Trước khi đồng sáng lập và điều hành Quỹ Đầu tư Vietnam Capital Partners (VCP) vào năm 2009, Nguyễn Nam Sơn, người Mỹ gốc Việt, là Giám đốc Điều hành kiêm phụ trách Bộ phận Ngân hàng Đầu tư của Citigroup tại Việt Nam. Đặc biệt, ông có hơn 15 năm làm tư vấn trong lĩnh vực M&A (mua bán và sáp nhập), từng tư vấn cho Citigroup mua lại một ngân hàng ở Đài Loan trị giá 800 triệu USD. Sau 2 năm về nước kinh doanh và tư vấn đầu tư, ông cho rằng Việt Nam là một thị trường non trẻ và hầu như chưa có khái niệm về M&A.
Cuối tháng 7 vừa qua, khi được chúng tôi phỏng vấn để thực hiện chuyên đề đầu tư vào trường quốc tế, Nguyễn Nam Sơn tiết lộ, ông đang trong quá trình trao đổi chuyển nhượng lại dự án đầu tư trường quốc tế tại TP.HCM. Theo ông Sơn, dự án M&A này sẽ được hoàn tất trong tháng 8.
VCP vừa chuyển nhượng dự án Đầu tư Giáo dục tại TP.HCM, đó có phải là dự án M&A đầu tiên của Quỹ tại Việt Nam?
Đó là khoản đầu tư cá nhân chứ không phải của Quỹ và tôi chỉ chuyển nhượng các cơ sở vật chất đã đầu tư trước đó. Còn lại, không có sự chuyển nhượng giấy phép đầu tư giáo dục.
Như vậy, có phải dự án này đã được chuyển nhượng lỗ?
Những khoản đầu tư ban đầu để làm marketing, điều nghiên thị trường không thể gọi là lỗ được. Sau khi nghiên cứu thị trường, nhận thấy không tốt như dự đoán, lập tức chúng tôi quyết định ngừng Dự án. Lợi nhuận thu về từ việc đầu tư chứng khoán tại Mỹ của tôi trong năm 2009 là 200%, dự án Đầu tư Giáo dục tại TP.HCM chỉ mất khoảng 20% trên số lợi nhuận đó. Tôi xác định đây chỉ là học phí trong đầu tư và đó là điều bắt buộc phải có.
Hoãn đầu tư trường học quốc tế bởi thấy không tốt như dự đoán, theo ông, cơ hội đầu tư vào giáo dục ở Việt Nam còn cao không?
Hiện nay, thị trường giáo dục quốc tế đã bão hòa, cung cao hơn cầu. Ước tính, các trường học mới phải đầu tư khoảng 10-40 triệu USD để mua bất động sản, xây dựng trường lớp, cơ sở vật chất và trang thiết bị đầy đủ. Ngoài ra, tổng chi phí cho mỗi tháng đã là 200.000 USD. Tuy nhiên, họ phải duy trì hoạt động trong tình trạng thiếu học sinh và chịu lỗ trong nhiều năm, trong khi các trường thành lập lâu năm đang mở rộng quy mô. Quan trọng là chúng tôi đã kịp thời kết thúc Dự án để bảo toàn vốn và giới hạn lỗ trong mức cho phép. Và tôi đã rút ra nhiều bài học quan trọng về hợp tác đầu tư, xây dựng và pháp lý tại Việt Nam.
Trong tương lai, lĩnh vực giáo dục ở Việt Nam vẫn rất hấp dẫn, khi người dân hiểu, đánh giá và phân biệt được giáo dục chuẩn quốc tế. Ngoài ra, các trường liên kết quốc tế và trường đào tạo kỹ năng vẫn là mô hình tốt với thị trường lớn, chi phí vốn tương đối thấp, cạnh tranh không nhiều và giá học phí phù hợp.
VCP sẽ dành bao nhiêu phần trăm vốn cho đầu tư giáo dục?
Khoảng 25% vốn, cho cả giáo dục và y tế. Hình thức đầu tư là mua lại những doanh nghiệp vừa và nhỏ, hoặc lập một đội ngũ quản lý chuyên môn để xây dựng doanh nghiệp mới. Ngoài ra, chúng tôi sẽ tìm cơ hội mua lại trường quốc tế gặp khó khăn về vốn.
Giáo dục và y tế là quan tâm hàng đầu của VCP, vì đây là 2 lĩnh vực luôn được ưu tiên, không chỉ ở Việt Nam mà ở hầu hết các quốc gia trên thế giới. VCP cũng đang theo dõi một số ngành tiềm năng khác là bán lẻ, công nghệ và tài chính ngân hàng.
Kinh nghiệm và thế mạnh của ông là M&A, ông dự định phát triển M&A ở Việt Nam như thế nào?
Tôi nhận thấy nhiều cơ hội cho M&A ở Việt Nam trong 2 năm nữa, khi hầu hết công ty cổ phần hóa. Sẽ có một số nhà đầu tư góp vốn hoặc mua lại các trường học khi cơ hội đến. Còn đối với lĩnh vực M&A hay tư vấn đầu tư, tôi cho rằng có rất nhiều cơ hội trong công ty cổ phần ở tất cả các ngành.
Đã đầu tư và thu lợi nhuận nhiều từ chứng khoán tại Mỹ trong năm qua, ông có kế hoạch đầu tư vào thị trường chứng khoán tại Việt Nam không?
Sau 2 năm kinh doanh, tôi xác định không đầu tư vào chứng khoán Việt Nam bởi các chỉ số tài chính của các doanh nghiệp ở Việt Nam vẫn chưa minh bạch nên rất khó phân tích, giá trị của thị trường Việt Nam cũng không hấp dẫn bằng thị trường nước ngoài. Tuy nhiên, trong 12 tháng tới hoặc có thể lâu hơn, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ rất hấp dẫn.
Thị trường nào cũng có rủi ro, mà theo tôi 4 rủi ro lớn nhất là về kinh tế vĩ mô, tiền tệ, giá trị ảo của thị trường bất động sản và hệ thống ngân hàng. Tại Mỹ, cuộc khủng hoảng tài chính bắt nguồn từ rủi ro về giá trị ảo của thị trường bất động sản cùng với việc quản lý tín dụng lỏng lẻo ở một số ngân hàng, kéo theo khủng hoảng chung của hệ thống ngân hàng và thị trường chứng khoán. Trong quá trình nỗ lực phục hồi thị trường chứng khoán Mỹ, các ngân hàng đã chấp nhận lỗ và tái cấu trúc cơ cấu tín dụng, minh bạch các thông tin tài chính trước công chúng. Cùng lúc đó, thị trường bất động sản đạt giá trị thấp nhất trong vòng 7 năm qua. Các rủi ro kinh tế vĩ mô như lạm phát hay rủi ro tiền tệ rồi cũng qua đi. Tôi nhận ra thời điểm thị trường chứng khoán Mỹ đã trở lại hấp dẫn khi giá trị cổ phiếu xuống mức thấp nhất. Chính vì tập trung quan tâm ở những chu kỳ lớn của thị trường, thay vì những biến động nhỏ, tôi đã đạt được lợi nhuận như đã nói trên trong các danh mục đầu tư chứng khoán.
Đối với thị trường Việt Nam, tôi cho rằng rủi ro vẫn còn. Trong vòng 12 tháng tới, thị trường sẽ có nhiều bất ngờ.
Khi đang làm Giám đốc của Citigroup tại Việt Nam, nguyên tắc không cho phép tôi đầu tư vào thị trường này. Tôi đã từng đầu tư chứng khoán tại các thị trường Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc và hiện tại là Mỹ. Từ sau khi rời Citigroup, tôi cho phép mình đầu tư thoải mái hơn. Và tôi sẽ bắt đầu đầu tư khi thị trường chứng khoán Việt Nam vượt qua những rủi ro kể trên, đồng thời giá trị cổ phiếu hấp dẫn hơn so với thị trường nước ngoài.
Ông có thể chia sẻ kinh nghiệm đánh giá một cổ phiếu dựa trên các chỉ số tài chính?
Ở Việt Nam, các nhà đầu tư thường sử dụng chỉ số P/E (tỉ lệ giữa giá thị trường và lợi nhuận ròng trên mỗi cổ phần của một công ty) để đánh giá cổ phiếu có hấp dẫn hay không. Tuy nhiên, P/E chỉ là 1 trong 10 công cụ tài chính được tôi sử dụng.
Chỉ số quan trọng nhất tôi thường sử dụng là FV/EBITDA. Theo tôi được biết, ở Việt Nam hầu như rất ít người sử dụng FV/EBITDA để phân tích các cổ phiếu. Lý do tôi nghĩ FV/EBITDA quan trọng hơn P/E vì biến số E trong P/E rất dễ bị điều chỉnh bởi các khoản thu hoặc chi phí ngoài hoạt động kinh doanh chính. Ví dụ, lợi nhuận ròng của một công ty có thể tăng đột biến từ năm này sang năm khác do lợi nhuận từ hoạt động đầu tư chứng khoán của công ty trong năm tài chính đó. Tái định giá lại các khoản tài sản như bất động sản, tài sản vô hình như thương hiệu của công ty, hoặc thay đổi chính sách chiết khấu tài sản cũng làm lợi nhuận ròng của công ty bị điều chỉnh đáng kể.
Trong khi đó, EBITDA chính là lợi nhuận của một công ty trước thuế, khấu hao và các lãi suất tài chính. EBITDA có thể hiểu đơn giản là dòng tiền từ hoạt động kinh doanh chính của công ty đó và khó có thể bị điều chỉnh bởi các khoản ngoài hoạt động kinh doanh chính. Là một nhà đầu tư chiến lược và dài hạn, tôi muốn nhìn vào tình hình hoạt động chính của một công ty trong 10-20 năm để hiểu được xu hướng tăng trưởng của họ qua từng chu kỳ. Và như vậy, chỉ số biến động mạnh như P/E sẽ không hiệu quả bằng FV/EBITDA.
Ngoài những chỉ số từ hoạt động kinh doanh, tôi cũng rất quan tâm đến bảng cân đối kế toán tài chính và báo cáo lưu chuyển tiền tệ để có cái nhìn đầy đủ và bao quát hơn về công ty đó. So sánh các chỉ số tài chính với các công ty cùng ngành, hoặc với chính công ty đó trong quá khứ cũng là một phương pháp phân tích được tôi sử dụng thường xuyên.
Hiện tại, nhiều nhà đầu tư chứng khoán vẫn chọn cách đầu tư lướt sóng, trước khi thực sự tham gia vào thị trường Việt Nam, ông có dự tính theo cách này?
Thị trường chứng khoán luôn biến động nhưng theo chu kỳ hay biểu đồ hình Sin. Cứ mỗi 5-10 năm, thị trường sẽ có chu kỳ lớn. Những nhà đầu tư lướt sóng sẽ tập trung vào những biến động nhỏ và chốt lời trên chênh lệch giá tạm thời. Tuy nhiên, tôi là nhà đầu tư chiến lược nên sẽ tập trung vào những chu kỳ lớn, đồng nghĩa với việc mất nhiều thời gian hơn. Muốn chốt lời cao, cần nghiên cứu chuyên sâu thị trường và công ty mục tiêu, đồng thời có kinh nghiệm để nắm bắt đúng thời cơ. Hơn nữa, tôi có nhiều lựa chọn đầu tư vào những thị trường chứng khoán khác, nên việc so sánh rủi ro/lợi nhuận giữa các thị trường cũng là một yếu tố quan trọng khi đầu tư vào Việt Nam.
Quyết định rời bỏ vị trí quản lý ngân hàng quốc tế để cùng lập quỹ đầu tư vào Việt Nam, có khi nào ông cảm thấy tiếc nuối? Ông có thể tiết lộ mức lương nhận được ở Citigroup?
Tôi chưa bao giờ tiếc khi rời vị trí tốt ở Citigroup để ra làm riêng cả. Bởi trước khi vào Citigroup, tôi nghĩ mình chỉ ở đó 5 năm, có kinh nghiệm rồi sẽ ra riêng. Nhưng do công việc đưa đẩy, đến lúc giữ chức vụ Giám đốc Điều hành của Bộ phận Ngân hàng Đầu tư Công nghệ của Citigroup ở Hồng Kông rồi về Việt Nam, tôi đã có 15 năm gắn bó với Citigroup. Thêm nữa, 2 năm qua, khi ra làm riêng, tôi đầu tư có kết quả tốt lại có nhiều trải nghiệm thú vị hơn.
Về mức lương ở các ngân hàng đầu tư như Citigroup, năm đầu tiên mới vào, lương nhận được khoảng 200.000 USD/năm. Bốn năm sau, nếu lên cấp phó chủ tịch, thu nhập khoảng 700.000 USD/năm. Cấp giám đốc từ 700.000-1,5 triệu USD/năm và cấp giám đốc điều hành từ 1-5 triệu USD/năm. Những mức thu nhập đó đã bao gồm các khoản lợi tức khác.CEOVN.com