Thứ Tư, 27 tháng 4, 2011

'Công ty chân đất' của Nguyễn Tử Quảng

Từ khi chuyển sang kinh doanh phần mềm diệt virus Bkav, những phát ngôn của Nguyễn Tử Quảng luôn bị soi rất kỹ. Thế nhưng, chàng “Hiệp sĩ” trước đây vẫn tiếp tục làm những việc chẳng giống ai.

Khi còn là sinh viên năm thứ ba của trường Đại học Bách khoa Hà Nội (1995), Nguyễn Tử Quảng đã bắt đầu viết phần mềm diệt virus Bkav. Thời điểm đó, số lượng virus ít, có khi nửa tháng mới có một loại mới nên công việc cho phần mềm này cũng không nhiều. Sáng đi học, chiều hoặc tối Quảng về mày mò cùng những dòng virus mới. Sau khi có phiên bản cập nhật, anh đem phân phát cho các bạn của mình thông qua đĩa mềm.

Chuyển sang kinh doanh Nguyễn Tử Quảng vẫn tiếp tục làm những việc khác người. Ảnh nhân vật cung cấp

Năm 1997, khi Internet bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam, Quảng gửi các bản Bkav mới qua email cho tất cả những người quan tâm. Máy di động của anh cũng kiêm luôn tổng đài giải đáp thắc mắc những vấn đề về virus và được công khai ngay dưới email gửi đi. Lúc đó, Internet của Việt Nam vẫn sử dụng dial up nên rất chậm và hay trục trặc. Mỗi lần Quảng gửi phần mềm diệt virus mới cho mọi người phải mất rất nhiều thời gian bởi cứ phải kết nối đi, kết nối lại nhiều lần.

Tốt nghiệp đại học, Quảng làm giảng viên tại trường và đi làm thêm nhiều công việc khác nhau để lấy tiền nuôi đam mê diệt virus. Thế nhưng, càng dấn sâu vào lĩnh vực này, Quảng càng lo lắng hơn khi sức lực của mình quá nhỏ bé. Trước đây, anh chỉ cần bỏ ra một vài giờ mỗi ngày là thừa đủ thời gian cho những loại virus mới.

Khi Internet xuất hiện, Quảng bỏ hầu hết thời gian trống để viết phiên bản mới mà vẫn cảm thấy hụt hơi. Từ đó, Quảng nảy ra ý nghĩ tập hợp một số bạn bè, anh em có cùng niềm say mê vào một nhóm, chung tay làm các phiên bản diệt virus mới. Giống như Quảng, những thành viên mới cũng phải đi làm nhiều việc khác nhau để nuôi bản thân và dành tiền, thời gian cho niềm đam mê… không tiền.

Chính vì những cống hiến vô điều kiện cho cộng đồng trong nhiều năm mà Quảng được mệnh danh là “Bác sĩ máy tính” hay “Hiệp sĩ Công nghệ Thông tin”. Anh cũng được coi là một chuyên gia máy tính chẳng giống ai bởi những người am hiểu về công nghệ thông tin đều đi làm kinh doanh và kiếm được nhiều tiền, còn Quảng lại hăng hái và nhiệt tình làm những việc miễn phí.

Thế nhưng, cùng với việc phổ cập Internet, những dòng virus mới có tốc độ sinh sản chóng mặt khiến Công ty an ninh mạng Bkav của Quảng bị quá tải. Nhóm viết phần mềm diệt virus dù cống hiến gần như toàn bộ thời gian, công sức cũng không đủ đáp ứng nhu cầu của người dùng. “Chúng tôi cần thêm rất nhiều người chung sức nhưng không thể bắt tất cả phải làm miễn phí như mình. Thêm vào đó, nếu chúng tôi đã dành toàn bộ thời gian và công sức cho niềm đam mê phần mềm diệt virus mà không có nguồn thu từ đó thì không thể duy trì cũng như phát triển bền vững được”, Quảng tâm sự.

Năm 2005, sau 10 năm cung cấp miễn phí, “Hiệp sĩ Công nghệ Thông tin” chính thức thương mại hóa Bkav. Cùng với việc chuyển sang kinh doanh, Quảng chọn slogan cho công ty của mình là “Hãy làm việc hết mình, những điều tốt đẹp sẽ đến với bạn”. Bản thân Nguyễn Tử Quảng thừa nhận: “Lúc ban đầu, tôi thấy câu mình chọn rất cải lương bởi theo các chuyên gia về thương hiệu, với slogan công ty, không ai chọn một câu dài như vậy. Đây là chưa kể đến việc, khẩu hiệu này không nói gì đến khát vọng phát triển hay định hướng khách hàng của công ty”.

Tuy nhiên, anh vẫn quyết định chọn một slogan chẳng giống ai cho công ty của mình với lý do: “Mình tin vào điều đó nên cứ làm thôi”. Quảng cho rằng một công ty mạnh phải xuất phát từ nhân viên, tất cả đều hết mình thì khát vọng sẽ được thực hiện, khách hàng sẽ được phục vụ với cả cái Tâm chứ không chỉ là mối quan hệ trên thị trường.

Triết lý này cũng được thể hiện ngay trong việc tuyển người của Bkav. Những người làm việc nhiệt tình, hết mình sẽ được ưu tiên chứ không phải những người thông minh và kỹ năng tốt. “Kinh nghiệm của chúng tôi cũng cho thấy, nếu như cứ làm việc hết mình thì một nhân viên dù ban đầu có hơi kém cũng sẽ phát triển rất nhanh sau đó và cống hiến nhiều hơn cho công ty so với những người thông minh, kỹ năng tốt nhưng kém nhiệt tình”, Quảng chia sẻ.

Trong thời kỳ đầu, không có nhiều người để ý đến việc phải bỏ giầy dép ở bên ngoài và đi chân đất vào Công ty an ninh mạng Bkav. Thế nhưng, khi quy mô đã lên tới hơn 800 người và ở khu văn phòng chính có lượng nhân viên tới hơn 600, quy định này vẫn được duy trì. Với số lượng nhân viên đông như vậy, có lẽ Bkav là công ty hiếm hoi ở Việt Nam đi chân đất trong văn phòng.

Trong văn phòng của Bkav, tất cả nhân viên hay khách đều phải bỏ dép ở bên ngoài. Ảnh: Hoàng Hà
Tất cả nhân viên hay khách khi vào Bkav đều bỏ dép ở bên ngoài. Ảnh: Hoàng Hà

Để duy trì được việc đi chân đất trong công ty, các yêu cầu về thảm và vệ sinh ở bên trong văn phòng phải cực kỳ nghiêm ngặt. Bên cạnh đó, hệ thống tủ đựng giày dép phía bên ngoài phải được thiết kế rất kỹ lưỡng để tránh nhầm lẫn, lộn xộn hoặc mất mát cho hàng trăm nhân viên cùng một lúc. Công sức và tiền bạc phải bỏ ra để thực hiện một việc rất nhỏ như thế này là điều rất ít đơn vị muốn làm bởi lợi ích thu được là không rõ ràng.

Thế nhưng, với Quảng, việc đi chân đất trong công ty thể hiện một triết lý rất quan trọng mà anh muốn chia sẻ với nhân viên: Coi công ty như ngôi nhà thứ hai của mình. Anh phân tích: “Khi về nhà, ai cũng bỏ giầy dép và đi chân đất. Nếu mình nói với mọi người hãy coi công ty là ngôi nhà thứ hai mà họ không có những điều kiện và cảm giác như vậy thì cũng vô nghĩa”.

Ngoài việc đi chân đất trong văn phòng, các toilet của Bkis cũng được bố trí dép chuyên biệt để đi, hệt như ở gia đình. Bên cạnh đó, tất cả các nhân viên của công ty đều được phát gối và chăn miễn phí để ngủ trưa và kéo theo đó là một hệ thống tủ đựng đồ riêng cho nhân viên để tránh tình trạng lộn xộn, bừa bãi của những vật dụng này.

Chưa hết, Quảng còn đầu tư xây dựng riêng một bếp ăn cho công ty với các nguồn rau sạch, thịt sạch được nhập từ các nhà cung cấp có thương hiệu để đảm bảo chất lượng bữa ăn trưa cho nhân viên. Toàn bộ quy trình chế biến cũng như đầu bếp đều là người của Bkav chứ không thuê ngoài, giúp công ty chủ động quản lý được chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm. Giá một bữa trưa chất lượng cao tại đây cũng chỉ tương đương với giá cơm bụi văn phòng (17.000 đồng một suất) bởi được công ty tài trợ.

Quảng tâm sự: “Bkav cũng muốn cung cấp bữa trưa miễn phí cho nhân viên như Google đang làm nhưng chưa đủ điều kiện. Khi công ty phát triển tốt hơn, chúng tôi cũng sẽ làm điều đó”.

Ngoài việc phát chăn, gối cho nhân viên ngủ, Nguyễn Tử Quảng còn muốn cung cấp bữa trưa miễn phí cho mọi nhân viên khi công ty phát triển hơn. Ảnh: Hoàng Hà
Ngoài việc phát chăn, gối, Nguyễn Tử Quảng còn muốn cung cấp bữa trưa miễn phí cho mọi nhân viên khi công ty phát triển hơn. Ảnh: Hoàng Hà

Sau hơn 5 năm thương mại hóa sản phẩm diệt virus, Quảng nhận thấy rằng, một năm làm kinh doanh, Bkav có tiến bộ bằng 10 năm cung cấp miễn phí. Nếu như trước đây phần mềm bị lỗi, gặp trục trặc, người dùng không mấy khi phàn nàn về Bkav hoặc cá nhân Quảng trên các diễn đàn. Giờ đây, bất cứ một lỗi nhỏ của sản phẩm hay phát ngôn hơi khác thường nào của Tổng giám đốc Bkav đều nhận được cái nhìn vô cùng khắt khe của cộng đồng mạng cũng như giới truyền thông.

Từ danh hiệu “Bác sĩ máy tính”, “Hiệp sĩ Công nghệ Thông tin”, Nguyễn Tử Quảng có thêm biệt danh mới là Quảng “Nổ”, “Quăng bom” vì những phát ngôn của mình. Ban đầu, Tổng giám đốc Bkav bị sốc.

Sau những hụt hẫng về cảm giác với biệt danh mới, chàng “Bác sĩ máy tính” năm xưa đã quen dần, thậm chí còn phát hiện ra những điểm tích cực từ sự giám sát khắt khe của công chúng đối với công việc của mình. Giờ đây, người đứng đầu Bkav coi những lời chỉ trích đối với sản phẩm cũng như cá nhân anh là những phản biện cần thiết giúp mình không bị ảo tưởng, luôn cân bằng và tiếp thêm động lực cho mình đi tiếp.

Qua mỗi lần bị chỉ trích, Quảng thường cùng đồng nghiệp xem lại sản phẩm và chính bản thân mình để có những thay đổi tốt hơn. Tuy nhiên, anh vẫn tin rằng, người Việt Nam có thể làm ra các sản phẩm công nghệ ngang hàng, thậm chí tốt hơn so với các hãng danh tiếng trên thế giới.

Chiếm thị phần áp đảo về thị phần sản phẩm diệt virus ở trong nước, Quảng đặt mục tiêu tiến ra thị trường toàn cầu. Anh cũng bắt đầu với việc cung cấp miễn phí phần mềm Bkav phiên bản quốc tế. Slogan về tiếng Việt được anh đổi sang tiếng Anh là: “Do your best, the rest will come”. Tổng giám đốc của Bkav chia sẻ, anh cảm thấy hài lòng với slogan bằng tiếng Anh bởi nó ngắn hơn và cũng “bớt cải lương hơn với vế thứ hai không cần nhắc tới sự thành công, bởi đơn giản nỗ lực hết mình theo thời gian rồi thành công sẽ tự đến".

“Nếu như trước đây tôi nói là sản phẩm công nghệ của Việt Nam có thể sánh ngang, thậm chí tốt hơn của nước ngoài thì nhiều người cho rằng tôi ‘nổ’. Thế nhưng, thông qua kết quả đánh giá độc lập của những tổ chức kiểm định phần mềm diệt virus danh tiếng của thế giới như Virus Bulletin, những người quan tâm đến Bkav sẽ hiểu rõ hơn về công việc của chúng tôi làm. Nếu tôi nói không đúng, sản phẩm không tốt thì kết quả kiểm định độc lập của những tổ chức danh tiếng sẽ khiến những điểm yếu bộc lộ ngay”, anh nói.

Rồi Quảng tâm sự, hiện vẫn còn nhiều người chưa tin vào việc một sản phẩm công nghệ Việt Nam có thể tốt hơn của các hãng nổi tiếng trên thế giới. Đây sẽ là một thách thức lớn mà anh cùng những đồng nghiệp tại Bkav phải vượt qua trong thời gian tới. “Nếu chúng tôi tạo ra được niềm tin đó thì nhiều người khác cũng sẽ tự tin hơn vào khả năng cạnh tranh của người Việt Nam và điều đó sẽ thật tuyệt vời. Tất nhiên là làm được điều này sẽ không dễ dàng nhưng nó làm cho chúng tôi thêm phấn khích”, anh chia sẻ.

Chàng giám đốc mê hương trầm

Tự ví mình như "người đi tìm câu ca dao thất truyền trong dân gian", Trần Phương Anh bỏ việc để đi khắp mọi miền đất nước, học phương pháp làm nhang truyền thống rồi đánh bạo mở Công ty hương Phụng Nghi.

Không lý giải được nguyên nhân mình rẽ ngang vào con đường "nặng về văn hóa tâm linh", Trần Phương Anh coi đó là duyên nợ. Tốt nghiệp ĐH Ngoại thương, Phương Anh tiếp tục du học ở Mỹ hai năm nhưng sau khi về nước, anh lại không toàn tâm toàn ý với ngành theo học.

Phương Anh cho rằng, cũng giống trầu cau và trà, hương nhang là một phần của văn hóa Việt, là thứ không thể thiếu trong việc thờ cúng tổ tiên. Nhận thấy việc sử dụng hương trong văn hóa tín ngưỡng đã có từ lâu đời, nhưng chưa được chú trọng trong khâu sản xuất, anh trăn trở tìm hướng đi.

Bỏ dở công việc chuyên ngành, Phương Anh vác ba lô lên đường tìm kiếm, học hỏi những kinh nghiệm và cách làm hương nhang đã thất truyền trong dân gian. Biết một mình không đủ sức, Phương Anh nhờ giáo sư Sử học Lê Văn Lan, người có hiểu biết và kiến thức sâu rộng làm bạn đồng hành trong các chuyến đi. Hai thầy trò cùng ngửi, nếm các loại cỏ, chất gỗ để tìm nguyên liệu, hương vị cho sản phẩm tương lai.

Hương Phụng Nghi được làm vào thời điểm từ 5h-10h để kịp phơi nắng.

"Thời điểm ấy vào năm 2006-2007. Lúc đầu mình có chút lo lắng nhưng được sự giúp đỡ của bạn bè, đặc biệt là giáo sư Lê Văn Lan, mình đã tự tin rằng ý tưởng làm nén hương mang hồn dân tộc sẽ thành công", Phương Anh chia sẻ.

Tâm niệm nén hương thể hiện yếu tố tâm linh, hội tụ tinh hoa giao hòa âm dương, quá khứ - hiện tại - tương lai, giao hòa giữa chân - thiện - mỹ, Phương Anh đã tìm ra công thức hương nhang. "Không độc, ít khói, mùi hương tự nhiên, có số giờ cháy cao là những gì mà nén hương đem lại cho người sử dụng", Phương Anh nói.

Nguyên liệu là thảo mộc lấy vào mùa xuân để có nhiều tinh dầu và tạo nên hương thiên nhiên tốt nhất. Từ đại hồi lấy ở Lạng Sơn, quế ở Yên Bái, ngâu ở Thái Bình, trầm ở Quảng Nam…, Phương Anh đã sáng tạo ra 9 công thức làm hương với 9 mùi khác nhau, như hương trám đặc trưng cho Bắc Ninh, hương bài ở đồng bằng Bắc Bộ, xạ ở Hưng Yên, nhang trầm của Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam…

Phương Anh cho hay, công thức làm hương của anh cũng đặc biệt với nét độc đáo của từng vùng miền. Loại phổ biến tại Hà Nội (Thăng Long xưa) rất cầu kỳ và tinh tế, thể hiện triết lý Ngũ hành (Kim – Mộc – Thủy – Hỏa – Thổ) được làm từ phần trầm tích của cây dó bầu, cây hương bài, hoa ngâu, bổ sung tổng hợp của bột các vị thuốc bắc phổ biến như đinh hương, đại hồi, hoắc hương, tiểu hồi, đại hoàng, bạch chỉ, địa liên, cam thảo, quế… Đây là loại hương do cha ông ta sáng tạo ra theo triết lý Ngũ hành phương Đông, không có ở bất cứ nơi nào khác trên thế giới.

Mỗi loại hương được làm từ nhiều nguyên liệu như đại hồi lấy ở Lạng Sơn, quế ở Yên Bái, ngâu ở Thái Bình, trầm ở Quảng Nam.

Loại hương trầm vùng miền Trung (Đà Nẵng – Quảng Nam – Hội An) chủ yếu làm từ trầm và hoa ngâu. Chịu ảnh hưởng của văn hóa hương đạo Nhật Bản vào thời kỳ giao thương mạnh mẽ giữa Nhật Bản và Việt Nam tập trung ở vùng phố cổ Hội An vào thế kỷ 15 – 16. Còn hương trầm phổ biến tại Sài Gòn - Gia Định chịu ảnh hưởng của triết lý Phật giáo Tiểu thừa Ấn Độ vào thời kỳ Phật giáo Ấn Độ phát triển ở vùng Nam Bộ khoảng 300 năm trước, được làm chủ yếu từ cây Đàn hương (vùng Nam Bộ thường gọi là trầm Ấn Độ).

Quy trình làm hương cũng đảm bảo những nguyên tắc bất di bất dịch, đó là nguyên liệu phải được xử lý thật kỹ lưỡng. Chân hương được làm từ nứa ngâm dưới nước suối (nơi có dòng chảy) ba tháng rồi đem phơi khô để đảm bảo không còn mùi, không bị nứt, mọt. Thời gian quấn tà, làm hương chỉ kéo dài 5h-10h để khi nắng lên đem phơi.

Giám đốc hương Phụng Nghi chia sẻ: "Tôi từng học tập ở nước ngoài nhưng chưa bao giờ có tư tưởng sính ngoại. Tôi đã cố gắng và làm được nén nhang thảo mộc Việt Nam hoàn toàn không có hóa chất độc hại. Hy vọng đó sẽ là sản phẩm mang văn hóa tâm linh của dân tộc ta".

Thời gian đầu hương Phụng Nghi được xuất khẩu đi Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan… để giới thiệu cho bạn bè quốc tế sản phẩm mang văn hóa tâm linh Việt Nam. Một năm sau, Phương Anh chú trọng hơn đến thị trường trong nước bởi anh nhận ra rằng, với việc đưa hương trầm Phụng Nghi đến người tiêu dùng, anh đã góp phần thể hiện lòng biết ơn tổ tiên, tạo cầu nối thiêng liêng giữa cuộc sống hiện hữu của con người với cõi tâm linh của trời đất.

Trần Phương Anh, Giám đốc hương Phụng Nghi cho rằng, nén hương cũng giống như trà và trầu cau, nó là văn hóa Việt. Ảnh: Hoàng Thùy.

Để giới thiệu sản phẩm, Anh gửi hương biếu những người tiêu dùng được coi là khó tính nhất và các địa danh nổi tiếng như Văn Miếu Quốc Tử Giám, chùa Một Cột, đền Ngọc Sơn, điện Kính Thiên, nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, Thăng Long tứ trấn... Tất cả đều phản hồi tích cực khiến Phương Anh vui sướng và có thêm động lực làm việc.

Từ một cơ sở sản xuất ban đầu, sau ba năm, chàng trai trẻ đã xây dựng hàng chục điểm sản xuất trên cả nước, đa số đều là ở nông thôn. Số công nhân làm hương Phụng Nghi cũng lên tới 380 người.

"Gia đình tôi không có truyền thống làm hương nhang, nhưng nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng có lần đã nói với tôi rằng, trong chữ Hán, Phương có nghĩa là mùi hương thơm nhất, còn Anh là loại cỏ thơm tho nhất. Vì vậy, tôi cho rằng giữa bản thân và hương nhang có một sự gắn kết nào đó", Phương Anh tâm sự.

Đã có vài năm sử dụng hương Phụng Nghi, nhà sử học Trần Ngọc Bảo cho biết, đây là loại hương trầm thơm, thời gian cháy lâu, cháy hết. Đặc biệt, nó chỉ có xạ chứ không có độc nên được các đền chùa trong Nam, ngoài Bắc sử dụng nhiều.

"Giám đốc hương Phụng Nghi là người rất có tâm và yêu hương trầm thực sự. Đó là điều mà ít thanh niên có thể làm được", ông Bảo nhận xét.

Hoàng Thùy

Chủ Nhật, 17 tháng 4, 2011

Khi CEO khóc

Cả trăm nhân viên khóc rưng rức khi chứng kiến cảnh CEO của họ bò rạp dưới đất chịu phạt vì những lỗi lầm nhỏ nhoi nhất. Có người ngã gục vì kiệt sức với hình phạt khắc nghiệt, nước mắt lưng tròng với nỗi đau thất bại.

Là người phụ trách marketing của Công ty Vinamilk, tôi có dịp tham dự nhiều khóa học về lãnh đạo. Tuy nhiên, khóa huấn luyện tin thần "Giá trị cuộc sống - Sức mạnh từ Tâm" hướng dẫn bởi chuyên gia quốc tế người Trung Quốc Thiền Ngọc Phân (Sufei) mà tôi vừa trải qua, đem lại những trải nghiệm độc đáo nhất từ trước tới giờ. Đây là khóa học được thiết kế cho các lãnh đạo và nhân viên của các tập đoàn hàng đầu tại nhiều quốc gia trong khu vực và thế giới như Trung Quốc, Mexico, Ấn Đô, Ai Cập, Malaysia…

Có những CEO đã khóc rưng rức vì hối hận cho sai lầm với gia đình và công ty, lại có những lãnh đạo nhảy lên như trẻ con vì tìm lại được chính mình. Những nhân viên bảo thủ nhất bỗng chốc thay đổi 180 độ nhận ra trách nhiệm của mình với công ty và lãnh đạo. Những đôi vợ chồng thành đạt trăm bề nhưng lại không có hạnh phúc gia đình đã ôm nhau trong nước mắt xin lỗi và hứa sống hòa thuận với nhau, những đồng nghiệp đã thú nhận với nhau bí mật lớn nhất của họ….

Quản lý của Công ty BKC hối lỗi vì thiếu quan tâm đế người thân của mình. Ảnh: Khinh Phong
Quản lý Công ty BKC hối lỗi vì thiếu quan tâm đế người thân của mình. Ảnh: Nguyễn Khinh Phong

Dù hoàn cảnh thế nào, họ đều nhận ra một chân lý – trước khi trở thành bất kỳ một địa vị nào trong xã hội dù cao nhất hay thấp nhất, ta phải có những giá trị làm người cơ bản nhất đã. Nếu không có một bản thân hạnh phúc, một gia đình gia đình hòa thuận thì sao có một sự nghiệp thành công?

Giảng viên Sufei đã khéo léo kết hợp những phương pháp truyền năng lượng của phương Tây với nghệ thuật “chạm vào tận đáy lòng” của phương Đông để đưa ra 2 ngày thật tuyệt vời cho 120 con người. Họ được sống trong một resort 3 sao giữa rừng Nam Cát Tiên biệt lập với mọi bề bộn của cuộc sống để thư giãn hoàn toàn, sau đó được nghe giảng, chơi những trò chơi thật thú vị.

Đầu tiên cô giáo Sufei “phá chấp” những tư tưởng duy ý chí cố hữu trong mỗi học viên để họ hoàn toàn trở về với cái tâm trong sáng, trẻ thơ trong họ. Thay vì cố gắng truyền tải một tư tưởng mới nhằm thay đổi người học như một số diễn giả khác, Sufei dùng gần 50% thời lượng của khóa học khơi gợi những giá trị làm người cơ bản nhất mà không ai có thể chối cãi hay “chấp” được như lòng hiếu thảo, tâm bất toại nguyện của bản thân…

Những trò chơi tưởng chừng đơn giản bỗng chốc kết thúc bất ngờ và được đẩy cảm xúc lên tận cùng để những người duy trí nhất cũng phải cảm ngộ. Lồng vào các trò chơi là những giây phút lặng trong bóng tối, khi ta chỉ còn đối diện với cái tâm của chính mình. Đó là lúc ta thấy được sự bất toại nguyện đến kinh khủng của nó.

Một học viên nước mắt lưng tròng với nỗi đau thất bại. Ảnh: Khinh Phong
Một học viên nước mắt lưng tròng với nỗi đau thất bại. Ảnh: Nguyễn Khinh Phong

Những lời của giảng viên từng chữ, từng chữ rót vào tâm của ta như dòng nước tươi mát của bao dung và yêu thương đang tưới tẩm để những hạt giống hạnh phúc trong mỗi người nảy mầm, đâm chồi và phát triển. Khi trái tim đã mở thì những bài học về lãnh đạo, kế hoạch cuộc đời, con đường thành công của 50% thời lượng khóa học còn lại không còn là những bài học nữa. Chúng biến thành sự tự trải nghiệm hay trực nhận của mỗi người. Có người thầy nào ảnh hưởng đến mình mạnh nhất ngoài chính mình đâu?

Mỗi người tham gia đều rút ra được những bài học quý giá về lòng biết ơn, tinh thần đồng đội, sự quyết đoán, tâm bao dung. Họ đã bị chấn động tâm lý mạnh và phát nguyện sẽ trở thành một con người mới từ ngày hôm nay – con người thành công. 120 con người ấy đã ra về với tràn đầy năng lượng và cam kết đóng góp cho gia đình, công ty và xã hội với tất cả trái tim và nhiệt huyết của họ. Tôi vốn tự tin mình là một người rất bản lĩnh nhưng tôi không cầm được nước mắt trước cảnh một anh quản lý của Công ty BKC trông rất to khỏe, mạnh mẽ, đã quỳ xuống xin lỗi vì sự thiếu quan tâm với người thân của mình. Tôi cũng đã gọi điện ngay cho mẹ mình để làm như vậy.

Tôi đã tham dự nhiều các lớp huấn luyện lãnh đạo, nghệ thuật sống và bí quyết thành công như của Jack Canfield, John Maxwell, John Roberts Powers, Dale Carnegie hay của các diễn giả Việt Nam như cô Lý Thị Mai, diễn giả Quách Tuấn Khanh… Các lớp học này đều rất bổ ích cho cuộc sống và công việc của tôi.

Trong khi các diễn giả phương Tây cung cấp lối tư duy tích cực, khẳng định mình, khả năng đặt ra mục tiêu, lập kế hoạch cuộc đời và nắm bắt những cơ hội thì các diễn giả Việt Nam lại thiên về khơi gợi lòng biết ơn, sự cân bằng cuộc sống, tình người… những tố chất căn bản của một người thành công. Bất kỳ ai, cho dù là lãnh đạo, nhân viên, sinh viên hay một bà nội trợ đều cần thường xuyên tham dự những khóa học như vậy để tìm lại chính mình và có một cuộc sống hạnh phúc.

Nền giáo dục của chúng ta đang tập trung quá nhiều vào kiến thức và kỹ năng mà quên đi năng lượng – yếu tố thiết yếu để biến kiến thức và kỹ năng thành thành quả. Khi không có năng lượng, cỗ máy “con người” không thể hoạt động được. Tuy nhiên, năng lượng tích cực lại thường xuyên bị mai một bởi khó khăn, thất bại, bất ổn gia đình, stress… Làm sao có được năng lượng tích cực cho bản thân, gia đình hay tổ chức? Tưởng là đơn giản nhưng thực tế rất khó.

Hãy dừng lại một phút và theo dõi những cảm xúc của bản thân ngay bây giờ. Nếu bạn cho là mình tràn đầy năng lượng, xin chúc mừng bạn. Còn nếu chưa, bạn và những người xung quanh thực sự cần được giúp đỡ.

Nguyễn Khinh Phong – Giám đốc Marketing Công ty Vinamilk

Ceovn.com