Thứ Tư, 25 tháng 5, 2011

Khát vọng thắp lên từ biển - CEO Đoàn Quốc Việt - Air Mekong, Bim group

Có người bảo anh là “người hùng” của ngành kinh doanh du lịch khách sạn. Có người lại bảo anh là điển hình của ngành nuôi trồng thuỷ hải sản XK với 2.800 ha diện tích nuôi trồng, năng suất trên 14.000 tấn tôm và 17.000 tấn hàu mỗi năm... Cũng có người bảo anh là một doanh nhân mang nặng nghĩa tình, luôn đau đáu nỗi niềm tri ân quá khứ. Anh là ai? Đêm ven bờ Vịnh Hạ Long, khách sạn Plaza kiêu hãnh hắt lên bầu trời đen thẫm những quầng sáng lung linh huyền ảo. Tôi như lạc trong miền cổ tích. Và câu hỏi: “Anh là ai?” vẫn chưa có lời đáp và chưa đến hồi kết thúc...

Trong quá khứ và hiện tại, làng DN VN có một người được dư luận biết đến từ lâu bởi những đóng góp của anh vào sự nghiệp phát triển kinh tế chung của đất nước. Người ta biết đến anh không chỉ qua những công trình do anh đầu tư xây dựng, mang lại hiệu quả to lớn về kinh tế - xã hội, mà là những công việc từ thiện trong chương trình xoá đói giảm nghèo, giúp đỡ xây dựng nhiều trường học, xây dựng các nhà tình thương, nhà tình nghĩa, phụng dưỡng các bà mẹ VN anh hùng, những người gặp hoàn cảnh cơ nhỡ khó khăn, những người khuyết tật, giúp đỡ học sinh nghèo vượt khó ở nhiều tình thành trong cả nước. Trong năm qua, anh đã cùng cán bộ CNV của Cty tình nguyện đóng góp hơn 5 tỷ đồng để xây dựng một trường học khang trang cùng với thiết bị hiện đại tại tỉnh Quảng Ninh, tham gia xây dựng nhà tình nghĩa, tặng gia đình chính sách, thương binh thuộc huyện Tiên Yên với giá trị 300 triệu đồng, ủng hộ lễ hội Hạ Long năm 2007 200 triệu đồng cùng nhiều hoạt động từ thiện xã hội khác. Anh là kỹ sư Đoàn Quốc Việt - Tổng Giám đốc Cty TNHH Đầu tư phát triển sản xuất Hạ Long - Cty cổ phần thuỷ sản BIM.

Năm 2010, Đoàn Quốc Việt cùng các cổ đông đã sáng lập và đưa vào hoạt động Hãng hàng không tư nhân Air Mekong với biểu tượng Sếu đầu đỏ

Đoàn Quốc Việt sinh ra và lớn lên ở Thủ đô Hà Nội. Năm 1976, tốt nghiệp Trường đại học Bách khoa. Ra trường với tấm bằng giỏi, anh được nhận vào làm việc tại Viện nghiên cứu kỹ thuật điện. Năm 1986, anh được cử sang Ba Lan làm ở Viện nghiên cứu Sinh học. Tại đây, sau thời gian phấn đấu làm việc và đưa ra nhiều sáng kiến trong quá trình thực hiện đề tài khoa học về động thực vật, anh được các chuyên gia của Viện đánh giá rất cao về trình độ nghiên cứu cũng như năng lực phát huy công việc.

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ ở Ba Lan, năm 1989 anh trở về nước. Cũng trong thời gian này, Chính phủ cho phép 5 thành phần kinh tế được kinh doanh sản xuất. Hưởng ứng tinh thần đó, anh vui mừng huy động hết vốn liếng của gia đình, vay mượn bạn bè, ngân hàng để lao vào hoạt động kinh doanh. Dựa vào những kiến thức được học và thực tế, anh đã lập được nhiều đề án xây dựng chiến lược kinh doanh. Một trong những đề án của anh được gia đình và bạn bè ủng hộ nhất đó là đề án về Đầu tư phát triển du lịch khách sạn. Để biến ước mơ thành hiện thực, anh lên đường tìm đến những nơi có tiềm năng phát triển du lịch tốt. Sau khi khảo sát tình hình thực tế tại các tỉnh thành phía Bắc, anh nhận thấy Quảng Ninh là mảnh đất có thể thỏa mãn khát vọng lớn của mình bởi cơ chế thu hút các nhà đầu tư. Hơn nữa, Quảng Ninh còn là một tỉnh giàu tài nguyên thiên nhiên, có tiềm năng về du lịch, dịch vụ, vận tải biển, có đường giáp biển thuận lợi cho việc xây dựng đô thị biển, nuôi trồng và xuất khẩu thuỷ hải sản. Đầu năm 1994, anh Đoàn Quốc Việt quyết định thành lập Cty và một loạt dự án lớn được hình thành mà khởi đầu là dự án khách sạn Plaza, nằm ven bờ Vịnh Hạ Long, với tổng mức đầu tư vốn ban đầu là 11 triệu USD. Khách sạn được xây dựng với quy mô 200 phòng, cao 13 tầng, đạt tiêu chuẩn quốc tế 4 sao. Tháng 5-1997, khách sạn Plaza được đưa vào hoạt động đúng như dự đoán của anh Việt: Nếu một khách sạn được đầu tư lớn về thiết bị, có địa điểm lý tưởng và tinh thần phục vụ chu đáo thì sẽ thu hút được khách quốc tế rất đông. Sau chưa đầy một năm, khách sạn đón hàng chục nghìn khách trong nước và quốc tế, doanh thu đạt hàng chục tỷ đồng và được bầu chọn là một trong những khách sạn cao cấp, phục vụ khách tốt nhất tại VN.

Giám đốc Đoàn Quốc Việt giới thiệu với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng
dự án chế biến muối xuất khẩu Quán Thẻ, Ninh Phước, Ninh Thuận.

Là người có tầm nhìn chiến lược, năm 1999 nhận thấy ở Quảng Ninh có đường biển biên giới giáp Trung Quốc, lượng khách buôn bán và du lịch từ Trung Quốc vào rất đông. Trước tình hình đó, anh Việt bàn với toàn thể CBCNV quyết định đầu tư vào vận tải biển. Chủ trương của anh đưa ra được toàn thể CBCNV nhiệt tình hưởng ứng và đội tàu cao tốc cánh ngầm Mũi Ngọc với năng lực vận chuyển hàng nghìn khách/ngày được ra đời phục vụ các tuyến Hạ Long - Móng Cái, Hạ Long - Hải Phòng. Sau chưa đầy một năm hoạt động dự án này đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Điều đặc biệt đã mở ra con đường thuỷ thuận tiện cho khách buôn bán và khách du lịch quốc tế.

Thành công tiếp nối thành công. Khát vọng thắp lên khát vọng. Không bằng lòng với kết quả đạt được, năm 1999, thực hiện chương trình “đổi đất lấy hạ tầng” anh lại tiếp tục đầu tư tuyến đường bao biển Hùng Thắng với chiều dài 4,2 km, rộng 42 m, tổng vốn đầu tư gần 100 tỷ đồng. Tiếp đó là dự án khu đô thị mới Hùng Thắng được Cty đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng gồm nhiều hạng mục như: Trung tâm du lịch thương mại, khu nghỉ dưỡng, biệt thự biển, khu vui chơi, khách sạn 5 sao…

Có người bảo anh là người may mắn trên con đường chinh phục đỉnh cao sự nghiệp của mình. Nhưng họ đâu có biết, cái “may mắn” ấy là kết quả của những tháng ngày thấm đẫm bao giọt mồ hôi của chàng sinh viên trẻ tuổi mang trong mình nhiều khát vọng. Việt không nhớ anh đã ngốn bao nhiều sách vở, bao nhiều lần lang thang trong các ngõ ngách của phố phường Hà Nội cũng như ở trời Tây để tìm kiếm và nghiên cứu những công trình xây dựng có kiến trúc đẹp với mong muốn bù đắp lại những gì còn thiếu trong sách vở. Miệt mài và đam mê, như dòng sông nhỏ bồi đắp phù sa để tự trang bị cho mình hành trang vào đời.

Theo thời gian, Đoàn Quốc Việt đã từng bước khẳng định mình trong làng doanh nhân VN. Từ những năm 2000, không ít DN kinh doanh chế biến thuỷ hải sản lâm vào tình trạng lao đao, thậm chí phá sản, song bằng tố chất của một kỹ sư nghiên cứu Sinh học đã từng được các chuyên gia nước ngoài đánh giá cao về tài năng nghiên cứu khoa học, anh Đoàn Quốc Việt lại bắt tay vào triển khai dự án mới: Nuôi trồng và chế biến thuỷ hải sản đặc biệt là giống tôm điển hình đạt năng suất cao ở các tỉnh Kiên Giang, Bình Thuận, Quảng Ninh…mà trung tâm gây giống I của Cty đặt tại đảo Phú Quốc chuyên cung ứng nguồn con giống sạch bệnh, chất lượng cao, được kiểm định nghiêm ngặt sau khi đánh bắt từ Ấn Độ Dương. Trung tâm biệt lập với khu dân cư nhằm đảm bảo vệ sinh nguồn nước và môi sinh. Trại nuôi tôm II ở Kiên Giang có diện tích hơn 2500 ha được áp dụng công nghệ vi sinh trong nuôi tôm và quản lý môi trường, hàng năm cung ứng từ 12 - 15 tấn, tôm được đưa cho nhà máy với thời gian vận chuyển chỉ trong 2 giờ. Nhà máy đặt tại Kiên Giang được thiết kế theo tiêu chuẩn HACCP, sử dụng thiết bị của hãng MYCOM, công suất 10 ngàn tấn/năm với các sản phẩm chế biến gồm: tôm loại HOSO, HLSO, PD/PUD, SHUSHI, NOBASHI, Hàu đông lạnh và các sản phẩm theo đơn đặt hàng. Mô hình này tuyệt đối không sử dụng kháng sinh, nguồn gốc rõ ràng và thoả mãn yêu cầu khắt khe của các thị trường nhập khẩu trên thế giới. Anh Việt hồ hởi:“Mô hình chế biến của chúng tôi đạt tiêu chuẩn theo đánh giá của Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản VN (VASEP). Để thực hiện thành công mô hình này, chúng tôi cũng gặp không ít khó khăn trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng, tuyển dụng lao động vì các dự án này đều triển khai ở các vùng sâu vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế khó khăn, điện, nước, giao thông không thuận tiện. Song bằng sự tâm huyết với nghề, sự nỗ lực của đội ngũ CBCNV trong Cty cùng với sự giúp đỡ tạo điều kiện của các ban ngành từ Trung ương đến địa phương, chúng tôi đã khắc phục và triển khai tốt dự án này trong thời gian ngắn”.

Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng trao cúp Doanh nhân tiêu biểu năm 2007
cho Giám đốc Đoàn Quốc Việt.

Đối với anh Việt, thương trường như chiến trường, đầy cam go thử thách nhưng anh quan niệm: “không có việc gì khó, chỉ sợ không đồng lòng”. Và trong anh luôn chất chứa nỗi niềm được tri ân với quá khứ. Anh tâm sự: “Tôi sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng, bản thân cũng là một người lính chống Mỹ, trải qua cuộc chiến tranh ác liệt của dân tộc, thấu hiểu nỗi đau, mất mát của các gia đình thương binh, liệt sĩ. Tôi là người có may mắn được sống sót qua cuộc chiến tranh đó và lại được sản xuất kinh doanh trong một đất nước hoà bình và đã gặt hái được những thành công ban đầu. Vì vậy, tôi luôn nghĩ, mình còn sống là còn cống hiến, muốn làm những gì có ích cho xã hội, cho cộng đồng. Nếu không có các bậc cha anh đi trước, không có đồng đội, bạn bè đã hi sinh cho công cuộc giải phóng dân tộc, làm sao tôi có được như ngày hôm nay”.

Nhìn lại chặng đường hơn 10 năm thành lập, trải qua bao vất vả thăng trầm, bao vinh quang và gian khó, ngày hôm nay anh Việt cùng toàn thể CBCNV của Cty TNHH phát triển sản xuất Hạ Long đã gặt hái được những kết quả thật đáng tự hào: từ số vốn 1tỷ đồng khi thành lập nay đã tăng lên 600 tỷ đồng, và dự kiến sẽ đạt 1.200 tỷ vào cuối năm 2008; số cán bộ CNV từ 10 người nay đã là 1200 người với mức thu nhập bình quân từ 2,5 đến 3 triệu/người/tháng, doanh thu 2006 đạt 165,86 tỷ đồng. Năm 2007 đạt 238,72 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước 19,46 tỷ đồng.

Năm 2008, Cty tiếp tục đầu tư 2800 ha tại Ninh Thuận để sản xuất kinh doanh muối và phát triển các dự án về tổ hợp sân golf, bệnh viện, trường học… ở nhiều địa phương khác nhau. Với những thành tích đạt được trong 10 năm qua, Tổng Giám đốc Đoàn Quốc Việt và tập thể CBCNV Cty đã nhận được nhiều phần thưởng cao quý từ Trung ương đến địa phương: Bằng khen của Bộ Thuỷ sản: đơn vị đã có thành tích SX tiêu biểu điển hình trong phong trào thi đua yêu nước ngành thuỷ sản giai đoạn năm 2001 – 2005; Bằng khen đơn vị có thành tích về nghiên cứu khoa học và triển khai công nghệ năm 2002. Được Tổng cục Thuế tuyên dương là đơn vị thực hiện tốt nghĩa vụ nộp Thuế toàn quốc năm 2005; Được UBND tỉnh Quảng Ninh tặng cờ thi đua: Đơn vị dẫn đầu ngành Thuỷ sản... Tổng Giám đốc Đoàn Quốc Việt đã được Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI) trao tặng kỷ niệm chương và được vinh danh là một trong 100 Doanh nhân tiêu biểu toàn quốc năm 2007.

Băng Châu - Nguyễn Dũng


Thứ Ba, 10 tháng 5, 2011

Phạm Phú Cường - 4 cách vượt bão cho dệt may


Phạm Phú Cường được chọn vào vị trí Tổng Giám đốc Công ty May Nhà Bè từ năm 2010 khi ở tuổi 40, trở thành CEO trẻ tuổi nhất trong ngành dệt may Việt Nam tính đến nay. Ông Cường xuất thân là dân kinh tế, chuyên ngành tài chính ngân hàng, từng ước mơ làm việc trong lĩnh vực tài chính nhưng sau ông đã chọn xuất nhập khẩu và đầu quân vào May Nhà Bè từ năm 1996 đến nay.

Cân bằng tỉ lệ gia công và mua đứt bán đoạn

Đứng đầu một công ty có hơn 17.000 công nhân là thách thức không nhỏ đối với Phạm Phú Cường. Không chỉ vậy, với May Nhà Bè, việc đưa ông vào vị trí này là quyết định không hề dễ dàng. Trước đó, May Nhà Bè từng có hàng loạt thay đổi về chiến lược như tung sản phẩm sơ-mi nam trung cao cấp ra thị trường nội địa, chuyển sang làm hàng FOB để tăng lợi nhuận. Việc tiếp tục triển khai các chiến lược sau giai đoạn khủng hoảng kinh tế toàn cầu khiến ông Cường chịu nhiều áp lực.

Phạm Phú Cường có thâm niên trong lĩnh vực xuất khẩu, vì thế, khi đẩy mạnh chiến lược làm hàng FOB, kinh nghiệm đàm phán với đối tác nước ngoài đã giúp ông có nhiều lợi thế, kể cả ngoại ngữ. Kết quả là Công ty có thêm 4 khách hàng ở châu Âu trong lúc nhu cầu nhập khẩu hàng dệt may của thị trường này đang chựng lại. Thêm nữa là vào đầu năm 2010, sự hồi phục của thị trường xuất khẩu Mỹ, châu Âu và Nhật đã thổi làn gió lạc quan đến nhiều doanh nghiệp may mặc xuất khẩu, phần nào giúp ông Cường đạt các mục tiêu đề ra. Kết quả, May Nhà Bè vượt kế hoạch năm 2010 (270 triệu USD) với doanh thu xuất khẩu đạt trên 302 triệu USD và lợi nhuận trước thuế khoảng 51,5 tỉ đồng, tăng 30% so với năm 2009.

“Đó là những con số đáng lạc quan”, ông Cường nói. Tuy nhiên, sau 4 tháng đầu năm 2011, ông tỏ ra khá thận trọng khi đánh giá tình hình thị trường và đưa ra dự báo. Theo ông, kinh tế thế giới chưa thật sự phục hồi, còn ẩn chứa nhiều rủi ro, đặc biệt là thị trường Mỹ. Ngoài ra, với thị trường Nhật mới tạm phục hồi năm ngoái thì hậu quả từ trận động đất sóng thần khiến ông quan ngại, giá trị xuất khẩu của May Nhà Bè chưa giảm nhưng có thể thay đổi tỉ lệ xuất khẩu từng mặt hàng. “Sắp tới, hàng sơ-mi có thể giảm trong khi hàng bảo hộ lao động vào Nhật có thể tăng, do các thành phố bị tàn phá cần kiến thiết lại”, ông nói. Riêng thị trường nội địa, ông cho biết, chỉ số giá tiêu dùng, lạm phát và lãi suất ngân hàng tăng cao khiến doanh nghiệp làm hàng xuất khẩu rất khó dự báo.

Thị trường xuất khẩu của May Nhà Bè được phân bố gồm nhiều nhất là 35% ở thị trường Mỹ, 35% ở châu Âu và 15-17% là Nhật. Sau thiên tai lớn ở Nhật, Công ty dự báo giảm 3% ở thị trường này. Theo ông, Công ty cũng có kế hoạch dự phòng là tăng ở thị trường châu Âu lên 40% bởi vừa có thêm 4 khách hàng mới tại đây.

Hiện tại, chiến lược của May Nhà Bè vẫn là duy trì 50% năng lực làm hàng gia công và 50% năng lực làm hàng FOB. Ông Cường cho rằng, làm hàng FOB có thể mang lại lợi nhuận cao gấp 5-10 lần so với làm hàng gia công. Nhưng cách làm còn sơ khai và doanh nghiệp chưa thể chủ động về nguồn nguyên liệu. “Ngay cả Trung Quốc là nước có nền may mặc phát triển, mô hình FOB vẫn chưa mang lại sự chủ động hoàn toàn cho nhà sản xuất”, ông cho biết.

Lời giải nhân sự của Cường

Đề cập đến câu chuyện cạnh tranh giá khi chào hàng ra nước ngoài trong tình hình kinh tế khó khăn, ông Cường cho rằng, việc tăng giá bán tạo nên 2 mặt. Hoặc doanh nghiệp tích lũy được kinh nghiệm làm hàng chất lượng trước đòi hỏi cao của khách hàng. Nhưng nếu năng lực không đạt, điều này sẽ khiến doanh nghiệp mất khách hàng và cả hương hiệu. “Quan điểm của tôi là ủng hộ bán giá cao”, ông nói. Nhưng để làm được điều đó, theo ông, phải đáp ứng đủ chất lượng và năng suất an toàn nhất cho doanh nghiệp. Tại Việt Nam, những doanh nghiệp làm hàng may xuất khẩu như Việt Tiến, May 10 là những doanh nghiệp đủ nội lực và bản lĩnh để chào giá cao.

Phạm Phú Cường là một trong ít CEO không tự nhận doanh nghiệp của mình là doanh nghiệp lớn trong ngành dù May Nhà Bè đang dẫn đầu trong đầu tư nhà máy làm hàng veston hiện đại để xuất sang Nhật, Mỹ nhiều năm qua. “Năng suất của May Nhà Bè hiện nay tôi thấy chưa hài lòng. Vì một doanh nghiệp được xem là làm hàng may mặc thành công khi họ đảm bảo tốt thu nhập và môi trường làm việc cho công nhân. Hai nhu cầu này là hoàn toàn chính đáng, song tôi thấy chưa thực hiện được như mình mong muốn!”, ông Cường bộc bạch.

Hiện tại, mức thu nhập bình quân của công nhân May Nhà Bè khoảng 4 triệu đồng/tháng, riêng nhà máy tại TP.HCM đã có đến 5.000 công nhân. Ông Cường ao ước: “Lương của người lao động phải được tối thiểu 5 triệu đồng (chưa tính thưởng các kỳ lễ tết) và thời gian làm việc là 8 tiếng/ngày, không tăng hoặc giảm ca”.

Trong khi đầu ra sản phẩm đang khó khăn do các thị trường xuất khẩu chậm phục hồi, một CEO lại mơ tăng lương, bảo đảm môi trường làm việc lý tưởng cho công nhân? Thực tế, từ đầu năm đến nay, riêng chi phí về suất ăn trưa của công nhân nhà máy May Nhà Bè đã tăng 16%. Bên cạnh đó, giá các dịch vụ điện, nước, than đều tăng cao.

Ông Cường chia sẻ: “Trong khó khăn, không thể nói bán hàng không được là không tăng lương cho người lao động. Đó là tư duy quản trị thiếu trách nhiệm. Theo tôi, việc đẩy thu nhập của người lao động lên bằng nhiều cách là điều các nhà quản trị phải làm bằng được trước tình hình kinh tế khó khăn”.

Có 4 giải pháp mà ông cho rằng sẽ là cách vượt bão trong giai đoạn này. Trước tiên là rà soát mọi chi phí và tìm cách cắt giảm hoặc điều chuyển thế nào để tiết kiệm cao nhất. Thứ 2 là đàm phán với nhà cung cấp nguyên liệu để họ cùng chia sẻ khó khăn. Thứ 3, tổng kiểm tra quy trình quản lý. Cuối cùng là tiếp tục đầu tư trang thiết bị hiện đại và đàm phán với nhà cung cấp để trả chậm. “4 giải pháp này tôi đang áp dụng tại May Nhà Bè và đã có một số kết quả khả quan”. Đó là chi phí đã giảm khoảng 15%.

Trong khi đó, giá bán sản phẩm phải tăng trước biến động về giá nguyên liệu và lạm phát. Theo ông Cường, giá bán của công ty đã tăng từ 5-10% mà đa số được đàm phán từ quý IV năm 2010. “Từ đầu năm 2011 đến nay, khó đàm phán tăng giá dù ai cũng biết mọi chi phí đều tăng chóng mặt”, ông cho hay.

Những tác động trên thường dễ làm các CEO nghĩ đến việc phải quy hoạch lại nhân sự theo lối cắt giảm số lượng hoặc chế độ phúc lợi. Nhưng với Phạm Phú Cường, quan điểm quản trị “làm thế nào để thể hiện trách nhiệm cao nhất với địa vị của mình” đã khiến không ít nhân viên đưa ra nhận xét thiện cảm về ông.

Chị Nguyễn Thanh T., công nhân của May Nhà Bè mà chúng tôi tình cờ gặp sau giờ làm việc nói: “Sếp Cường rất dễ chịu, ngày nào ông cũng cùng ăn trưa với chúng tôi. Mà ông cũng chẳng tạo cái gì xa lạ với chúng tôi cả! Sau giờ làm việc, ông chơi thể thao với nhân viên trong công ty như bạn bè ấy!”.

Và ông “sẵn sàng xin lỗi một nhân viên mới vào làm nếu thấy mình sai sót”, một quản lý văn phòng tại May Nhà Bè nhận xét.
Ceovn.com