu cất cánh từ ngày 10/10/2010, hiện hãng khai thác 4 tàu bay và có kế hoạch phát triển đội máy bay lên 10 chiếc Airbus A320.

Thanh Bình

Ceovn.com