Thứ Ba, 29 tháng 3, 2011

Phó Tổng Giám đốc tuổi 24 - Đoàn Quốc Huy - Air Mekong

Tốt nghiệp loại giỏi hai bằng cử nhân trường đại học danh tiếng của Mỹ chỉ trong ba năm, cậu thanh niên 20 tuổi tự tin quay về Việt Nam...

Xách cặp cho bố

Đoàn Quốc Huy giờ đây đã có gần 5 năm kinh nghiệm làm việc cho Tập đoàn BIM group. Khó ai hình dung gương mặt non trẻ đó, giờ đã là Phó Tổng GĐ Tập đoàn BIM-một doanh nghiệp kinh doanh đa ngành nghề như thuỷ sản, du lịch, bất động sản, hàng không... có gần 200 nhân viên (trong hàng nghìn nhân viên) thuộc 15 quốc gia khác nhau.

Nhiều người vẫn nghĩ, tập đoàn này do bố mẹ Huy làm chủ nên cậu ta được cất nhắc lên làm Phó Tổng GĐ cũng không khó hiểu. Tuy nhiên, đường quan lộ của Huy không dễ như hình dung.

Được bố mẹ đưa sang Ba Lan sinh sống từ năm 4 tuổi, Huy luôn thuộc tốp đầu trong các năm học. Tiếp tục sang Mỹ học trung học phổ thông, để được vào Trường Đại học Nam California, bắt buộc những người như Huy phải nằm trong tốp được điểm cao (5%) của trường trung học phổ thông.

Chương trình học trong 5 năm, nhưng Huy hoàn thành chỉ trong 3 năm với 2 bằng đại học chuyên về doanh nghiệp và tài chính bất động sản.

"Mới ra trường, tốt nghiệp loại giỏi, lại được các doanh nghiệp đánh giá tốt luận văn nên tôi rất tự tin sẽ giải quyết được công việc ngay. Sau khi về làm trợ lý cho bố, nhìn thấy trực tiếp mọi việc mới biết là mình chẳng biết gì", Huy nói.

Bố mẹ Huy là những đại gia nhưng đều làm tiến sỹ tại Ba Lan nên cách dạy con cũng rất khoa học. "Không bao giờ bố mẹ tôi giục chị em tôi làm cái này cái kia mà luôn đặt ra những chỉ tiêu để chúng tôi hoàn thành".

Từ một trợ lý xách cặp cho bố đi từ vuông tôm này đến đồng muối kia, Huy được cất nhắc lên làm Trưởng phòng Kinh doanh bất động sản và Thuỷ sản. Trong quá trình triển khai công việc, Huy có nhiều đóng góp hiệu quả cho tập đoàn như giúp quản lý tốt toà nhà cao cấp cho thuê Fraser Suites (3 năm liền được khách hàng bình chọn là khu căn hộ tốt nhất Việt Nam) ở quận Tây Hồ (Hà Nội).

Dần dần, nhân viên Huy được cất nhắc lên làm Phó GĐ một công ty thuỷ sản thuộc Tập đoàn BIM và hiện là Phó Tổng GĐ tập đoàn. Huy kể: "Bố tôi khắt khe với con cái hơn cả nhân viên khác. Có những việc tầm quy mô nhỏ do tôi khăng khăng cho là đúng, bố cứ để làm đến khi nhận ra sai để rút kinh nghiệm".

"Tôi cần 20 hoặc 30 năm học hỏi"


Tiến sỹ Đoàn Quốc Việt-Chủ tịch Tập đoàn BIM, bố của Đoàn Quốc Huy, cho biết chưa bao giờ chiều các con mà luôn dạy cách sống độc lập. Ông Việt cũng đánh giá Huy là người trẻ có năng lực và mềm mỏng. Gia đình tiến sỹ Việt là một kiểu mẫu doanh nhân coi trọng tri thức nên chú trọng học hành và làm ăn chiến lược. Các con của ông Việt tuy sinh sống từ nhỏ ở nước ngoài nhưng ai cũng nền nã và nói tiếng Việt như người sinh trưởng trong nước.


Gặp Huy, khó có thể hình dung đây là một cậu ấm con một đại gia cỡ lớn, lại càng khó nghĩ đây là một chàng trai sống ở nước ngoài từ bé. Huy có vẻ ngoài của con cái nhà gia giáo. Dù bận rộn để điều hành một tập đoàn mang tầm vóc quốc tế, nhưng gia đình Huy vẫn dành các bữa sáng, bữa tối để quây quần bên nhau. Mỗi năm cùng nhau đi nghỉ.

Huy hiện cũng là thành viên HĐQT tham gia điều hành Hãng hàng không sếu đầu đỏ Air Mekong (AM). Thành viên trong HĐQT ấy chủ yếu là những người lớn tuổi, giàu kinh nghiệm và nổi tiếng.

"Hồi mới về nước, tôi vẫn bị đánh giá là trẻ con chưa biết gì. Giờ đây, tuy đã được ghi nhận, nhưng tôi nghĩ mình cần 20 hoặc 30 năm nữa để học hỏi thêm. Do đó, tôi lập kế hoạch 2 năm tới đây sẽ học tiếp để lấy bằng thạc sỹ", Huy chia sẻ.

AM là hãng hàng không tư nhân duy nhất của Việt Nam hiện nay hoạt động. Sau 3 tháng cất cánh, tỷ lệ đúng giờ đạt 92%, một con số mơ ước của nhiều hãng hàng không. Số ghế được sử dụng trung bình trên 70%, vào những ngày cao điểm còn đạt 100%. Huy nói vui: "Hãng AM chủ yếu bay đi Tây Nguyên và vùng hải đảo (Phú Quốc-PV). Toàn vùng sâu, vùng xa".

Ít người biết, hơn 30 phi công Mỹ của AM có người là con của tỷ phú Mỹ, nhưng làm việc một cách chuyên nghiệp. Họ cũng xấp xỉ tuổi Huy, cách nghĩ, cách làm việc cũng như Huy. Chỉ khác một điều, Huy sang Mỹ học để về làm chủ, những phi công đó là người Mỹ và sang Việt Nam đi làm thuê. Thực ra đó chỉ là một cách nói, trên thực tế đó là biểu hiện toàn cầu hoá, xoá nhoà khoảng cách không chỉ về không gian mà ngay cả trong tư duy.

Cũng không nhiều người biết, chàng trai 24 tuổi này góp phần đưa Tập đoàn BIM hoạt động bài bản hơn, có tầm quốc tế. Năm qua, cũng chính chàng trai này chủ động tái cơ cấu mô hình tài chính (đầu tư đa lĩnh vực và phát triển bền vững). Tập đoàn BIM chính là một đơn vị xuất khẩu thuỷ sản từ Việt Nam sang Mỹ mà không bao giờ sợ rào cản bởi luật chống bán phá giá vì giá bán còn cao hơn nước sở tại, và cung không đủ cầu.

Theo Tiền Phong

Thứ Bảy, 26 tháng 3, 2011

Những con số thú vị về các CEO

Bằng cấp, việc sử dụng thời gian... của các CEO được nhiều nhà đầu tư, báo giới hết sức quan tâm. Tờ Business Insider đã đưa ra một thống kê thú vị về vấn đề này.

Những số liệu thống kê của Business Insider trích từ một bản nghiên cứu tỉ mỉ về nền tảng giáo dục của các CEO trong nhóm công ty thuộc S&P 500, được thực hiện bởi Công ty SpencerStuart. Bên cạnh đó, tờ báo này còn bổ sung thêm một số dữ liệu lấy từ Tập đoàn IBM và trường Kinh doanh Harvard.

33% các CEO trong nhóm S&P 500 có bằng đại học thuộc chuyên ngành kĩ sư và chỉ có 11% là về quản trị kinh doanh.

33% các CEO trong nhóm S&P 500 có bằng đại học thuộc chuyên ngành kĩ sư và chỉ có 11% là về quản trị kinh doanh.

Dưới 10% trong số họ nhận bằng tốt nghiệp từ trường Ivy League

Dưới 10% trong số họ nhận bằng tốt nghiệp từ các trường thuộc Ivy League (nhóm các trường đại học hàng đầu của Mỹ)

Tất cả các CEO trong nhóm dịch vụ đều có bằng cử nhân và là nhóm CEO có trình độ học vấn cao nhất.

Tất cả các CEO trong nhóm dịch vụ đều có bằng cử nhân và là nhóm CEO có trình độ học vấn cao nhất.

15% các CEO điều hành mảng tài chính của công ty, và chỉ có 9% trong số họ là làm các công việc quản lý chung.

15% các CEO điều hành mảng tài chính của công ty, chỉ có 9% trong số họ làm các công việc quản lý chung.

Nhóm các công ty về in ấn và xuất bản là nhóm có trình độ học vấn thấp nhất với chỉ 91% CEO có bằng cử nhân.

CEO của các công ty về in ấn và xuất bản là nhóm có trình độ học vấn thấp nhất với 91% có bằng cử nhân.

60% các CEO trong nghiên cứu của IBM đánh giá sự sáng tạo là yếu tố quan trọng nhất đối với một lãnh đạo.

60% các CEO trong nghiên cứu của IBM đánh giá sự sáng tạo là yếu tố quan trọng nhất đối với một nhà lãnh đạo.

...Và chỉ có 12% cho rằng sự công bằng và khiêm tốn là cần thiết.

... chỉ có 12% cho rằng sự công bằng và khiêm tốn là cần thiết.

Các CEO tiêu tốn 60% quỹ thời gian của mình cho việc hội họp.

Các CEO tiêu tốn 60% quỹ thời gian của mình cho việc hội họp.

...20% thời gian cho việc gọi điện thoại và tham gia các sự kiện công chúng.

20% thời gian cho việc gọi điện thoại và tham gia các sự kiện công chúng.

...Và họ chỉ sử dụng 15% thời gian còn lại để làm việc một mình.

Họ chỉ sử dụng 15% thời gian còn lại để làm việc một mình.

Các CEO mất khoảng 4,7 tiếng mỗi tuần để làm việc với các nhà tư vấn và chỉ 1,3 tiếng với các nhà cung cấp.

Các CEO mất khoảng 4,7 tiếng mỗi tuần để làm việc với các nhà tư vấn và chỉ 1,3 tiếng với các nhà cung cấp.

Thứ Sáu, 25 tháng 3, 2011

Bằng cấp và CEO

TT - Một nghiên cứu về mối tương quan giữa trình độ học vấn và mức độ thành công của các CEO (giám đốc điều hành) được nhóm ba giáo sư Jalbert, Rao và Jalbert công bố trên tập san Nghiên cứu kinh tế và kinh doanh quốc tế (Mỹ) tiết lộ nhiều chi tiết thú vị.

Nhóm nghiên cứu tập hợp dữ liệu của 800 CEO từ nhiều tập đoàn đa quốc gia được liệt kê trên tạp chí Forbes. Hầu hết các CEO có ít nhất là trình độ đại học, trong đó một nửa có trình độ sau đại học. Nhóm nghiên cứu áp dụng các phép thống kê kiểm tra trong bộ môn phương pháp nghiên cứu và đi đến kết luận bất ngờ: CEO không có bằng cấp thường có thu nhập cao hơn CEO có bằng cấp.

Tuy nhiên, nghịch lý là nhà tuyển dụng CEO (ban quản trị, chủ tịch hội đồng quản trị, chủ sở hữu công ty...) lại thường thích chọn các CEO có trình độ học vấn cao hơn. Nghịch lý này ở các tập đoàn toàn cầu xét ra không quá khác biệt so với “truyền thống” chuộng bằng cấp của các nhà tuyển dụng Việt Nam.

Nhiều bằng cấp = nhiều của cải?

Theo mô hình của những hệ thống giáo dục phổ biến nhất, ba cấp học chính gồm cử nhân (4 năm đại học), thạc sĩ (khoảng 2 năm sau cử nhân) và tiến sĩ (khoảng 4 năm sau thạc sĩ). Sự phân bố ba loại bằng cấp đó giống như hình tháp, với tiến sĩ ở vị trí cao nhất và cũng là học vị cao nhất trong hệ thống giáo dục đại học.

Nếu chỉ suy diễn giản đơn từ công thức trên thì rõ ràng tiến sĩ phải kiếm nhiều tiền hơn thạc sĩ, thạc sĩ phải kiếm nhiều tiền hơn cử nhân vì thời gian và chất xám bỏ ra cũng trải dài tương xứng theo sơ đồ hình tháp. Thế nhưng, đây chính là sai lầm lớn nhất của nhiều sinh viên học sinh, kể cả phụ huynh trong việc định hướng nghề nghiệp và đề ra chuẩn thành công cho con cái.

Nếu chỉ đo sự thành công bằng giá trị của đồng tiền và thời gian hao tốn sinh ra của cải thì ở Mỹ làm chủ tiệm nail được xem là thành công hơn làm một kỹ sư; ở Việt Nam làm chủ quán nhậu sẽ thành công hơn làm một giảng viên đại học.

Thành công trong kinh doanh hay học vấn không thể chỉ được định nghĩa bằng số lượng tài sản hay những tấm bằng, mà là quá trình thay đổi tư duy và nhận thức lâu dài nhằm đem đến những thành tựu mang tính chiến lược và bền vững.

Thực chất bằng cấp càng cao đơn thuần là nhận thức, hiểu biết về chuyên môn càng sâu rộng. Sự sâu rộng này không luôn đồng nghĩa với việc tạo ra thật nhiều của cải tiền bạc. Mục đích của việc học không phải chỉ để kiếm thật nhiều tiền. Học là để đạt được một lượng kiến thức chuyên môn nhất định và cần thiết để hành nghề.

Không chỉ vậy, học còn là một quá trình thay đổi nhận thức và trở thành một con người tốt hơn. Còn học thuật ở mức độ hàn lâm (từ sau đại học) là để trở thành một nhà khoa học và tìm hướng đi mới trong lĩnh vực mình nghiên cứu.

Các chương trình đào tạo tiến sĩ nhằm cho ra đời một lực lượng khoa học tinh hoa cho các trường đại học và viện nghiên cứu. Do vậy, số lượng tiến sĩ rất thấp so với mặt bằng dân số. Ngay cả cường quốc về nền giáo dục đại học như Mỹ, số lượng người có bằng tiến sĩ chỉ khoảng 1% dân số. Điều này càng dẫn đến suy nghĩ sai lầm tiến sĩ là “cái đầu to” của xã hội, mà “cái đầu to” thì phải giàu, giỏi và thành công.

Tuy nhiên, định nghĩa sự “giỏi” của một nhà khoa học và một doanh nhân rất khác nhau: doanh nhân giỏi khi tối ưu hóa lợi nhuận cho công ty, còn nhà khoa học giỏi khi tìm ra phát minh mới cho ngành nghiên cứu. Thật khập khiễng khi đem so sánh của cải của một người bỏ ra 20 năm chỉ để tìm cách nhân rộng khối lượng tài sản, và một người mất 20 năm chỉ chuyên nghiên cứu một loài bướm ở châu Phi.

Sự ngộ nhận giữa bằng cấp và thành công


Những mẫu người hùng “bỏ học tay trắng thành tỉ phú” như Roman Abramovich hay “CEO không bằng cấp” kiểu Bill Gates, Michael Dell không thật sự quá phổ biến như giới truyền thông thường huyền thoại hóa và tô vẽ. Đó chỉ là phần nổi gây sự chú ý của tảng băng lớn vì tính “gây sốc” của nó.

Hơn nữa, trình độ học vấn của các nhà điều hành ngày càng được nâng lên rất nhiều trong điều kiện kinh doanh hiện nay, một môi trường khắc nghiệt đòi hỏi kiến thức chính quy và đào tạo bài bản. Chỉ xét ở bảng xếp hạng 100 người giàu nhất Việt Nam năm 2010, chúng ta dễ dàng nhận thấy khoảng 70% có trình độ đại học, gần 20% sau đại học, chỉ phần ít còn lại có trình độ trung cấp hoặc trung học.

Không thể phủ nhận bản lĩnh và tài năng đáng khâm phục của các CEO chưa từng qua đào tạo chính quy nhưng đủ sức đưa con thuyền của họ chiếm lĩnh thị trường. Họ xứng đáng được tôn vinh hơn nhiều lần so với những CEO may mắn được lĩnh hội một nền giáo dục bài bản. Tuy nhiên, đây không nên là một ví dụ điển hình duy nhất của sự thành công không bằng cấp.

Sự thần kỳ hóa này vô hình trung làm sai lệch nhận định trong giới trẻ về tương quan học vấn - thành công. Trái lại, các “CEO không bằng cấp” khi đạt đến một thành công nhất định thường nhấn mạnh tầm quan trọng của nền kinh tế tri thức và khuyên giới trẻ không nên đi theo con đường của họ. Sai lầm nguy hiểm nhất trong sự ngộ nhận giữa bằng cấp và thành công là nó khuyến khích một bộ phận giới trẻ chứng minh chân lý “không cần học vẫn thành công”.

ĐỖ HỮU NGUYÊN LỘC
(NCS tiến sĩ khoa học quản lý, Đại học Quản lý Thụy Sĩ SMC)
Ceovn.com