Thứ Sáu, 7 tháng 1, 2011

CEO - Trần Lệ Nguyên - Kinh Đô: 'Cuộc sống phải luôn có tham vọng'

Từ một người làm thuê trở thành lãnh đạo công ty thực phẩm hàng đầu Việt Nam, Trần Lệ Nguyên - Tổng giám đốc Kinh Đô luôn tâm niệm phải luôn có tham vọng mới đạt được những hoài bão lớn.

Những năm 90, Trần Lệ Nguyên chỉ là một thanh niên làm việc ở xí nghiệp chế biến thực phẩm quận I (TP HCM). Nhìn bánh kẹo từ Thái Lan và các nước khu vực tràn ngập thị trường nội địa, giá lại đắt đỏ so với túi tiền người tiêu dùng, trong anh trỗi dậy ham muốn phát triển sự nghiệp ở ngành thực phẩm.

Trần Lệ Nguyên trăn trở: "Vì sao họ làm được, còn mình lại không, trong khi mình có lợi thế sân nhà, thuận lợi trong nắm bắt thị hiếu, tâm lý khách hàng hơn?". Và anh đã thuyết phục được anh trai là Trần Kim Thành (hiện là Chủ tịch HĐQT KDC) cùng nhau dựng nghiệp riêng.

Phó chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Kinh Đô Trần Lệ Nguyên. Ảnh: N.L.

Quyết tâm, đam mê nhưng vốn lại quá ít ỏi, hai anh em phải thế chấp toàn bộ nhà cửa để vay ngân hàng, cộng với vay thêm bà con để nhập máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất. "Đó là một trong những quyết định liều lĩnh nhất đời tôi. Nếu thất bại thì cả 2 anh em sẽ nợ nần chồng chất, không biết bao giờ mới trả hết", vị Tổng giám đốc của Kinh Đô nhớ lại.

Trước khi khởi nghiệp, Trần Lệ Nguyên từng có nhiều năm học làm bánh thời trung học và 5 năm tại xí nghiệp chế biến thực phẩm. Thế nhưng, chàng thanh niên mới ngoài 20 tuổi phải đối mặt với nhiều thách thức mới khi khởi nghiệp.

"Những ngày đầu vận hành máy, bánh làm ra không đạt tiêu chuẩn. Tôi rất lo lắng. Từ sáng tới khuya, tôi tập trung nghiên cứu, rút kinh nghiệm dần qua từng mẻ bánh, quyết không đưa sản phẩm không đủ chất lượng ra thị trường", người điều hành Kinh Đô nhớ lại. Sau khoảng 30 ngày vận hành, những sản phẩm đầu tiên mới chính thức có mặt trên thị trường.

Nhờ giá rẻ, khẩu vị gần gũi với người Việt, sản phẩm của Kinh Đô nhanh chóng được người tiêu dùng chấp nhận. Thời điểm đó, khẩu hiệu hàng Việt Nam chất lượng cao tuyên truyền rộng rãi càng tiếp sức cho sản phẩm của Kinh Đô tung hoành ở các hội chợ tại các tỉnh thành lớn của cả nước. "Lúc đó, mọi khổ cực kể từ lúc thành lập công ty, nỗi thất vọng với những sản phẩm đầu tay không ưng ý tan biến hết. Lợi nhuận mấy năm đầu đều tăng mấy trăm phần trăm", ông Nguyên cười tươi.

Chuyển từ một công ty gia đình sang một tập đoàn đa ngành, ông chủ của Kinh Đô không ôm đồm mà sẵn sàng giao việc cho cấp dưới. Thời gian rảnh rỗi, ông đi ra ngoài khám phá, tìm hương vị, mùi vị mới lạ, tìm kiếm trang thiết bị có tính năng ưu việt để bổ sung dây chuyền sản xuất cho công ty.

Đi bất kỳ đâu, ông cũng dừng lại ở các tiệm bánh, dùng thử, mua về hoặc tìm nguyên liệu ngay tại nước đó về nước giao cho nhân viên nghiên cứu hoặc tự mình khám phá ngay trong gian bếp của gia đình. Điều này đã trở thành sở thích nhiều năm nay của vị Tổng giám đốc Kinh Đô dù công ty đã có nhóm chuyên trách.

Chính nhờ thói quen thích tự mình trải nghiệm, khám phá, chỉ cần nếm qua một loại bánh, ông có thể biết được những nguyên liệu cấu thành bên trong. Đây là kinh nghiệm mà ông đúc kết được từ hàng chục năm gắn bó với ngành thực phẩm.

Ông tâm niệm trong cuộc sống phải có tham vọng, để biến những ước mơ thành hiện thực. Ảnh: N.L.

Hiện tại, điều làm ông băn khoăn là chưa tìm được người kế nghiệp trong việc nếm bánh, duyệt xem sản phẩm đó có đủ tiêu chuẩn để xuất xưởng hay không. "Điều này không có trường lớp nào dạy, mà cảm nhận của mỗi người cũng không giống nhau. Quan trọng nhất là nắm được khẩu vị, biết được cái nào người tiêu dùng thích", CEO Trần Lệ Nguyên chia sẻ.

Với quan niệm nội lực mạnh, doanh nghiệp mới vững, ông luôn nhắc nhở nhân viên trong kinh doanh luôn có thách thức. Nay cạnh tranh với anh A, mai sẽ xuất hiện thêm anh B, anh C, nhưng nếu nội lực vững, hệ thống bộ máy chắc sẽ không sợ đối thủ nào. Càng hội nhập càng cạnh tranh, những tập đoàn nước ngoài cũng nhiều lần có ý định liên doanh, thâu tóm, mua lại trên 50% để nắm quyền kiểm soát KDC, song ông đều khước từ.

Theo ông chủ Kinh Đô, năm 2010 là một năm khó khăn với nhiều doanh nghiệp với tỷ giá và lãi suất cùng tăng mạnh, trong khi sức tiêu thụ giảm sút do khủng hoảng kinh tế. Cũng vì thế, doanh số của KDC đạt dự kiến nhưng tăng trưởng lợi nhuận chỉ dừng ở mức như kế hoạch, chứ không vượt chỉ tiêu đề ra như 2-3 năm về trước.

Tuy nhiên, năm 2010 cũng đánh dấu một cột mốc quan trọng của Kinh Đô với việc hợp nhất Công ty cổ phần thực phẩm Kinh Đô miền Bắc (NKD) và Kem Kido vào KDC. Sáp nhập hoàn tất, áp lực với ông Nguyên và ban điều hành cũng tăng lên rất nhiều bởi các cổ đông cũng kỳ vọng cao ở những kết quả tốt hơn trong năm 2011.

Đối với mặt với nhiều thách thức lớn khi 3 công ty hợp nhất, Tổng giám đốc Kinh Đô tâm sự: "Cuộc sống là phải luôn có tham vọng. Bạn phải có tham vọng thì mới đạt được những hoài bão của mình". Theo ông, chỉ có sự say mê, nhiệt huyết, sáng tạo và đôi khi cũng cần phải liều lĩnh thì mới có thể biến những ước mơ (nhiều lúc táo bạo) thành hiện thực.

Một trong những giải pháp ông thường chọn để giải tỏa áp lực tâm lý sau những giờ làm việc căng thẳng là đánh golf cùng bạn bè, hát karaoke. Ngoài ra, một sở thích đặc biệt của ông là vào bếp, tự tay chế biến các món ăn đãi gia đình và bạn bè vào những ngày cuối tuần.

Ông Trần Lệ Nguyên sinh năm 1968, giữ chức Tổng giám đốc Kinh Đô từ năm 1992 đến nay, hiện là Phó chủ tịch HĐQT. Năm 2010, ông đứng vị trí 24 trong danh sách 100 người giàu trên sàn chứng khoán do VnExpress.net thống kê, tổng hợp, với giá trị tài sản bằng cổ phiếu là 754 tỷ đồng. Các mã cổ phiếu trên sàn mà ông sở hữu không chỉ có KDC mà còn có TRI, TLG.

Năm 1993 Công ty TNHH Kinh Đô ra đời, kế tiếp là Công ty Kinh Đô Miền Bắc. Từ công ty gia đình, Kinh Đô chuyển sang công ty đại chúng năm 2002 và niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán. Năm 2003, doanh nghiệp mua lại thương hiệu kem Wall của Unilever và đổi tên thành Kido’s, sau đó đầu tư vào Tribeco, Nutifood, Vinabico.

KDC còn mở rộng hoạt động sang lĩnh vực bất động sản với sản phẩm đầu tay là Hùng Vương Plaza. Trong chiến lược phát triển, doanh nghiệp hướng tới tập đoàn đa ngành gồm thực phẩm, địa ốc, tài chính và bán lẻ.

Bạch Hường

Thứ Ba, 4 tháng 1, 2011

Đặng Thành Tâm: 'Tiền bạc sẽ có lúc trở thành vô nghĩa'

Một loạt biến cố về khả năng bãi yết cổ phiếu, đóng cửa phân xưởng nhà máy đến dự án bị chỉ trích chậm tiến độ nhưng Đặng Thành Tâm vẫn vượt qua sóng gió và lọt vào Top 3 người giàu nhất sàn chứng khoán năm 2010.

Xuất hiện ở Hà Nội giữa tiết trời lạnh giá trong chiếc áo sơ mi cộc tay, quần âu và đôi giày đen, Đặng Thành Tâm - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc khiến người ta ngạc nhiên vì tài chịu rét. Ông vui vẻ giải thích, vừa đi từ thiện ở tận Lào, nhiệt độ có 6 độ C nên ở Hà Nội thời tiết này vẫn còn rất dễ chịu.

Là người giàu nhất sàn chứng khoán năm 2007 và liên tiếp nằm trong Top 3 từ năm 2008 đến nay, Đặng Thành Tâm nổi lên như một doanh nhân đi xuyên qua khủng hoảng để thành công. Trong năm 2010, ông cùng với đối tác đã nhanh tay mua lại được một công ty sản xuất đồng hồ Thụy Sĩ với giá "rẻ như mơ".

Điều quan trọng nhất là công ty này nắm trong tay công nghệ sản xuất các sản phẩm cơ khí chính xác phục vụ cho các thiết bị điện tử công nghệ cao như máy tính, máy in, điện thoại di động... Mua xong nhà máy cũng là lúc nhiều hãng lớn như Canon, Foxconn cần các nhà sản xuất thiết bị phụ trợ phục vụ cho nhà máy sản xuất sản phẩm công nghệ cao của họ. Cũng trong năm nay, ông đã có kế hoạch xây dựng tòa tháp Lotus trở thành công trình thế kỷ mang đậm phong cách Việt Nam với số vốn lên tới một tỷ đôla.

Ảnh: KBC
Doanh nhân Đặng Thành Tâm thuyết trình tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới năm 2010. Ảnh: KBC

"Năm 2010 về cơ bản khủng hoảng đã qua nhưng không ai ngờ tài chính tiền tệ lại bị thắt chặt đến mức 'kinh dị' như thế. Nhưng nếu tận đụng được cơ hội thì sẽ biến những khó khăn thành cơ hội", Đặng Thành tâm hóm hỉnh.

Trong năm qua, Đặng Thành Tâm cũng thẳng thắn thừa nhận có rất nhiều "âm mưu" mà ông chưa làm được, trong đó phải kể đến vụ mua hụt một tòa nhà làm trụ sở ở Nhật Bản. Đã đàm phán xong về giá cả nhưng việc chuyển ngoại tệ khó khăn khiến công ty nước ngoài khác nẫng mất tòa nhà rẻ bất ngờ ở xứ sở hoa anh đào. "Không ai có thể tưởng tượng được nhà ở khu vực đắt nhất nhì thế giới chỉ khoảng 10 triệu đôla, một cái giá rẻ hơn cả Hà Nội và TP HCM. Nắm bắt đây là cơ hội, vậy mà người tính không bằng... 'chính sách' tính", Đặng Thành Tâm đùa vui.

Tuy nhiên, 2010 cũng là năm xảy ra liên tiếp những ì xèo xung quanh các doanh nghiệp của ông. Đầu tiên là cổ phiếu SQC có nguy cơ phải xin bãi yết vì hoạt động không thuận lợi. Công ty Khoáng sản Sài Gòn - Quy Nhơn (mã chứng khoán SQC) đã chuyển từ sản xuất thô sang chế biến.

Thế nhưng, chính sách thuế không như dự kiến khiến công ty ông phải dừng hoạt động phân xưởng nhà máy tinh chế quặng Titan. Tiếp đến là hàng loạt các dự án Xi măng Sài Gòn - Tân Kỳ, Công viên Phần mềm Thủ Thiêm mà công ty ông tham gia góp vốn... bị chê trách vì chậm tiến độ. Đầu tư ở khu công nghiệp miền Trung thất bại, không đạt kết quả như mong đợi.

Người ta tưởng ngần ấy biến cố sẽ khiến Đặng Thành Tâm lao đao. Nhưng không, vượt qua những sóng gió ấy, ông vẫn lọt vào Top 3 những người giàu nhất sàn chứng khoán năm 2010.

Những xui xẻo liên tiếp đổ ập lên đầu nhưng dần dần "trời lại sáng". Giá xi Titan trên thế giới đã tăng từ 500 USD lên 750 đôla mỗi tấn vào đầu năm nay khiến doanh nghiệp có thể yên tâm hơn. Hơn 5.000 tấn tồn kho có thể xuất xưởng mang lại lợn nhuận lớn hơn. Công ty của ông cũng ồ ạt nhận được nhiều đơn đặt hàng, đủ để sản xuất cho cả năm. Thêm vào đó, thuế xuất khẩu Titan cũng đã giảm từ 15% xuống 10%.

"Họa vô đơn chí, phúc bất trùng lai. Những cái không may đó vẫn là bài học của tôi trong quá khứ. Sự cố gắng của con người luôn xảy ra vào những lúc khó khăn vì chính thời điểm giữa sự sống và cái chết, người ta mới phát huy được năng lực tiềm ẩn", ông Tâm chia sẻ.

Ông tư nhận mình là một người ốm yếu nhưng không chờ khỏi bệnh mới đi làm mà cố gắng vận động để tinh thần sảng khoái. Ông vẫn luôn tâm niệm, đừng vì mình ốm mà nằm ở nhà chờ khỏe, hãy vận động kể cả lúc ốm yếu thì sẽ thành công. Nhiều người đặt câu hỏi bí quyết nào để Đặng Thành Tâm có thể kêu gọi nhiều doanh nghiệp công nghệ cao của thế giới đến với Việt Nam đến thế, trong đó, Foxconn là một điển hình. Ngoài ra, đại gia Panasonic cũng từng thổ lộ, họ đã đóng góp 5% GDP cho Malaysia và họ cũng muốn đóng góp một tỷ lệ như thế ở Việt Nam nếu có điều kiện.

Đặng Thành Tâm cười. Ông cho rằng, kêu gọi đầu tư cũng vi như việc kêu gọi khách đến nhà hàng. Nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam để đầu tư tạo giá trị gia tăng cho họ và cho cả Việt Nam chứ không phải khách đến nhà hàng để xin ăn. "Khi đến một nhà hàng ở Hà Nội, tôi hỏi gà của nhà hàng là gà công nghiệp hay gà ta. Cô nhân viên quắc mắt trả lời: 'Chú có ăn không, chú không ăn thì thôi nhé, hỏi mãi'. Hai anh em tôi đứng dậy đi chỗ khác", Đặng Thành Tâm nói.

Theo Đặng Thành Tâm bí quyết đối với ông chỉ là làm cho các nhà đầu tư tin tưởng quý mến, yên tâm và tạo ra giá trị gia tăng cho họ. Muốn khách đến đầu tư thì phải có thái độ chân tình, phục vụ thật tốt. "Cũng giống như nhà hàng, dẫu giá có cao một chút nhưng phục vụ tận tình, món ăn ngon thì vẫn có thể hút khách. Đừng nghĩ họ là người đi xin ăn để đưa ra giá đất, nhân công rẻ mà dịch vụ chẳng ra gì, đối xử chẳng ra sao", ông nói.

Say sưa nói về công việc, vị doanh nhân nổi tiếng không để ý tới nhiều người khách đến quán cà phê này đang tò mò quan sát buổi trò chuyện. Đặng Thành Tâm cho rằng, đến một giai đoạn nhất định, nhu cầu về tiền bạc sẽ bị bão hòa và sẽ trở nên vô nghĩa. Ông vẫn nhớ như in cái ngày mình mới ra trường, sau vài năm thất nghiệp, ông tham gia viết dự án và được trả công tới 1.000 USD. Lúc đó, số tiền này đối với chàng trai trẻ thật ý nghĩa.

Nhưng đến thời điểm này khi tiền bạc không còn là vấn đề, vị doanh nhân cho rằng, điều quan trọng nhất là tìm cho mình một lẽ sống. Đối với ông, lẽ sống ấy chính là xây dựng được các khu công nghiệp phụ trợ rồi để làm ra những linh kiện "Made in Việt Nam", thu hút thật nhiều nhà đầu tư. Và điều quan trọng nhất là được làm một CEO giỏi sánh vai các CEO quốc tế, để doanh nghiệp của mình tăng trưởng tăng gấp đôi, gấp 3, công nhân có đời sống no đủ.

"Tất cả những người giàu nhất trên sàn chứng khoán cũng không hẳn đã giàu. Bởi doanh nghiệp kiếm được một đồng cũng phải từ đi vay một đồng mà có. Thời tiết may mắn thì kiếm được đồng hai, đồng ba. Top này top kia chỉ là động lực để lớp trẻ phấn đấu mà thôi", Đặng Thành Tâm chia sẻ.

Ảnh: KBC
Ông Đặng Thành Tâm cùng Thủ tướng Nhật Bản tại hội nghị ABAC năm 2009. Ảnh: KBC

Đặng Thành Tâm tâm sự, với ông hạnh phúc gia đình là điều cốt lõi. Có 4 con, ông tự nhận mình là người "góp công" làm dân số Việt Nam trẻ và tăng trưởng nhiều hơn. Vị doanh nhân cho rằng, con cái là của trời cho và ông hạnh phúc khi thấy các con ngoan ngoãn, học giỏi.

Khi chưa lập gia đình, hạnh phúc là được nhởn nhơ tự do tự tại nhưng khi trở thành một doanh nhân thành đạt, công việc ngập đầu thì hạnh phúc với ông là những giây phút đầm ấm cùng gia đình. Quay cuồng với công việc, Đặng Thành Tâm vẫn luôn cầu mong có thời gian ở bên gia đình nhiều hơn để vơi bớt những nhọc nhằn trong cuộc sống đời thường. Chắt chiu thời gian bên gia đình một cách tối đa, Đặng Thành Tâm thường "ăn gian" bằng cách mời đối tác về nhà để vừa có thể bàn chuyện công việc, vừa gần vợ con hơn.

"Trẻ con có phản xạ rất tự nhiên. Nếu mình xa lánh nó thì nó sẽ xa lánh mình. Có đôi khi máy bay bị hoãn, đã hứa nhưng không kịp giờ, nhận lời trách 'ba vô tâm', thì cũng đành chịu rồi lại phải nịnh khéo để con cái không rời xa mình chứ biết làm sao", Đặng Thành Tâm chia sẻ.

Hỏi ông về những ước mơ, Đặng Thành Tâm cười xòa cho rằng, mình không có ước mơ sắp tới, mà chỉ có ước mơ của hiện tại và quá khứ chưa làm xong. Có những điều mình làm được thì cố gắng làm cho xong mà thôi. Thích đi học đánh golf và học nhảy đầm nhưng lời ước năm ngoái bị lỗi hẹn vì quá bận rộn. Năm nay ông lại cố thực hiện lời hứa dang dở từ năm ngoái dù rằng không dám chắc mình liệu có bị công việc cuốn trôi không...

Hoàng Lan

Ceovn.com