Thứ Năm, 29 tháng 7, 2010

“Nữ tướng” mới của Yahoo!

Chị Nguyễn Hữu Hạnh, Tổng Giám đốc Yahoo! Việt Nam, đang nỗ lực vượt qua “cái bóng” của người tiền nhiệm. Những sự thay đổi của Công ty đang được bắt đầu.

Hai năm trở lại đây, cái tên Yahoo! Việt Nam luôn gắn liền với Vũ Minh Trí, người được xem là người đã có công giúp hãng này có được giấy phép thành lập công ty internet quốc tế đầu tiên tại Việt Nam. Vì vậy, việc Vũ Minh Trí đột ngột nói lời chia tay với Yahoo! Việt Nam khiến nhiều người trong ngành bất ngờ và càng ngạc nhiên hơn khi biết người kế nhiệm là Nguyễn Hữu Hạnh, một nữ quản lý cấp trung chưa từng đảm nhiệm vị trí tương tự tại các công ty, tập đoàn lớn. CEOVN.com gửi đến một số thông tin với chị Nguyễn Hữu Hạnh về những dự định mà chị sẽ làm đối với Yahoo! Việt Nam.

Nếu có ý kiến cho rằng, chị được bổ nhiệm vào vị trí Tổng Giám đốc là một may mắn, nhờ sự ra đi của anh Vũ Minh Trí, chị sẽ nghĩ sao?

Tôi không phủ nhận mình có phần may mắn khi được cấp trên tạo cơ hội thể hiện khả năng ở vị trí người đứng đầu Yahoo! Việt Nam. Tuy nhiên, trong suốt 16 năm đi làm, tôi đã đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng tại Công ty Bates, Công ty ZenithOptimedia, Xone FM (kênh âm nhạc, thông tin giải trí), Yahoo! Việt Nam. Và để trở thành người dẫn đầu, tôi đã phải chứng minh được sự am hiểu thị trường cũng như khả năng đưa Yahoo! Việt Nam phát triển cao hơn nữa. Chính anh Trí là người ủng hộ tôi trước tiên và đề cử tôi với lãnh đạo Yahoo! Đông Nam Á.

Theo chị, thành công lớn nhất của anh Trí trong suốt quá trình điều hành Yahoo! Việt Nam là gì?

Anh Trí đã xác lập được một đội ngũ nhân viên làm việc hiệu quả, chọn đúng người cho mỗi vị trí. Bên cạnh đó, anh ấy cũng đã góp phần chứng minh được sự quan trọng và tiềm năng phát triển của thị trường Việt Nam, giúp Yahoo! Việt Nam khẳng định được tiếng nói của mình với Yahoo! khu vực và Yahoo! toàn cầu.

Nói như chị, có thể thấy con đường cho Yahoo! Việt Nam phát triển đã được dọn sẵn. Chị sẽ làm thế nào để chứng minh khả năng của mình?

Tôi sẽ phải đưa Yahoo! Việt Nam lên một giai đoạn mới bằng cách thuyết phục Tập đoàn triển khai nhiều sản phẩm hơn nữa tại thị trường Việt Nam, tăng trưởng số người sử dụng, thị phần, doanh số và lợi nhuận.

Điển hình như tại World Cup 2010 vừa qua, do không đánh giá cao thị trường Việt Nam nên lúc đầu Yahoo! Đông Nam Á không định triển khai trang thông tin về giải đấu bóng đá lớn nhất hành tinh này. Sau đó, tôi đã phải thuyết phục họ đưa sản phẩm này vào Việt Nam với nhiều hoạt động như xây dựng đội bóng trên mạng, giao lưu với danh thủ David Beckham, sút luân lưu ảo… Kết quả là Việt Nam chỉ đứng sau Mỹ, Indonesia về số lượng người tham gia, nhưng lại đứng đầu về việc thu hút tài trợ, quảng cáo trong hệ thống của Yahoo! trên toàn thế giới.

Sắp tới, trong chuyến thăm Việt Nam của lãnh đạo Yahoo! khu vực châu Á - Thái Bình Dương, tôi sẽ phải chứng minh tiềm năng của thị trường Việt Nam trước 30 lãnh đạo cấp cao để thuyết phục họ đầu tư mạnh hơn vào Việt Nam.

Chị đang triển khai chiến lược mới nào cho Yahoo! Việt Nam?

Bên cạnh việc tiếp tục tăng trưởng số lượng người sử dụng, tôi sẽ xây dựng một hình ảnh Yahoo! Việt Nam trẻ trung, năng động hơn. Trước đây, Yahoo! chỉ tập trung vào 2 sản phẩm chủ lực là Messenger và Mail. Hiện nay, tính năng giải trí đã được chú trọng nhiều hơn thông qua các sản phẩm tin tức, thể thao, games. Dự kiến, Công ty sẽ tung ra nhiều sản phẩm mới vào quý III và quý IV sắp tới.

Bên cạnh đó, tất cả các tính năng sẽ được nâng cao và tăng khả năng liên kết và tương tác, chẳng hạn, đối với Yahoo! Messenger, người dùng có thể chơi games hay gọi điện từ máy tính tới điện thoại chứ không chỉ đơn thuần từ máy tính tới máy tính như trước.

Yahoo! cũng sẽ mở rộng hợp tác với mọi đối tác để cùng phát triển ngành công nghiệp trực tuyến như hợp tác với nhà phát triển games Match Moves để tung ra Yahoo! Games, hay thương thảo với 2 đối tác chiến lược lớn khác nhằm góp phần thúc đẩy mục tiêu tăng trưởng thêm 20 triệu người dùng internet tại Việt Nam trong 5 năm tới.

Yahoo! Việt Nam dưới thời một “nữ tướng” sẽ có gì khác so với trước?

Tôi không phân bì sếp hay nhân viên mà luôn dành sự tôn trọng đối với mọi người nhằm tạo ra một không khí làm việc thoải mái nhất theo tinh thần “làm hết sức, chơi hết mình”. Tuy nhiên, tôi sẵn sàng áp dụng các biện pháp mạnh nếu có nhân viên làm ảnh hưởng đến tổ chức. Lúc trước, anh Trí chưa từng cho ai nghỉ việc, nhưng tôi vừa mới quyết định cho một người ra đi vì thái độ làm việc không tốt và không hiệu quả của anh ta.

Vừa mới nhận chức chị đã dùng biện pháp mạnh trong quản lý nhân sự. Chị có sợ sẽ gây bất mãn trong nội bộ?

Tôi nhớ có một câu nói: “Lãnh đạo là được thấu hiểu ít nhất và bị săm soi nhiều nhất”. Câu nói đó phản ánh thách thức rất lớn mà người đứng đầu luôn phải đối mặt, trong đó có việc làm sao để nhân viên hiểu được mình luôn tôn trọng họ và những lời nói mạnh chỉ để răn đe và ra hiệu cho họ biết đã đến lúc phải tập trung hơn.

Chị có nghĩ mình sẽ “tồn tại” lâu hơn anh Trí tại Yahoo! Việt Nam?

Cho đến nay, mọi việc vẫn tiến triển tốt. Trước mắt, tôi sẽ tập trung cho mục tiêu từ nay đến cuối năm: hoàn thành tăng trưởng doanh thu 90% còn lại để hoàn tất chỉ tiêu tăng trưởng 200% năm 2010 so với năm 2009. Đó sẽ là câu trả lời tốt nhất về khả năng điều hành của tôi.

Dĩ nhiên, nếu một ngày nào đó Yahoo! tìm được người giỏi hơn tôi sẵn sàng ra đi. Nhưng tôi nghĩ mình sẽ gắn bó với vị trí này từ 3-5 năm nữa để mọi người nhìn thấy được sự tăng trưởng toàn diện ở cả giá trị thương hiệu, thị phần và doanh thu của Công ty, chứ không phải vì chiếc ghế Tổng Giám đốc.

CEOVN.com

Thứ Ba, 27 tháng 7, 2010

Mai Kiều Liên - chất lượng sản phẩm là cách PR tốt nhất

Là công ty Việt Nam đầu tiên thắng thế trước các đối thủ nước ngoài ngay trong lĩnh vực không có bảo hộ của Nhà nước, Vinamilk chính là mô hình phát triển bền vững dựa trên nguồn nhân lực Việt. Bà Mai Kiều Liên, Chủ tịch hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Vinamilk đã chia sẻ cùng Thanh Niên Tuần San bí quyết để Vinamilk vẫn liên tục phát triển ngay trong cuộc suy thoái kinh tế vừa qua.

Thật ấn tượng khi biết năm 2009, về doanh thu, Vinamilk có mức tăng trưởng 30%, bên cạnh đó, sản lượng cũng tăng 28%. Điều này có nghĩa có nghĩa là Vinamilk đã tăng được thị phần của mình. Trên đà thắng lợi này, hẳn kế hoạch cho năm 2010 sẽ đầy tham vọng?


Chúng tôi nói với nhau năm nay là năm hổ, Vinamilk phải bứt phá nhanh như hổ. Lấy mốc năm nay để tính cho 3-5 năm tới. Mục tiêu đề ra là năm 2012 phải đạt doanh số 20.000 tỉ đồng (tương đương 1 tỉ đô la Mỹ), đứng vào top 50 công ty sữa có doanh thu cao nhất trên toàn thế giới. Hiện tại không ai nghĩ VN là đất nước về sữa, người nước ngoài vẫn nghĩ VN mạnh về lúa, gạo, trái cây… Vì vậy, Vinamilk cố gắng xây dựng hình ảnh một công ty sữa lớn mạnh không chỉ ở VN, sản xuất sữa để phục vụ đủ nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.


Riêng kế hoạch cụ thể năm 2010 là tập trung tăng tốc, duy trì những gì đạt được và tiếp tục tăng trưởng trên 30%, đặc biệt là tập trung cho chiều sâu. Ngoài ra, chúng tôi cũng cho xây dựng thêm 2 nhà máy chế biến sản phẩm sữa tươi tiệt trùng và sữa bột cho trẻ em, đưa công suất sản xuất (quy ra sữa tươi) từ 800 triệu lít hiện nay lên 1,2 tỉ lít/năm.


Với nhà máy có công suất chế biến sữa tươi lên đến 1,2 tỉ lít/năm, Vậy đàn bò sữa ở VN có đủ đảm bảo cung cấp nguyên liệu không, thưa bà?


Riêng sản phẩm sữa tươi 100% thì Vinamilk chúng tôi hoàn toàn có đủ nguồn sữa tươi để sản xuất, thậm chí chúng tôi còn dư nguyên liệu cho sữa chua nữa. Nhưng chúng tôi cũng biết với tốc độ tăng trưởng mỗi năm 30-40% như thế này, thì đàn bò trong nước không thể phát triển kịp. Vì vậy, nhiều năm nay Vinamilk đã có chiến lược thành lập tại Tuyên Quang, Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Định, Lâm Đồng những trang trại bò tiên tiến, mỗi trại nuôi từ 2.000 - 3.000 con và chuẩn bị mở rộng thêm các trang trại chăn nuôi tại Bình Dương, Sóc Trăng,... Sau đó chuyển giao con giống, kỹ thuật cho nông dân ở xung quanh vùng. Chỉ có tận dụng sức dân, để dân cùng hợp tác với mình thì mới đáp ứng đủ vùng nguyên liệu.


Tuy nhiên, muốn tận dụng sức dân cũng phải hết sức cẩn thận và có chiến lược rõ ràng, vì đã có bài học là phát triển rầm rộ nhưng không thành công. Ở mỗi vùng nguyên liệu, Vinamilk đều đặt nhà máy chế biến sữa ở đó, vì đặc thù của sữa tươi vắt ra là phải làm lạnh 4 độ C ngay, sau đó đem đi chế biến trong bán kính cao nhất chỉ 300 km để đảm bảo giữ chất lượng sữa.


Ở khâu sản xuất thì quy hoạch vùng nguyên liệu và sản xuất liền kề như thế để đảm bảo chất lượng sữa. Nhưng bà có biết ở nhiều nơi, người ta bán sữa chua Vinamilk mà không bảo quản lạnh? Nếu không được bảo quản lạnh, con men trong sữa chua sẽ bị chết, chất lượng sữa chua không còn. Vậy bà có khuyến cáo gì đối với các điểm bán hàng, người tiêu dùng không?


Mỗi năm Vinamilk vẫn đầu tư hàng trăm tỉ đồng mua xe lạnh và các trang thiết bị bảo quản hàng chuyên dụng cho các sản phẩm sữa chua để đi về vùng sâu vùng xa. Riêng về tủ lạnh hiện Vinamilk đã trang bị mười mấy ngàn chiếc và mỗi năm chúng tôi vẫn đầu tư thêm. Ở những vùng sâu vùng xa, sản phẩm không được bảo quản lạnh như thế là sai. Trên mỗi thùng sản phẩm, Vinamilk đều có hướng dẫn rõ, nếu để 6 độ C, sản phẩm bảo quản được 45 ngày. 10 độ C thì 30 ngày, còn để 15 độ thì chỉ bảo quản được 20 ngày thôi.


Có phải vì mục tiêu đạt 20.000 tỉ đồng trong năm 2012 mà Vinamilk liên tục tung ra sản phẩm mới, như mới đây là sản phẩm cà phê Vinamilk?


Hiện Vinamik có hơn 200 chủng loại sản phẩm. Mỗi ngày, có gần 10 triệu sản phẩm Vinamilk được bán ra trên thị trường. Có thể thấy đa dạng hóa sản phẩm là cách tất yếu. Riêng về sản phẩm cà phê hòa tan Vinamilk thì chúng tôi muốn hướng đến sức khỏe. Cà phê Vinamilk là 100% nguyên chất, không pha trộn. Vì vậy, chúng tôi sử dụng thương hiệu mẹ, bởi Vinamilk đồng nghĩa với đảm bảo chất lượng trên 30 năm nay.


Sau hơn 30 năm gắn bó với Vinamilk, trong đó, gần 18 năm ở vị trí Tổng giám đốc và 4 năm ở vị trí Chủ tịch hội đồng quản trị, đâu là điều bà cảm thấy tâm đắc nhất ở một công ty lớn này?
Điều mà tôi tâm đắc nhất chính là chúng tôi đã xây dựng được văn hóa Vinamilk. Con người ở Vinamilk thì có nhiều nguồn, có người đã gắn bó hơn 30 chục năm ở đây, có người mới vào dưới 5 năm, nhưng chúng tôi luôn tâm niệm Vinamilk là gia đình thứ hai của mình. Mọi người chia sẻ với nhau không chỉ trong công việc mà mọi thứ trong cuộc sống, cùng giúp nhau vượt khó.

Xin cảm ơn bà vì cuộc trò chuyện này.

Nguyễn Trần Bạt - Từ cậu bé bán nước chè dạo đến ông chủ tập đoàn

Từ một cậu ấm nhưng sau một biến cố của cuộc đời, Nguyễn Trần Bạt đã phải đi bán nước chè dạo ở Ga Hàng Cỏ lúc mới 7 tuổi. Nhưng mấy chục năm sau, cậu bé ấy đã trở thành người chuyên cung cấp dịch vụ cho các tập đoàn đa quốc gia. Hiện ông Bạt là Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc của Invest Consult Group với doanh thu hàng triệu USD mỗi năm.

Phải giải phóng mình khỏi sự nghèo khổ, ngu dốt, tầm thường

Ông đã từng trải qua những giai đoạn khó khăn trong cuộc đời, thậm chí có lúc đã phải mất đứa con gái vì không đủ tiền chữa bệnh cho con... Những năm tháng khốn khó ấy có ý nghĩa như thế nào đối với ông?

Tôi ở Nghệ An ra Hà Nội năm lên 9 tuổi. Trước cách mạng, ông nội tôi là địa chủ, ông ngoại tôi cũng là địa chủ. Lúc còn thanh niên, bố tôi học ở Hà Nội và đỗ tú tài.

Bố tôi vào Đảng từ những năm 1940, nhưng sau đó phải tạm dừng sinh hoạt Đảng cho đến năm 1960 vì là con địa chủ. Những bế tắc trong đời sống chính trị của bố, làm cho mẹ tôi phải đi ra Hà Nội để tìm lối thoát cả vật chất lẫn tinh thần, và tôi cũng theo mẹ ra đi từ năm 9 tuổi.Gia đình tôi lúc bấy giờ rất khốn khó. Bố tôi là một ông tú mà phải đi bán thuốc lá dạo, tôi thì bán nước chè ở Ga Hàng Cỏ (Hà Nội), cả nhà tôi đều phải làm như thế cả.Tôi từ một cậu ấm đã trở thành một đứa trẻ nghèo, ra đường lao động để kiếm sống. Cái đấy có lợi hay có hại tùy theo cách đánh giá, nhưng với tôi nỗi đau khổ ấy là một thực tế giày vò trong nhiều năm tháng.

Được biết ông vừa mới hoàn thành một quyển sách được đặt tên là “Tự do”?

Tôi xem nghèo khổ là một trong những yếu tố làm mất tự do của đời sống của con người. Rất đáng buồn là xã hội chúng ta có một thời kỳ rất dài thi vị hóa sự nghèo khổ và kỳ thị sự giàu có như một đối tượng vô đạo.Người ta chỉ tìm thấy sự xấu xa ở những người giàu có và chỉ nhìn thấy đạo đức ở những kẻ nghèo khổ. Những định kiến như thế kéo lùi chúng ta bao nhiêu năm.Cần phải phá bỏ quan niệm như thế. Người giàu vẫn phải có đạo đức, phải làm thế nào để giàu có trong đức hạnh của mình, cái đấy là rất quan trọng.Có một số kẻ trước đây nghèo khó bây giờ có tiền rồi thì cho con mua ô tô, mua xe máy @, SH..., nhìn những ví dụ như vậy tôi rất thương. Những con người nghèo khó về vật chất đang biến dần thành những người nghèo khó về mặt tâm hồn, đến mức ngay cả khi không còn nghèo khó về mặt vật chất nữa thì sự nghèo khó về mặt tâm hồn vẫn tiếp tục ám ảnh cuộc đời họ.Còn tôi ý thức sự nghèo khó về mặt vật chất và phấn đấu để thoát khỏi nó, nhưng tôi vẫn tâm niệm phải giữ nguyên được những giá trị khác.

Ông quan niệm thế nào về tiền bạc?

Tôi cho rằng sự giàu có là một tất yếu mà con người phải phấn đấu. Mỗi một con người phải phấn đấu để có nhiều thứ, trong đó quan trọng nhất là phấn đấu để giải phóng mình ra khỏi sự nghèo khổ, phấn đấu để giải phóng mình ra khỏi sự ngu dốt và phấn đấu để giải phóng mình ra khỏi sự tầm thường.Đấy chính là ba cái nấc để mô tả lộ trình phấn đấu của con người. Có thể có người làm dần từng bước, có thể làm song song cả ba việc hoặc hai việc.

Ông đã cho ra đời 3 cuốn sách mang tính suy tưởng triết học. Ông viết sách vì muốn đưa cuộc đời vào sách, đưa sách vào cuộc đời hay vì một sự thôi thúc nào đó?

Tôi là một người không thiếu tiền, nhưng tôi yêu cuộc đời giống như một người bạn nghèo, tôi yêu cả nhược điểm của nó. Ai đó có thể căm thù, ghét bỏ, phê phán người nọ, người kia, nhưng ở tôi không có điều ấy.Tôi yêu cuộc đời một cách chân thật, yêu cả khuyết tật, nhược điểm của nó. Nền kinh tế bao cấp đối với tôi có những khía cạnh khó khăn, khổ sở nhưng cũng có cả những khía cạnh trìu mến, vì nền kinh tế bao cấp chứa đựng rất nhiều kỷ niệm tinh thần của tôi. Đi thanh niên xung phong, đi bộ đội, rồi những vấp váp trong cuộc đời có thể để lại cho tôi những vết sẹo, nhưng tôi xem những vết sẹo ấy như những kỷ niệm về một thời ấu trẻ.Tôi chưa bao giờ căm thù nó cả. Tôi viết sách là để thể hiện tình yêu của tôi đối với cuộc sống, để góp một phần nho nhỏ của tôi vào sự hợp lý hóa đời sống tinh thần của con người và tôi làm việc ấy một cách yên lặng, một cách âm thầm.

Lập Công ty để “phiên dịch” cho hai hệ thống kinh tế

Con đường doanh nhân của ông được hình thành như thế nào?

Từ những thay đổi của thời cuộc vào cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, khi Liên Xô và Đông Âu tan rã, tôi đã đi đến suy nghĩ rằng chúng ta phải mở cửa. Khi đó, sẽ có hai cộng đồng người gặp nhau, ở mức độ nhất định chúng ta chưa biết gì về ngoại thương, về ngân hàng…, còn những người nước ngoài thì biết tất cả nhưng chưa biết gì về xã hội Việt Nam.Hai cộng đồng người ấy gặp nhau sẽ cần người “phiên dịch”. Cty Invest Consult Group ra đời để đóng vai trò người “phiên dịch”, và tôi kiếm tiền bằng việc “phiên dịch” sự khác biệt giữa hai hệ thống kinh tế, chính trị, xã hội, giữa phương Tây phát triển và Việt Nam đang đi tìm con đường phát triển.Đến bây giờ vai trò ấy vẫn chưa hết, tuy nhiên, sự “phiên dịch” được tập trung vào những đối tượng tinh tế hơn, phức tạp hơn và trên những khía cạnh phong phú hơn.

Ông đã gặp những khó khăn gì khi đóng vai trò “phiên dịch” cho hai hệ thống đó?

Xã hội chúng ta là xã hội sùng bái công nghiệp, vì thế tất cả các đối tượng phi công nghiệp đều bị ngờ vực và tôi bị ngờ vực là đương nhiên. Tôi có nghĩa vụ phải giải thích với xã hội, giải thích với các nhà lãnh đạo rằng cái mà chúng tôi làm là cái mà xã hội cần.Năm 1989, tôi có tổ chức một cuộc hội thảo tại thành phố Hồ Chí Minh về xây dựng thị trường tài chính và thị trường chứng khoán Việt Nam. Sau đó, tôi đã được gọi lên để chất vấn và chịu kỷ luật về việc truyền bá những khái niệm “nhạy cảm”... Xã hội chúng ta đã từng có một thời với những chuyện như thế.

Chúng ta chưa có văn hóa doanh nhân

Là một doanh nhân thành đạt, ông nhận xét gì về doanh nhân và văn hóa doanh nhân ở Việt Nam hiện nay?

Hình ảnh của doanh nhân Việt Nam đang hình thành và rõ nét dần cùng với hình ảnh nền kinh tế Việt Nam, cho nên, chúng ta cùng xây dựng các đường nét phác thảo chứ không nên vẽ các ví dụ cụ thể để cố định hóa nhận thức của thế hệ trẻ về cái gọi là doanh nhân.Tại sao tôi lại nói như vậy? Bởi vì, theo tôi, có đến 70-80% các doanh nhân Việt Nam vẫn kiếm lợi dựa vào việc khai thác các mặt hạn chế của thể chế của chúng ta về kinh tế. Chúng ta chưa có văn hóa doanh nhân. Xã hội chúng ta mới bắt đầu những bước chập chững đầu tiên để xây dựng một cộng đồng doanh nhân.Văn hóa doanh nhân là những đặc trưng được kết tinh bởi kinh nghiệm hoạt động của doanh nhân, chúng ta mới bắt đầu những bước đầu tiên, chúng ta chưa có nền văn hóa như vậy. Chúng ta không nên nêu vấn đề ấy để cưỡng bức xây dựng một nền văn hóa doanh nhân. Văn hóa doanh nhân sẽ đến cùng với sự hình thành của nền kinh tế.

Việt Nam hội nhập vào WTO mà chưa có văn hóa doanh nhân, liệu có đáng lo, thưa ông?

Không! 3/4 hay 4/5 nhân loại đều gia nhập WTO và đều ngẩn ngơ như người Việt cả nhưng có ai chết đâu. Tại sao chúng ta lo lắng? Chúng ta tưởng rằng chúng ta là anh hùng, chúng ta vĩ đại, chúng ta sợ mất tiếng, chúng ta sợ lép vế nhưng chúng ta cũng giống như thiên hạ thôi, chúng ta sẽ phát triển cùng thiên hạ. Không cần phải lo chuyện chúng ta vào WTO mà chưa có văn hóa doanh nhân.

Xin cảm ơn ông.

Bằng MBA có làm nên một CEO giỏi?

(dịch theo Herminia Ibarra và Morten T. Hansen - Harvard Business Publishing )

CEO có bằng MBA sẽ có khả năng điều hành tốt hơn? Câu trả lời có lẽ phụ thuộc vào tuổi tác của họ.

Lấy cảm hứng từ cuộc tranh luận dữ dội năm trước xung quanh vài trò của bằng MBA đối với cuộc khủng hoảng kinh tế, chúng tôi đã cố gắng phân tích ảnh hưởng của bằng MBA đến năng lực tổng thể của một CEO. Trong một cuộc nghiên cứu quy mô lớn về năng lực của các CEO kể từ khi họ bắt đầu công việc, chúng tôi nhận ra rằng khi làm các công việc tương đương với nhau, những CEO có bằng MBA có năng lực cao hơn so với những người đồng nghiệp không có bằng MBA.


Trong bảng phân tích và xếp hạng của chúng tôi về hơn 2.000 CEO trên toàn cầu, những CEO có bằng MBA thường xếp hạng trung bình cao hơn 40 bậc so với những CEO không có bằng MBA.
Vì sao lại có những kết quả như vậy? Có đơn giản là thực tế những CEO được đào tạo MBA, được trang bị tốt hơn để chỉ đạo một công ty? Và những kết quả này, có thể giúp cho những khóa đào tạo MBA thoát khỏi những lời chỉ trích về vai trò của nó trong việc tạo ra những quy tắc và những chiến lược sai lầm, dẫn tới cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay?


Có lẽ nó không đơn giản như vậy. Để suy nghĩ thấu đáo về vấn đề này, chúng ta hãy nhìn lại những sự thay đổi trong chương trình đào tạo MBA vài thập kỷ qua. Theo những tài liệu của Rakesh Khurana, đã có những sự thay đổi lớn trong chương trình đào tạo MBA trong vòng 20 năm qua. Theo đó, những chương trình giảng dạy và giáo viên đã có một sự thay đổi lớn. Từ việc đưa ra những đề tài chung vốn được dạy bởi những giảng viên có kinh nghiệm thực tiễn trong việc kinh doanh sang việc đưa ra những đề tài chuyên ngành (đọc: phân tích), được dạy bởi những giảng viên chuyên nghiên cứu. Điều đó đã khiến cho nó ngày càng xa rời với thực tiễn quản lý.

Vì vậy, chúng tôi tự hỏi liệu bằng MBA có khác biệt cùng với sự khác biệt về tuổi tác của các CEO? Một giả thuyết cho rằng việc có bằng MBA sẽ giúp ích cho các CEO khi nó ít mang tính thương mại, và những kiến thức kinh doanh không chỉ là sự chung chung. Đó là những khóa học về "nghệ thuật chứ không phải khoa học". Có phải giá trị thực tế của bằng MBA đang đi xuống theo thời gian? Đó cũng là một giả thuyết. Một giả thuyết khác cho rằng giá trị của bằng MBA đang ngày càng tăng lên: vì thế mười nghìn sinh viên theo đuổi ngành kinh doanh có thể đọc được chính xác những tín hiệu của thị trường. Bạn nghiêng về giả thuyết nào?

Hãy thử nhìn vào vấn đề tuổi tác. Độ tuổi trung bình để trở thành một CEO là 52. Khi chúng tôi giới hạn độ tuổi của CEO nghiên cứu xuống dưới 50, xếp hạng về ưu điểm của việc có bằng MBA đã tăng lên: đối với nhóm "dưới 50" nó đem lại nhiều lợi ích hơn (cao hơn từ 40 - 100 bậc trong bảng xếp hạng). Điều đó có nghĩa, đối với nhóm CEO "trẻ", việc có bằng MBA nghĩa là họ có năng lực tốt hơn so với những người không có.

Chúng tôi cũng chia nhóm CEO mà mình nghiên cứu theo năm, việc chia nhóm nghiên cứu được tính từ năm 2000 (tức là sắp xếp các CEO thành nhóm bắt đầu làm việc từ trước và sau năm 2000). Chúng tôi nhận ra rằng việc có bằng MBA có vai trò quan trọng hơn đối với nhóm CEO bắt đầu công việc từ trước năm 2000 (cao hơn từ 40 - 108 bậc trong bảng xếp hạng). Nghĩa là, đối với nhóm "trước 2000", CEO có bằng MBA có năng lực tốt hơn so với những người không có.

Vậy, nếu bạn còn "trẻ" (trở thành CEO trước 50 tuổi), và bắt đầu công việc điều hành từ trước năm 2000, bạn có yêu cầu cao hơn về bằng cấp của mình.

Đối với những CEO già hơn, lợi ích của bằng MBA thường đến từ trước năm 2000 chứ không phải sau năm 2000.

Những "ảnh hưởng theo năm" như vậy đặt ra một vấn đề quan trọng: Có phải giá trị của bằng MBA trong việc lãnh đạo đang đi xuổng? Hay nó đã trở nên quan trọng hơn bao giờ hết khi chúng ta đang chìm đắm vào một thế giới kinh doanh không lấy gì chắc chắn trong thập kỷ mới này?

* MBA : Master of Business Administration - bằng thạc sỹ chuyên ngành quản trị kinh doanh

Chủ Nhật, 25 tháng 7, 2010

Cựu chủ tịch PepsiCo khu vực Đông Dương: Sống để yêu thương


Người đảo ngược thế cờ cuộc chiến “đỏ và xanh” (Coca-Cola và Pepsi) tại thị trường Việt Nam, đưa Pepsi “qua mặt” Coca-Cola, liên tục tạo nên những kỳ tích bằng “cách nghĩ toàn cầu, văn hoá Việt Nam”, chính là anh.

Việc Phạm Phú Ngọc Trai rời PepsiCo, trở thành nhà tư vấn chiến lược cho các công ty Việt Nam ở đoạn cuối của cuộc đời là một lựa chọn đầy thách thức.

Là CEO đầu tiên và lâu dài của tập đoàn đa quốc gia hùng mạnh ngay sau khi Mỹ bỏ lệnh cấm vận, 18 năm vượt qua bao giông gió thời mở cửa, đưa đội ngũ hội nhập sâu vào môi trường kinh doanh toàn cầu, anh không chỉ mang về cho PepsiCo những con số ấn tượng, mà sau đó là chuỗi giá trị chuẩn mực trong hành xử của một doanh nghiệp, hướng đến sự phát triển bền vững.

Từng trải qua những ngày cầm chai nước ngọt đi chào hàng để gầy dựng Tribeco, từng có cổ phần lớn trong một số công ty tên tuổi, nhiều bạn bè thắc mắc sao anh không theo đuổi nghiệp làm giàu như các đại gia, mà lại chọn con đường trở thành nhà quản trị, dù sao cũng chỉ là một… giám đốc làm thuê?

Nhiều khi tôi cũng tự hỏi mình như thế, bởi không ít cơ hội để tôi làm giàu, kiếm tiền nhiều hơn. Nhưng tôi không tiếc, có ai muốn kinh doanh chỉ để trở thành trọc phú đâu. Thước đo lợi nhuận tuỳ thuộc vào suy nghĩ, lý tưởng của mỗi người.

Ngay từ thời còn trẻ, đang làm bia hơi Hải Âu rất phát đạt, qua Đức, thấy nhà máy của họ hiện đại quá, tôi mơ ước đem về Việt Nam, và gầy dựng Tribeco. Khi đất nước còn cấm vận, bằng mối quan hệ của mình, tôi đã cùng vài người bạn trực tiếp đàm phán không nhờ tư vấn với Coca-Cola trước, để rồi lại chọn Pepsi đưa vào Việt Nam qua liên doanh tay ba SP.CO (Việt Nam, Macondary Company Inc (Singapore) và PepsiCo).

Ở tuổi 30, đảm nhận vị trí chủ chốt một doanh nghiệp lớn của Mỹ là tham vọng, thách thức về khả năng. Bản tính tôi là người rất hiếu kỳ, nên lúc nào cũng muốn học, cộng thêm tính tự ái dân tộc, nên muốn làm việc trong môi trường đa quốc gia, để chứng tỏ khả năng của người Việt Nam.

Quản trị một số vốn vài tỉ khác biệt nhiều lắm so với vài ngàn tỉ. PepsiCo là môi trường rất tốt để tôi được tiếp xúc với cái mới, hội nhập được với những xu hướng marketing hiện đại từ sớm nhất để xây dựng thương hiệu. Suy nghĩ quốc tế nhưng hành động rất địa phương, thấm nhuần văn hoá Việt Nam, biết gắn bó với cộng đồng, có như vậy mới tạo được sự khác biệt, bền vững.

Con người chiến lược trong tôi được hình thành từ tính cách, tri thức, kinh nghiệm, cộng thêm bản tính của một người rất ham hoạt động xã hội… khiến tôi lúc nào cũng muốn dấn thân.

Trong kinh doanh, có bao giờ anh phải tranh cãi quyết liệt để bảo vệ chủ kiến của mình?

Tôi còn nhớ một lần, khi xu hướng khuyến mại trúng thưởng bằng xe máy, xe hơi đang nở rộ, thì miền Trung, miền Nam bị lũ lụt nặng nề. Tôi đã tranh cãi dữ dội để gác bỏ hết các chương trình khuyến mại khác, tập trung PR cho chiến dịch “Uống một lon Pepsi là dành 50 đồng ủng hộ đồng bào lũ lụt”.

Rất nhiều người lúc đó nghi ngờ, phản đối quyết liệt, nhưng tôi có niềm tin. Cái được lớn nhất là khách hàng biết Pepsi luôn sống với hơi thở của đồng bào mình, gắn bó với quê hương mình. Chữ “đồng bào” của người Việt mình lớn lắm, tinh thần lá lành đùm lá rách lớn lắm. Đây cũng là một khái niệm hết sức mới mẻ trong marketing.

Tôi rất vui là sau khi PepsiCo phát động, phong trào đã trở thành phản ứng dây chuyền, một số công ty khác cũng làm theo. Giá trị vật chất nhỏ thôi nhưng ý nghĩa rất lớn, doanh nghiệp bắt đầu có ý thức cộng đồng mạnh hơn. Một công ty thành công phải là một công dân xã hội tích cực.

Sau 18 năm làm việc tại PepsiCo, anh đã học được điều gì từ những người lãnh đạo tập đoàn, để chinh phục họ, và tạo lập niềm tin?

Đó là tầm nhìn của một công ty đa quốc gia, tính thực tế và những nguyên tắc trong quy trình quản trị để có những quyết định vượt lên chính mình, có thể làm những điều tốt đẹp cho chính tập đoàn, bảo đảm sự phát triển bền vững, sòng phẳng, không bị lay động bởi những yếu tố chủ quan.

Ngoài khả năng quản lý, lòng tự trọng của một người Việt Nam mới là cái để người ta quý trọng, anh em đến với mình. Chính lòng tự trọng khiến mình phải học hỏi nhiều hơn, vượt qua thách thức nhiều hơn, để chứng tỏ sự vượt trội trong quản trị. Ngoài việc học hỏi người ta, mình phải có cách đi, cách làm của mình, không để họ coi thường về văn hoá, từ đó mới tạo được giá trị cho công ty.

Trải qua nhiều bước ngoặt, nhiều cuộc chia tay, cuộc chia tay với PepsiCo có khiến anh hụt hẫng không? Là người theo đuổi dài lâu công việc trồng người, vì sao anh không tìm được người Việt Nam kế nhiệm xứng đáng?

Tôi là người luôn nghĩ tới phía trước, ít nuối tiếc, nên không cảm thấy hụt hẫng. Đây là cuộc ra đi mà tôi đã chủ động chuẩn bị chuyển giao từ năm năm nay. Dĩ nhiên buồn man mác, vì không có người Việt kế nhiệm ở PepsiCo. Từ mười năm nay tôi đã có ý định, kế hoạch thực hiện ở mức độ nào đó rồi. Lớp trẻ về khả năng lãnh đạo thì có, nhưng thiếu sự xông pha, dám hy sinh, thoát khỏi những tham vọng thông thường để có tham vọng lớn, và có lẽ do mình không đủ khả năng xây dựng, kiến thiết, lèo lái… Rất đáng tiếc.

Ở tuổi này, sao anh không yên ổn với những công việc kinh doanh của gia đình như làm resort, kinh doanh bất động sản, mà lại tiếp tục dấn thân với GIBC?

Khởi đầu một sự nghiệp mới lúc này, nhiều người cho là tôi… điên! Ước vọng từ lâu của tôi là muốn chia sẻ kinh nghiệm sau nhiều năm làm việc với PepsiCo cho các doanh nghiệp Việt Nam. Quản trị doanh nghiệp với quy mô ngày càng lớn đi kèm với những yêu cầu bức thiết về đa dạng hoá sản phẩm và dịch vụ, đổi mới công nghệ, gia tăng nguồn nhân lực. Nhưng làm thế nào để doanh nghiệp Việt Nam có thể từng bước chuyển mình? Mô hình, cấu trúc nào sẽ góp phần quyết định thắng lợi dài lâu?

Tái định hình, tái cấu trúc, tái tổ chức là những đòi hỏi bức thiết. Với sứ mệnh cùng doanh nghiệp kiến tạo sự phát triển và trường tồn, GIBC mong mỏi sát cánh cùng doanh nghiệp Việt Nam để tạo dựng sự nghiệp kinh doanh to lớn hơn, góp phần định hình rõ nét vị trí của Việt Nam trên bản đồ kinh thương thế giới.

Đằng sau những thành công của anh, cũng không ít mất mát, thất bại. Thất bại nào đối với anh là lớn nhất? Anh suy nghĩ gì sau tất cả những mất mát ấy, để cân bằng lại chính mình?

Thất bại thì nhiều, nhưng nghĩ cho cùng tôi không thấy tiếc những gì đã làm. Lao vào kinh doanh khi còn đầu xanh tuổi trẻ, bây giờ nhìn lại, mới thấy mình đi quá nhanh, đôi lúc rất mệt mỏi, chạnh lòng, nhưng chưa bao giờ gục xuống. Tôi chỉ bị “đánh bại” bởi những gì liên quan đến tình cảm, chứ chưa bao giờ ray rứt vì những lao lực trong kinh doanh.

Để cân bằng chính mình, tôi tìm đến những tình yêu đích thực, trở về nhà, tìm tới những người bạn thân, hay qua thăm mẹ. Xung quanh mình có nhiều điều tốt, nhiều người tốt lắm… Là người đàn ông quá đam mê công việc, nên tôi có ít thời gian để vun xới, chăm lo cho những người thân yêu, cho gia đình, bè bạn.

Tôi thấy mình có lỗi nhiều, nhưng hy vọng có được sự thấu hiểu của người thân về sự dấn thân của mình, về những giá trị mà mình đã mang lại cho cuộc sống. Bạn bè, con cái ngưỡng mộ mình không phải vì mình là chủ tịch PepsiCo, mà sẵn sàng tha thứ cho mình vì những giá trị mà mình đã chia sẻ. Tôi tin thế.

Trong mối quan hệ giữa con người với con người, anh coi trọng điều gì nhất? Có bao giờ anh gặp phải sự phản bội, đổ vỡ niềm tin?

Trong kinh doanh và cả cuộc sống, tôi coi trọng nhất là sự trung thực. Có thể lầm lỗi, thất bại, nhưng nếu sự trung thực hiện hữu thì mình sẵn sàng tha thứ, động viên, tạo cơ hội. Cuộc sống không phải lúc nào cũng suôn sẻ, có nhiều điều không như mong đợi của mình, có lúc hụt hẫng, thất vọng, nhưng tôi không vì thế mà mất niềm tin. Quan điểm sống của tôi là sống để yêu thương, nhưng nếu yêu thương không đến thì mình ứng xử theo kiểu Trịnh Công Sơn: Tôi ơi, đừng tuyệt vọng. Khi mình sống có niềm tin, sẽ thấy yêu cuộc sống hơn, dễ tha thứ và bao dung hơn với người khác.

Là người sống vì bạn, theo anh gìn giữ được tình bạn tri âm tri kỷ có khó không? Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã từng viết tặng anh bài hát "Sóng về đâu", tình bạn này đã mang lại cho anh điều gì?

Tôi may mắn có nhiều bạn, nhất là bạn bè trong giới nghệ sĩ. Bạn bè là nơi tôi chia sẻ mọi vui buồn, hạnh phúc, giúp tôi vơi đi những đau khổ. Để có được tình bạn tri âm, mình phải gìn giữ và nuôi dưỡng bằng sự chân thành, bằng mối thâm tình. Điều đó không khó, cũng không dễ, tuỳ theo tấm chân tình của mình đối với bạn thôi. Sự chân tình đem đến tình bạn bền vững. Tôi luôn áy náy mỗi khi không gọi điện thoại lại cho một người bạn, không hẹn hò được một buổi cơm tối với con. Bạn bè là nguồn động viên, khích lệ, giúp tôi có trách nhiệm hơn với những điều mà mình theo đuổi.

Người chia sẻ với tôi nhiều nhất trong kinh doanh chính là anh Sơn, mặc dù anh không biết gì về kinh doanh, nhưng triết lý kinh doanh của tôi ảnh hưởng rất nhiều từ triết lý trong âm nhạc của anh Sơn. Anh từng viết biển sóng, biển sóng đừng xô nhau, nơi nào đó có sự giàu có thì nơi khác sẽ có người bị mất đi… Triết lý của anh rất thực tế, đó là luật bù trừ mà. Trong hành xử kinh doanh, nếu không có tâm thì làm sao có thể hạnh phúc. Cuộc đời đầy bất trắc, nhưng mình đừng có hững hờ với cuộc đời, anh Sơn đã nói như thế.

Nhìn rộng ra ngoài xã hội, điều gì làm anh ray rứt nhất khi nghĩ về nhân tình thế thái? Về tình người?

Điều khiến tôi ray rứt nhất không phải là mất tiền, mất sức khoẻ, mà chính là phải chứng kiến những giá trị đạo lý đang bị đảo ngược do mối quan hệ xã hội và cuộc mưu sinh. Ngày càng nhiều những đối xử không công bằng, sự phản bội, khiến cho mối quan hệ con người mất đi sự trong sáng.

Tôi thường nói với các bạn trẻ rằng đôi lúc cần thực tế để sống, nhưng đừng nên quá thực dụng để trở thành nô lệ của đồng tiền, để bị rẻ rúng, khiến cho mình mất đi sự cân bằng. Với bạn bè, đến một ngày nào đó mà người ta đến với nhau, giúp nhau như một sự mua bán, thì đó quả thật là một bi kịch.

Anh muốn để lại điều gì cho những đứa con? Truyền thống hiếu học của dòng họ Phạm Phú đã được gìn giữ như thế nào trong gia đình anh?

Chưa bao giờ tôi nghĩ sẽ để lại cho con vật chất hay sự nghiệp, cũng không có khái niệm phân chia gia tài. Tôi muốn con sống có lý tưởng, biết chia sẻ với mọi người những giá trị sống mà người cha đã đeo đuổi, học hỏi cách đối nhân xử thế, học hỏi về tình yêu con người, để con có thể sống hạnh phúc. Tôi có thể cho con tất cả, nhưng hạnh phúc thì phải tự con tìm kiếm thôi.

Năm nào cũng vậy, gia đình tôi cùng anh em nghệ sĩ và tập thể PepsiCo luôn trở về Quảng Nam để trao tận tay các bé mồ côi cơ nhỡ những món quà nhỏ, dõi theo từng bước đi của các em trên con đường học vấn. Quảng Nam là vùng đất nghèo nhất miền Trung, chịu đựng nhiều nhất những mất mát trong chiến tranh, nhưng con người có ý chí mạnh lắm, sản sinh nhiều nhà trí thức cho đất nước, sống với nhau đùm bọc, nghĩa tình.

Tôi muốn các con tôi thấm vào máu những truyền thống đó của quê hương, dòng họ, để biết nhớ về nguồn cội, biết chăm sóc, sống vì mọi người nhiều hơn.

Bà Indra Nooyi, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc PepsiCo toàn cầu:

“Thực sự từ đáy lòng, tôi luôn mong những điều tốt đẹp nhất sẽ đến với anh Trai. Trong suốt khoảng thời gian làm việc cùng PepsiCo, anh đã gầy dựng được một công ty phát triển đáng kinh ngạc tại Việt Nam, với doanh thu và biên độ lợi nhuận đáng để tự hào. Anh đã để lại những di sản kế thừa lớn lao cho thế hệ trẻ PepsiCo sau này”.

Ông Manu Anand, Tổng giám đốc PepsiCo Đông Nam Á:

“Là một nhà lãnh đạo doanh nghiệp và một người bạn, ông Trai luôn mang đến cái nhìn độc đáo qua những hiểu biết sâu sắc về công việc kinh doanh của PepsiCo tại thị trường địa phương cũng như từ kho kinh nghiệm to lớn của ông. Tôi thường xuyên phải trông cậy vào những lời khuyên và sự tư vấn của ông, cũng như những nhà lãnh đạo khác của PepsiCo, trong quá khứ và hiện tại. Những đóng góp của ông vượt ra ngoài biên giới Việt Nam, không chỉ ở Lào, Campuchia, mà còn Brunei, Singapore và các quần đảo thuộc Thái Bình Dương…”.

CEOVN.com
Ceovn.com